9. BÀI SÁU

BÀI SÁU – MỌI TÌNH YÊU ĐỀU MANG LẠI HOA TRÁI

Không phải mọi người đều được ơn gọi tiến đến hôn nhân. Nhưng đời sống nào cũng đều nhắm tới sinh bông kết trái. Đời sống nào cũng đều có năng lực và nhu cầu nuôi dưỡng sự sống mới – nếu không qua sinh sản và nuôi dạy con cái, thì cũng qua các hình thức sinh yếu khác nhằm dâng hiến bản thân, kiến tạo và phục vụ. Hội Thánh là một đại gia đình bao gồm những ơn gọi khác nhau, nhưng tuy khác biệt nhau, các ơn gọi này đều cần đến nhau và cũng đều nâng đỡ nhau. Đời linh mục, đời tu trì, và cuộc sống độc thân giữa đời đều làm phong phú, và được trở nên phong phú, nhờ chứng tá của đời sống hôn nhân. Những cung cách khác nhau để giữ đức khiết tịnh và đời sống độc thân bên ngoài đời sống hôn nhân đều là những lối tận hiến đời mình cho công cuộc phụng sự Chúa và cho cộng đồng nhân loại.

Sự phong nhiêu thiêng liêng của đời độc thân

91. Hai trong số các bí tích của Hội Thánh đều là độc đáo ở chỗ cả hai đều tận tụy phục vụ “sự cứu độ tha nhân”. Cả bí tích Truyền chức thánh lẫn bí tích Hôn phối đều “ban ân sủng đặc biệt cho một sứ mệnh đặc thù trong Hội Thánh là phục vụ và làm gia tăng dân Chúa”[1].

92. Nói cách khác, không phải tất cả mọi người nam và người nữ đều cần phải làm cha làm mẹ về mặt sinh học để chiếu tỏa tình yêu Thiên Chúa hay dự phần vào “gia đình của các gia đình” tức là Hội Thánh. Ơn gọi sống đời linh mục, hay đời tu trì đều có tính trọn vẹn và vinh dự riêng của mỗi ơn gọi này. Hội Thánh luôn cần đến linh mục và tu sĩ, và các bậc cha mẹ phải giúp cho con cái mình biết lắng nghe tiếng Chúa có thể mời gọi chúng dâng hiến cuộc đời theo hướng đó.

93. Hơn nữa, có nhiều giáo dân độc thân lại giữ vai trò bất khả thay thế trong Hội Thánh. Hội Thánh cũng nuôi dưỡng nhiều lối sống độc thân khác nhau, nhưng tất cả những lối sống đó, cách này hay cách khác, đều là một lời mời gọi phục vụ Hội Thánh và phát triển sự hiệp thông theo những cung cách tương tự như làm cha làm mẹ.

94. Đời sống độc thân đích thực (dù là người giáo dân, người có chức thánh, hay người góa bụa) tất cả đều phải hướng về đời sống cộng đoàn hay xã hội. Làm một “người cha thiêng liêng” hay “người mẹ thiêng liêng” – chẳng hạn như một linh mục hay một tu sĩ, nhưng cũng có thể như một người cha hay người mẹ đỡ đầu, hay một người cha mẹ nuôi, hay một giáo lý viên hay một thầy cô giáo, hoặc chỉ làm một người dìu dắt hay làm một người bạn – đều là một ơn gọi đáng quý trọng, một điều gì đó thiết yếu cho một cộng đoàn Kitô lành mạnh và phát triển.

95. Thánh Gioan Phaolô II từng suy tư về những phẩm chất người mẹ của Mẹ Têrêsa, và, suy rộng ra, về sự sinh hoa trái và tính phong nhiêu thiêng liêng của đời sống độc thân một cách tổng quát hơn:

Chẳng phải chuyện lạ lùng gì khi gọi một tu sĩ là “mẹ” cả. Nhưng danh xưng này lại có một cường độ đặc biệt đối với Mẹ Têrêsa. Một người mẹ được nhìn nhận là mẹ bởi chính khả năng dâng hiến bản thân mình. Cứ nhìn xem cung cách, thái độ, lối sống của Mẹ Têrêsa là chúng ta hiểu được danh xưng đó có ý nghĩa thế nào đối với vị nữ tu này, ngoài chiều kích thuần túy thể chất, để là một người mẹ. Chính điều đó làm cho Mẹ đi đến tận cội rễ thiêng liêng của thiên chức người mẹ.

Chắc hẳn ta đã biết rõ đâu là bí quyết của Mẹ: đó là Mẹ đã được tràn đầy Chúa Kitô, và do đó, Mẹ nhìn mọi người bằng đôi mắt và trái tim của Chúa Kitô. Mẹ đã hiểu nghiêm túc lời Chúa phán: “Ta đói, các con đã cho ta ăn.” Cho nên Mẹ đã không bối rối khi “nhìn nhận ” những người nghèo là con cái Mẹ.
Tình yêu nơi Mẹ rất cụ thể và bạo dạn, thôi thúc Mẹ đi tới những nơi ít ai có can đảm đi tới, những nơi mà sự nghèo khổ khiến người ta phải ghê sợ.

Không lạ gì thiên hạ của thời đại này trở nên mê mẩn vì Mẹ. Mẹ là hiện thân của tình yêu mà Chúa Giêsu đã chỉ ra như dấu hiệu rõ rệt của môn đệ Người: “Cứ dấu này thiên hạ sẽ biết anh em là môn đệ của Thầy, đó là anh em thương yêu nhau” [2].

Những cuộc đời rạng ngời, như Chân phước Têrêsa thành Calcutta và Thánh Gioan Phaolô II, cho ta thấy rằng bậc sống độc thân trong tất cả sự đa dạng của nó, có thể là một lối sống đẹp và hấp dẫn.

Cơ sở và các khả năng của bậc độc thân

96. Ở phần đầu của tập giáo lý này, khi trích dẫn Thánh Augustinô, ta đã thấy mục đích của việc sinh con cái không chỉ là để duy trì chủng loại hoặc xây dựng xã hội dân sự mà thôi, nhưng còn là để xây đắp thành đô trên trời với niềm vui của đời sống mới. Sự phân biệt này (giữa mục đích tự nhiên của việc sinh sản và ơn gọi theo ý định Thiên Chúa để chuẩn bị cho Vương quốc Thiên Chúa sum sê hoa trái) giúp Hội Thánh có thể thực hiện một điểm xa hơn: hoàn thành định mệnh là những người nam và người nữ của mình, tất cả mọi người đều có thể trổ sinh hoa trái, mà không cần hết mọi người đều phải kết hôn.

97. Hội Thánh cho thấy hôn nhân như một ơn gọi, một khả thể. Do đó, hôn nhân không thể là một điều luật hay một yêu sách phải thực hiện để có được một đời sống Công Giáo thăng hoa[3]. Do đó, bậc sống độc thân cần tồn tại trong đời sống cộng đoàn của Hội Thánh, ngõ hầu hôn nhân là một vấn đề tự do hơn là một điều cưỡng bách. Bậc sống độc thân là một tùy chọn nếu quả thực có hơn một cách để định đoạt đời sống giới tính của mình, tính cách là nam hay là nữ cho Nước Trời. “Đời sống gia đình là ơn gọi Thiên Chúa ghi tạc vào bản tính của người nam và người nữ, và có một ơn gọi khác bổ sung cho hôn nhân: ơn gọi sống độc thân và khiết tịnh vì Nước Trời. Đó là ơn gọi chính Chúa Giêsu đã sống”[4].

98. Đời độc thân và đời hôn nhân không đua tranh với nhau. Một lần nữa, như Thánh Ambrôsiô đã dạy: “Chúng tôi không tán dương bất cứ bên nào để loại trừ bên nào….Đây là điều làm nên tính phong phú của kỷ luật Hội Thánh”[5]. Bậc độc thân và bậc hôn nhân là những ơn gọi bổ sung cho nhau, bởi vì cả hai đều công bố sự ân ái hay thân mật tính dục không thể là một sự gì để thử[6]. Cả người độc thân lẫn người kết hôn nhân đều tôn trọng cấu trúc của tình yêu giao ước và tránh hành vi thân mật có tính cách “thử” hoặc có điều kiện[7]. Cả bậc độc thân lẫn bậc hôn nhân đều bác bỏ tính dục trong bối cảnh của điều Đức Thánh Cha Phanxicô gọi là “nền văn hóa vứt bỏ”[8]. Cả bậc độc thân lẫn bậc hôn nhân đều từ khước những quan hệ tình dục chỉ nhằm thỏa mãn sự thèm khát mà thôi.

99. Giữ gìn kỷ luật của bậc sống độc thân và bậc sống hôn nhân là hai cung cách để người nam và người nữ liên đới với nhau mà không có sự lợi dụng tình dục. Độc thân và hôn nhân là hai cung cách sống duy nhất quy về kết luận này: hôn nhân là hình thức nhân bản đầy đủ cho những hành vi hướng tới việc truyền sinh dưới ánh sáng của kế hoạch Thiên Chúa vốn tiềm tàng nơi chúng ta và định hình nên cuộc sống chúng ta. Đời sống độc thân (không phải chỉ gồm các linh mục và tu sĩ có lời khấn hứa, mà bao gồm tất cả những ai sống khiết tịnh bên ngoài hôn nhân) chính là lối sống dành cho những ai không kết hôn mà vẫn tôn trọng các giao ước.

100. Tất cả những gì Hội Thánh đã dạy về sự kiện chúng ta được dựng nên để hưởng niềm vui, được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, về nhu cầu yêu thương và được yêu thương, được áp dụng một cách đồng đều cho cả người độc thân lẫn người có gia đình. Bậc sống độc thân có thể được xác định và bền vững, như trường hợp đời sống tu trì có lời khấn, hoặc trường hợp những người không thể kết hôn do khuyết tật hay có hoàn cảnh đặc biệt, hoặc chỉ độc thân thường xuyên tạm thời thôi, như trường hợp của một người trẻ đang tìm hiểu ơn gọi của mình. Trong tất cả các trường hợp này, người sống độc thân bước theo Chúa Giêsu, được triển nở nhờ dâng hiến bản thân cho Thiên Chúa, tín thác vào kế hoạch của Ngài, và xây dựng một đời sống đặt nền tảng trên tình yêu thương tha nhân với lòng lân tuất, kiên nhẫn, quảng đại, và tinh thần phục vụ.

101. Trong xã hội nào đó, nhiều người sẽ bị gạt ra bên lề nếu người ta nhìn hôn nhân như một điều bắt buộc, như thể người ta cần thiết phải có một đối tác lãng mạn để cho đủ bộ. Đời sống độc thân trong Hội Thánh nhất quyết chống lại tư tưởng lầm lạc này. Chẳng hạn, những người góa bụa thường bị gạt qua một bên trong những xã hội truyền thống, còn những người độc thân trong các đô thị hiện đại lại thường hòa nhập vào xã hội bằng cách tham gia các câu lạc bộ, lui tới các tửu quán, trà đình ở đó sự lang chạ tình dục là chuyện thông thường. Tạo nên một không gian thay thế, trong đó người chưa kết hôn có thể hưởng niềm vui và có một sứ vụ, đó là một sự hiếu khách sâu xa, là điều mà các Kitô hữu cần phải giúp nhau thực hiện như một dạng thức giải phóng và đón tiếp.

102. Một số người, do những hoàn cảnh vượt khỏi tầm kiểm soát của mình, vẫn muốn kết hôn, nhưng lại không thể tìm được người phối ngẫu cho mình. Một đời hi vọng và chờ đợi không có nghĩa là để mình rơi vào tình trạng sống một đời son sẻ. Khi sống trong tình trạng tích cực sẵn sàng đón nhận Thánh ý Chúa như được biểu lộ ra trong lịch sử riêng của đời mình, bằng cách cũng thưa xin vâng như chính Đức Maria[9], ơn phúc có thể tuôn đổ xuống cho ta. Vì mọi người đều được mời gọi để trao ban và lãnh nhận tình yêu, bởi vì tình yêu Kitô giáo là hướng ra đi tới tha nhân, bậc sống độc thân là một thực hành cho đời sống chung. Khi chúng ta thương yêu thương nhau một cách trong sạch ngoài hôn nhân, hoa trái sẽ là tình bằng hữu: “Nhân đức khiết tịnh trổ sinh tình bằng hữu… Nhân đức ấy biểu lộ đặc biệt trong tình bằng hữu với người lân cận. Dù nhân đức ấy phát triển giữa những người cùng hay khác giới tính, tình bằng hữu này vẫn là một điều thiện hảo lớn cho tất cả mọi người. Đức khiết tịnh dẫn tới sự hiệp thông tinh thần”[10].

103. Người độc thân (và trong một mức độ nào đó cũng tương tự, những cặp vợ chồng không con) cũng đều hưởng một sự tự do độc đáo, một thứ tự do hấp dẫn cho một số loại việc phục vụ, tình bằng hữu và cộng đồng. Người độc thân và người không có con đều tương đối thuận tiện hơn cho những thử nghiệm giữ khiết tịnh trong đời sống cộng đồng, cho những nghề nghiệp đòi hỏi có sự uyển chuyển, cho việc cầu nguyện và chiêm niệm. Người độc thân và vợ chồng không con, và cả những người cao niên mạnh khỏe (có khi con cái đã lớn) đều có được những ơn ban về thời gian theo nhiều cách mà các người làm cha mẹ thường không có được. Những người như thế có thể say mê với việc dạy giáo lý và những tác vụ khác của giáo xứ, hay cả đến những việc tông đồ và việc làm chứng tá trong những tình huống hiểm nghèo thường là bất khả đối với những gia đình có con cái. Người không lập gia đình cũng như người không con được hưởng sự rảnh rang cho phép họ có nhiều tự do và sáng tạo hơn về những khả năng thể hiện lòng hiếu khách và tình thân thiện. Khi Thánh Phaolô khuyên nhủ bậc độc thân, ngài nghĩ ngài đề nghị một khả năng tuy có những thách đố nhưng cũng chứa đựng những lợi ích và tự do: “Nhưng nếu bạn cưới vợ, thì cũng chẳng có tội gì. Và nếu người con gái lấy chồng, thì cũng chẳng có tội gì. Tuy nhiên, những người ấy sẽ tự chuốc lấy những nỗi gian truân khốn khổ, mà tôi thì muốn cho anh em thoát khỏi điều đó…. Tôi muốn anh em không phải bận tâm lo lắng điều gì” (1Cr 7, 28-32a).

Sự liên kết giữa độc thân và hôn nhân về mặt thiêng liêng và xã hội

104. Sách Giáo lý Hội thánh Công Giáo dạy: “Mọi Kitô hữu đều được mời gọi sống khiết tịnh phù hợp với bậc sống riêng của mình. Khi lãnh nhận Phép Rửa, Kitô hữu đã cam kết điều khiển đời sống tình cảm của mình trong đức khiết tịnh”[11]. Do đó, bậc độc thân liên kết với bậc hôn nhân, làm thành một của lễ thiêng liêng của toàn thể con người chúng ta dâng cho Chúa. Cả người độc thân lẫn người có gia đình đều cam kết hiến đời mình cho giao ước Thiên Chúa đúng theo ơn gọi của bậc sống mình. Có những dị biệt thực tế trong ơn gọi riêng của mỗi người, nhưng động lực bên trong của linh hồn, sự dâng hiến của con tim, chủ yếu là giống nhau. Những người độc thân và những đôi vợ chồng khôn ngoan, trưởng thành đều quen với những kỹ năng thiêng liêng tương tự.

105. Trong đời hôn nhân, khi người chồng và người vợ tự trao hiến cho nhau, bằng một tình yêu noi gương Chúa Giêsu, sự trao hiến bản thân cho nhau, là một phần của công trình của Đức Kitô, kết hợp trong cùng một tinh thần của Chúa Giêsu trao ban chính mình cho Hội Thánh. Khi đôi phối ngẫu trao cho nhau lời hôn thệ của họ trong thánh đường lúc cử hành phụng vụ Bí tích Hôn phối, Đức Kitô đón nhận tình yêu hôn nhân của họ và làm cho tình yêu ấy nên một thành phần của tặng phẩm Thánh Thể của chính Người ban cho Hội Thánh, và Chúa Cha, Đấng hài lòng bởi hy tế của Chúa Con, lại ban Chúa Thánh Thần cho đôi phối ngẫu để đóng ấn sự kết hiệp của họ[12]. Sự phong nhiêu của hôn nhân trước hết là tặng phẩm dành cho nhau và nghĩa vụ của dây liên kết bí tích. Đây chắc chắn là lý do tại sao Thánh Gioan Phaolô II đã nói cách tuyệt vời rằng mối liên kết hôn phối mà đôi phối ngẫu nhận lãnh để hưởng và sống, làm cho họ trở thành “lời nhắc nhở thường xuyên cho Hội Thánh về điều đã diễn ra trên Thập giá. Họ là nhân chứng cho nhau và cho con cái về ơn cứu độ mà Bí tích đã làm cho họ được dự phần”[13].

106. Trong trường hợp bậc độc thân, ta cũng suy ra tương tự. Tình yêu Chúa Kitô là trọn vẹn bởi vì Ngài trao ban trọn mình Ngài, một sự khẳng định vô điều kiện đối với tha nhân: “Người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16,26) Tình yêu của Chúa Kitô được biểu lộ trong khát vọng của Người muốn chia sẻ trọn bản thân cho các môn đệ (Lc 22,15), để ban chính mình Người cách trọn vẹn hầu đem hết mọi người về cùng Chúa Cha để chia sẻ vinh quang Thiên Chúa.[14] Tình yêu hôn nhân là căn bản của giao ước định hình cho việc truyền sinh; còn tình yêu nơi người độc thân là căn bản của giao ước mang đến sự sống trong toàn thể cộng đoàn.

107. Vì đời sống hôn nhân và đời sống độc thân là những ơn gọi bổ sung cho nhau đối với những người Công Giáo trưởng thành, ta cần phải dạy cho người trẻ hiểu được rằng một bạn tình lãng mạn không phải là điều thiết yếu cho hạnh phúc con người. Nếu chính hôn nhân được hình thành từ giao ước của Chúa Giêsu với chúng ta, và nếu cũng chính giao ước đó làm cho bậc độc thân cũng là một chọn lựa đúng đắn có thể thành tựu được, thì cuộc đời của những người trẻ chưa lập gia đình sẽ được hiểu đúng đắn hơn, không cứ sống lao mình vào việc tán tỉnh hay “hẹn hò”, nhưng như một thời kỳ phân định và vun trồng tình bằng hữu. Những tập quán và kỹ năng của tình bằng hữu chân thực là cơ sở cho cả đời sống hôn nhân lẫn đời sống cộng đoàn độc thân. Vấn đề ơn gọi vốn đặt ra cho thanh thiếu niên và những người trẻ khác ngày nay cần thu hút cả tâm trí nhiều hơn là chỉ để ý đến sở thích lãng mạn không thôi. Người trẻ cần đắc thủ những kỹ năng tinh thần thuộc nội tâm cho dù sau này trong cuộc sống tương lai họ đảm nhiệm việc gì.

108. Bởi thế, giáo xứ cần phải chú ý cẩn thận đến chiều kích xã hội của đức khiết tịnh và đời sống độc thân. Đời sống độc thân đặt ra những thách đố độc đáo, và, như Sách Giáo lý Hội thánh Côn giáo nhận xét, việc học tập sự tự chủ về tính dục có một nét văn hóa: chúng ta là những con người phụ thuộc lẫn nhau, và sự thực hành đức khiết tịnh vừa được giúp đỡ vừa bị ngăn trở bởi chính hoàn cảnh xã hội chúng ta.[15] Những khả năng trong đời sống mà người trẻ nghĩ tưởng ra được lại tùy thuộc vào những gương mẫu họ thấy và những câu chuyện họ nghe.

109. Vì đời sống độc thân đi ngược lại nếp văn hóa thông thường như thế, nguy cơ có thể xảy ra là ngay trong các giáo xứ người ta cũng có thể không hiểu được hết vấn đề. Người độc thân “đáng được hưởng sự yêu thương đặc biệt và chăm sóc tích cực của Hội Thánh, nhất là các mục tử”[16]. Không chỉ các mục tử, nhưng chính các gia đình và những người độc thân cũng phải có những bước cụ thể để đảm bảo rằng “độc thân” trong bối cảnh Công Giáo rõ ràng không phải là giống như tình trạng bị cô đơn hay cô lập. Người độc thân cần có bạn hữu để sẻ chia những gánh nặng và buồn phiền của họ, cũng như sự khả tín và những cơ hội phục vụ của họ. “Cánh cửa các ngôi nhà, những ‘Hội thánh tại gia’ của gia đình vĩ đại vốn là Hội Thánh cần phải rộng mở” cho các người không lập gia đình[17].

110. Lối nhìn này nhắc nhở mọi người cần xem xét lại mình đã đóng góp ra sao cho bầu khí và điều kiện vật chất của đời sống giáo xứ. Nếu cha mẹ làm nản chí con cái về ơn gọi linh mục, về đời sống tu trì có lời khấn, hoặc những ơn gọi độc thân khác, thì toàn thể cộng đồng cần phải xét lại lương tâm của mình. Bậc sống độc thân đích thực luôn luôn mang đậm tính xã hội, và nếu bậc sống này bị coi như cô đơn hay gàn dở một cách dị thường, thì một điều gì đó trong cách thực hành hay trong cấu trúc đời sống cộng đồng đã bị lệch lạc. Người độc thân cần phải có những sáng kiến để phục vụ và dấn thân, và các gia đình cần phải biểu lộ lòng hiếu khách, đón nhận những ‘cô / dì,’ ‘chú / bác,’ và mở rộng tình thân bằng cách kiến tạo những gia đình nới rộng hay những cộng đoàn cùng chung chí hướng.

111. Một đời sống xã hội phong phú khiến cho tất cả mọi kiểu sống độc thân trở nên đáng tin cậy nhiều hơn đối với mọi người, vì nó sẽ làm vơi bớt đi sự chỉ trích cho rằng một đời sống như thế sẽ không tránh khỏi cô đơn. Để sống theo lối nhìn ấy, để thắng vượt quán tính của lề thói xã hội cứ cô lập người độc thân và coi nhẹ những cơ hội của bậc sống này, đòi hỏi sự dấn thân đầy sáng kiến của giáo dân cũng như hàng giáo sĩ. Đức Giêsu là Chúa chúng ta, và Người đã phán: “Mọi người sẽ biết anh em là môn đệ Thày, nếu anh em yêu thương nhau” (Ga 13,35). Tình yêu phải làm sinh động đời sống giáo xứ một cách nhãn tiền đối với mọi người.

112. Bậc sống độc thân không phải là son sẻ, cũng chẳng phải là “lẻ loi” theo nghĩa bị cô lập hay tự trị, tự quản. Trong Hội Thánh, tất cả mọi người chúng ta đều tương thuộc, chúng ta được dựng nên để sống hiệp thông, được dựng nên để cho và đón nhân tình yêu. Lối nhìn này về đời sống con người sản sinh ra những ơn gọi đầy tính sáng tạo và vô cùng đa dạng. Bậc sống độc thân đặt ra những yêu cầu độc đáo đối với những ai yêu thích bậc sống này. Nhưng người độc thân cũng có những đặc ân và cơ hội độc đáo. Người độc thân tôn trọng tiềm năng sinh lý và tính dục của bậc hôn nhân, và hoạt động do một lý do cơ bản tương tự và linh đạo hiến thân. Người độc thân và các đôi vợ chồng cần có nhau để tồn tại và phát triển “gia đình của các gia đình” được gọi là Hội Thánh.

Câu Hỏi Thảo Luận

a) Bậc sống độc thân và bậc sống hôn nhân có chung những điểm nào?
b) Một số những thử thách và gánh nặng người không lập gia đình gặp phải trong cộng đồng bạn là gì? Bạn hữu, gia đình và giáo xứ có thể giúp đỡ như thế nào?
Đâu là những lợi ích của bậc sống độc thân? Người không lập gia đình có thể phục vụ cộng đồng ra sao?
c) Trẻ em trong giáo xứ bạn có được gặp gỡ nhiều loại linh mục, tu sĩ dòng, tu sĩ tu hội, nữ tu dòng, và các chị em thuộc các tu hội khác không? Bạn có thể nghĩ ra cách thức để giới thiệu những mẫu gương bậc sống độc thân cho cộng đoàn của bạn không?
Có bao giờ bạn từng khuyến khích trẻ em mà bạn quen biết trở thành linh mục hay tu sĩ không? Tại sao có hoặc tại sao không?
d) Đâu là những lý lẽ hay để chọn đời sống hôn nhân hoặc đời sống tu trì?
Đâu là những lý lẽ không được hay như thế? Làm thế nào để biện phân được ơn gọi của mình?

[1] Tóm lược GLHTCG (2005), 321.
[2] ĐGH Gioan Phaolô II, Diễn văn “Gặp gỡ với các gia đình nhận con nuôi do tổ chức Các Thừa Sai Bác Ái”, 05.09.2000.
[3] Cf. 1Cr 7, 25-40.
[4] ĐGH Phanxicô, Diễn văn “Gặp gỡ giới trẻ tại Umbria”, Assisi, 04.10.2013.
[5] Cf. GLHTCG, 2349. Cf. St Ambrose, De viduis 4.23. Cũng nen xem số 51 trên đây.
[6] Cf. GLHTCG, 1646. Xem như trên, 58.
[7] Cf. GLHTCG, 2391. Xem như trên, 58.
[8] Xem trên đây, 60.
[9] Cf. Lc 1,38.
[10] Cf. GLHTCG, 2347.
[11] GLHTCG, 2348.
[12] Cf. GLHTCG, 1624.
[13] FC, 13.
[14] Cf. Ga 1,14; 17,24.
[15] Cf. GLHTCG, 2344.
[16] Cf. GLHTCG, 1658.
[17] Cf. GLHTCG, 1658.