Cầu Nguyện Là Gì?

Người Việt Nam chúng ta thường đồng hoá “đọc kinh” với “cầu nguyện”.  Thực ra đọc kinh là một cách cầu nguyện, nhưng có nhiều người đọc kinh mà không cấu nguyện vì chỉ đọc một cách máy móc mà không đạt được sự hiệp thông với Thiên Chúa.  Trong phạm vi bài này chúng ta sẽ bàn về mục đích của cầu nguyện và những cách cầu nguyện. 

I. Cầu nguyện là gì ?

Cầu nguyện là hồng ân Thiên Chúa – Cầu nguyện là nâng tâm hồn lên cùng Chúa, hay xin Ngài ban cho những ơn cần thiết.  Cấu nguyện cũng là một hồng ân.  Ðức Kitô tìm chúng ta trước khi chúng ta tìm Người, và mong chúng ta đến gặp Người.  Lời cầu nguyện của chúng ta chính là đáp lại sự mong mỏi này của Người.

Cầu nguyện là giao ước –  Theo Thánh Kinh thì cầu nguyện phát xuất từ tâm hồn.  Nếu lòng ta xa cách Thiên Chúa thì cầu nguyện cũng vô ích.  Trái tim là nơi con người chân thật với mình nhất, để chọn lựa sự sống hay sự chết.  Ðó cũng là nơi gặp gỡ để sống các mối tương giao, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa: trái tim là nơi sống giao ước.  Khi cầu nguyện, người Kitô hữu sống tương quan giao ước với Thiên Chúa trong Ðức Kitô.

Cầu nguyện là hiệp thông – Trong Giao Ước Mới, cầu nguyện là sự hiệp thông của con cái với Thiên Chúa Ba Ngôi.  Sống đời cầu nguyện là luôn hiện diện trước nhan Thiên Chúa và hiệp thông với Ngài. Lời cầu nguyện mang đặc tính Kitô giáo khi được hiệp thông với lời cầu nguyện của Đức Kitô, và được triển khai trong Hội Thánh là Nhiệm Thể Người.

Nâng tâm hồn lên là nâng sự hiểu biết từ việc đặt mình làm trọng tâm đến mức đặt Thiên Chúa làm trọng tâm. Nâng tâm hồn lên là kết hợp với Thiên Chúa – là hiệp thông với Ngài.

II.  Những Cách Cầu Nguyện Căn Bản

Như nói ở trên, cầu nguyện là hiệp thông với Thiên Chúa. Như việc giao tiếp với tha nhâncó nhiều hình thức, việc hiệp thông với Thiên Chúa cũng có nhiều hình thức khác nhau. Hội Thánh nhận ra những hình thức sau:

1.  Chúc tụng và thờ lạy

  • Chúc tụng là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người.  Trong chúc tụng, Thiên Chúa ban ơn và con người đáp lại.  Có hai hình thức chúc tụng chính, hoặc dâng kinh nguyện lên Chúa Cha nhờ Đức Kitô trong Chúa Thánh Thần, hoặc xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần nhờ Đức Kitô.
  • Thờ lạy là thái độ đầu tiên của con người khi nhìn nhận mình là tạo vật trước Thiên Chúa, Ðấng dựng nên ta và đã giải thoát ta khỏi sự dữ, là phủ phục trước “Ðức Vua Vinh Hiển”.  Thờ lạy Thiên Chúa chí thánh và chí ái giúp chúng ta khiêm tốn và tin chắc rằng Ngài sẽ nhận lời chúng ta.

2.    Cầu xin

Trong Tân Ước, cách cầu nguyện này có nhiều nghĩa như: cầu xin, cầu khẩn, nài van, kêu xin, cầu cứu, kêu la, ngay cả “phấn đấu trong kinh nguyện”.  Nhưng hình thức thông thường nhất là cầu xin. 

  • Điều đầu tiên của con người là xin ơn tha tội.  Đây là điều kiện tiên quyết cho lời cầu nguyện chân chính và thuần khiết.  Một lòng khiêm nhường tín thác đưa chúng ta  trở về hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Giêsu Kitô và với nhau.
  • Điều thứ nhì là đặt trọng tâm vào lòng mong ước vào việc tìm kiếm Nước Thiên Chúa sắp đến.  Trước hết chúng ta xin cho Nước Cha trị đến, rồi xin những ơn cần thiết để đón nhận Nước Trời và cộng tác vào việc mở mang Nước Chúa.  Thánh Giacôbê và thánh Phaolô đã khuyến khích ta: hãy cầu nguyện mọi lúc.

3. Chuyển cầu

Chuyển cầu là khẩn cầu cho người khác, là đặc tính của một tâm hồn hòa nhịp với lòng thương xót của Thiên Chúa.  Lời chuyển cầu của các Kitô hữu tham dự vào lời chuyển cầu của Đức Kitôi, như một cách diễn tả mầu nhiệm các thánh cùng thông công. Lời cầu nguyện này không ranh giới, cầu cho hết mọi người, cho cả những người bách hại ta, và phần rỗi của những kẻ từ chối Tin Mừng.

4. Tạ ơn  

Tạ ơn là đặc tính của kinh nguyện Hội Thánh, đặc biệt khi cử hành Thánh Lễ, vì Ðức Kitô đã thánh hiến mọi tạo vật cho Đức Chúa Cha. Mọi biến cố và mọi nhu cầu đều có thể trở thành dịp để tạ ơn.  Các thư của thánh Phaolô luôn nhắc tới chúng ta: “Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh.”

5. Ca ngợi

Ca ngợi là hình thức cầu nguyện nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa.  Khi ca ngợi, Chúa Thánh Thần kết hợp với tâm hồn ta để chứng nhận rằng ta là con cái Thiên Chúa, làm chứng cho Con Một Thiên Chúa, Ðấng làm cho chúng ta thành nghĩa tử và có thể dâng lời tôn vinh Chúa Cha.  Lời kinh ca ngợi bao gồm những hình thức kinh nguyện khác và dâng lên Ðấng là nguồn mạch và cùng đích của mọi sự. 

III. Các Nguồn Mạch của Cầu Nguyện

Để cầu nguyện chúng ta phải có ý muốn và học cầu nguyện. Qua truyền thống sống động của Hội Thánh, Chúa Thánh Thần dạy chúng ta cầu nguyện.  Ngài là “Nước trường sinh” vọt lên sự sống đời đời trong tâm hồn người cầu nguyện.   Ngài là Đấng dạy chúng ta biết đón nhận Ngài tận nguồn mạch là Ðức Kitô.

Lời Chúa – Hội Thánh tha thiết khuyến khích mọi Kitô hữu năng đọc Thánh Kinh để học “kiến thức siêu việt của Đức Kitô.” Chúng ta thưa chuyện cùng Thiên Chúa khi cầu nguyện, và nghe Ngài khi đọc Sách Thánh.

Phụng Vụ của Hội Thánh – Sứ mạng của Ðức Kitô và Chúa Thánh Thần là công bố, hiện thực và thông truyền mầu nhiệm cứu độ trong Phụng Vụ của Hội Thánh.  Cử hành Phụng Vụ được tiếp nối nơi tâm hồn người cầu nguyện.  Nhờ cầu nguyện, tâm hồn được đồng hóa với Phụng Vụ trong khi và sau khi được cử hành.

Các nhân đức đối thần – Chúng ta đi vào kinh nguyện qua cửa hẹp là đức tin, vì tìm Nhan Chúa, muốn lắng nghe và suy niệm Lời Ngài.  Trong đức cậy chúng ta cử hành Phụng Vụ đang khi đợi chờ Ðức Kitô trở lại.  Kinh nguyện của Hội Thánh và của cá nhân nuôi dưỡng đức cậy trong lòng chúng ta.  Ðược huấn luyện bằng đời sống phụng vụ, kinh nguyện bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa, và giúp ta đáp lại như Ngài đã yêu thương chúng ta.  Đức ái là nguồn của kinh nguyện; ai đến với nguồn ấy, sẽ đạt tới tột đỉnh của cầu nguyện.

“Hôm nay” – Chúng ta học biết cầu nguyện vào một số thời giờ nhất định, bằng cách lắng nghe Lời Chúa và tham dự mầu nhiệm Vượt Qua của Người.  Người còn ban Thánh Thần để giúp chúng ta cầu nguyện trong mọi lúc.  Thời gian là của Chúa Cha; chúng ta gặp Ngài trong hiện tại, trong chính hôm nay.  Cầu nguyện trong mọi biến cố của cuộc sống hằng ngày, là một trong những điều bí ẩn của Nước Trời được mặc khải cho những người bé mọn.  Chúng ta phải cầu nguyện để Nước Trời ảnh hưởng đến mọi biến cố thường nhật của đời mính.

IV. Đối Tượng Của Cầu Nguyện

Trong truyền thống cầu nguyện, mỗi Giáo Hội giới thiệu cho các tín hữu ngôn ngữ kinh nguyện của mình: những lời kinh, bài hát, cử điệu và hình ảnh.

Cầu nguyện với Chúa Cha – Cầu nguyện cộng đồng hay cá nhân, bằng lời hay âm thầm, chỉ được Chúa Cha nghe nếu ta cầu nguyện nhân danh Đức Kitô.  Nhân tính của Người  là con đường, nhờ đó Chúa Thánh Thần dạy ta cầu nguyện với Chúa Cha (2664).

Cầu nguyện với Chúa Giêsu – Ðược nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và cử hành Phụng Vụ, kinh nguyện của Hội Thánh dạy ta cầu nguyện với Chúa Giêsu với chủ đích là dâng lên Chúa Cha.  Danh Giêsu bao hàm mọi tước hiệu, là danh duy nhất hàm chứa công trình cứu độ của Thiên Chúa.  Cầu nguyện với Chúa Giêsu là đón chào Con Một Thiên Chúa. Cách kêu cầu này xuất phát từ lòng tin, đã được khai triển dưới nhiều hình thức trong truyền thống kinh nguyện Ðông Tây.

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến” – Mỗi lần ta muốn cầu nguyện với Chúa Giêsu, chính Chúa Thánh Thần dùng ơn tiền sủng đưa chúng ta vào kinh nguyện.  Ngài dạy ta biết cầu nguyện bằng cách nhắc ta nhớ đến Đức Kitô.  Vì thế, Hội Thánh kêu gọi chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần mỗi ngày, nhất là khi bắt đầu và kết thúc mỗi việc quan trọng.  Hình thức truyền thống để cầu khẩn Chúa Thánh Thần là kêu xin Chúa Cha, nhờ Đức Kitô, để Ngài ban Chúa Thánh Thần cho ta.  Khi ta được Thiên Chúa xức dầu bằng Thánh Thần, Chúa Thánh Thần thấm nhập toàn thể con người ta, trở thành vị Thầy nội tâm dạy cho ta cầu nguyện.  Ngài là tác giả truyền thống kinh nguyện sống động của Hội Thánh.  Có bao nhiêu người cầu nguyện thì cũng có bấy nhiêu cách cầu nguyện, nhưng chỉ có một Thánh Thần, Ðấng tác động trong mọi người và cùng với mọi người. Ðược hiệp thông nhờ Chúa Thánh Thần, khi Kitô hữu cầu nguyện, họ cầu nguyện trong Hội Thánh.

Hiệp thông với Mẹ Thiên Chúa  – Trong cầu nguyện, Chúa Thánh Thần kết hợp ta với Chúa Con nơi nhân tính vinh quang của Người.  Nhờ và trong nhân tính ấy, chúng ta hiệp thông với Mẹ Người trong Hội Thánh.  Trong ngày Truyền Tin, Mẹ đã tin tưởng mà xin vâng, và không ngần ngại giữ vững sự ưng thuận ấy dưới chân thập giá.  Tình mẫu tử của Mẹ lan rộng đến “những anh em Chúa  Giêsu đang lữ hành nơi dương thế.”  Chúa Giêsu, Ðấng Trung Gian duy nhất, là con đường chúng ta phải theo khi cầu nguyện.  Ðức Mẹ là Mẹ Người và Mẹ chúng ta; Mẹ là hình ảnh trong suốt của Người. Các ảnh tượng thánh của truyền thống Giáo Hội Ðông và Tây Phương đều cho thấy Mẹ là “người chỉ đường” và là “dấu chỉ” về Chúa Giêsu.  Các Giáo Hội khai triển việc cầu nguyện với Mẹ Thiên Chúa bằng cách tập trung suy niệm các mầu nhiệm cuộc đời Đức Kitô, vì Mẹ đã cộng tác đặc biệt vào các hoạt động của Chúa Thánh Thần.  Trong vô số thánh thi và tiền xướng diễn tả tâm tình cầu nguyện này, có hai hướng thường xuyên xen kẽ nhau: hướng thứ nhất “ngợi khen” Chúa vì “biết bao điều cao cả” Ngài đã ban cho Mẹ, và qua Mẹ, cho tất cả nhân loại; hướng thứ hai dâng lên Mẹ những lời khẩn cầu và ca ngợi của con cái Thiên Chúa, vì giờ đây Mẹ đã liên kết chặt chẽ với Con Thiên Chúa làm người.  Cả hai hướng cầu nguyện với Ðức Mẹ được nổi bật trong kinh Kính Mừng.

Tóm lại

Khi cầu nguyện, chúng ta không những chỉ xin ơn, mà đến cùng Thiên Chúa như con thảo để tỏ lòng biết ơn Cha Nhân Lành vì muôn hồng ân Ngài đã ban.  Đồng thời vui hưởng tình yêu của Chúa Ba Ngôi dành cho chúng ta và cùng Đức Mẹ, các Thánh cũng và các tín hữu khác chia sẻ tình yêu ấy .  Thực ra xin ơn không cần thiết bằng đạt được sự hiệp thông này, vì một khi hiệp thông như thế, chúng ta được tất cả những gì tốt đẹp nhất mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta.    

giaoly.org