Chương II – Truyền Giáo Là Gì?

 

Dẫn nhập: Có những điều người ta nghe và nói nhiều lần nhưng không hiểu chính xác điều ấy là gì. Truyền giáo là một trong những điều như thế. Thật vậy nhiều giáo dân không khỏi lúng túng khi phải giải thích thế nào là Truyền giáo. Chương II này sẽ giúp chúng ta hiểu tường tận thế nào là Truyền Giáo, thế nào là Loan Báo Tin Mừng, là Phúc âm hóa.

 

I. THẾ NÀO LÀ TRUYỀN GIÁO ?

1.1 Truyền giáo là tiếp tục kế hoặch của Thiên Chúa :

  1. Như Chúa Cha đã sai Người thế nào, Chúa Con cũng sai các Tông đồ như vậy (Ga 20,21) khi Người phán :”Các con hãy đi dạy dỗ muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, hãy dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Lệnh ấy, lệnh mà Chúa Kitô long trọng truyền giảng chân lý cứu rỗi, Giáo Hội đã nhận lãnh từ các Tông đồ để chu toàn khắp cõi đất (Cv 1,8). Vì thế Giáo Hội xem những lời sau đây của Thánh Tông đồ như lời của mình: ”Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Phúc Am” (1 Cr 9,16)., và vì thế Giáo Hội không ngừng gửi sứ giả Phúc Am cho đến khi các Giáo Hội trẻ được trưởng thành hoàn toàn và tự mình tiếp tục việc rao giảng Phúc Am. Chúa Thánh Thần thúc đẩy Giáo Hội cộng tác với Ngài để hoàn thành trọn vẹn kế hoach của Thiên Chúa là Đấng đã đặt Chúa Kitô làm nguyên lý cứu độ cho cả thế giới. Bằng việc rao giảng Phúc Am, Giáo Hội sửa soạn cho người nghe đón nhận và tuyên xưng đức tin, và chuẩn bị cho họ lãnh phép Thanh tẩy, đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ của sự lầm lạc, tháp nhận họ vào thân thể Chúa Kitô, hầu nhờ đức ái, họ tăng triển mãi trong Người cho đến khi đạt tới viên mãn” .

    (Công đồng Vatican II, Hiến chế tín lý về  Giáo Hội,  17).

  1. Hoạt động truyền giáo không gì khác hơn, cũng không gì kém hơn là sự biểu lộ kế hoạch của Thiên Chúa, sự bày tỏ và thực hiện kế hoạch đó trong thế giới và trong lịch sử, chính trong lịch sử này rõ ràng Thiên Chúa đưa dẫn lịch sử cứu độ đến cùng đích nhờ việc truyền giáo.

    (Công đồng Vatican II, Sắc lệnh  về  Hoạt động Truyền Giáo của Giáo  Hội,  9; ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Độ,  41).

1.2 Truyền giáo là loan truyền tình thương của Thiên Chúa đến với con người :

  1. Sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội  cốt yếu là loan truyền tình yêu, lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa được mạc khải cho nhân loại qua cuộc đời, cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Đó chính là việc loan báo Tin Mừng: Thiên Chúa yêu chúng ta và muốn mọi dân tộc hiệp nhất trong lòng thương xót yêu thương của Người.

    (ĐGH Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Thế Giới Truyền Giáo năm 2000).

1.3 Truyền giáo là ý thức về kế hoạch kỳ diệu của Thiên Chúa tại Châu Á :

  1. Giáo Hội tại Á Châu hát ca những lời ngợi khen “Thiên Chúa cứu độ” (TV 68,20) vì Người đã chọn khởi sự kế đồ cứu chuộc của Người tại phần đất Á Châu, qua những người nam nữ của lục địa này. Thật sự tại Châu Á, Thiên Chúa đã mạc khải và hoàn thành ý đồ cứu chuộc của Người ngay từ đầu. Người hướng dẫn các tổ phụ (St 12) và kêu gọi ông Môisen dẫn đưa dân Người đi tìm tự do (Xh 3,10). Người nói với dân tuyển chọn của Người qua nhiều ngôn sứ, quan án, vua chúa và những người phụ nữ vững tin. Vào “thời viên mãn” (Gl 4,4) Người sai Con Một của Người, là Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế, mặc lấy xác phàm là một người Á Châu ! Hoan hỉ vì cái thiện nơi các dân tộc, các nền văn hóa và sức sống tôn giáo của lục địa, và đồng thời ý thức được hồng ân đức tin duy nhất của mình đã lãnh nhận vì thiện ích mọi người, Giáo Hội tại Á Châu không thể không cao rao :”Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương “ (Tv 118,1).

Vì Chúa Giêsu sinh ra, sống, chết và chổi dậy từ kẻ chết nơi Đất Thánh, vùng đất bé nhỏ ở Tây Á đã trở nên mảnh đất đầy hứa hẹn và hy vọng cho cả loài người. Chúa Giêsu hiểu biết và yêu mảnh đất này. Người lấy lịch sử, những đau khổ  và hy vọng của dân miền này làm của riêng mình. Người thương yêu dân miền này và ôm vào lòng các truyền thống và gia nghiệp của người Do Thái. Từ lâu trước, Thiên Chúa đã thực sự chọn dân này và mạc khải chính mình cho họ để chuẩn bị việc Đấng Cứu Thế xuất hiện. Và từ mảnh đất này, nhờ lời rao giảng Tin Mừng trong quyền lực Chúa Thánh Thần, Giáo Hội ra đi và làm cho “muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28,19). Cùng với Giáo Hội toàn cầu, Giáo Hội tại Châu Á sẽ bước qua ngưỡng cửa ngàn năm thứ ba, vừa ngạc nhiên về những gì Thiên Chúa đã thực hiện từ những bước đầu ấy cho tới ngày nay, và nắm chắc rằng “cũng như trong ngàn năm thứ nhất Thánh Giá được cắm trên đất Au Châu, rồi trong ngàn năm thứ hai được cắm trên đất Mỹ Châu và Phi Châu, thì chúng ta có thể cầu xin cho Kitô giáo, trong ngàn năm thứ ba, một mùa gặt đức tin sẽ được bội thu trong lục địa rộng lớn và quan trọng này” .

(ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, 1).

1.4 Truyền giáo là chia sẻ quà tặng (Đức Giêsu Kitô) mà Giáo Hội nhận được :

  1. Điều phân biệt Giáo Hội với những cộng đồng tôn giáo khác, đó là Giáo Hội tin vào Chúa Giêsu Kitô, và Giáo Hội không thể dấu ánh sáng quí báu đức tin dưới cái thùng (Mt 5,15), bởi Giáo Hội có sứ mạng chia sẻ ánh sáng đó với mọi người. Giáo Hội muốn dâng tặng đời sống mới Giáo Hội đã gặp được trong Chúa Giêsu Kitô, cho tất cả các dân tộc tại Á Châu, khi họ tìm kiếm sự viên mãn của sự sống, để họ có thể hiệp thông với Chúa Cha và Con Người là Chúa Giêsu Kitô trong quyền năng Chúa Thánh Thần.

(ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, 10).

  1. Giáo Hội cũng như  mỗi Kitô hữu trong Giáo Hội không thể cất giữ hay độc quyền chiếm giữ cho mình sự mới mẻ và phong phú mà họ đã nhận được do lòng nhân từ Thiên Chúa ban cho, để thông chia cho tất cả mọi người .

Do đó sứ vụ truyền giáo không chỉ phát xuất do lệnh truyền chính thức của Chúa Cứu Thế, mà còn do đòi hỏi sâu xa của đời sống Thiên Chúa nơi chúng ta. Những ai gia nhập Giáo hội Công giáo phải tự coi mình như những người được đặc ân, và do đó, họ càng phải dấn thân làm chứng, bằng niềm tin và đời sống Kitô hữu, chứng tá này là việc phục vụ anh chị em mình và là lời đáp trả cho Thiên Chúa; đồng thời họ cũng phải nhớ rằng :”Địa vị cao trọng của họ không phải do công đức riêng, nhưng do đặc ân của Đức Kitô ; nếu họ không đáp lại hồng ân ấy bằng tư tưởng, lời nói và việc làm, thì không những họ không được cứu rỗi mà còn bị xét xử nghiêm khắc hơn”.

    (ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Đo, 11)

  1. Niềm tin của Giáo Hội vào Đức Giêsu là một quà tặng vừa nhận được vừa để chia sẻ ; đó chính là món quà lớn nhất mà Giáo Hội có thể tặng cho Á Châu. Chia sẻ sự thật về Đức Giêsu Kitô cho người khác là nghĩa vụ cao cả của tất cả những ai đã nhận được ơn đức tin .

(ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, 10).

  1. “Nhiều cộng đoàn Kitô hữu ở Châu Á đã duy trì đức tin hằng nhiều  thế kỷ trước bao nghịch cảnh và đã bám sát vào di sản thiêng liêng ấy một cách hết sức anh hùng. Họ coi việc chia sẻ kho tàng vô biên này là vinh dự lớn lao và là một việc vô cùng khẩn cấp”.

Như thế vấn đề lớn đang đặt ra cho Giáo Hội Á Châu hiện nay là làm sao chia sẻ với anh chị em người Á Châu của mình cái mà chúng ta cho là một quà tặng bao gồm hết mọi quà tặng, tức là Tin mừng của Đức Giêsu Kitô.

         (ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, 19).

  1. Giáo Hội muốn cống hiến sự sống mới đã tìm được nơi Đức Giêsu Kitô cho hết mọi dân tộc ở Châu Á, khi thấy họ đang đi tìm một sự sống viên mãn, để họ cũng có thể có sự giao hảo tốt như mình đới với Chúa Cha và Con Ngài là Đức Giêsu Kitô trong quyền năng của Chúa Thánh Thần .

 (Thượng Hội Đồng Gíám Mục Á Châu tường trình trước khi thảo luận).

  1. Trái tim của Giáo Hội Á Châu sẽ không nghỉ ngơi bao lâu toàn bộ Châu Á chưa tìm được sự  nghỉ ngơi trong bình an của Chúa Kitô phục sinh”.

(Thượng Hội Đồng Giám Mục Á Châu, Đề nghị 8).

II. TRUYỀN GIÁO HAY LÀ PHÚC ÂM HÓA

2.1 Truyền Giáo :

Truyền giáo thường được người ta hiểu là giới thiệu Tin Mừng cho người chưa biết Chúa, và đưa họ vào Hội Thánh Chúa qua việc dạy giáo lý, cử hành các Bí Tích nhập Đạo, và gia nhập cộng đoàn. (xem Mt 28, 16.18-20).

  1. Những người nhờ Giáo Hội được Thiên Chúa ban ơn tin Chúa Kitô phải được nhận vào lớp dự tòng bằng những lễ nghi phụng vụ: lớp dự tòng này không phải chỉ là trình bày tín lý và các giới răn, nhưng là huấn luyện một đời sống Kitô hữu đầy đủ và là thời gian tập sự được kéo dài thích đáng, để nhờ đó môn đệ liên kết với Chúa Kitô là Thầy mình. Vậy các dự tòng phải được khai tâm một cách thích hợp về mầu nhiệm cứu rỗi, tập sống theo Phúc Am, và qua các nghi lễ thánh được cử hành theo từng giai đoạn, liên tục họ được đưa vào đời sống đức tin, phụng vụ và bác ái của dân Chúa.

Rồi khi đã chịu các bí tích gia nhập Kitô giáo, họ được giải thoát khỏi quyền lực tối tăm, cùng chết, cùng được an táng và sống lại với Chúa Kitô, họ lãnh nhận Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho họ thành nghĩa tử, và cùng với toàn thể dân Chúa họ cử hành lễ kính nhớ việc Chúa chịu chết và sống lại.

Thánh Công Đồng ước mong phụng vụ mùa chay và mùa phục sinh được cải tổ thế nào để chuẩn bị tâm hồn các tân tòng cho việc cử hành những nghi lễ long trọng này, họ được tái sinh trong Chúa Kitô nhờ phép Thánh Tẩy.

(Công đồng Vatican  II, Sắc lệnh  về  Hoạt động Truyền Giáo của Giáo  Hội,  14).

  1. Được Chúa Thánh Thần thúc đẩy, các Tông Đồ đã mời gọi mọi người thay đổi đời sống, sám hối và đón nhận phép rửa. Ngay sau biến cố ngày Lễ Ngũ Tuần, ông Phêrô đã ngỏ lời với đám đông một cách xác tín :”Nghe thế, họ đau đớn trong lòng và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác: ”Thưa anh em, vậy chúng tôi phải làm gì?”  Ong Phêrô đáp: ”Anh em hãy sám hối, và mọi người phải chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân sủng Thánh Thần” (Cv 2,37-38). Và ngày hôm ấy, ông đã làm phép rửa cho khoảng ba ngàn người. Rồi sau khi chữa người què, ông Phêrô còn nói với đám đông và ông lập lại:”Vậy anh em hãy sám hối và trở lại cùng Thiên Chúa để Người xóa bỏ tội lỗi cho anh em!”  (Cv 3,19).

Sám hối trở về với Đức Kitô gắn liền với phép rửa, đó không phải chỉ là cách thực hành của Giáo Hội, nhưng vì đó là ý muốn của Đức Kitô, Người đã truyền dạy phải làm cho mọi dân tộc trở nên môn đệ của Người và thanh tẩy họ (Mt 28,19), và cũng vì yêu cầu nội tại phải đón nhân sự sống sung mãn ở nơi Người: ”Thật, tôi bảo thật ông – Đức Giêsu tuyên bố với ông Ni-cô-đê-mô, không ai có thể vào Nước Thiên Chúa nếu không sinh ra bởi Nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Thật vậy, phép rửa sinh chúng ta ra để sống đời sống làm con cái Thiên Chúa; phép rửa liên kết chúng ta với Đức Giêsu Kitô; phép rửa đem lại cho chúng ta sự xức dầu của Thánh Thần. Phép rửa không phải chỉ là dấu ấn của sự sám hối, một dấu chỉ bên ngoài giúp người ta nhìn thấy, và chứng thực lòng sám hối, nhưng còn là bí tích mang lại ý nghĩa và thực hiện sự  tái sinh trong Chúa Thánh Thần, tạo nên những liên hệ thực sự và không thể tháo gỡ với Chúa Ba Ngôi, làm cho ta trở nên chi thể của Nihiệm thể Chúa Kitô, tức là Giáo Hội.

Cần nhắc lại tất cả những điều trên, bởi vì một số người, nhất là ở nơi đang thi hành sứ vụ đến với muôn dân, có khuynh hướng tách rời việc sám hồi trở về với Đức Kitô khỏi phép rửa, vì cho rằng phép rửa không cần thiết. Quả thật, ở một số nơi, người ta tuân giữ những qui ước có tính cách xã hội của phép rửa, những qui ước này đã làm lu mờ ý nghĩa đích thực về đức tin vào phép rửa. Có nhiều yếu tố lịch sử và văn hóa là nguyên  nhân của tình trạng đó: ở đâu còn những yếu tố đó, thì phải bãi bỏ đi để bí tích của sự  tái sinh thiêng liêng thể hiện được trọn vẹn giá trị; đó là bổn phận của các cộng đoàn Giáo Hội địa phương. Cũng thế có một số người tuyên bố đã tin vào Đức Kitô và vào sứ điệp của Người trong tâm hồn, nhưng không muốn tuyên xưng niềm tin qua bí tích. Sở dĩ như vậy là vì họ chưa đạt tới chỗ hiểu biết bản chất đích thực của Giáo Hội, mầu nhiệm đức tin và tình yêu, do thiên kiến của họ và do lỗi của các Kitô hữu. Tôi muốn khích lệ những người ấy mở rộng lòng đón nhận Đức Kitô, bằng cách nhắc lại cho họ rằng, nếu họ cảm thấy mình được Đức Kitô lôi kéo, thì cũng chính Người là Đấng đã muốn Giáo Hội thành một “nơi”, ở đó họ có thể thực sự gặp gỡ Người. Đồng thời, tôi kêu mời các tín hữu và các cộng đoàn Kitô giáo hãy làm chứng một cách đích thực cho Đức Kitô qua đời sống mình.

Quả vậy, mỗi người trở lại là một hồng ân được ban cho Giáo Hội, và là một trách nhiệm nặng nề đối với Giáo Hội, không phải chỉ vì cần dạy giáo lý để chuẩn bị cho họ chịu phép rửa hoặc tiếp tục dạy dỗ họ về đạo, nhưng bởi vì, đặc biệt đối với một người trưởng thành, họ đang mang một năng lực mới, một niềm phấn khởi do đức tin, một mong ước tìm thấy nếp sống tin mừng trong chính Giáo Hội. Họ sẽ thất vọng nếu một khi đã gia nhập cộng đoàn Giáo Hội, lại chỉ gặp thấy ở đó một đời sống không hăng say và không có dấu hiệu đổi mới. Chúng ta không thể giảng dạy sự sám hối nếu chính chúng ta không sám hối mỗi ngày.

    (ĐGH Gioan Phaolô II, Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Độ, 47).

2.2       Phúc Am Hóa là gì ?

Phúc âm hóa là đưa Tin Mừng vào lòng người, vào cách suy nghĩ, cách hành động của con người, đưa Tin Mừng vào các lãnh vực hoạt động như xã hội, văn hóa, chính trị, kinh tế ….Nói cách khác là đem các giá trị Phúc âm thấm nhuần vào trong các thực tại trần thế như men ở trong bột.

Thực ra Truyền giáo hay Phúc âm hóa là hai mặt của việc loan báo Tin Mừng. Truyền giáo gợi lên cho ta các hình thức hoạt động bên ngoài, Phúc âm hóa lại nhấn mạnh đến sức sống bên trong, cả hai bổ túc cho nhau và cần đến nhau. Người ta chỉ có thể gia nhập Hội Thánh Chúa, lãnh nhận các Bí tích, nếu người ta  thấm nhuần men Tin Mừng; vả lại cho dù cho người ta đã nhận lãnh các Bí Tích nhập đạo thì việc sống Tin Mừng vẫn là việc cần làm liên lỉ.

2.3  Phúc âm hóa là đổi mới nhân loại ……

  1. Phúc âm hóa, đối với Giáo Hội, chính là mang Tin Mừng đến mọi môi trường nhân loại và, nhờ sự tác động này, làm biến đổi từ bên trong, đổi mới chính nhân loại :”Này đây Ta đổi mới mọi sự” (Kh 21,5). Nhưng không có nhân loại mới, nếu trước tiên không có những con người mới, bằng cái mới của bí tích Thánh Tẩy, và bằng đời sống theo Tin Mừng. Như vậy mục đích của việc phúc âm hóa chính là sự thay đổi bên trong, và nếu phải trình bày tóm gọn, thì có thể nói đúng hơn rằng Giáo Hội phúc âm hóa là khi chỉ nhờ sức thiêng của sứ điệp mình công bố. Giáo Hội cùng lúc tìm cách hoán cải lương tâm cá nhân và tập thể của con người, sinh hoạt trong đó con người đang dấn thân và hoán cải đời sống và hoàn cảnh cụ thể của họ.

(ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng,18).

2.4 …. và những khu vực nhân sinh

  1. Những khu vực nhân sinh đang được biến đổi, cho nên đối với Giáo Hội, vấn đề không phải chỉ là rao giảng Tin Mừng nơi những vùng địa dư càng ngày càng mở rộng hoặc cho những nhóm dân ngày càng đông, nhưng phải ảnh hưởng tới, và nếu cần dùng sức mạnh của Tin Mừng mà đảo lộn những tiêu chuẩn phán đoán, những giá trị nhân đạo, những bận tâm chính yếu, những trào lưu tư tưởng, những nguồn cảm hứng, những mẫu mực sống của nhân loại, khi những điều ấy ngược lại với Lời Chúa và chương trình cứu độ.

(ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng,19).

2.5 Phúc âm hóa các nền văn hóa

  1. Cần phải phúc -âm-hóa văn hóa và các nền văn hóa của nhân loại, không phải theo cách để trang hoàng như một nước sơn bên ngoài, nhưng một cách sống động ở chiều sâu đến tận gốc rễ, trong ý nghĩa phong phú và rộng rãi mà các từ này có trong Hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng, chúng bao giờ cũng phát  xuất từ chủ thể của con người và bao giờ cũng trở lại với những tương quan của các chủ thể với nhau và với Thiên Chúa.

(ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng,20).

 

      Trao đổi:

1. Truyền giáo hay Phúc âm hóa bao trùm hết mọi hoạt động và lãnh vực của con người và có liên quan đến mọi người: Nói thế là sai hay đúng? Tại sao?

2. Muốn Phúc âm hóa con người và xã hội, những người truyền giáo có cần phải “được”phúc âm hóa trước không? Người truyền giáo phải dùng những phương thế nào dể phúc âm hóa chính bản thân mình?

3. Trong việc giảng dạy giáo lý và cử hành các bí tích trong cộng đoàn giáo xứ, nhất là các Bí tích Khai tâm Kitô giáo (Thanh Tẩy, Thêm Sức & Thánh Thể) chúng ta đã quan tâm đến việc giáo dục đời sống đức tin, việc phúc âm hóa cá nhân và môi trường xã hội một cách đầy đủ chưa? Chúng ta phải làm gì hơn nữa?