Chương III – Nội Dung Của Việc Truyền Giáo


Dẫn nhập: Để hiểu đầy dủ và sâu sắc hơn thế nào là  Truyền giáo, là Loan báo Tin Mừng, là Phúc âm hóa, thiết nghĩ chúng ta phải đi vào nội dung của việc Truyền giáo. Nội dung của việc Truyền giáo là làm chứng cho lòng yêu thương vô bờ bến của Chúa Cha, là công bố và đón nhận sứ điệp cứu độ của Chúa Giêsu Kitô tức công bố và đón nhận chính Chúa Giêsu. Người  chính  là quà tặng của Thiên Chúa Cha ban cho Giáo hội và chúng ta, để rồi chúng ta  trao tặng cho anh chị em của chúng ta.

 

I. LÀM CHỨNG TÁ CHO LÒNG YÊU THƯƠNG CỦA CHÚA CHA.

  1. Không phải là thừa khi nhắc lại điều này: phúc âm hóa trước tiên là làm chứng, một cách giản dị và trực tiếp, về Thiên Chúa đã được Đức Giêsu Kitô mạc khải, trong Chúa Thánh Thần. Làm chứng rằng trong Con của Ngài, Ngài đã yêu mến thế gian, rằng trong Ngôi Lời nhập thể, Ngài đã cho vạn vật hiện hữu, và kêu gọi mọi người đến cuộc sống đời đời. Đối với nhiều người, Thiên Chúa mà chúng ta làm chứng có thể chính là vị Thiên Chúa vô danh mà họ tôn thờ, nhưng không biết tên, hay họ tìm kiếm bằng một tiếng gọi thầm kín trong lòng khi họ có kinh nghiệm về sự trống rỗng của mọi thần tượng. Nhưng làm chứng như vậy là phúc âm hóa trọn nghĩa khi tỏ rõ rằng, đối với con người, Tạo Hóa không phải là sức mạnh vô danh và xa lạ: Ngài là Cha. “Chúng ta được gọi là con Thiên Chúa và thực sự chúng ta là thế!”, và vì vậy chúng ta là anh em với nhau trong Thiên Chúa.

(ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng,26).

  1. “Thiên Chúa giàu lòng thương xót là chính Đấng mà Đức Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta biết như một người Cha: chính Con của Ngài đã bày tỏ cho ta biết về Chúa Cha qua chính bản  thân  mình”.

    (ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót, 1).

 

II. CÔNG BỐ SỨ ĐIỆP TRỌNG TÂM : ƠN CỨU ĐỘ TRONG ĐỨC GIÊSU KITÔ.

  1. Việc phúc âm hóa cũng luôn luôn bao hàm một sự công bố minh bạch rằng trong Đức Kitô, Con Thiên Chúa làm người, chịu chết và sống lại, ơn cứu độ được ban cho mọi người, như tặng phẩm của ân sủng và lòng nhân lành của Thiên Chúa. Sự  công bố như thế vừa là nền tảng, vừa trung tâm và chóp đỉnh của động lực phúc âm hóa. Và đây không phải là một thứ cứu độ nội tại, chỉ vừa tầm với những nhu cầu vật chất hay tinh thần, nằm gọn trong khuôn khổ cuộc sống trần thế và đồng hóa hoàn toàn với những ước muốn, những hy vọng, những công việc và những cuộc đấu tranh trần thế. Đây là một ơn cứu độ vượt qua mọi giới hạn này để được hoàn thành trong sự hiệp thông với Đấng duy nhất Tuyệt Đối là Thiên Chúa: ơn cứu độ siêu việt, cánh chung này hẳn là bắt đầu ở đời này, nhưng lại được hoàn thành trong vĩnh cửu.

(ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, 27).

III. ĐỨC GIÊSU CỨU TINH: MỘT MÓN QUÀ GỬI TẶNG CHÂU Á.

  1. Kinh Thánh đã xác nhận rằng Đức Giêsu thật sự sống cuộc sống của con người. Đức Giêsu mà chúng ta tuyên bố là vị Cứu Tinh duy nhất đã từng có mặt trên đời này như một Thiên Chúa có đầy đủ nhân tính. Ngài giống chúng ta mọi sự, ngoại trừ tội lỗi. Sinh ra bởi một Người Mẹ Đồng Trinh tại vùng phụ cận nghèo nàn của Bêlem, Ngài cũng yếu đuối như mọi trẻ em khác, thậm chí còn phải sống kiếp người chạy trốn cơn giận của một lãnh tụ bạo tàn (Mt 2,13-15). Ngài tùng phục cha mẹ, những người không phải lúc nào cũng hiểu Ngài, nhưng được Ngài tín nhiệm và yêu mến nghe theo (Lc 2,41-52). Trong khi cầu nguyện, Ngài luôn luôn được kết hợp thân mật với Thiên Chúa mà Ngài gọi là “Abba”, “Cha ơi”, tới mức những kẻ nghe được phải ngạc nhiên khó chịu (Ga 8,34-59).

Ngài gần gũi những người nghèo, những người bị bỏ quên, những người thấp hèn, tuyên bố rằng chính họ là những người thật sự được chúc phúc vì có Chúa ở với mình. Ngài ăn uống cùng với các người tội lỗi, hứa với họ rằng trong bàn tiệc của Chúa Cha họ sẽ có chỗ nếu họ biết từ bỏ con đường tội lỗi của mình và quay về với Ngài. Khi đụng chạm đến những người ô uế và để họ đụng chạm đến mình, Ngài muốn cho họ hiểu thế nào là sự gần gũi của Thiên Chúa. Ngài khóc thương cho một người bạn đã chết, phục sinh một người con đã chết cho người mẹ góa bụa, tiếp đón trẻ em, rửa chân cho các môn đệ. Chưa bao giờ con người thấy tình thương Thiên Chúa lại gần gũi như  thế.

Người bệnh, kẻ què, người mù, kẻ câm điếc, tất cả đều đã có dịp cảm nghiệm thế nào là được chữa lành và được tha thứ khi được Ngài đụng chạm đến. Ngài chọn ra một nhóm làm bạn đồng hành và đồng sự gần gũi nhất của mình, một nhóm khá đặc biệt vì trong đó người đánh cá có mặt bên người thu thuế, người theo phái Ai Quốc quá khích ở bên cạnh người thiếu hiểu biết về Lề Luật, và có cả phụ nữ nữa. Một gia đình mới đang được xây dựng dưới sự chăm sóc yêu thương đến mức bất ngờ của Chúa Cha. Đức Giêsu giảng dạy rất đơn sơ, ưa dùng những thí dụ lấy từ cuộc sống hằng ngày để nói về tình thương và Nước của Thiên Chúa; còn dân chúng thì nhìn nhận Ngài nói năng có uy quyền.

Tuy vậy, Ngài vẫn bị tố cáo là đã phạm thượng, đã vi phạm Luật thánh, là một người gây phiền phức cho xã hội cần phải loại bỏ. Sau một lần xét xử chỉ căn cứ trên những chứng gian, Ngài đã bị kết án tử hình như một phạm nhân phải treo trên thập giá. Bị bỏ rơi và bị nhục mạ như thế, xem ra như Ngài đã thất bại. Người ta vội vàng chôn cất Ngài trong một ngôi mộ mượn tạm. Nhưng vào ngày thứ ba sau khi chết, cho dù có sự canh gác cẩn thận của binh lính, người ta đã khám phá thấy mộ trống. Đức Giêsu đã sống lại từ  cõi chết, rồi hiện ra với các môn đệ trước khi trở về với Chúa Cha, nơi Ngài đã từ đó ra đi.

Cùng với tất cả Kitô hữu, chúng ta tin rằng Con Người đặc biệt này, một mặt rất tầm thường và đơn sơ, mặt khác lại rất lạ lùng và chìm đắm trong mầu nhiệm, đã đưa Nước Chúa đi vào lịch sử nhân loại và “dùng sức mạnh Nước Thiên Chúa mà in dấu trên mọi khía cạnh của đời sống con người và xã hội, đã từng bị tội lỗi và sự chết bủa vây. Bằng lời nói và việc làm của mình, nhất là bằng đau khổ, cái chết và sự sống lại, Đức Giêsu đã thi hành ý muốn của Cha Ngài là hòa giải toàn thể nhân loại với Cha, sau khi quan hệ giữa Đấng Tạo Hóa và thụ tạo bị tội nguyên tổ cắt đứt. Trên thập giá, Ngài đã mang lấy tội lỗi của thế giới trong quá khứ, hiện tại lẫn tương lai (…)

(ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, 11).

Tất cả con người của Chúa Con và tất cả những gì Chúa Con làm đều đã được Chúa Cha chấp nhận. Sau đó Chúa Cha đã tặng lại món quà này cho thế giới, bằng cách phục sinh Đức Giêsu từ cõi chết và đặt Ngài ngồi bên hữu mình, nơi đó tội lỗi và chết chóc không còn quyền hành gì nữa. Thông qua hy tế Vượt Qua của Đức Giêsu, Chúa Cha đã cống hiến cho thế giới sự hòa giải và một sự sống sung mãn, và không bao giờ lấy lại nữa (…). Trong Đức Giêsu, nhờ quyền năng của Thánh Thần, chúng ta mới biết được Thiên Chúa không nỡ xa chúng ta, không ở trên và ở cách con người, nhưng Ngài ở rất gần, thậm chí kết hợp với mỗi người và mọi ngươi trong hết mọi tình huống cuộc sống. Đây là sứ điệp mà Kitô giáo muốn gởi tới cho thế giới, và sứ điệp đó cũng là nguồn bình an và hy vọng tuyệt vời cho mọi tín hữu.

(ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Huấn Giáo Hội tại Châu Á, 12).

 

IV. DẤU CHỈ  NIỀM  HY VỌNG ĐỜI  SAU

  1. Việc phúc âm hóa không thể không bao hàm sự tiên báo về một thế giới bên kia, vì đó là ơn gọi sâu xa và quyết định của con người vừa liên tục vừa gián đoạn với hoàn cảnh hiện tại: bên kia thời gian và lịch sử, bên kia thực tại của thế giới này mà bộ mặt đang qua đi, và bên kia mọi sự của thế giới này mà một chiều kích ẩn khuất ngày kia sẽ được biểu lộ; bên kia chính con người mà vận mệnh đích thực không chỉ ở khuôn mặt trần thế, nhưng sẽ được mạc khải trong cuộc sống mai sau.

 (ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, 28).

V.  NIỀM HY VỌNG VÀO LỜI CHÚA HỨA TRONG GIAO ƯỚC MỚI CỦA ĐỨC KITÔ.

  1. Việc phúc âm hóa cũng bao hàm sự rao giảng niềm hy vọng vào các Lời Chúa hứa trong giao ước mới nơi Đức Giêsu Kitô; rao giảng tình thương yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta, và tình yêu thương của chúng ta đối với Thiên Chúa; rao giảng tình thương yêu huynh đệ đối với mọi người – là khả năng hiến tặng và tha thứ, từ bỏ, giúp đỡ anh em – phát xuất từ tình thương yêu của Thiên Chúa, tình thương yêu này là nòng cốt của Tin Mừng phúc âm hóa. Phúc âm hóa bao hàm sự rao giảng về mầu nhiệm sự ác và việc tích cực tìm kiếm sự thiện. Phúc âm hóa cũng bao hàm một sự rao giảng luôn luôn khẩn thiết về cuộc tìm kiếm chính Thiên Chúa bằng cách cầu nguyện, nhất là cầu nguyện thờ lạy và tạ ơn, nhưng cũng bằng cách hiệp thông với Giáo Hội của Đức Giêsu Kitô là dấu hiệu hữu hình cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Sự hiệp thông này lại được diễn tả qua các bí tích là những dấu chỉ khác của Đức Kitô đang sống và hoạt động trong Giáo Hội. Sống các bí tích như thế để việc cử hành đạt tới chỗ viên mãn thật sự, điều đó không làm cản trở hoặc làm sai lạc việc phúc âm hóa như một số người nghĩ tưởng, nhưng là đem lại cho nó tất cả tầm sâu rộng.

(ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, 28).

 

VI. SỨ ĐIỆP LIÊN QUAN ĐẾN TẤT CẢ ĐỜI SỐNG

  1. Nhưng việc phúc âm hóa sẽ không trọn vẹn nếu không để ý tới những quan hệ cụ thể và thường xuyên giữa Tin Mừng và đời sống cá nhân và xã hội của con người. Vì thế việc phúc âm hóa bao gồm một sứ điệp rõ rệt, thích nghi với những hoàn cảnh khác nhau, với tình hình hiện tại, một sứ điệp như thế về các quyền lợi và nghĩa vụ của tất cả mọi người, về đời sống gia đình là điều kiện cần thiết để mỗi người có cơ triển nở, về đời sống chung trong xã hội, về đời sống quốc tế, về hòa bình, công lý và phát triển, một sứ điệp mạnh mẽ trong thời đại chúng ta về vấn đề giải phóng.

(ĐGH Phaolô VI, Tông huấn Loan Báo Tin Mừng, 29;  ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sứ  Vụ Đấng Cứu Độ, 37).

  1. Giáo Hội lắng nghe tiếng nói của hàng triệu con người đang sống bên lề cuộc đời giữa những nghèo đói bất công phi nhân và vô luân. Giáo Hội xác tín mình có nghĩa vụ loan báo công cuộc giải phóng và giúp cho công cuộc này được khởi phát và thực thi toàn diện .

(ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sứ  Vụ Đấng Cứu Độ, 37).

 

    

 Trao đổi:

1. Nội dung của Truyền giáo là làm chứng cho lòng yêu thương của Chúa Cha dành cho loài người nơi Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Cha. Muốn làm chứng được điều ấy thì Kitô hữu phải cảm nghiệm được tình thương độc đáo của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu Kitô. Việc ấy đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên tiếp cận với các trang Phúc Âm và sống mật thiết với Đức Giêsu Kitô là Đấng hiện diện trong các trang Phúc âm ấy. Vậy thử hỏi:  bạn đã thực hiện điều ấy chưa? và ở mức độ nào?

2. “Nhưng việc phúc âm hóa sẽ không trọn vẹn nếu không để ý tới những quan hệ cụ thể và thường xuyên giữa Tin Mừng và đời sống cá nhân và xã hội của con người.” Vậy trong hòan cảnh cụ thể của người giáo dân nói riêng, của xã hội Việt Nam nói chung, chúng ta thấy mối quan  hệ cụ thể và thường xuyên trên như thế nào? Phải làm gì để mối quan hệ ấy mật thiết và gắn bó hơn?

3. “Giáo Hội lắng nghe tiếng nói của hàng triệu con người đang sống bên lề cuộc đời giữa những nghèo đói bất công phi nhân và vô luân. Giáo Hội xác tín mình có nghĩa vụ loan báo công cuộc giải phóng và giúp cho công cuộc này được khởi phát và thực thi toàn diện.”  Trong đời sống giáo xứ và xã hội chúng ta có những bất công và có những con người phải “sống bên lề cuộc đời” không?Do đâu mà xẩy ra những bất công trong giáo xứ và xã hội? Chúng ta phải làm gì để dẹp tan bất công và giúp cho mọi người có chỗ trong cuộc đời?