Chương V – Đối Tượng Cho Việc Truyền Giáo

 

Dẫn nhập: Theo Tông Huấn Loan báo Tin Mừng, những đối tượng cần được Loan Báo gồm: (1) những kẻ xa lạ. (2)  thế giới vô đạo. (3) các tôn giáo ngoài Kitô giáo. (4) các tín hữu. (5) những người không tin. (6) những người không giữ đạo (7) các cộng đồng cơ bản.

Trong Thông Điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Độ, Đức Gioan Phaolô II phân làm 3 tình trạng hay là 3 loại đối tượng .

 

I. ĐỐI TƯỢNG I: NHỮNG NGƯỜI CHƯA BIẾT CHÚA (HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO)

  1. Được gọi chung là “việc truyền giáo” tất cả những công cuộc đặc biệt giúp đỡ các nhà rao giảng Phúc Am của Giáo Hội đang đi khắp thế gian để thực hiện chức vụ rao giảng Phúc Am, và “trồng” Giáo Hội vào các dân tộc, cũng như những nhóm người chưa tin Chúa Kitô (….) Mục đích riêng của hoạt động truyền giáo này là rao giảng Phúc Am và trồng Giáo Hội vào các dân tộc hay những nhóm người mà Giáo Hội còn chưa bén rễ.

Trong hoạt động truyền giáo của Giáo Hội, có nhiều thời điểm  đôi khi rất lẫn lộn với nhau: trước hết là thời khởi công hay gieo trồng, sau đó là thời mới mẻ trẻ trung. Tuy nhiên, khi đã trải qua các thời điểm hay giai đọan đó rồi, hoạt động truyền giáo của Giáo Hội vẫn không ngưng trệ: các Giáo Đoàn địa phương đã được thiết lập có nhiệm vụ tiếp tục hoạt động truyền giáo và rao giảng Phúc Am cho từng người còn ở ngoài Giáo Hội.

(Công đồng Vatican II, Sắc lệnh về Họat động Truyền giáo của Giáo hội, 6).

  1. Trước hết, đó là tình trạng mà hoạt động truyền giáo của Giáo Hội nhắm tới: các dân tộc, các nhóm người, các bối cảnh văn hóa xã hội chưa biết tới Đức Kitô và Tin Mừng của Người, hoặc đó là những nơi không có các cộng đồng Kitô hữu đủ vững mạnh để có thể hội nhập đức tin vào môi trường của mình, và loan báo đức tin cho những nhóm người khác. Đó là sứ vụ đến với muôn dân đúng nghĩa.

      (ĐGH Gioan Phaolô II,Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Độ, 33a).

 

II. ĐỐI TƯỢNG II:  NHỮNG NGƯỜI TIN VÀO ĐỨC GIÊSU VÀ  ĐÃ ĐƯỢC RỬA TỘI   (HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ)

 Tiếp đến, có những cộng đoàn Kitô hữu có một cơ cấu Giáo Hội vững mạnh và thích ứng được về đức tin và đời sống nhiệt tâm, những cộng đoàn này làm chứng cho Tin Mừng một cách rạng rỡ trong môi trường của mình, họ ý thức về nghĩa vụ truyền giáo phổ quát. Trong các cộng đoàn này có hoạt động mục vụ của Giáo Hội  (Hoạt động mục vụ ).

     (ĐGH Gioan Phaolô II Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Độ, 33b).

 

III. ĐỐI TƯỢNG III  :  NHỮNG NGƯỜI ĐÃ TIN ĐỨC GIÊSU KITÔ VÀ ĐÃ NHẬN BÍ TÍCH RỬA TỘI, NHƯNG ĐÁNH MẤT NIỀM TIN, RỜI BỎ GIÁO HỘI (HOẠT ĐỘNG TÁI TRUYỀN GIÁO)

  1. Sau hết là một tình trạng trung gian, nhất là trong các quốc gia có truyền thống Kitô giáo kỳ cựu, hoặc đôi khi ngay trong các Giáo Hội trẻ trung hơn. Ở đây, có cả từng nhóm những người đã lãnh bí tích Thánh Tẩy, nhưng đã đánh mất cảm quan về một đức tin sống động, hoặc đi đến chỗ không còn nhìn nhận mình là phần tử của Giáo Hội nữa, họ sống xa rời Đức Kitô và Tin Mừng của Người. Trong trường hợp này, cần phải có một “cuộc loan báo Tin Mừng mới” hoặc “một cuộc tái loan báo Tin Mừng”

(ĐGH Gioan Phaolô II Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Độ, 33c).

 

IV. TUY NHIÊN KHÔNG THỂ ẤN ĐỊNH CÁC RANH GIỚI

  1. Mặt khác, không thể xác định rõ ràng các ranh giới giữa việc chăm lo mục vụ cho các tín hữu, trách vụ tái loan báo Tin mừng và hoạt động truyền giáo chuyên biệt, và cũng không nên  tạo ra những hàng rào hoặc một sự phân chia cứng nhắc giữa các hoạt động tông đồ. Tuy vậy, vẫn phải luôn hướng tới việc loan báo Tin mừng và thiết lập những Giáo Hội mới nơi các dân tộc và các nhóm người chưa có sự hiện diện của Giáo Hội, bởi vì đó là trách vụ hàng đầu của Giáo Hội, một Giáo Hội được sai đến với các dân tộc, đến tận cùng trái đất. Nếu không có sứ vụ đến với muôn dân, thì chiều kích thừa sai của Giáo Hội sẽ mất đi ý nghĩa nền tảng và sự thực hiện mẫu mực.

      (ĐGH Gioan Phaolô II, Thông điệp Sứ Vụ Đấng Cứu Độ, 34).

 

V. ĐẾN VỚI MÔI TRƯỜNG ĐANG CẦN ÁNH SÁNG

  1. Hãy mạnh dạn đến với những môi trường mới. Có thể đó là những môi trường địa lý chưa bao giờ được nghe rao giảng Tin Mừng, những vùng đất chưa in dấu chân nhà truyền giáo. Đó là những môi trường văn hóa, chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật …. Đó là những lãnh vực cần có sự hiện diện của Chúa Kitô, chứng tá của Hội Thánh và ánh sáng của Tin Mừng.

Hãy đến với những con người chưa được nghe rao giảng Tin Mừng, hoặc đã nghe mà chưa sống Tin Mừng.

Hãy hiện  diện trong mọi môi trường của nhân loại, vì không có gì của con người mà xa lạ với Hội Thánh. Hội Thánh phải loan báo Chúa Kitô và làm cho Chúa Kitô trở nên tất cả cho mọi người. Tin Mừng phải hội nhập vào mọi lãnh vực của con người.

(Hội đồng Giám Mục Việt Nam, Thư Mục Vụ 2003).

 

        Trao đổi:

1. Ttong sinh hoạt của các giáo xứ ta  từ trước đến giờ, chúng ta chú trọng nhiều nhất đến họat động mục vụ mà chưa quan tâm đủ đến hoạt động truyền giáo (nghĩa chặt) và hoạt động tái truyền giáo. Tại sao lại có tình trạng ấy?  Và hậu quả là gì?

2. Xã hội ta thay đổi rất nhanh và rất mạnh trong những năm gần đây. Sự thay đổi ấy đã tạo ra những môi trường mới cần được loan báo Tin Mừng. Chúng ta phải làm gì để nhanh chóng có mặt trong các môi trường mới ấy hầu đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của người  thời nay?