Lòng Thương Xót Chúa (12)
Đổi mới cuộc đời để tìm lại hình ảnh của Cha trên trời, Đấng giàu lòng thương xót
(dongten.net) 17/12/2015
Trên hành trình Đức Tin của chúng ta, khi lắng nghe, nghiền ngẫm và cầu nguyện với Lời Chúa, là chúng ta đang bước vào con đường gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót và Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy có lòng thương xót giống như Chúa: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc nhớ các tín hữu trong trong tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa: “Lòng Thương Xót: là luật cơ bản ngự trị trong con tim của mỗi con người đang nhìn chân thành vào đôi mắt của anh chị em mình trên đường đời” (số 02). “Chúa Giêsu khẳng định rằng lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nó trở thành một tiêu chuẩn để xác thực ai là con cái thật sự của Ngài. Nói vắn tắt, chúng ta được mời gọi để tỏ lòng thương xót vì lòng thương xót đã được thể hiện ra cho chúng ta trước” (số 09).
Lời mời gọi của Chúa Giê-su và lời nhắc nhớ của Vị Cha Chung tương hợp với lời kêu mời của Chúa trong Bài Giảng Trên Núi: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Lời mời gọi của Chúa Giê-su dành cho chúng ta có lòng thương xót nhân từ giống Thiên Chúa là một lời mời gọi chúng ta đổi mới cuộc đời, bởi vì cuộc đời của con người trong thời đầu tiên đã bị tội lỗi làm nhơ bẩn, qua sự bất tuân phục Thiên Chúa. Tội lỗi tương phản với lòng nhân hậu mà Thiên Chúa ước mong có trong bản chất của con người. Tội lỗi đem lại những hậu quả rất đau thương qua việc Cain đã giết chết em ruột là Aben. Tội lỗi này đã làm méo mó khuôn mặt của con người, làm thay đổi khuôn mặt nguyên thuỷ của con người, khuôn mặt của người con giống hình ảnh Cha trên trời.
Như thế, lời mời gọi chúng ta có lòng thương xót giống Thiên Chúa là một bước đi mạnh mẽ, để tái tạo lại khuôn mặt của chúng ta, con người chúng ta của ngày đầu tiên – người con được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng và mang hình ảnh của Ngài. Lòng thương xót là một nhịp cầu quan trọng để chúng ta có thể đến gần Thiên Chúa, để chúng ta có thể hiệp nhất với Ngài, người Cha của chúng ta. Lòng thương xót thực là một phần nền tảng trong đời sống của con cái Thiên Chúa. Cha nào con nấy. Nghĩa là chúng ta chỉ có thể là con của Cha trên trời giàu lòng thương xót, khi chúng ta mang trong mình lòng thương xót và thực thi lòng thương xót trong cuộc sống. Nhưng với sức mình, chúng ta không thể tự làm được, mà với ân sủng của Chúa, cụ thể qua chính Đức Ki-tô và công trình cứu độ của Ngài, chúng ta có thể trở nên một tạo vật mới, một con người mới, con người của lòng thương xót.
Thánh Phao-lô đã diễn tả trong thư gởi tín hữu thành Cô-lô-sê, về đời sống mới của chúng ta qua bí tích Thánh Tẩy, và trong sự Phục Sinh của Đức Ki-tô. Trước hết, thánh Phao-lô mời gọi chúng ta chú ý[1]: “Anh em đã được trỗi dậy cùng với Đức Ki-tô, nên hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Ki-tô đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới. Thật vậy, anh em đã chết, và sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Ki-tô nơi Thiên Chúa” (Cl 3,1-3). Nhưng những điều thuộc về hạ giới và những gì thuộc về thượng giới là những điều gì? Thánh Phao-lô đã chỉ ra rõ ràng qua lời kêu gọi tiếp theo:“Vậy anh em hãy giết chết những gì thuộc về hạ giới trong con người anh em: ấy là gian dâm, ô uế, đam mê, ước muốn xấu và tham lam; mà tham lam cũng là thờ ngẫu tượng. Chính vì những điều đó mà cơn thịnh nộ của Thiên Chúa giáng xuống trên những kẻ không vâng phục. Chính anh em xưa kia cũng ăn ở như thế, khi anh em còn sống giữa những người ấy. Nhưng nay, cả anh em nữa, hãy từ bỏ tất cả những cái đó: nào là giận dữ, nóng nảy, độc ác, nào là thoá mạ, ăn nói thô tục. Anh em đừng nói dối nhau, vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi” (Cl 3,5-9). Khi xa rời những gì thuộc hạ giới, chúng ta những người con cái của Cha nhân từ mang hình ảnh của Cha được mời gọi: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo. Ước gì ơn bình an của Đức Ki-tô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng ơn bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân. Ước chi lời Đức Ki-tô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan. Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài Thánh Vịnh, thánh thi và thánh ca, do Thần Khí linh hứng. Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giê-su và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3, 12-17).
Những lời nhắn nhủ dạy dỗ của Thánh Phao-lô không chỉ là lời cảnh báo cho giáo đoàn ở Cô-lô-sê thời đó, cần chú ý xa lánh những giáo điều sai lạc từ bên ngoài, mà ngài còn đưa lại cho mọi người bảng hướng dẫn cụ thể, để sống đúng tinh thần là những người có niềm tin, những người mang hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Những lời chỉ dẫn này có giá trị trong mọi thời đại cho đời sống của Giáo Hội, và của mọi cộng đoàn địa phương, bởi vì những ai được đón nhận bí tích Rửa Tội, đều “coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Ki-tô Giê-su” (Rm 6,11). Như thế, bí tích Rửa Tội đối với Thánh Phao-lô không chỉ là một nghi thức đạo đức, mà còn là một huyền nhiệm chứa đựng những điều quan trọng nhất giúp cho người có niềm tin sống đạo theo đúng tinh thần là con của Cha nhân từ, Đấng ngự trên trời. Qua bí tích Rửa Tội, tín hữu đoạn tuyệt hoàn toàn với tội lỗi, nghĩa là con người cũ chết đi, con người cũ mà chúng ta phải mang từ khi A-đam cũ phạm tội; để mặc lấy con người mới qua chính A-đam mới là Đức Ki-tô. Con người mới trong Đức Ki-tô và với Đức Ki-tô tìm lại được hình ảnh của Thiên Chúa trong mình và tràn đầy hương hoa của thượng giới. Hương hoa thượng giới cao quý nhất chính là bác ái, yêu thương, nhân hậu và thương xót, những hương hoa thuộc về bản chất của Cha trên trời, Đấng giàu lòng thương xót.[2]
Như vậy, “khi mặc lấy lòng thương xót, chúng ta trở nên những người mô phỏng hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng đã tạo dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài. Và cũng thế, khi đón nhận lời kêu gọi của Chúa Ki-tô để bước đi theo Ngài, chúng ta thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa”.[3]
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ
[1] X. KOEHLER Théodore, từ ngữ Miséricorde, trong Dictionnarie de Spiritualité, Tome X, Beauchesne, Paris 1980, c.1313 và c.1315
[2] X. MUSSNER F., Der Brief an die Kolosser, Geistliche Schriftlesung, Patmos-Verlag, Duesseldorf 1964, t. 76-83.
[3] KEENAN J.F., SJ., The Works of Mercy, the heart of catholicism, A Sheed and Ward Book, Plymouth UK. 2008, t.9.