Sức Mạnh Tình Yêu

Chúa Nhật III Phục Sinh, Năm C

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, xin cho chúng con biết yêu thương như Chúa Giêsu.

Peter-and-John-before-the-sanhedrin

Yêu là gì? Chưa ai có một định nghĩa đầy đủ và chính xác nhất. Người ta định-nghĩa-mà-không-định-nghĩa, và chỉ “mơ hồ” nói: “Yêu là chết trong lòng một ít”. Thế nào là ít hay nhiều? Mức độ cũng thật trừu tượng!

Khi yêu người ta có thể hạnh phúc hoặc đau khổ, thường là khổ nhưng vẫn phải có trách nhiệm – dù nhẹ hay nặng. Yêu là lĩnh vực tình cảm, của trái tim, nhưng vẫn cần có lý trí, dù đôi khi chính lý trí cũng không thể hiểu lý lẽ của trái tim.

Trái tim là trung tâm phân phối máu giúp cơ thể sống, cũng là trung tâm tình yêu. Tình yêu đa dạng, riêng tình yêu Công giáo được mệnh danh là đức mến hoặc đức ái. Thánh Hirônimô phân tích: “Nếu ai không có đức ái thì dù có đức tin chính xác, đều không tài nào có hạnh phúc vĩnh viễn; bởi vì trong tất cả các đức thì đức ái chiếm hàng thứ nhất. Linh hồn không có tình yêu thì tuyệt đối không thể sống nổi, linh hồn cần có tình yêu”.

Thánh Phaolô cũng đã xác định: “Đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại. Nhưng đức mến là quan trọng nhất” (1 Cr 13:13). Sự chết so với tình yêu chân thật thì chỉ là… “chuyện nhỏ”. Tình yêu “nổi tiếng” thế giới là tình yêu của Romeo và Juliet mà đại văn hào Shakespeare đã phác họa. Việt Nam có chuyện tình Lan và Điệp, chuyện tình Đồi Thông Hai Mộ, hoặc chuyện tình Mộng Thường. Thế nên Đại văn hào Victor Hugo đã định nghĩa: “Chết cho tình yêu là sống trong tình yêu”.

Khi người ta điệu các Tông Đồ đến giữa Thượng Hội Đồng; vị thượng tế hỏi: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!” (Cv 5:28). Bấy giờ ông Phêrô và các Tông Đồ khác đáp lại: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5:29). Một câu nói can đảm và tuyệt vời, Phêrô hôm nay chứ không còn là Phêrô hôm qua nữa!

Ông Phêrô còn hùng hồn nói thẳng: “Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Ít-ra-en ơn sám hối và ơn tha tội. Về những sự kiện đó, chúng tôi xin làm chứng, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người” (Cv 5:30-32).

Thế rồi các Tông Đồ bị họ đánh đòn và họ cấm các ông không được nói đến danh Đức Giêsu, rồi thả các ông ra. Tuy nhiên, khi ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng các ông “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5:41). Yêu như điếu đổ, yêu hết cỡ thợ mọc, yêu như điên, càng khổ càng thú vị. Người ta gọi đó là “thú đau thương”. Cảm nhận được lòng thương xót của Chúa rồi nên các ông không thể làm trái với tiếng gọi của tình yêu.

Tác giả Thánh Vịnh tuyên xưng: “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con” (Tv 30:2).

Thật vậy, “từ âm phủ Ngài đã kéo lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống” (Tv 30:4). Do đó, tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ Thánh Danh Người. Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Cv 5:5-6). Có quan tâm mới góp ý chân thành, dù lời thật làm mất lòng, như tục ngữ Việt Nam nói: “Thương con cho roi, cho vọt; ghét con cho ngọt, cho bùi”.

Với lòng tin mến, chúng ta hãy thành tâm cầu nguyện và tuyên xưng: “Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ. Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng. Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng. Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu” (Cv 5:11-13).

Thánh sử Gioan tường thuật về thị kiến: Tôi thấy, và tôi nghe tiếng muôn vàn thiên thần ở chung quanh ngai, các Con Vật và các Kỳ Mục. Số các thiên thần có tới ức ức triệu triệu. Các vị lớn tiếng hô: “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc” (Kh 5:12). Con Chiên Giêsu đã chịu đau khổ đến tột cùng nên Ngài xứng đáng lãnh nhận những gì xứng đáng nhất. Ai yêu nhiều thì được thương nhiều, ai khổ công thì được tưởng thưởng. Đó là công lý công minh và chính trực!

Thánh sử Gioan cho biết thêm: Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!” (Kh 5:13). Cả bốn Con Vật thưa: “Amen”. Và rồi các Kỳ Mục cùng phủ phục xuống thờ lạy. Mọi loài đều tâm phục khẩu phục mà thờ lạy Thiên Chúa duy nhất, vì mọi loài tin thật và yêu mến.

Tại Biển Hồ Tibêria, Đức Giêsu lại tỏ mình ra cho các môn đệ. Người tỏ mình ra như thế này: Ông Simôn Phêrô, ông Tôma gọi là Điđymô, ông Nathanaen người Cana miền Galilê, các người con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simôn Phêrô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây”. Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh”. Rồi mọi người cùng lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

Đến sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giêsu. Ngài nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” (Ga 21:5). Các ông trả lời: “Thưa không”. Ngài bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá” (Ga 21:6). Dù chưa nhận ra đó là Sư Phụ Giêsu, nhưng các ông vẫn thả lưới xuống, và rồi họ không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.

Lúc đó, người-môn-đệ-được-Đức-Giêsu-thương-mến nói nhỏ với ông Phêrô: “Chúa đó!” (Ga 21:7). Ôi chao! Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Simôn Phêrô giật mình và vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi ông liền nhảy ùm xuống biển. Ngại quá! Nhưng bản tính Phêrô nhà ta là nóng nảy mà thật thà, có gì nói thẳng, chẳng úp mở chi cả, và muốn làm gì thì làm ngay. Thấy anh Hai làm vậy, các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

Khi lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” (Ga 21:10). Ông Phêrô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giêsu nói: “Anh em đến mà ăn!” (Ga 21:12). Lúc này các ông biết rõ đó là Sư Phụ Giêsu rồi. Đức Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Ngài cũng làm như vậy.

Thánh Gioan cho biết đó là lần thứ ba Đức Giêsu tỏ mình ra cho các ông, kể từ sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

Khi các môn đệ ăn xong, giây phút quan trọng bắt đầu. Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” (Ga 21:15a). Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21:15b). Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc CHIÊN CON của Thầy” (Ga 21:15c). Ngài lại hỏi: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không?” (Ga 21:16a). Ông cũng đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21:16b). Ngài nói: “Hãy chăn dắt CHIÊN của Thầy” (Ga 21:16c).

Sau đó, Ngài hỏi lần thứ ba: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” (Ga 21:17a). Ông Phêrô gãi đầu. Hôm nay sao Thầy kỳ hết sức, hỏi hoài! Ông buồn vì Ngài hỏi tới ba lần. Ông xác quyết: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy” (Ga 21:17b). Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc CHIÊN của Thầy” (Ga 21:17c). Rồi Ngài nói với Phêrô: “Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn” (Ga 21:18).

Thánh Gioan nói rằng Ngài nói vậy có ý ám chỉ ông Phêrô sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Nghĩa là Thánh Phêrô cũng bị đóng đinh như Thầy, nhưng cảm thấy bất xứng nên ông xin được đóng đinh ngược đầu xuống đất. Chúa Giêsu bảo ông: “Hãy theo Thầy” (Ga 21:19).

Người Việt nói: “Quá tam ba bận”. Chúa Giêsu cũng muốn ông Phêrô xác nhận ba lần, không phải Ngài ép buộc, mà Ngài muốn người ta hoàn toàn tự do mà tình nguyện theo Ngài. Đó là lời Chúa Giêsu vẫn hỏi chúng ta hằng ngày, và Ngài muốn chúng ta trả lời thật lòng. Tự bản chất, tình yêu có sức mạnh phi thường, một khi đã thực sự cảm nghiệm được tình yêu thì khó có ai khả dĩ cưỡng lại mãnh lực này.

Về tình yêu, các thánh có nhiều cách cảm nhận: “Yêu là chiến thắng Thiên Chúa” (Thánh Bênađô), “Thiên Chúa dùng tình yêu thánh thiện để cứu chuộc loài người chúng ta, đến nỗi vì chúng ta mà hy sinh mạng sống của mình. Như vậy, mặc dù chúng ta hết lòng yêu Ngài thì cũng không đủ để báo đáp tình yêu của Ngài” (Thánh Phanxicô Salê), “Chúa Giêsu là nguyên nhân của tình yêu đến cuồng nhiệt” (Thánh Madeleine Barat), “Có tình yêu thì không có nhọc nhằn; cho dù có nhọc nhằn thì nhọc nhằn này cũng bị tình yêu hóa lỏng” (Thánh Augustinô), “Chỉ mong con yêu Ngài đến chết, bởi vì Ngài tự nguyện chết vì yêu con” (Thánh Phanxicô Assisi), “Ái tình là đao kiếm của chúng ta, dùng nó để trừ ma giết địch, để cho Vua Giêsu ngự trị trong lòng mọi người” (Thánh Terese Hài Đồng Giêsu), “Tình yêu là sợi dây đoàn kết mọi chi thể của Giáo Hội, không chỉ là đối với người hàng xóm còn sống, mà còn mở rộng ra đến cả những người chết trong ân sủng và tình yêu” (Thánh Thomas Aquinas), “Không có đức ái mà đi truyền giáo thì giống như mình hái quả trên cây rồi tự mình đốn ngã cây vậy” (Thánh Inhaxiô Loyola). Và còn rất nhiều nữa…

Lạy Thiên Chúa Tình Yêu, xin cho chúng con biết yêu thương như Chúa Giêsu. Xin Tình Yêu Kitô biến đổi tất cả chúng con nên hoàn thiện qua sự tác động của Chúa Thánh Thần, mỗi lúc càng nên mới hơn. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô Phục Sinh, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU