Suy Niệm Chúa Nhật 20 Thường Niên – Năm A

Ba bài đọc của Chúa Nhật nầy dâng hiến một chủ đề chung: đón tiếp muôn dân muôn nước, bất kỳ những ai bày tỏ niềm tin vào Đức Chúa, Thiên Chúa của dân Ít-ra-en.

Isaiah 56:1,6-7

Bài đọc thứ nhất loan báo sứ điệp cứu độ phổ quát: mời gọi cộng đồng Giê-ru-sa-lem đón nhận những ngoại kiều kính sợ Thiên Chúa Ít-ra-en vào cộng đoàn của mình.

Romans 11:13-15,29-32

Trong thư gởi các tín hữu Rô-ma, thánh Phao-lô nhắc lại rằng ngài là Tông Đồ dân ngoại: vì dân Do thái từ chối nên lời loan báo cứu độ được gởi đến cho muôn dân.

Matthew 15:21-28

Tin Mừng Mát-thêu thuật lại câu chuyện đức tin của người đàn bà xứ Ca-na-an. Đức Giê-su nhận lời khẩn cầu của bà và ca ngợi đức tin của bà.

BÀI ĐỌC I (Isaiah 56:1,6-7)

Đoạn trích nầy là đoạn mở đầu của phần thứ ba sách I-sai-a. Toàn bộ phần thứ ba này gồm các chương 56-66 được gán cho vị ngôn sứ với biệt danh là I-sai-a đệ tam, vì người ta không biết tên ông. Cũng như vị tiền nhiệm của ông, ngôn sứ I-sai-a đệ nhị (ch. 40-55), ông kín đáo ẩn mình dưới vị ngôn sứ I-sai-a lừng danh (ch. 1-39). Ngôn sứ I-sai-a đệ tam thi hành sứ vụ của mình ở Giê-ru-sa-lem, trong những thập niên sau cuộc lưu đày Ba-by-lon trở về, và nhất là vào thời kỳ tái thiết Đền Thờ (521-515 Trước Công Nguyên).

Sứ điệp mở đầu tác phẩm của ông công bố khai mạc thời kỳ cứu độ phổ quát.

1. Những ngoại kiều.

Chắc chắn vào lúc nầy có một số lượng khá lớn ngoại kiều ở Giê-ru-sa-lem và Giu-đê. Chúng ta nghĩ đến những người nước ngoài đã đến định cư ở đây trong khi một phần dân bản xứ bị đưa đi lưu đày.

Đối với những ngoại kiều định cư lâu dài được gọi “gérim” (kiều cư), luật dự kiến một quy chế thuận lợi; họ được hưởng một số lượng quyền lợi. Sách Lê-vi đồng hoá họ với “những người thân cận” và đòi hỏi phải “yêu thương họ như chính mình” (Leviticus 19:33-34). Trái lại, đối với những ngoại kiều tá túc trong một thời gian hạn định nào đó được gọi “nokrin” (khách vãng lai), họ không hưởng được bất kỳ quyền hạn nào khác ngoài tập quán của lòng hiếu khách. Đơn giản họ được cư xử với lòng bao dung; đôi khi họ bị đồng hóa với những kẻ thù của dân Ít-ra-en; họ bị loại ra khỏi việc phụng tự và bị tước đoạt nhiều quyền lợi.

Vì thế, ở đây “nhân danh đức công chính và điều chính trực”, vị ngôn sứ tố cáo những kỳ thị như thế. Thiên Chúa phán: “Vì ơn cứu độ của Ta đã gần tới”, diễn ngữ nầy muốn nói rằng Đức Chúa sẵn sàng can thiệp bởi vì Ngài là Đấng bảo vệ những người đơn côi yếu thế.

2. Yêu mến Danh Người.

Ngôn sứ liệt kê những điều kiện khái quát về việc đón nhận những kiều cư vào cộng đoàn Ít-ra-en: “Những người ngoại bang nào gắn bó cùng Đức Chúa để phụng sự và yêu mến Danh Người, để nên tôi tớ của Người ”. Theo văn hóa Do thái, tên chính là người, vì thế, “Yêu mến Danh Người” không gì khác “yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en”. Cách nói: “Yêu mến Danh Người” không gặp thấy nơi nào khác ngoài đoạn văn Cựu Ước nầy. Nhưng thật có ‎ý nghĩa khi vị ngôn sứ đòi hỏi trước tiên lòng yêu mến đối với Đức Chúa. Từ ngữ “phụng tự” trong diễn ngữ “để phụng sự” không gợi lên bất kỳ phụng tự tôn giáo nào; thành ngữ “tôi tớ” là danh từ chung để chỉ hết mọi tín hữu, nghĩa là tất cả những ai có niềm tin vào Thiên Chúa.

“Những ai giữ, không vi phạm ngày sa-bát”. Điểm nhấn được đặt trên “ngày sa-bát” rất có ý nghĩa. Trong thời lưu đày, việc tuân giữ ngày sa-bát đã mang lấy tầm mức quan trọng lớn lao. Ngày sa-bát đã trở nên dấu chỉ biệt phân, nhờ đó, người Do thái bị tản mác ở giữa dân ngoại khẳng định căn tính của mình.

“Trung thành với giao ước của Ta,” câu nầy tóm gọn những đòi hỏi ở trên. Trong số những đòi hỏi nầy, phép cắt bì không được kể ra. Vả lại, phép cắt bì chỉ đòi hỏi những tân tòng, chứ không “những người kính sợ Thiên Chúa”, tức là những người có thiện cảm với Do thái giáo, như viên bách quản Rô-Ma, ông Cô-nê-li-ô (Cv 10: 1-2). 

3. Chiều kích phổ quát của sứ điệp:

Vị ngôn sứ công bố nhân danh Đức Chúa. Việc phục hồi quyền lợi của những kiều cư và sáp nhập họ vào dân Chúa chọn là sáng kiến của Thiên Chúa: “Ta sẽ dẫn họ lên Núi Thánh của Ta, và cho họ hân hoan bước vào nhà cầu nguyện của Ta”.

Trong Kinh Thánh, chúng ta thường gặp thấy niềm vui được phụng thờ Thiên Chúa. Các “Thánh Vịnh lên đền” ca ngợi tâm tình hân hoan tôn giáo nầy, ví dụ như Thánh Vịnh 43: “Con sẽ bước tới bàn thờ Thiên Chúa, tới gặp Thiên Chúa, nguồn vui của lòng con”.

“Ta sẽ ưng nhận lễ toàn thiêu và tế phẩm họ dâng trên bàn thờ của Ta. Vì nhà Ta sẽ được gọi là nhà cầu nguyện của mọi dân nước”. Biểu thức nầy có cung giọng đặc biệt, một trong những cung giọng mang chiều kích phổ quát nhất trong toàn bộ Cựu Ước. Đức Giê-su sẽ lập lại biểu thức nầy khi Ngài đuổi những người buôn bán và những người đổi tiền ra khỏi khuôn viên Đền Thờ, chính xác là nơi dành cho lương dân mong ước cầu nguyện với Thiên Chúa Ít-ra-en. Cử chỉ của Đức Giê-su không chỉ muốn nói rằng nền phụng tự nầy rồi sẽ sớm mất đi lý do hiện hữu của chúng, nhưng còn nơi nầy phải được dành cho muôn dân muôn nước.

BÀI ĐỌC II (Romans 11:13-15,29-33)

Đoạn trích thư của thánh Phao-lô hôm nay hòa hợp với hai bài đọc khác: cả ba bài đọc đều nói về việc mở rộng vòng tay đón nhận muôn dân.

Việc mở rộng vòng tay đón nhận muôn dân nầy càng cần thiết hơn khi mà dân Do thái, nói chung, cố chấp đến mù quáng của mình. Đó là nguyên do thánh Phao-lô phiền muộn. Ngài ngỏ lời với các tín hữu Rô-ma, những người xuất thân từ ngoại giáo: “Tôi xin nói với anh em là những người gốc dân ngoại”.

Thánh Phao-lô tự đặt mình vào trong hai viễn cảnh nối tiếp nhau: viễn cảnh của chính ngài, vị tông đồ dân ngoại, và viễn cảnh của Thiên Chúa, Đấng đầy lòng xót thương.

1. Viễn cảnh của vị tông đồ dân ngoại.

Lần đầu tiên đọc đoạn văn này, chúng ta có thể tin rằng thánh Phao-lô dâng trọn cuộc đời mình cho sứ vụ tông đồ dân ngoại với một hậu ý: sinh lòng ghen tức ở nơi đồng bào của mình trước sự kiện dân ngoại vào thế chỗ dân Ít-ra-en mỗi ngày mỗi thêm đông trong kế hoạch của Thiên Chúa. Chắc chắn đây không là mục đích hàng đầu trong công việc truyền giáo của thánh nhân, nhưng là ý định được đi kèm theo: ở đây thánh nhân bày tỏ nỗi lòng của mình: ơn cứu độ của dân Ít-ra-en ám ảnh thánh nhân. “Một ích người” mà thánh nhân mong muốn cảm hóa đức tin của họ, được xem ra như mầm mống và bảo chứng cho việc muôn dân hoán cải.

Nếu việc dân Do thái bị gạt ra bên ngoài đã là cơ hội cho thế giới được hòa giải với Thiên Chúa, tức là cuộc hoán cải của dân ngoại, giai đoạn đầu tiên của ơn cứu độ phổ quát, thì giai đoạn thứ hai sẽ là tuyệt vời biết mấy, khi toàn thể dân Ít-ra-en tái sáp nhập vào cộng đồng tin: đó chẳng khác gì việc các vong nhân sống lại từ cõi chết.

2. Viễn cảnh của Thiên Chúa đầy lòng xót thương.

Đối với vị tông đồ dân ngoại, Thiên Chúa không thể bỏ rơi dân riêng của Ngài: ân ban và ơn gọi bất khả đổi thay. Cả dân ngoại lẫn dân Do thái đều đã “không vâng phục Thiên Chúa”. Ở đầu bức thư của mình, thánh nhân đã cho thấy rằng dân ngoại đã đón nhận đủ ánh sáng ngõ hầu cư xử với nhau một cách chính trực và từ tâm, nhưng họ đã lún sâu vào sự bất chính và thờ ngẫu tượng: theo nghĩa nầy, họ đã không vâng phục Thiên Chúa. Dân Do thái, đến thời Mê-si-a, đã không mở rộng lòng mình mà đón nhận Đấng Thiên Chúa sai đến, họ cũng thế đã không vâng phục Thiên Chúa.

Thánh Phao-lô thiết lập mối quan hệ nhân quả giữa việc dân Ít-ra-en bất phục tùng và việc dân ngoại hoán cải. Chắc chắn đây là quan hệ nhân quả lịch sử. Trước việc người Do thái chống đối có hệ thống, thánh Phao-lô, thánh Ba-na-ba và các tông đồ khác đã cương quyết quay về phía dân ngoại. Nhưng còn sâu xa hơn, thánh nhân cho thấy mối quan hệ nhân quả thuộc trật tự tâm lý nằm trong ‎ý định Thiên Chúa. Lúc đó, theo thể loại song đối đặc thù Sê-mít, thánh nhân mô tả chuyển động kép của lòng Thiên Chúa xót thương: lòng xót thương mà dân ngoại đã có được khi trở về cùng Thiên Chúa, lòng xót thương theo đó dân Ít-ra-en sẽ trở lại. Sau cùng, thánh nhân tóm lại chương trình quan phòng của Thiên Chúa, trong một biểu thức thấm thía: “Quả thế, Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người”.

TIN MỪNG (Matthew 15:21-28)

Câu chuyện niềm tin của một người đàn bà xứ Ca-na-an được định vị trong bối cảnh đặc thù: kể từ phép lạ bánh hóa nhiều và việc đám đông dân chúng không hiểu được sứ điệp của Ngài, Đức Giê-su đã quyết định tập trung vào việc đào tạo các môn đệ của mình. Vì thế, “Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đôn”. Đó là lý do Ngài có mặt tại vùng đất dân ngoại. Ngài đã vượt qua biên giới phân chia giữa miền Ga-li-lê và xứ Phê-ni-xi, xa khỏi đám đông và những kinh sư, những người đã đặt ra nhiều câu hỏi để nhằm gài bẩy Ngài. Trong bầu khí yên tỉnh, Ngài dành hết tâm trí và thời giờ cho các môn đệ. Ngài muốn chuẩn bị sứ mạng tương lai của họ.

1. Người đàn bà xứ Ca-na-an:

“Thì nầy có một người đàn bà xứ Ca-na-an…”. Ca-na-an là tên cổ xưa của Phê-ni-xi. Khi dùng cách nói “người đàn bà xứ Ca-na-an”, thánh Mát-thêu không quan tâm đến tên gọi cổ xưa, nhưng vì cách nói nầy gợi lên quá khứ thù địch giữa dân Ca-na-an và dân Ít-ra-en, cũng như thánh Gioan nói “người đàn bà xứ Sa-ma-ri” để chất chứa ở nơi tên gọi nầy những kỷ niệm thù nghịch không đội trời chung giữa hai dân tộc nầy. Thêm nữa, khi nói “người đàn bà xứ Ca-na-an”, thánh Mát-thêu muốn khẳng định rằng bà là dân ngoại.

Người đàn bà xứ Ca-na-an đã nghe danh Đức Giê-su. Bà nghe biết Ngài hiện đang có mặt ở trong miền, vì thế bà đến với Ngài và khẩn khoản van xin Ngài, không phải cho bà nhưng cho đứa con gái bệnh hoạn của bà. Bengel đã nói về bà: “Bà đã xem nỗi bất hạnh của con bà như của chính bà”, còn William Barclay đã xoáy vào trọng tâm của tình mẫu tử ở nơi người đàn bà ngoại giáo nầy: “Chính bởi tình yêu khiến bà đến gần người ngoại quốc nầy, chính tình yêu khiến bà cam chịu sự nín lặng, lạnh nhạt của Ngài mà vẫn tiếp tục kêu xin, chính tình yêu mà bà cam chịu đau khổ vì lời từ chối tàn nhẫn, chính tình yêu mà đã khiến bà có thể thấy được niềm thương cảm phía sau những lời nói của Chúa Giê-su” (The Gospel of Matthew, tập II, tr. 100).

“Lạy Ngài là con vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi!”. Bà khẩn cầu Đức Giê-su với tước hiệu Mê-si-a: “con vua Đa-vít”. Phải chăng thánh Mát-thêu đã muốn nhấn mạnh sự bạo dạn của người đàn bà xứ Ca-na-an nầy khi dùng tước hiệu đặc trưng dân Do thái dành riêng cho Đấng Mê-si-a? Hay đúng hơn thánh nhân muốn ghi nhận ở nơi người đàn bà nầy một tấm lòng tin tưởng không hề lay chuyển ngay từ giây phút gặp gỡ ban đầu? Lời van xin nầy vang lên như cung giọng phụng vụ: “Xin Chúa thương xót chúng con” (“Kyrie Eleison”). Dù thế nào, lời khẩn cầu của người phụ nữ ngoại giáo này cũng vẫn là lời trách cứ gởi đến dân Do thái vì họ không biết nhận ra Đức Giê-su là Đấng Mê-si-a. Thánh Mát-thêu chuẩn bị cho chúng ta tham dự vào chiều kích vĩ đại của ơn cứu độ phổ quát.

2. Thái độ của Đức Giê-su.

Để khơi dậy đức tin ở nơi người đàn bà xứ Ca-na-an, Đức Giê-su sử dụng khoa sư phạm có thể được gọi phương pháp thử thách. Phương pháp nầy bao gồm hai giai đoạn: trước hết, thinh lặng: “Người không đáp một lời nào”; đoạn, thẳng thừng từ chối. Ngài thử thách bà chỉ cốt làm sáng tỏ đức tin kiên vững của bà trong mọi thử thách.

3. Một đức tin bị thử thách.

Người đàn bà vẫn bám riết theo sau Ngài mà kêu xin đến mức các môn đệ phải nao lòng chột dạ nên thưa với Thầy: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!”. Đức Giê-su đáp lại các ông: “Thầy chỉ được sai đến cứu những con chiên lạc nhà Ít-ra-en mà thôi”. Cũng một cách như vậy, vào lúc sai nhóm Mười Hai đi truyền giáo, Đức Giê-su đã chỉ thị: “Anh em đừng đi về phía các dân ngoại, cũng đừng vào thành nào của dân Sa-ma-ri. Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en” (Matthew 10:5-6). Đây là chương trình của Thiên Chúa, quy tụ dân Ít-ra-en trước, rồi mới đến muôn dân tụ họp chung quanh Thiên Chúa chân thật.

Quả thật, Đức Giê-su đã đặt ưu tiên sứ mạng của mình cho “các con chiên lạc nhà Ít-ra-en”. Tuy nhiên, Ngài đã động lòng thương trước lời khẩn cầu của viên bách quản Ca-pha-na-um xin Ngài cứu chữa người đầy tớ của mình. Có nhiều điểm tương tự giữa câu chuyện của viên bách quản ngoại giáo và câu chuyện của người đàn bà xứ Ca-na-an. Tấm lòng của Chúa Giê-su vẫn hằng rộng mở trước lời cầu khẩn của dân ngoại. Họ là hoa trái đầu mùa sứ điệp của Ngài. Tuy nhiên, đó là thời gian mà các môn đệ Ngài sẽ tiếp nối công việc của Ngài, họ sẽ mở rộng cửa tiếp đón muôn dân muôn nước.

Dù Chúa Giê-su thẳng thừng từ chối, người đàn bà xứ Ca-na-an này cũng không hề nao núng; bà đến sụp lạy van xin: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” Đức Giê-su trả lời thẳng với bà để bà hiểu ra rằng bà không thuộc dân của Ngài: “Không được lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. Dân Do thái thường khinh bỉ dân ngoại là “Đồ lũ chó dân ngoại”. Tuy nhiên, trong lời nói của Đức Giê-su “lũ chó con” trong ngôn từ Hy-lạp gợi lên chó nuôi trong nhà, là con vật cưng đối lập với chó hoang lang thang ngoài đường. Vì thế, thánh Mác-cô, trong câu chuyện song song của mình, định vị hoạt cảnh nầy ở trong nhà: “một nhà nọ” (Mc 7: 24). Câu trả lời của Đức Giê-su và câu đáp trả của người đàn bà rất đối xứng với nhau theo từng từ: bánh, chó con, bàn ăn, những mảnh vụn.

4. Đức tin của người đàn bà xứ Ca-na-an.

Người đàn bà xứ Ca-na-an trả lời với trọn tấm lòng khiêm tốn của mình: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con lại được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Bà đã nhận ra rằng sứ điệp của Đức Giê-su gởi đến trước tiên cho dân Do thái và tất cả phép lạ mà Ngài đã thực hiện, trước hết ở nơi quê hương của Ngài:“Thưa Ngài, đúng thế”. Nhưng với một ‎trực giác tuyệt vời, bà tin rằng lòng xót thương của Thiên Chúa chắc hẳn vượt ra bên ngoài khung cảnh xứ Palestine, vì thế, bà cũng có thể đón nhận những mảnh vụn lòng xót thương của Thiên Chúa.

Đức Giê-su thán phục đức tin của người đàn bà xứ Ca-na-an như Ngài đã thán phục đức tin của viên bách quản ngoại giáo. Ngài nhận lời khẩn cầu của bà. Cũng như viên bách quản, người phụ nữ xứ Ca-na-an là mẫu gương đức tin phi thường.

5. Dấu chỉ của bánh.

Chính dưới dấu chỉ của bánh mà Đức Giê-su ngỏ lời với người đàn bà xứ Ca-na-an. Thật khó mà nghĩ rằng đây chỉ là một sự ngẫu nhiên. Theo lời Đức Giê-su, bánh trước hết được dành riêng cho “con cái”, nghĩa là cho dân Do thái, dân Chúa chọn, đám đông nầy mà Đức Giê-su đã nuôi bánh vật chất no nê đến mức cò dư đến mười hai thúng đầy mảnh vụn. Nhưng bánh này chỉ là tiên báo về bánh siêu nhiên, như bánh man-na trong sa mạc loan báo những thiện hảo của thời Mê-si-a.

Từ bánh nầy mà người đàn bà xứ Ca-na-an đã đón nhận những mảnh vụn. Bà đã nhận được bảo chứng của những phúc lộc Nước Thiên Chúa mà các môn đệ sau biến cố Phục Sinh được chỉ thị phân phát cho muôn dân.

Lm Inhaxiô Hồ Thông

Kinhthanhvn.net

Isaiah 56:1,6-7
View in: NAB
1Thus saith the Lord: Keep ye judgment, and do justice: for my salvation is near to come, and my justice to be revealed.
6And the children of the stranger that adhere to the Lord, to worship him, and to love his name, to be his servants: every one that keepeth the sabbath from profaning it, and that holdeth fast my covenant:
7I will bring them into my holy mount, and will make them joyful in my house of prayer: their holocausts, and their victims shall please me upon my altar: for my house shall be called the house of prayer, for all nations.
Romans 11:13-15,29-32
View in: NAB
13For I say to you, Gentiles: as long indeed as I am the apostle of the Gentiles, I will honour my ministry,
14If, by any means, I may provoke to emulation them who are my flesh, and may save some of them.
15For if the loss of them be the reconciliation of the world, what shall the receiving of them be, but life from the dead?
29For the gifts and the calling of God are without repentance.
30For as you also in times past did not believe God, but now have obtained mercy, through their unbelief;
31So these also now have not believed, for your mercy, that they also may obtain mercy.
32For God hath concluded all in unbelief, that he may have mercy on all.
Matthew 15:21-28
View in: NAB
21And Jesus went from thence, and retired into the coasts of Tyre and Sidon.
22And behold a woman of Canaan who came out of those coasts, crying out, said to him: Have mercy on me, O Lord, thou son of David: my daughter is grieviously troubled by the devil.
23Who answered her not a word. And his disciples came and besought him, saying: Send her away, for she crieth after us:
24And he answering, said: I was not sent but to the sheep that are lost of the house of Israel.
25But she came and adored him, saying: Lord, help me.
26Who answering, said: It is not good to take the bread of the children, and to cast it to the dogs.
27But she said: Yea, Lord; for the whelps also eat of the crumbs that fall from the table of their masters.
28Then Jesus answering, said to her: O woman, great is thy faith: be it done to thee as thou wilt: and her daughter was cured from that hour.
Isaiah 56:1,6-7
View in: NAB
1Thus saith the Lord: Keep ye judgment, and do justice: for my salvation is near to come, and my justice to be revealed.
6And the children of the stranger that adhere to the Lord, to worship him, and to love his name, to be his servants: every one that keepeth the sabbath from profaning it, and that holdeth fast my covenant:
7I will bring them into my holy mount, and will make them joyful in my house of prayer: their holocausts, and their victims shall please me upon my altar: for my house shall be called the house of prayer, for all nations.
Leviticus 19:33-34
View in: NAB
33If a stranger dwell in your land, and abide among you, do not upbraid him:
34But let him be among you as one of the same country: and you shall love him as yourselves: for you were strangers in the land of Egypt. I am the Lord your God.
Romans 11:13-15,29-33
View in: NAB
13For I say to you, Gentiles: as long indeed as I am the apostle of the Gentiles, I will honour my ministry,
14If, by any means, I may provoke to emulation them who are my flesh, and may save some of them.
15For if the loss of them be the reconciliation of the world, what shall the receiving of them be, but life from the dead?
29For the gifts and the calling of God are without repentance.
30For as you also in times past did not believe God, but now have obtained mercy, through their unbelief;
31So these also now have not believed, for your mercy, that they also may obtain mercy.
32For God hath concluded all in unbelief, that he may have mercy on all.
33O the depth of the riches of the wisdom and of the knowledge of God! How incomprehensible are his judgments, and how unsearchable his ways!
Matthew 15:21-28
View in: NAB
21And Jesus went from thence, and retired into the coasts of Tyre and Sidon.
22And behold a woman of Canaan who came out of those coasts, crying out, said to him: Have mercy on me, O Lord, thou son of David: my daughter is grieviously troubled by the devil.
23Who answered her not a word. And his disciples came and besought him, saying: Send her away, for she crieth after us:
24And he answering, said: I was not sent but to the sheep that are lost of the house of Israel.
25But she came and adored him, saying: Lord, help me.
26Who answering, said: It is not good to take the bread of the children, and to cast it to the dogs.
27But she said: Yea, Lord; for the whelps also eat of the crumbs that fall from the table of their masters.
28Then Jesus answering, said to her: O woman, great is thy faith: be it done to thee as thou wilt: and her daughter was cured from that hour.
Matthew 10:5-6
View in: NAB
5These twelve Jesus sent: commanding them, saying: Go ye not into the way of the Gentiles, and into the city of the Samaritans enter ye not.
6But go ye rather to the lost sheep of the house of Israel.