Lòng Thương Xót Chúa (21):
Thương chôn xác kẻ chết
(dongten.net) 20/11/2015
Đứng trước một người vừa nhắm mắt ra đi, chúng ta mới thấy rằng cái chết là một huyền nhiệm.[1] Sự huyền nhiệm của cái chết có thể được nhìn qua hai điều: Với cái chết của người khác chúng ta thấy rằng, người nhắm mắt ra đi bước vào một con đường mà trên đó anh ta phải đi một mình. Dù chúng ta có nắm lấy tay người chết với tất cả tình yêu thương và dịu dàng của chúng ta, thì chúng ta cũng không thể nào chia sẻ con đường này của người vừa ra đi. “Quả thật, có một đêm đen không âm thanh nào vươn tới được, có một cánh cửa mà ta chỉ có thể bước qua một mình, đó là cánh cửa của sự chết. Mọi nỗi sợ trên trần gian rốt cuộc cũng chỉ là nỗi sợ cô đơn đó”.[2] Vì thế, chúng ta cần phải trân trọng huyền nhiệm của sự chết nơi mỗi một con người. Có người trong cuộc sống trần thế đã có một đời dễ dàng và hạnh phúc, nhưng cũng có người đã phải vượt qua biết bao nhiêu thử thách và đã phải chiến đấu rất nhiều trong cuộc sống. Dù thế nào, khi họ nằm xuống, chúng ta phải trân trọng họ, trân trọng cuộc đời và trân trọng sự chết của họ.
Với cái chết của bản thân chúng ta, còn mang nhiều ý nghĩa hơn nữa. Chúng ta không biết khi nào chúng ta sẽ nằm xuống và chúng ta sẽ chết như thế nào. Sẽ chết như thế nào, điều này vượt ra ngoài phạm vi con người của chúng ta. Trong sách Gương Chúa Giê-su, còn được gọi là sách Gương Phúc, một cuốn sách mà Mẹ của tôi đã đọc trong cuộc đời, và khi qua đời đã để lại cho tôi, ở chương 23 – Gẫm về sự chết, có đoạn viết rằng: “Nếu có bao giờ bạn chứng kiến một người từ trần, hãy nhớ rằng, bạn cũng phải đi qua con đường đó. Buổi sáng hãy nhớ rằng có thể bạn không còn sống đến buổi chiều, và khi tối đến đừng dám chắc bạn sẽ sống đến bình minh. Do đó, hãy luôn sẵn sàng và sống như thể cái chết không bao giờ đến với bạn mà không chuẩn bị. Nhiều người chết thình lình và không ngờ, vì vào lúc bất ngờ Con Thiên Chúa sẽ đến”.[3] Ratzinger cũng đã đặt câu hỏi về sự chết, nhưng cũng xin đầu hàng không thể đưa lại câu trả lời: “Thực ra chết là gì? Điều gì xảy ra khi một người chết đi, nghĩa là bước vào cõi chết? Phải nhìn nhận rằng, chúng ta tất cả đều bối rối trước câu hỏi đó. Hẳn không ai trả lời được, bởi vì chúng ta còn đang sống, chưa có kinh nghiệm về cái chết”.[4]
Với cái chết, con người đánh mất đi tất cả: cuộc sống tương quan và cuộc sống tình cảm, những việc làm dở dang, những kế hoạch hay dự án đang ở trên bàn, cả những giấc mơ đang có. Chỉ còn có mỗi một điều là người nằm xuống trao phó linh hồn của mình cho Chúa Cha ở trên trời, như chính Đức Ki-tô đã làm: ”Phần con, con đến cùng Cha” (Ga 17,11), và ”Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46). Karl Rahner đã suy niệm lời này như sau: “Đối với những ai đã yêu thế gian và trở nên một với thế gian này, thì thật là kinh khủng đối với họ, khi họ rơi vào bàn tay của Thiên Chúa. Nhưng Chúa vẫn kêu lên lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nếu có một lời nào đáng để tin, thì chình là lời này. Lời mà Chúa đã thốt lên trong giây phút đạt tới đích điểm. Có một Thiên Chúa là Cha. Trong tay Ngài người ta có thể phó thác tất cả mọi sự. Mọi sự. Thật vậy, mọi sự đều được đón nhận”.[5] Còn với Đức Benedicto XVI thì: “Những lời nói của Chúa Giê-su, sau khi cầu khẩn ‘Lạy Cha’, tiếp tục một diễn tả của Thánh Vịnh 31: ‘Con xin phó linh hồn Con trong tay Cha’ (Tv 31,6). Tuy nhiên, những lời này không phải là một câu trưng dẫn đơn giản, nhưng thay vào đó, biểu lộ một quyết định vững chắc: Chúa Giê-su phó Mình cho Chúa Cha trong một hành động hoàn toàn phó thác. Những lời này là một lời cầu nguyện ‘trao phó’, hoàn toàn tin tưởng vào tình yêu của Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trước cái chết là một điều bi thảm, cũng như với mọi người, nhưng cùng một lúc, được tràn ngập bởi sự bình thản thẳm sâu đến từ lòng tín thác vào Chúa Cha, và ý muốn hiến thân hoàn toàn cho Ngài trong vườn Cây Dầu, khi Người bước vào cuộc chiến đấu cuối cùng, cùng cầu nguyện mãnh liệt, và sắp sửa ‘bị nộp vào tay người ta’ (Lc 9,44), mồ hôi của Người đã trở thành ‘như những giọt máu rơi xuống đất’ (Lc 22,44). Nhưng trái tim của Người hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, và ‘một thiên sứ từ trời’ đã đến để an ủi Người (x.Lc 22,42-43). Bây giờ, trong những giây phút cuối cùng của Người, Chúa Giê-su đã thưa cùng Chúa Cha rằng Người phó thác trọn cuộc đời Người trong tay Chúa Cha”.[6]
Là tín hữu, chúng ta cũng được mời gọi tập sống như Chúa Giê-su trong những giây phút cuối cùng của cuộc sống, chúng ta cần tín thác hoàn toàn vào trong bày tay nhân hiền của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng thương xót. Chính Chúa sẽ dẫn đưa chúng ta vượt qua cái chết, để bước vào đời sống mới trên Nước Thiên Đàng. Ngoài ra, chúng ta cũng phải tin tưởng hoàn toàn vào Chúa Giê-su, Đấng đã vượt qua sự chết, vượt qua nỗi cô đơn tột cùng của đêm đen, để sống lại và mở ra cho chúng ta một cánh cửa mới, cứu thoát chúng ta ra khỏi đêm đen của cái chết: “Đức Ki-tô đã vượt qua ngưỡng cửa cô đơn cuối cùng của nhân loại; qua cuộc khổ nạn của Ngài, Ngài đã bước xuống tận vực thẳm của thân phận bị ruồng rẫy. Nơi đâu chúng ta chẳng còn nghe được âm thanh nào vọng tới nữa, thì nơi đó có Ngài. Như vậy, có nghĩa là địa ngục đã bị đánh bại, hay đúng hơn cái chết không còn phải là địa ngục nữa. Cả hai giờ đây không còn giống như trước nữa, vì sự sống hiện diện ngay giữa lòng sự chết, tình yêu cư ngụ ngày trong bóng tối tử thần…Chết không còn dẫn vào cô đơn giá buốt, cánh cửa địa ngục nay đã mở toang…Cánh cửa sự chết mở toang, vì trong sự chết này có sự sống: có tình yêu cư ngụ”.[7] Như thế, trong niềm tin vào Chúa Ki-tô, chúng ta tin rằng, sự chết dù đến khi nào và diễn ra thế nào, thì sự chết vẫn không phải là điểm kết của tín hữu: ”Nếu kẻ chết không sống lại, thì Đức Ki-tô đã không trỗi dậy” (1Cr 15,13).
Niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh đem lại cho chúng ta niềm hy vọng về sự sống vĩnh cửu. Chúng ta được phép hy vọng vào điều đó, vì Thiên Chúa khi dựng nên chúng ta, Ngài biết tên chúng ta, Ngài ghi khắc từng người chúng ta vào trong bàn tay của Người: “Này Cha đã ghi khắc con trong lòng bàn tay Cha” (Is 49,16). Tên của chúng ta không bao giờ bị phai nhoà, vì Chúa đã viết tên chúng ta không bằng những giọt mực dễ phai, mà Ngài viết bằng chính tình yêu thương. Mà tình yêu thì không bao giờ mất được. Hơn nữa, Chúa không chỉ viết, chỉ ghi, mà còn khắc tên chúng ta nữa. Khi cho chúng ta bước vào cuộc sống ở trần gian này, Thiên Chúa khắc sâu từng người chúng ta trong trái tim yêu thương của Ngài, và khi chúng ta đi ngang qua cái chết để trở về với Chúa, thì tên của chúng ta đã được Ngài khắc trên tấm bảng của sự sống vĩnh cửu. Rahner đã xác tín đời sống vĩnh cửu của con người cách sâu sắc: “Thánh Kinh không hề biết đến bất cứ đời sống con người nào lại quá tầm thường, đến nỗi con người không có giá trị đủ để trở thành vĩnh cửu, và đó là sự lạc quan cao cả của Thánh Kinh. Không có gì quá nhiều đối với Thánh Kinh. Vì mỗi người được Thiên Chúa gọi với tên của mình, và vì mỗi người hiện hữu trong thời gian và trước sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng phát xét và cứu độ, nên mỗi người là một con người của vĩnh cửu chứ không chỉ những thần linh cao cả của lịch sử. Hơn thế nữa, trong thần học Gio-an điều đó trở nên rõ ràng hơn, khi tính vĩnh cửu ấy đang hiện hữu trong thời gian, và vì thế vĩnh cửu vượt trên thời gian, chứ không phải là một phần thưởng được ban cho sau thời gian và thêm vào cho thời gian. Thánh Kinh mô tả nội dung đời sống vinh phúc của người chết bằng cả ngàn hình ảnh: Như yên nghỉ và bình an, như bữa tiệc và vinh quang, như sống trong nhà Cha, như vương quốc vĩnh cửu của Vương Triều Thiên Chúa, như cộng đoàn của mọi người đã đạt đến viên mãn vinh phúc, như thừa hưởng vinh quang Thiên Chúa, như một ngày không bao giờ có tận cùng, và như sự thoả mãn không buồn tẻ. Xuyên suốt mọi lời trong Thánh Kinh, ta luôn luôn ước đoán cùng một điều duy nhất: Thiên Chúa là mầu nhiệm tuyệt đối. Và do đó, sự viên mãn và gần gũi tuyệt đối với chính Thiên Chúa cũng là một mầu nhiệm khôn tả, mà ta phải gặp và người quá cố chết đi trong Đức Chúa lại tìm thấy, như sách Khải Huyền nói. Đó là mầu nhiệm hạnh phúc khôn tả”.[8] Giáo Hội cũng dạy chúng ta rằng: “Tất cả các bí tích, nhất là các bí tích khai tâm Ki-tô giáo, đều hướng tới mục tiêu là cuộc Vượt Qua cuối cùng dẫn đưa người con Thiên Chúa vượt qua sự chết, vào đời sống trong Nước Trời. Những điều người tín hữu tuyên xưng trong đức tin và hy vọng tôi đợi trông ngày kẻ chết sống lại, và sự sống đời sau, lúc đó được hoàn tất trọn vẹn (x. Kinh Tin Kính của CÐ.Ni-xê-a Công-tăng-ti-nô-pô-li). Ðối với Ki-tô hữu, ý nghĩa sự chết được mặc khải trong ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua, mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh của Ðức Ki-tô, Ðấng đem lại cho chúng ta niềm hy vọng duy nhất. Người ki-tô hữu được cùng chết với Ðức Ki-tô, lìa bỏ thân xác này để được ở bên Chúa (x.2Cr 5,8)”.[9] Chính vì hiểu được huyền nhiệm của sự chết, và rất trân trọng những người nằm xuống, cũng như dựa vào nền tảng của niềm tin vào Chúa Phục Sinh, Giáo Hội luôn khuyên nhủ con cái mình cần phải thương chôn xác kẻ chết. Lật lại sách Tôbia trong Cựu Ước, chúng ta thấy ông đã nói rằng: ”Nếu thấy ai trong số đồng bào tôi chết và bị quăng thây ra phía sau tường thành Ni-ni-vê, thì tôi chôn cất người đó” (Tb 1,17).
Lời của Tôbia làm cho chúng ta nhớ lại hình ảnh của mẹ Tê-rê-sa thành Can-cút-ta. Một trong những trải nghiệm sâu xa của mẹ đánh động lòng người, chính là việc mẹ quyết tâm phải tìm được một nơi chốn cho những người bất hạnh, yếu đau đang nằm chờ chết ở dọc các phố nghèo nàn của thành phố Can-cút-ta. Với mẹ, họ cần được chết như là một con người, chứ không thể chết vất vưởng ở dọc đường như là những con thú và chẳng ai màng tới cả. Phẩm giá của con người, dù nghèo đến mấy, cũng cần phải được tôn trọng. Con người đó với thân xác mỏng dòn và đang đứng trước ngưỡng cửa của tử thần vẫn cần được yêu thương và trân trọng. Thân xác của con người đó chính là công trình sáng tạo tuyệt vời của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, nên mẹ Tê-rê-sa đã lập ra những ngôi nhà hấp hối cho các anh chị em nghèo nàn. Dưới đây là một chia sẻ của các nữ tu của mẹ Tê-rê-sa về công việc thương chôn xác kẻ chết, trong một nhà hấp hối ở Can-cú-ta: “Khi những người hấp hối mới đến trung tâm thường họ không thể nói được, bởi thế khi họ được chở đến bằng xe cứu thương hay bởi các nam hay nữ tu sĩ khiêng vào, họ được nhập viện với tên ‘vô danh’. Sau đó, với một chút săn sóc và yêu thương và thực phẩm, họ có thể nói được và cho biết tên. Các chị cũng thường cố biết xem họ thuộc tôn giáo nào, để khi chết họ được chôn cất cách thích hợp. Người Công Giáo thì ra nghĩa trang, người Hồi Giáo thì ra chỗ chôn cất của người Hồi Giáo, và người Ấn Giáo được hỏa thiêu bên cạnh sông, là chỗ rất gần chúng tôi. Ða số những người đến với chúng tôi là Ấn Giáo, nên nếu chúng tôi không biết tôn giáo của họ, thường chúng tôi chôn họ theo Ấn Giáo”.[10]
Một sự dấn thân khác cho tinh thần thương chôn xác kẻ chết ở tại quê hương. Đó là hình ảnh của một anh em linh mục trẻ ở vùng sâu vùng xa, nơi đó đa số giáo dân là người nghèo. Khi được thuyên chuyển tới đó, cha đã tập chia sẻ cuộc sống với người nghèo, và phục vụ họ trong mọi phương diện. Một điều cha chia sẻ ghi khắc vào tâm hồn tôi. Cha đã mời gọi nhiều anh chị em giáo dân ở những nơi khác mà cha biết, xin họ giúp cha một điều, là góp phần giúp cha có thể đóng được những cỗ quan tài đơn sơ, để khi gia đình nghèo nào có người qua đời, dù Công Giáo hay lương giáo, đều được cha chia sẻ một cỗ quan tài đơn sơ. Tình yêu và lòng thương xót không bao giờ chê bai những cảnh nghèo nàn, tình yêu và lòng thương xót thắng vượt trên cái nghèo và sự chết, để luôn trân quý và gìn giữ phẩm giá của người vừa nằm xuống, dù họ là ai đi nữa.
Với sự trân quý người nằm xuống, mà Giáo Hội đã có nghi thức cao quý nhất để tiễn biệt con cái của mình khi họ được Chúa gọi về. Nghi thức đó chính là Thánh Lễ: “Trong Thánh Lễ, Hội Thánh bày tỏ sự hiệp thông hữu hiệu của mình với người quá cố: khi dâng lên Chúa Cha, trong Chúa Thánh Thần, hy tế cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Ðức Ki-tô, Hội Thánh cầu xin Cha cho người con của mình được thanh luyện khỏi mọi tội lỗi, được tha mọi hình phạt, và được nhận vào bàn tiệc trong nước Chúa (x.Sách Lễ Nghi An Táng 57). Nhờ bí tích Thánh Thể, cộng đoàn tín hữu, nhất là gia đình người quá cố, học sống hiệp thông với người ‘đã an nghỉ trong Chúa’, bằng cách rước Mình Thánh Chúa mà người đó đang là một chi thể sống động, để rồi cầu nguyện cho và cùng với người đó. Nghi thức từ biệt người quá cố lần cuối cùng là lời Hội Thánh ‘phó dâng người này cho Chúa’. ‘Cộng đoàn Ki-tô hữu chào từ biệt lần cuối cùng một chi thể của mình, trước khi xác người đó được mai táng’ (x.Sách Lễ Nghi AnTáng 10). Truyền thống By-zan-tin diễn tả ý nghĩa này bằng cái hôn từ biệt người quá cố: ‘Bằng lời chào cuối cùng này, chúng tôi hát tiễn người ra đi khỏi cuộc đời này và hát bài chia ly, cũng là bài hiệp thông và tái ngộ. Ðúng vậy, cái chết không hề chia lìa chúng tôi, vì tất cả chúng tôi đang đi cùng một đường và sẽ gặp lại nhau ở cùng một nơi. Chúng tôi sẽ không bao giờ bị chia cách, vì đang sống cho Ðức Ki-tô và giờ này đang được kết hiệp với Người, đang đi gặp Người…Tất cả chúng tôi sẽ đoàn tụ trong Ðức Ki-tô’ (x.Thánh Si-mê-on thành Thê-xa-lô-ni-ca, Sep.)”.[11] Vì thế, khi sống tinh thần thương chôn xác kẻ chết, là lúc chúng ta cầu nguyện cùng Chúa cho người vừa nằm xuống và cho bản thân chúng ta sau này, có được một chỗ trên nước Thiên đàng, như lời khuyên trong sách Gương Chúa Giê-su: “Hãy giữ mình như một khách lạ trên trần gian, một lữ khách không màng gì đến thế sự. Hãy giữ tâm hồn bạn được tự do và dâng lên Thiên Chúa, vì bạn không có căn nhà vĩnh cửu ở đây (x.Dt 13,14). Hằng ngày hãy dâng lên Người kinh nguyện, tiếng thở than và nước mắt thống hối của bạn, để sau khi chết linh hồn bạn được đến với Thiên Chúa trong hạnh phúc”.[12]
Thật là quý báu, khi thực thi lòng thương xót của Thiên Chúa qua chính hành động yêu thương giúp đỡ người anh em bên cạnh, trong lúc họ rơi vào tình trạng đói khát, rách rưới, bệnh hoạn và bị tù đày, cũng như khi họ chết đi. Tất cả những điều đó, khi chúng ta thực thi, không chỉ cho những anh chị em bất hạnh, mà chúng ta làm cho chính Chúa Giê-su, bởi vì họ là hiện thân của chính Chúa: “Sự khốn cùng của con người xuất hiện dưới nhiều hình thức: thiếu thốn vật chất, bất công và đàn áp, bệnh hoạn thể xác và tâm thần, cuối cùng là cái chết. Sự khốn cùng này là dấu chỉ cho thấy con người sau nguyên tội yếu đuối từ bẩm sinh và cần đến ơn cứu độ. Vì thế, Ðức Ki-tô đã chạnh lòng thương xót và mang lấy thân phận khốn cùng của con người và tự đồng hóa với người bé nhỏ trong các anh em”.[13]
Tóm lại, lòng thương xót có chiều rộng và chiều sâu như thế nào, và lòng thương xót có ý nghĩa gì cụ thể đối với người Ki-tô hữu, cũng như lòng thương xót cần được thực thi ra sao, thánh nữ Faustina đã diễn tả cách sâu sắc trong lời cầu nguyện viết vào năm 1937:
Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để đôi mắt con luôn nhân từ, và con không nghi ngờ hay kết án bất cứ ai qua giáng vẻ bề ngoài của họ, xin giúp con cảm nhận được những gì đẹp đẽ trong tâm hồn của anh chị em bên cạnh và luôn sẵn sàng nâng đỡ họ.
Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để đôi tai con luôn nhân từ, và con luôn chú ý đến nhu cầu của anh chị em bên cạnh, và đôi tai con không “dửng dưng” trước những nỗi đau và kêu than của anh chị em bên cạnh.
Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để miệng lưỡi con luôn nhân từ, và con không bao giờ nói xấu anh chị em bên cạnh, ngược lại mỗi lời con nói ra là lời an ủi và tha thứ cho mọi người.
Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để đôi tay con luôn nhân từ và tràn đầy những việc tốt lành, và đối với anh chị em bên cạnh con chỉ làm những điều tốt đẹp cho họ, phần con thì sẵn sàng đón nhận những gì khó khăn và lao nhọc.
Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để đôi chân con luôn nhân từ, và con luôn sẵn sàng đến và giúp đỡ anh chị em bên cạnh, và luôn làm chủ được sự nhọc nhằn và mệt mỏi của bản thân. Sự nghỉ ngơi đích thật của con nằm ở trong sự phục vụ anh chị em bên cạnh.
Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để trái tim con luôn nhân từ, nhờ đó con luôn cảm nhận được những khổ đau của anh chị em bên cạnh, và trái tim con không từ chối bất cứ ai, cũng như con luôn có thái độ dịu dàng và đúng đắn với những người mà con biết rằng, họ có thể lạm dụng những tình cảm của con; phần con xin được ẩn náu trong trái tim nhân từ của Chúa Giê-su. Với những khổ đau của bản thân, con xin được giữ riêng cho mình. Lạy Chúa, xin cho lòng thương xót của Chúa luôn hiện diện trong con.
Chính Chúa đã lệnh truyền cho con, là con cần phải thực thi ba mức độ của lòng thương xót. Mức độ thứ nhất là: Hành động thương xót và nhân từ – trong mỗi một hành động. Thứ hai: Lời nói thương xót và nhân từ – những gì con không thực hiện được bằng hành động, thì xin giúp con thực hiện bằng lời nói. Thứ ba: Cầu nguyện – Nếu con không thể thực thi lòng thương xót qua hành động và lời nói được, xin giúp con thực thi trong cầu nguyện. Lời cầu nguyện của con vươn tới những nơi, mà bản thân con với thân xác này không thể vươn tới được. Lạy Chúa Giê-su của con, xin thánh hoá con trong Chúa, vì Chúa có thể làm được mọi sự”.[14]
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ
[1] X. FERLAY P., Abrégé de la vie spirituelle, Desclée, Paris 1988, t.108-109.
[2] RATZINGER J., Einfuehrung in das Christentum, t.248. Tham khảo bản tiếng Việt với tựa đề Đức Tin Ki-tô Giáo, hôm qua và hôm nay, do Lm. Athanasiô Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lam chuyển ngữ, Đà-lạt 2010.
[3] THOMAS À KEMPIS, Gương Chúa Giê-su, Nhà Sách Fatima, Sài-gòn 1965, Gẫm về sự chết, Chương XXIII, t.102.
[4] RATZINGER J., Einfuehrung in das Christentum, t.246.
[5] RAHNER K., Saemtliche Werke, Christliches Leben, Band 14, Herder Verlag, Freiburg 2006, t.162.
[6] BENEDIKT XVI, Bài Giáo Lý thứ 27 về cầu nguyện.
[7] RATZINGER J., Einfuehrung in das Christentum, t.248-249.
[8] RAHNER K., Grundkurs des Glaubens, 5. Aufl., Herder Verlag, Freiburg 1976, t.423. Tham khảo bản tiếng Việt với tựa đề Những nền tảng Đức Tin Ki-tô, tập hai: Ki-tô học, do Nguyễn Luật Khoa OFM. biên dịch.
[9] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số.1680-1681.
[10] Linh Đạo Mẹ Têrêsa Calcutta, pt. Giuse TV Nhật chuyển ngữ, trong phần nói về Phục Vụ, nguồn: http://www.nguoitinhuu.org/
[11] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 1689-1690.
[12] THOMAS À KEMPIS, Gương Chúa Giê-su, Nghĩ về sự chết, Chương XXIII t.106.
[13] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2448.
[14] Trích dẫn bởi KASPER W., Barmherzigkeit, t. 144-145.