Thương viếng kẻ liệt

Lòng Thương Xót Chúa (17)

Thương viếng kẻ liệt

(dongten.net) 06/11/2015

015Hinh17

 Qua Phúc Âm của Thánh Gio-an người ta vẫn nói, phép lạ đầu tiên Chúa làm là phép lạ ở tiệc cưới tại Ca-na, nhưng nếu đọc Phúc Âm nhất lãm, chúng ta thấy rằng, Lu-ca và Mác-cô đều nêu phép lạ đầu tiên Chúa Giê-su làm là phép lạ chữa lành người bị quỷ ám và chữa lành nhạc mẫu của ông Phê-rô (x.Mc 1,21-31 và Lc 4,31-39). Còn Mát-thêu lần đầu tiên nhắc đến việc Chúa làm phép lạ qua câu: “Thế rồi Đức Giê-su đi khắp miền Ga-li-lê, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa hết mọi kẻ bệnh hoạn tật nguyền trong dân” (4,23). Nếu chúng ta đọc lại bốn Tin Mừng, thì Chúa Giê-su luôn chú ý đến những người bệnh và Ngài sẵn sàng nâng đỡ và chữa lành cho họ. Qua đó, Chúa Giê-su được coi là người thầy thuốc tốt lành. Đối với các tông đồ, Chúa Giê-su cũng mong muốn các ông sống tinh thần viếng kẻ liệt, chữa lành người đau yếu.

“Nhóm Mười Hai được sai đi để chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền” (Mt 10,1). Chữa lành là một chiều kích quan trọng của sứ mạng tông đồ và Đức Tin Ki-tô giáo nói chung. Eugen Biser còn đi xa hơn khi gọi Ki-tô giáo là “tôn giáo chữa bệnh”, một tôn giáo chữa lành. Một cách nào đó, điều này diễn đạt nội dung của “cứu độ”…. Trong những phép lạ chữa lành do Chúa và nhóm Mười Hai thực hiện, Thiên Chúa bày tỏ quyền năng nhân từ của Người trên thế gian. Những phép lạ này là “những dấu chỉ” thực thụ hướng đến chính Thiên Chúa, và giúp đưa con người vào trong chuyển động hướng tới Thiên Chúa.[1]

Cùng với Chúa Giê-su và các môn đệ của Ngài, tín hữu được mời gọi chú ý đến những người đau yếu, những bệnh nhân đang cần đến sự quan tâm và yêu thương không chỉ của Thầy Thuốc, Bác Sĩ và Y Tá, mà còn cần đến những người xung quanh, nhất là những người gần gũi trong gia đình, họ hàng, làng xóm…Trên hết, tinh thần viếng thăm và chú ý đến người đau yếu được Chúa Giê-su nhắc nhớ chúng ta, vì chính Chúa đang hiện diện sống động trong những người đau yếu. Nói khác đi, họ chính là hiện thân của Chúa Giê-su: “Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng” (Mt 25,36). Khi thánh Rôsa thành Lima bị mẹ trách vì đã đem những kẻ nghèo, những bệnh nhân vào nhà, thánh nữ trả lời: “Khi chúng ta phục vụ người nghèo và người bệnh, là chúng ta phục vụ chính Chúa Giê-su. Chúng ta không được lơ là trong việc giúp đỡ tha nhân, vì chúng ta phục vụ Chúa Giê-su trong anh em”.[2]

Nhưng thăm viếng bệnh nhân như thế nào? Ở đây, không bàn đến khía cạnh chuyên môn trong lãnh vực y tế với cách chữa bệnh và cách giao tiếp với bệnh nhân, nhưng xin được có cái nhìn đơn sơ qua chính hình ảnh của Chúa Giê-su. Đọc lại câu chuyện Chúa Giê-su với mẹ vợ của Si-môn (thánh Phê-rô) trong Phúc Âm thánh Mác-cô với ba câu ngắn gọn:“Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1,29-31). Câu chuyện nói rằng, ngay lúc Chúa đến thì mẹ vợ của Si-môn đang ngã bệnh. Ở đây, Mác-cô diễn tả rằng, lập tức người ta nói cho Chúa biết tình trạng của bà đang bị bệnh nằm trên giường, không thể dậy để đón tiếp Chúa và mọi người được. Chúa Giê-su đã phản ứng thế nào? Chúa có nghe lời của người ta nói về tình trạng đau yếu của mẹ vợ Si-môn đang bệnh không? Mác-cô nói tiếp, Chúa lại gần bà. Thái độ lại gần của Chúa chứng minh điều, Chúa đã nghe rất rõ lời người ta nói, và Ngài còn nghe bằng trái tim cảm thông và yêu thương. Vì thế, trái tim lắng nghe đã thúc đẩy Chúa lại gần, Chúa cất bước đến với người đau yếu, và lại gần họ. Người bệnh rất nhạy cảm với thái độ và cách hành xử của người thăm viếng. Đến thăm người bệnh mà ở xa xa để nhìn thì việc viếng thăm đó chỉ mang chút xã giao bên ngoài, chỉ là một ánh mắt nhìn đến với một chút tội nghiệp, nhưng trái tim thì chưa rung động thật sự, chưa mang một giao động của tình yêu. Chúa đã đến gần bà mẹ vợ của Si-môn, và tại giường bà, Chúa đã đưa tay ra cầm lấy tay bà. Người bệnh luôn cảm thấy một sự cảm thông, một sự ủi an, khi được người thăm viếng nắm lấy đôi tay. Một cuộc gặp gỡ thật sự của thân xác tràn đầy ủi an, cảm thông và nâng đỡ. Khi cầm lấy tay bà, Chúa đã đỡ bà dậy. Lòng nhân từ và quyền năng của Chúa đang vực con người yếu đau dậy. Lòng nhân từ và quyền năng của Chúa không bao giờ muốn con người cứ thế mà nằm trên giường, do bởi cơn bệnh nặng đang chế ngự. Con người đau yếu và tội lỗi cần được tiếp tục đứng dậy. Đức Ki-tô, Đấng mặc lấy thân phận của con người, chính Ngài sẽ vượt qua sự chết để trỗi dậy mãi mãi, sẽ làm cho con người được trỗi dậy với Ngài.

Trở về với hình ảnh người ta nói với Chúa về người bệnh, và Chúa đã lắng nghe. Đó là một điều thật căn bản cho việc thăm viếng bệnh nhân. Trong những trường hợp đó, người bệnh ao ước được lắng nghe, được thấu hiểu và được cảm thông. Trong căn bản, người bệnh luôn tìm sự ủi an qua việc người khác lắng nghe họ: “Xin hãy lắng nghe lời tôi nói, và như thế đã là yên ủi tôi” (Gióp 21,2).[3] Ngược lại, đi thăm người bệnh mà chỉ nói về chuyện của mình, hơn nữa lại còn ngồi lê mách lẻo với bệnh nhân chuyện của người khác, thì chỉ làm cho người bệnh thêm mệt. Như thế, thì việc thăm viếng đó đánh mất đi hoàn toàn ý nghĩa và giá trị của nó. Vì thế, khi đi thăm viếng người bệnh và đau yếu, cần phải ra khỏi chính mình, và ra khỏi chính tính tình và thói quen tiêu cực của bản thân, để mở lòng ra với người bệnh, để chú ý hoàn toàn đến họ, để cho họ có được một chỗ trong tâm hồn, trong ngôi nhà của mình. Lắng nghe, nghĩa là để cho người khác hiện diện. Lắng nghe người bệnh là đón nhận họ, dọn cho họ một chỗ và không bao giờ lấy mất đi không gian của họ. Lắng nghe với trái tim cảm thông là thái độ ủi an sâu thẳm đối với người bệnh và yếu đau. Đôi khi chỉ cần lặng thinh, nắm tay người bệnh và nhìn họ với tấm lòng cảm thông tràn đầy yêu thương, thì đã đưa lại món quà cao quý cho người bệnh rồi. Đừng vội nói. Cần chấm dứt thói quen nói cho đã. Người ta không thể đồng hành với người bệnh, nếu người ta không bước vào trường học lắng nghe.[4] Cũng thế, người ta không thể cảm thông được với người tù tội, nếu không thinh lặng lắng nghe họ, lắng nghe với trái tim yêu thương.

Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ

[1] X. RATZINGER J., Benedikt XVI, Jesus von Nazareth I, t.212-214.

[2] Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 2449.

[3] X. MANICARDI L., trong BIANCHI E., L’accompagnement des Malades, Édetions Parole et Silence, Genève 2003,  t.67-68.

[4] X. MANICARDI L., trong BIANCHI E., L’accompagnement des Malades, t.68-70.