Phần II:

Cử Hành Mầu Nhiệm Kitô Giáo

Ðoạn Thứ Nhất:

Nhiệm Cục Bí Tích

 

218. Phụng vụ là gì?

1066-1070

Phụng vụ là việc cử hành mầu nhiệm Ðức Kitô, đặc biệt là cử hành Mầu nhiệm Vượt qua của Người. Trong Phụng vụ, qua trung gian việc thực thi phận vụ tư tế của Ðức Giêsu Kitô, sự thánh hóa con người được biểu lộ và thực hiện qua các dấu chỉ. Thân thể nhiệm mầu của Ðức Kitô, nghĩa là Ðầu và các chi thể, thực thi việc thờ phượng công khai dành cho Thiên Chúa.

 

219. Phụng vụ có vị trí nào trong đời sống Hội thánh?

1071-1075

Là hành động tuyệt đối thánh thiêng, Phụng vụ là chóp đỉnh mà mọi hoạt động của Hội thánh đều hướng tới, đồng thời là nguồn mạch phát sinh mọi năng lực của đời sống Hội thánh. Qua Phụng vụ, Ðức Kitô tiếp tục công trình cứu chuộc chúng ta trong Hội thánh, với Hội thánh và nhờ Hội thánh của Người.

 

220. Nhiệm cục bí tích cốt tại điều gì?

1076

Nhiệm cục bí tích cốt tại việc thông chuyển các hiệu quả ơn cứu chuộc của Ðức Kitô qua việc cử hành các Bí tích của Hội thánh, đặc biệt là Bí tích Thánh Thể, "cho tới khi Chúa lại đến" (1 Cr 11, 26).

 

Chương Một

Mầu Nhiệm Vượt Qua

Trong Ðời Sống Của Hội Thánh

 

Phụng Vụ

Công Trình Của Thiên Chúa Ba Ngôi

 

221. Chúa Cha là nguồn mạch và cùng đích của Phụng vụ theo nghĩa nào?

1077-1083

1110

Trong Phụng vụ, Chúa Cha đổ tràn các phúc lành của Ngài cho chúng ta trong Người Con nhập thể, đã chết và đã sống lại vì chúng ta, và Ngài tuôn đổ Chúa Thánh Thần vào lòng chúng ta. Ðồng thời Hội thánh chúc tụng Chúa Cha qua việc tôn thờ, ca tụng, tạ ơn, và cầu xin Ngài ban hồng ân là Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

 

222. Công trình của Ðức Kitô trong Phụng vụ là gì?

1084-1090

Trong Phụng vụ Hội thánh, Ðức Kitô biểu lộ và hoàn thành mầu nhiệm Vượt qua của Người. Khi trao ban Thánh Thần cho các Tông đồ, Người trao ban cho họ và những người kế nhiệm họ quyền thực hiện công trình cứu độ qua hy tế Thánh Thể và qua các Bí tích, nơi chính Người hoạt động để trao ban ân sủng của Người cho các tín hữu trong mọi thời và trên toàn thế giới.

 

223. Chúa Thánh Thần hoạt động như thế nào trong Phụng vụ của Hội thánh?

1091-1109

1112

Trong Phụng vụ, Chúa Thánh Thần hoạt động cách chặt chẽ nhất với Hội thánh. Chúa Thánh Thần chuẩn bị cho Hội thánh gặp gỡ Chúa của mình. Ngài nhắc nhớ và làm tỏ hiện Ðức Kitô cho đức tin của cộng đoàn. Ngài làm cho hiện diện và hiện tại hóa mầu nhiệm của Ðức Kitô; Ngài kết hợp Hội thánh vào đời sống và sứ vụ của Ðức Kitô, làm cho hồng ân hiệp thông được sinh hoa kết quả nơi Hội thánh.

 

Mầu Nhiệm Vượt Qua

Trong Các Bí Tích Của Hội Thánh

 

224. Các Bí tích là gì ? Ðó là những Bí tích nào?

1113-1131

Các Bí tích là những dấu chỉ khả giác và hữu hiệu của ân sủng, do Ðức Kitô thiết lập và ủy thác cho Hội thánh; qua các Bí tích, sự sống thần linh được trao ban cho chúng ta. Có bảy Bí tích: Rửa tội, Thêm sức, Thánh Thể, Thống hối, Xức dầu bệnh nhân, Truyền chức thánh và Hôn phối.

 

225. Ðâu là mối liên hệ giữa các Bí tích với Ðức Kitô?

1114-1116

Các mầu nhiệm trong đời sống Ðức Kitô là nền tảng cho những gì mà ngày hôm nay, qua các thừa tác viên của Hội thánh, Ðức Kitô trao ban trong các Bí tích.

"Ðiều hữu hình nơi Ðấng cứu độ chúng ta được chuyển vào trong các Bí tích " (thánh Lêo Cả).

 

226. Ðâu là sự liên kết giữa các Bí tích với Hội thánh?

1117-1119

Ðức Kitô đã ủy thác các Bí tích cho Hội thánh của Người. Các Bí tích này là "của Hội thánh" theo hai nghĩa: các Bí tích là "do Hội thánh," vì các Bí tích là hoạt động của Hội thánh, (mà Hội Thánh) là Bí tích của hoạt động Ðức Kitô; các Bí tích là "cho Hội thánh," theo nghĩa là các Bí tích xây dựng Hội thánh.

 

227. Ấn tín Bí tích là gì?

1121

Là một dấu ấn thiêng liêng được thông ban trong các Bí tích Rửa tội, Thêm sức và Truyền chức. Ấn tín này là lời hứa và bảo đảm cho sự che chở của Thiên Chúa. Nhờ ấn tín, người Kitô hữu trở nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô; họ được tham dự vào chức tư tế của Người theo nhiều cách. Họ là thành phần trong Hội thánh theo những bậc sống và phận vụ khác nhau; như thế, ơn gọi của họ là phụng thờ Thiên Chúa và phục vụ Hội thánh. Vì ấn tín không thể xóa đi được, nên ba Bí tích trao ban ấn tín, chỉ được nhận một lần trong đời.

 

228. Ðâu là mối liên hệ giữa các Bí tích với đức tin?

1122-1126

1133

Không những các Bí tích giả thiết phải có đức tin, mà các Bí tích còn nuôi dưỡng, củng cố và diễn tả đức tin, bằng lời đọc và những nghi thức. Qua việc cử hành các Bí tích, Hội thánh tuyên xưng đức tin tông truyền. Từ đó có câu thành ngữ cổ "lex orandi, lex credendi", điều này muốn nói: Hội thánh tin như Hội thánh cầu nguyện.

 

229. Tại sao các Bí tích hữu hiệu?

1127-1128

1131

Các Bí tích hữu hiệu "ex opere operato" (do chính hành động được hoàn tất). Thực vậy, chính Ðức Kitô hoạt động trong các Bí tích và thông ban ân sủng mà các Bí tích biểu lộ, không lệ thuộc vào sự thánh thiện bản thân của thừa tác viên; tuy nhiên, các hoa trái của Bí tích cũng tùy thuộc vào sự chuẩn bị nội tâm của người lãnh nhận.

 

230. Tại sao các Bí tích cần thiết cho ơn cứu độ?

1129

Mặc dù không phải tất cả các Bí tích đều được ban cho từng người Kitô hữu, các Bí tích đều cần thiết cho những ai tin vào Ðức Kitô, bởi vì chúng trao ban các ân sủng Bí tích, ơn tha thứ tội lỗi, ơn được làm nghĩa tử của Thiên Chúa, ơn nên đồng hình đồng dạng với Ðức Kitô và ơn được thuộc về Hội thánh. Chúa Thánh Thần chữa lành và biến đổi những ai lãnh nhận các Bí tích.

 

231. Ân sủng Bí tích là gì?

1129; 1131

1134; 2003

Ân sủng Bí tích là ân sủng của Chúa Thánh Thần, được Ðức Kitô trao ban, mỗi Bí tích theo một cách. Ân sủng này giúp người tín hữu trên bước đường nên thánh, và cũng giúp Hội thánh tăng trưởng trong đức ái và trong chứng từ của mình.

 

232. Ðâu là mối liên hệ giữa các Bí tích với đời sống vĩnh cửu?

1130

Trong các Bí tích, Hội thánh đã được tham dự trước vào đời sống vĩnh cửu, đang khi "chờ đợi ngày hồng phúc, ngày Ðức Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Ðấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang" (Tt 2, 13).

 

Chương Hai

Cử Hành Mầu Nhiệm Vượt Qua

 

Cử Hành Phụng Vụ Của Hội Thánh

 

Ai Cử Hành?

 

233. Ai hoạt động trong Phụng vụ?

1135-1137

1187

Chính "Ðức Kitô toàn thể" (Christus Totus), gồm Ðầu và Thân thể, hoạt động trong Phụng vụ. Với tư cách là vị Thượng tế, Ðức Kitô cử hành cùng với Thân thể Người là Hội thánh trên trời và Hội thánh ở trần gian.

 

234. Ai cử hành Phụng vụ trên trời?

1138-1139

Phụng vụ trên trời được cử hành do các thiên thần, các thánh của Cựu Ước và Tân Ước, đặc biệt là Mẹ Thiên Chúa, các thánh Tông đồ, các thánh tử đạo và "một đoàn người thật đông" không tài nào đếm nổi, "thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ" (Kh 7,9). Khi cử hành mầu nhiệm cứu độ trong các Bí tích, chúng ta được dự phần vào Phụng vụ vĩnh cửu này.

 

235. Hội thánh ở trần gian cử hành Phụng vụ như thế nào?

1140-1144

1188

Hội thánh ở trần gian cử hành Phụng vụ với tư cách là dân tư tế, trong đó mỗi người hoạt động tùy theo phận vụ riêng của mình, trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần. Các người đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội hiến dâng chính mình trong hy lễ thiêng liêng, các thừa tác viên có chức thánh cử hành theo thánh chức mà họ đã lãnh nhận để phục vụ tất cả các chi thể của Hội thánh; các Giám mục và linh mục hoạt động trong cương vị Ðức Kitô, là Thủ lãnh.

 

Cử Hành Thế Nào?

 

236. Phụng vụ được cử hành thế nào?

1145

Việc cử hành Phụng vụ được kết thành bằng các dấu chỉ và biểu tượng. Ý nghĩa của những dấu chỉ và biểu tượng này được bắt nguồn trong công trình tạo dựng và trong các nền văn hóa nhân loại, được xác định trong các biến cố của Cựu Ước và được hoàn tất trọn vẹn trong Con Người của Ðức Kitô và trong các hoạt động của Người.

 

237. Các dấu chỉ Bí tích bắt nguồn từ đâu?

1146-1152

1189

Một số dấu chỉ bắt nguồn từ công trình tạo dựng (ánh sáng, nước, lửa, bánh, rượu, dầu); một số khác từ đời sống xã hội (tẩy rửa, xức dầu, bẻ bánh); một số khác từ lịch sử cứu độ thời Cựu Ước (các nghi thức Vượt qua, các hy lễ, việc đặt tay, việc thánh hiến). Những dấu chỉ này, có một số được qui định và bất biến, đã được Ðức Kitô sử dụng và trở thành những phương tiện chuyển thông hoạt động cứu độ và thánh hóa của Người.

 

238. Ðâu là mối liên hệ giữa cử chỉ và lời nói trong việc cử hành Bí tích?

1153-1155

1190

Trong việc cử hành Bí tích, cử chỉ và lời nói liên hệ với nhau chặt chẽ. Thật vậy, dù các cử chỉ tượng trưng tự chúng đã là một thứ ngôn ngữ, nhưng vẫn cần có các lời thuộc nghi thức kèm theo và làm cho chúng sinh động. Trong Phụng vụ, lời đọc và cử chỉ không thể tách rời nhau vì chúng vừa là dấu chỉ vừa là giáo huấn; chúng cũng không thể tách rời nhau vì chúng thực hiện điều chúng biểu thị.

 

239. Bài ca và âm nhạc có vai trò trong việc cử hành Phụng vụ theo những tiêu chuẩn nào?

1156-1158

1191

Bài ca và âm nhạc liên kết chặt chẽ với hành vi Phụng vụ. Vì vậy, phải tôn trọng các tiêu chuẩn sau đây: các bản văn phải phù hợp với giáo lý công giáo, ưu tiên rút từ Thánh Kinh và các nguồn Phụng vụ; vẻ đẹp diễn cảm của lời cầu nguyện; phẩm chất âm nhạc; sự tham gia của cộng đoàn; sự phong phú về văn hóa của dân Thiên Chúa; đặc điểm thánh thiêng và trang trọng của việc cử hành. "Hát là cầu nguyện hai lần" (thánh Augustinô).

 

240. Mục đích của các ảnh tượng thánh là gì?

1159-1161

1192

Ảnh tượng Ðức Kitô là ảnh tượng phụng vụ cách tuyệt hảo; các ảnh tượng thánh khác trình bày Ðức Trinh Nữ và các thánh, biểu lộ Ðức Kitô được tôn vinh nơi các ngài. Các ảnh tượng này công bố chính sứ điệp Tin Mừng mà Thánh Kinh chuyển đạt bằng lời. Các ảnh tượng thánh góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu.

 

Phụng Vụ Ðược Cử Hành Khi Nào?

 

241. Trung tâm của thời gian Phụng vụ là gì?

1163-1167

1193

Trung tâm của thời gian Phụng vụ là ngày Chúa Nhật, nền tảng và cốt lõi của cả năm Phụng vụ. Năm Phụng vụ có chóp đỉnh là lễ Phục sinh, ngày "lễ của các ngày lễ."

 

242. Ý nghĩa của năm Phụng vụ là gì?

1168-1173

1194-1195

Trong năm Phụng vụ, Hội thánh cử hành toàn thể Mầu nhiệm Ðức Kitô, từ lúc Người nhập thể cho đến ngày Người lại đến trong vinh quang. Trong một số ngày, Hội thánh tôn kính Ðức Trinh Nữ Maria diễm phúc, Mẹ Thiên Chúa, với một lòng trìu mến đặc biệt; Hội thánh cũng kính nhớ các thánh là những người đã sống cho Ðức Kitô, đã chịu đau khổ với Người và hiện đang ở với Người trong vinh quang.

 

243. Các Giờ kinh Phụng vụ là gì?

1174-1178

1196

Các Giờ kinh Phụng vụ - Kinh nguyện công khai và thường xuyên của Hội thánh - là lời cầu nguyện của Ðức Kitô cùng với Thân Thể Người. Nhờ Các Giờ kinh Phụng vụ, Mầu nhiệm của Ðức Kitô, mà chúng ta cử hành trong Thánh lễ, thánh hóa và làm thay hình đổi dạng thời gian của mỗi ngày. Các Giờ kinh Phụng vụ được kết thành chủ yếu từ các Thánh Vịnh, các bản văn khác của Thánh Kinh, cũng như những bài đọc của các Giáo phụ và các tôn sư linh đạo.

 

Phụng Vụ Ðược Cử Hành ở Ðâu?

 

244. Hội thánh có cần những nơi chốn để cử hành Phụng vụ không?

1197-1198

Việc thờ phượng "trong Thần Khí và sự thật" (Ga 4,24) của Giao ước Mới không bị lệ thuộc vào bất cứ nơi nào đặc biệt, vì Ðức Kitô là Ðền Thờ đích thực của Thiên Chúa; nhờ Người, các người Kitô hữu và toàn thể Hội thánh, dưới tác động của Chúa Thánh Thần, cũng trở thành đền thờ của Thiên Chúa hằng sống. Tuy nhiên, Dân Thiên Chúa, trong hoàn cảnh trần thế, cần đến những nơi chốn để cộng đoàn có thể qui tụ cử hành Phụng vụ...

 

245. Các "thánh đường" là gì?

1198-1999

Ðó là những ngôi nhà của Thiên Chúa, biểu tượng của Hội thánh đang sống tại đó cũng như biểu trưng nơi cư ngụ thiên quốc. Ðó là những nơi cầu nguyện trong đó Hội thánh cử hành đặc biệt là Thánh lễ và tôn thờ Ðức Kitô thực sự hiện diện trong nhà tạm.

 

246. Những nơi nào là ưu tiên bên trong các thánh đường?

1182-1186

Những nơi ưu tiên là: bàn thờ, nhà tạm, nơi cất giữ Dầu thánh (myron), ngai Giám mục (cathedra) hay linh mục, giảng đài, giếng rửa tội, tòa giải tội.

 

Sự Ða Dạng Của Phụng Vụ

Sự Duy Nhất Của Mầu Nhiệm

 

247. Tại sao mầu nhiệm duy nhất của Ðức Kitô lại được cử hành theo nhiều truyền thống Phụng vụ khác nhau?

1200-1204

1207-1209

Mầu nhiệm của Ðức Kitô phong phú khôn lường nên không một truyền thống Phụng vụ nào diễn tả trọn vẹn được. Vì vậy, ngay từ ban đầu, sự phong phú này đã được thể hiện nơi các dân tộc và các nền văn hóa khác nhau, qua những cách diễn tả đa dạng và bổ túc cho nhau cách kỳ diệu.

 

248. Có tiêu chuẩn nào bảo đảm cho tính duy nhất trong sự đa dạng này?

1209

Ðó là sự trung thành với Truyền thống Tông đồ, nghĩa là sự hiệp thông trong đức tin và trong các Bí tích đã lãnh nhận từ các Tông đồ; sự hiệp thông này được biểu lộ và bảo đảm bằng sự liên tục kế nhiệm tông đồ. Hội thánh là công giáo: do đó, Hội thánh có thể hội nhập tất cả những sự phong phú đích thực của các nền văn hóa khác nhau vào sự duy nhất của mình.

 

249. Trong Phụng vụ, có phải tất cả đều bất biến không?

1205-1206

Trong Phụng vụ, nhất là trong Phụng vụ các Bí tích, có những yếu tố bất biến vì là thể chế thiên định, được Hội thánh trung thành gìn giữ. Ngoài ra, cũng có những yếu tố có thể thay đổi mà Hội thánh có quyền và đôi khi có bổn phận thích nghi với các nền văn hóa của các dân tộc khác nhau.

 


Mục Lục