Phần III:
Ðời Sống Trong Ðức Kitô
Ðoạn Thứ Nhất:
Ơn Gọi Của Con Người:
Ðời Sống Trong Chúa Thánh Thần
357. Ðời sống luân lý của người Kitô hữu được nối kết với đức tin và các Bí tích như thế nào?
1691-1698
Ðiều mà Kinh Tin Kính tuyên xưng, các Bí tích tiếp tục trao ban. Qua các Bí tích, các tín hữu đón nhận ân sủng của Ðức Kitô và hồng ân của Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, họ có khả năng sống đời sống mới với tư cách là con cái Thiên Chúa trong Ðức Kitô, Ðấng họ đã đón nhận trong đức tin.
"Hỡi người Kitô hữu, hãy ý thức phẩm giá của bạn" (Thánh Lêô Cả).
Chương Một
Phẩm Giá Con Người
Con người, hình ảnh của Thiên Chúa
358. Nền tảng phẩm giá con người là gì?
1699-1715
Phẩm giá của con người bắt nguồn trong việc con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa. Ðược phú bẩm một linh hồn thiêng liêng và bất tử, lý trí và ý chí tự do, con người được qui hướng về Thiên Chúa và được mời gọi hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cả hồn lẫn xác.
Ơn Gọi Ðược Hạnh Phúc
359. Làm thế nào con người đạt tới hạnh phúc?
1716
Con người đạt được diễm phúc nhờ ân sủng của Ðức Kitô, ân sủng này cho họ được tham dự vào đời sống của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Ðức Kitô chỉ cho các môn đệ của mình con đường dẫn tới hạnh phúc vĩnh cửu: đó là các Mối phúc. Ân sủng của Ðức Kitô cũng hoạt động trong tất cả những ai, dựa theo lương tâm ngay thẳng, tìm kiếm và yêu mến chân lý và điều thiện, và tránh điều ác.
360. Tại sao các Mối phúc lại quan trọng đối với chúng ta?
1716-1717
1725-1726
Các Mối phúc nằm ở trung tâm lời rao giảng của Chúa Giêsu. Chúng nhắc lại các lời hứa mà Thiên Chúa đã trao ban từ thời ông Ábraham và hoàn thành các lời hứa. Các Mối phúc diễn tả chính diện mạo của Chúa Giêsu, nêu lên những đặc tính đích thực của đời sống người Kitô hữu và mạc khải cho con người cùng đích hoạt động của họ : đó là hạnh phúc đời đời.
361. Ðâu là mối liên hệ giữa các Mối phúc và lòng khao khát hạnh phúc của con người?
1718-1719
Các mối phúc đáp lại lòng khao khát bẩm sinh về hạnh phúc mà Thiên Chúa đã đặt để trong tâm hồn con người để lôi kéo họ về với Ngài và chỉ mình Ngài mới có thể lấp đầy lòng khao khát ấy.
362. Hạnh phúc đời đời là gì?
1720-1724
1727-1729
Ðó là việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa trong đời sống vĩnh cửu, ở đó chúng ta sẽ được trọn vẹn "thông phần bản tính Thiên Chúa" (2 Pr 1,4), thông phần vinh quang của Ðức Kitô và niềm vui của đời sống Ba Ngôi. Hạnh phúc đời đời vượt quá khả năng con người. Ðó là một hồng ân siêu nhiên và nhưng không của Thiên Chúa, cũng như ân sủng dẫn đưa chúng ta đến đó. Hạnh phúc được hứa ban đặt chúng ta trước những chọn lựa luân lý quan trọng về của cải trần thế, thúc đẩy chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự.
Sự Tự Do Của Con Người
363. Tự do là gì?
1730-1733
1743-1744
Tự do là khả năng Thiên Chúa ban cho con người để hành động hay không hành động, để làm việc này hay việc khác, và như vậy, tự mình đưa ra những quyết định một cách ý thức. Tự do là nét đặc trưng của các hành vi nhân linh. Càng làm điều thiện, người ta càng tự do hơn. Tự do hướng đến sự hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, Ðấng là sự thiện tối thượng và là hạnh phúc của chúng ta. Tự do cũng bao hàm khả năng lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu. Sự lựa chọn điều xấu là một lạm dụng tự do, đưa chúng ta vào vòng nô lệ tội lỗi.
364. Ðâu là mối tương quan giữa tự do và trách nhiệm?
1734-1737
1745-1746
Vì có tự do, con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình theo mức độ các hành vi này do chính họ muốn, cả khi việc qui trách và trách nhiệm về một hành động có thể bị giảm thiểu hoặc đôi khi bị loại bỏ, vì lý do thiếu hiểu biết, không chú ý, do áp lực, do sợ hãi, do xúc động thái quá, hoặc do các thói quen.
365. Tại sao mọi người có quyền thực thi tự do của mình?
1738
1747
Mỗi người đều có quyền sử dụng tự do của mình, vì tự do không thể tách rời khỏi phẩm giá con người. Vì thế quyền này phải luôn được tôn trọng, đặc biệt trong lãnh vực luân lý và tôn giáo. Quyền tự do này phải được luật dân sự công nhận và bảo vệ, trong các giới hạn của công ích và trật tự công cộng chính đáng.
366. Sự tự do của con người nằm ở vị trí nào trong nhiệm cục cứu độ?
1739-1742
1748
Sự tự do của chúng ta bị suy yếu vì tội nguyên tổ. Sự suy yếu này càng trầm trọng hơn vì các tội lỗi sau đó. Nhưng "chính để chúng ta được tự do mà Ðức Kitô đã giải thoát chúng ta" (Gl 5,1). Nhờ ân sủng của Người, Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng ta đến sự tự do thiêng liêng, để làm cho chúng ta thành những cộng tác viên tự do của Người, trong Hội thánh và trong thế giới.
367. Ðâu là nguồn gốc luân lý của hành vi nhân linh?
1749-1754
1757-1758
Tính chất luân lý của hành vi nhân linh dựa trên ba nguồn:
- Ðối tượng được lựa chọn, nghĩa là một điều thiện đích thực hay có vẻ như thế.
- Ý hướng của chủ thể hành động, nghĩa là mục đích khiến cho chủ thể hành động.
- Các hoàn cảnh của hành động, bao gồm cả các hậu quả của hành động.
368. Khi nào hành vi là tốt xét về phương diện luân lý?
1755-1756
1759-1760
Xét về phương diện luân lý, hành vi tốt phải có cùng lúc đối tượng, ý hướng và các hoàn cảnh đều tốt. Ðối tượng được chọn tự nó có thể làm cho hành vi trở thành xấu, dù có ý hướng tốt. Không được phép làm một điều xấu để đạt được một điều tốt. Một mục đích xấu có thể hủy hoại hành vi, cho dù đối tượng tự nó là tốt. Ngược lại, một mục đích tốt không thể làm cho một hành động mà đối tượng của nó là xấu, trở thành tốt được, vì mục đích không biện minh cho các phương tiện. Các hoàn cảnh có thể làm giảm thiểu hay gia tăng trách nhiệm của tác giả hành vi, nhưng chúng không thể làm thay đổi phẩm chất luân lý của chính các hành vi. Hoàn cảnh không bao giờ có thể làm cho một hành vi tự nó là xấu trở thành tốt được.
369. Có phải có những hành vi luôn luôn không được phép làm hay không?
1756, 1761
Có những hành vi, mà sự lựa chọn chúng luôn luôn là không được phép, vì đối tượng của chúng (chẳng hạn lộng ngôn, sát nhân và ngoại tình). Việc lựa chọn những hành vi này đã có một lệnh lạc của ý chí, nghĩa là một điều xấu luân lý; điều xấu này không thể biện minh bằng việc xét đến những điều tốt có thể rút ra từ những hành vi đó.
Tính Luân Lý Của Các Ðam Mê
370. Các đam mê là gì?
1762-1766
1771-1772
Ðam mê là những cảm xúc, những rung động hay những chuyển biến của sự nhạy cảm - đó là những yếu tố tự nhiên của tâm lý con người - chúng thúc đẩy con người hành động hay không hành động, theo điều được cảm nhận là tốt hoặc xấu. Những đam mê căn bản là yêu và ghét, ước muốn và sợ hãi, vui buồn và phẫn nộ. Ðam mê quan trọng nhất là tình yêu, được hấp dẫn bởi điều thiện. Người ta chỉ yêu điều thiện hảo, hoặc là điều thiện hảo thực sự hoặc là điều người ta tưởng là thiện hảo.
371. Xét về khía cạnh luân lý, đam mê tốt hay xấu?
1767-1770
1773-1775
Vì là những rung động của khả năng cảm thụ, đam mê tự chúng không tốt và cũng chẳng xấu. Ðam mê tốt khi đưa đến những hành động tốt, và là xấu trong trường hợp nghịch lại. Các đam mê có thể được thăng hoa thành các nhân đức hay thoái hóa thành các nết xấu.
Lương Tâm Luân Lý
372. Lương tâm luân lý là gì?
1776-1780
1795-1797
Hiện diện trong sâu thẳm lòng người, lương tâm luân lý là một phán đoán của lý trí, vào lúc cần thiết, thúc đẩy con người làm lành lánh dữ. Nhờ lương tâm luân lý, con người nhận thức được phẩm chất luân lý của một hành vi sẽ làm hay đã làm, và đảm nhận trách nhiệm về hành vi đó. Khi lắng nghe tiếng nói của lương tâm luân lý, con người khôn ngoan có thể nghe được tiếng Thiên Chúa nói với mình.
373. Phẩm giá con người đòi buộc điều gì đối với lương tâm luân lý?
1780-1782
1798
Phẩm giá con người đòi hỏi sự ngay thẳng của lương tâm luân lý, có nghĩa là lương tâm phải phù hợp với điều công chính và tốt lành dựa theo lý trí và Lề luật của Thiên Chúa. Căn cứ vào phẩm giá nhân vị như thế, con người không thể bị ép buộc phải hành động nghịch lại với lương tâm mình, cũng như không thể bị ngăn cản, trong các giới hạn của công ích, hành động theo lương tâm mình, nhất là trong lãnh vực tôn giáo.
374. Làm sao đào tạo lương tâm ngay thẳng và chân thật?
1783-1788
1799-1800
Lương tâm luân lý ngay thẳng và chân thật được đào tạo qua giáo dục, qua việc thấm nhuần Lời Chúa và các giáo huấn của Hội thánh. Lương tâm luân lý được các hồng ân Chúa Thánh Thần nâng đỡ và được các lời khuyên bảo của những người khôn ngoan trợ giúp. Ngoài ra, cầu nguyện và xét mình cũng đóng góp rất nhiều vào việc đào tạo luân lý.
375. Ðâu là những quy tắc mà lương tâm luôn phải theo?
1789
Có ba qui tắc căn bản: 1) Không bao giờ được làm điều xấu để đạt tới điều tốt; 2) Luật vàng: "Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta" (Mt 7,12); 3) Ðức ái Kitô giáo luôn đòi hỏi tôn trọng tha nhân và lương tâm của họ, mặc dù điều đó không có nghĩa là chấp nhận một điều xấu khách quan như là một điều tốt.
376. Lương tâm có thể đưa ra những phán đoán sai lầm không?
1790-1794
1801-1802
Con người phải luôn tuân theo phán đoán chắc chắn của lương tâm mình; nhưng lương tâm cũng có thể đưa ra những phán đoán sai lầm, vì không phải lúc nào người ta cũng tránh được lầm lỗi của mình. Tuy nhiên, người ta không thể qui trách nhiệm cho người thực hiện điều xấu vì sự thiếu hiểu biết ngoài ý muốn, cả khi đó là một điều xấu khách quan. Chính vì thế, con người phải vận dụng hết mọi khả năng để giúp lương tâm luân lý tránh khỏi những sai lầm.
Các Nhân Ðức
377. Nhân đức là gì?
1803, 1833
Nhân đức là một xu hướng thường xuyên và kiên trì để làm điều thiện. "Mục đích của một đời sống nhân đức là trở nên giống Thiên Chúa" (thánh Grêgôriô thành Nyssa). Có những đức tính nhân bản và những nhân đức đối thần.
378. Các đức tính nhân bản là gì?
1804
1810-1811
1834, 1839
Các đức tính nhân bản là xu hướng thường xuyên và kiên trì của lý trí và ý chí nhằm điều chỉnh hành vi của chúng ta, điều tiết các đam mê và hướng dẫn nếp sống chúng ta cho phù hợp với lý trí và đức tin. Nhờ đạt được và củng cố thường xuyên bằng các hành vi luân lý tốt, các đức tính nhân bản được ân sủng Thiên Chúa thanh luyện và nâng cao.
379. Các đức tính nhân bản chính là gì?
1805
1834
Ðó là các đức tính được gọi là các đức tính "căn bản." Tất cả các nhân đức khác đều qui tụ quanh các đức tính này và tạo thành nền tảng cho đời sống đạo đức. Ðó là: khôn ngoan, công bằng, can đảm và tiết độ.
380. Khôn ngoan là gì?
1806
1835
Khôn ngoan là đức tính giúp lý trí sẵn sàng trong mọi hoàn cảnh phân định điều thiện đích thực và chọn lựa những phương tiện thích hợp để đạt tới điều thiện đó. Sự khôn ngoan hướng dẫn các đức tính khác, bằng cách chỉ ra cho chúng luật lệ và mức độ của chúng.
381. Công bằng là gì?
1807
1836
Công bằng là đức tính luân lý thể hiện qua quyết tâm trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa và trả cho tha nhân những gì thuộc về tha nhân. Công bằng đối với Thiên Chúa được gọi là "nhân đức thờ phượng".
382. Can đảm là gì?
1808
1837
Can đảm là đức tính luân lý giúp chúng ta kiên trì và quyết tâm theo đuổi điều thiện giữa những khó khăn trong đời; can đảm có thể đưa đến khả năng dám hy sinh chính mạng sống để bảo vệ một điều công chính.
383. Tiết độ là gì?
1809
1838
Tiết độ là đức tính luân lý giúp ta điều tiết sức lôi cuốn của những lạc thú, sử dụng chừng mực các của cải trần thế, giúp ý chí làm chủ các bản năng và kiềm chế các ham muốn trong giới hạn chính đáng.
384. Các nhân đức đối thần là gì?
1812-1813
1840-1841
Các nhân đức đối thần là những nhân đức có chính Thiên Chúa là nguồn gốc, động lực và đối tượng trực tiếp. Các nhân đức này được phú bẩm trong con người cùng với ân sủng thánh hóa, giúp con người có khả năng sống tương quan với Thiên Chúa Ba Ngôi. Các nhân đức đối thần tạo nền móng và động lực cho hành vi luân lý của người Kitô hữu, làm sinh động các đức tính nhân bản. Chúng là bảo chứng cho sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong các khả năng của con người.
385. Các nhân đức đối thần là những nhân đức nào?
1813
Các nhân đức đối thần gồm có: đức tin, đức cậy và đức mến.
386. Ðức tin là gì?
1814-1816
1842
Ðức tin là nhân đức đối thần, nhờ đó chúng ta tin vào Thiên Chúa và tất cả những gì Ngài đã mạc khải cho chúng ta và những gì Hội thánh dạy chúng ta tin, bởi vì Thiên Chúa là chính Chân lý. Bằng đức tin, con người phó thác bản thân mình một cách tự do cho Thiên Chúa. Vì thế người tin tìm kiếm để nhận biết và thi hành ý muốn của Ngài, vì "đức tin hoạt động nhờ đức ái" (Gl 5,6).
387. Ðức cậy là gì?
1817-1821
1843
Ðức cậy là nhân đức đối thần giúp chúng ta khao khát và mong chờ Thiên Chúa ban cho chúng ta đời sống vĩnh cửu là hạnh phúc của chúng ta, khi tin tưởng vào các lời hứa của Ðức Kitô và cậy dựa vào sự trợ giúp của ơn Chúa Thánh Thần để xứng đáng hưởng đời sống vĩnh cửu và kiên trì cho đến hết cuộc đời trần thế.
388. Ðức ái là gì?
1822-1829
1844
Ðức ái là nhân đức đối thần giúp chúng ta kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và bởi tình yêu đối với Thiên Chúa, chúng ta yêu thương người khác như chính mình. Chúa Giêsu lấy đức ái làm giới răn mới, là sự viên mãn của Lề luật. Ðức ái là "mối dây liên kết tuyệt hảo" (Cl 3,14), là nền tảng của các nhân đức khác mà nó làm cho sinh động, gợi hứng và ra lệnh. Không có đức ái, "tôi sẽ chẳng là gì cả và... chẳng ích gì cho tôi" (1 Cr 13,1-3).
389. Các ơn Chúa Thánh Thần là gì?
1830-1831
1845
Các ơn Chúa Thánh Thần là những xu hướng thường trực giúp cho con người ngoan ngoãn theo những linh ứng của Thiên Chúa. Có bảy ơn Chúa Thánh Thần: khôn ngoan, thông minh, mưu lược, dũng cảm, hiểu biết, hiếu thảo và kính sợ Thiên Chúa.
390. Những hoa trái của Chúa Thánh Thần là gì?
1832
Những hoa trái của Chúa Thánh Thần là những điều thiện hảo được khắc ghi trong chúng ta như hoa quả đầu mùa của vinh quang vĩnh cửu. Truyền thống Hội thánh đưa ra mười hai hoa trái của Chúa Thánh Thần: "Bác ái, hoan lạc, an bình, kiên nhẫn, quảng đại, nhân từ, từ tâm, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ và thanh khiết" (Gl 5,22-23).
Tội Lỗi
391. Ðể đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải làm gì?
1846-1848
1870
Ðể có thể đón nhận lòng thương xót của Thiên Chúa, chúng ta phải nhìn nhận và thống hối các tội lỗi của mình. Chính Thiên Chúa, qua Lời và Thánh Thần của Ngài, giúp chúng ta thấy rõ tội lỗi của mình, ban cho chúng ta lương tâm ngay thẳng và niềm hy vọng vào ơn tha thứ.
392. Tội là gì?
1849-1851
1871-1872
Tội là "một lời nói, hành vi hoặc ước muốn trái nghịch với Luật vĩnh cửu" (thánh Augustinô). Tội là một sự xúc phạm đến Thiên Chúa, không vâng phục tình yêu của Người. Tội gây thương tích cho bản tính của con người và làm thương tổn đến tương quan giữa con người. Qua cuộc Tử nạn, Ðức Kitô cho thấy rõ ràng tích chất trầm trọng của tội và đã chiến thắng nó bằng lòng thương xót của Người.
393. Có nhiều loại tội hay không?
1852-1853
1873
Có rất nhiều loại tội. Các tội có thể được phân biệt theo đối tượng của chúng hoặc theo các nhân đức hay các giới răn, mà tội đối nghịch. Người ta còn có thể phân biệt tội theo tương quan trực tiếp của chúng với Thiên Chúa, với tha nhân hoặc với chính bản thân. Ngoài ra, người ta cũng có thể phân biệt tội trong tư tưởng, lời nói, việc làm và việc bỏ sót không làm.
394. Người ta phân biệt tội theo tính chất trầm trọng của chúng như thế nào?
1854
Người ta phân biệt tội trọng và tội nhẹ.
395. Khi nào người ta phạm tội trọng?
1855-1861
1874
Người ta phạm tội trọng khi cùng lúc có chất liệu nặng, ý thức đầy đủ, và tự ý ưng thuận. Tội trọng phá huỷ đức mến trong chúng ta, cướp đi ân sủng thánh hoá và dẫn chúng ta đến cái chết đời đời trong hỏa ngục nếu không sám hối. Tội trọng được tha thứ cách thông thường nhờ Bí tích Rửa tội và Bí tích Thống hối, còn gọi là Bí tích Hòa giải.
396. Khi nào người ta phạm tội nhẹ?
1862-1864
1875
Khác biệt cách triệt để với tội trọng, người ta phạm tội nhẹ khi chất liệu là nhẹ, hoặc thậm chí chất liệu là nặng, nhưng không có đầy đủ ý thức hay không hoàn toàn ưng thuận. Tội nhẹ không cắt đứt tương quan với Thiên Chúa, nhưng làm suy yếu đức mến. Tội nhẹ biểu lộ lòng quyến luyến lệch lạc đối với của cải trần thế, ngăn cản sự tiến triển của linh hồn trong việc thực hành nhân đức và trong việc thực thi điều thiện luân lý. Tội nhẹ đáng chịu những hình phạt tạm thời để thanh luyện.
397. Tội sinh sôi nảy nở nơi chúng ta như thế nào?
1865, 1876
Tội tạo nên xu hướng về tội, và do việc lặp đi lặp lại cùng một hành vi, sẽ tạo nên thói xấu.
398. Các thói xấu là gì?
1866-1867
Ðối nghịch với các nhân đức, các thói xấu là những thói quen lệch lạc làm mờ tối lương tâm và hướng chiều về điều xấu. Các thói xấu có thể ghép lại thành bảy mối tội đầu: kiêu ngạo, hà tiện, ganh tị, nóng giận, dâm dục, mê ăn uống, và lười biếng.
399. Chúng ta có trách nhiệm gì đối với tội người khác không?
1868
Chúng ta có trách nhiệm đối với tội của người khác, khi chúng ta cộng tác cách có lỗi vào tội đó.
400. Các cơ cấu của tội là gì?
1869
Các cơ cấu của tội là những hoàn cảnh xã hội hay những tổ chức nghịch lại với Luật Thiên Chúa; chúng là những biểu lộ và là hậu quả của các tội cá nhân.
Chương Hai
Cộng Ðồng Nhân Loại
Cá Nhân Và Xã Hội
401. Chiều kích xã hội của con người hệ tại điều gì?
1877-1880
1890-1891
Con người không những được kêu gọi theo từng cá nhân để hưởng hạnh phúc, nhưng còn có một chiều kích xã hội, tạo thành một yếu tố căn bản của bản chất cũng như ơn gọi của mình. Thật vậy, tất cả mọi người đều được kêu gọi đến cùng một mục đích là chính Thiên Chúa. Có một sự tương tự nào đó giữa sự hiệp thông các Ngôi Vị Thiên Chúa với tình huynh đệ mà con người phải thiết lập với nhau, trong chân lý và tình yêu. Tình yêu đối với tha nhân không thể tách rời khỏi tình yêu đối với Thiên Chúa.
402. Ðâu là mối tương quan giữa cá nhân với xã hội?
1881-1882
1892-1893
Nguyên lý, chủ thể và mục đích của tất cả các định chế xã hội là và phải là con người. Một số cộng đồng, chẳng hạn như gia đình và tập thể dân sự, rất cần thiết cho con người. Các hiệp hội khác cũng hữu ích cho con người, cả trên bình diện quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế, nhưng phải tôn trọng nguyên tắc hỗ trợ...
403. Nguyên tắc hỗ trợ là gì?
1883-1885
1894
Nguyên tắc này có nghĩa là một cộng đồng ở cấp độ cao hơn không được thâu tóm các phận vụ thuộc cộng đồng ở cấp độ thấp hơn, đến độ cướp mất thẩm quyền của cộng đồng cấp thấp này. Ðúng hơn, cộng đồng cấp cao phải nâng đỡ cộng đồng cấp thấp trong trường hợp cần thiết.
404. Một cộng đồng nhân loại đích thực còn đòi buộc điều gì khác nữa?
1886-1889
1895-1896
Cộng đồng nhân loại đích thực đòi buộc phải tôn trọng sự công bằng, một bậc thang giá trị đúng đắn, các chiều kích thể lý và bản năng phải phụ thuộc các chiều kích nội tâm và tinh thần. Ðặc biệt, nơi nào tội lỗi làm băng hoại môi trường xã hội, phải kêu gọi sám hối tâm hồn và kêu cầu đến ân sủng của Thiên Chúa, để có thể thay đổi xã hội hầu thực sự phục vụ cho tất cả mọi người và từng cá nhân. Ðức ái là giới răn cao cả nhất mang tính xã hội, vì đòi buộc sự công bằng và giúp thực hiện sự công bằng.
Tham Dự Vào Ðời Sống Xã Hội
405. Quyền bính trong xã hội được đặt trên nền tảng nào?
1897-1902
1918-1920
Mọi cộng đồng nhân loại đều cần có một quyền bính hợp pháp để bảo đảm trật tự và góp phần vào việc phục vụ công ích. Quyền bính này đặt nền tảng trên bản tính con người, vì phù hợp với trật tự được Thiên Chúa thiết lập.
406. Khi nào quyền bính được thực thi hợp pháp?
1901
1903-1904
1921-1922
Quyền bính được thực thi cách hợp pháp khi hoạt động vì công ích và sử dụng các phương tiện hợp pháp về mặt luân lý để đạt được công ích ấy. Vì thế, các thể chế chính trị phải được thiết lập do quyết định tự do của các công dân và họ phải tuân giữ nguyên tắc "Nhà nước pháp chế," trong đó luật pháp là tối thượng chứ không phải ý muốn độc đoán của một số người. Các luật lệ bất công và các biện pháp trái nghịch với trật tự luân lý không bó buộc lương tâm con người.
407. Công ích là gì?
1905-1906
1924
Công ích được hiểu là toàn thể những điều kiện của đời sống xã hội cho phép các nhóm và các cá nhân đạt tới sự hoàn hảo của mình.
408. Công ích bao gồm những điều gì?
1907-1909
1925
Công ích bao gồm: sự tôn trọng và cổ võ các quyền lợi căn bản của con người, việc phát triển các lợi ích tinh thần và vật chất của con người cũng như của xã hội, hoà bình và an ninh cho tất cả mọi người.
409. Ở đâu công ích được thực hiện một cách đầy đủ nhất?
1910-1912
1927
Công ích được thực hiện cách đầy đủ nhất trong các cộng đồng chính trị nào biết bảo vệ và cổ võ thiện ích cho các công dân và các tổ chức trung gian, mà không quên thiện ích phổ quát của gia đình nhân loại.
410. Con người tham gia vào việc thực hiện công ích như thế nào?
1913-1917
1926
Tuỳ theo địa vị và vai trò đảm nhận, mỗi người phải góp phần vào việc cổ võ công ích: bằng việc tôn trọng các luật công bằng, và dấn thân vào những lãnh vực mà cá nhân họ có trách nhiệm, như chăm sóc gia đình và dấn thân trong công việc của mình. Trong khả năng của mình, các công dân cũng phải tích cực tham gia vào đời sống công cộng.
Công Bằng Xã Hội
411. Làm thế nào xã hội bảo đảm được công bằng xã hội?
1928-1933
1943-1944
Xã hội bảo đảm công bằng xã hội khi tôn trọng phẩm giá và những quyền lợi con người; đó chính là mục đích thực sự của xã hội. Ngoài ra, xã hội tìm kiếm công bằng xã hội, là điều liên hệ đến công ích và việc thực thi quyền hành, khi xã hội tạo điều kiện để các hiệp hội và các cá nhân đạt được những gì thuộc về quyền lợi của họ.
412. Ðâu là nền tảng sự bình đẳng giữa người với người?
1934-1935
1945
Mọi người đều được hưởng sự bình đẳng về phẩm giá và những quyền lợi căn bản, vì họ được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa duy nhất và được ban cho một linh hồn có lý trí. Họ có chung một bản tính và một nguồn gốc, và được mời gọi chung hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa trong Ðức Kitô là Ðấng Cứu Ðộ duy nhất.
413. Chúng ta đánh giá những bất bình đẳng giữa con người như thế nào?
1936-1938
1946-1947
Có những sự bất bình đẳng về mặt kinh tế và xã hội ảnh hưởng trên hàng triệu con người. Những bất bình đẳng này đi ngược lại cách công khai với Phúc Âm và đối nghịch với công bằng, với phẩm giá con người và với hòa bình. Nhưng cũng có những khác biệt giữa con người, do những nhân tố khác nhau thuộc kế hoạch của Thiên Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa muốn rằng người này nhận ở người kia những gì họ cần thiết và những ai có những "nén bạc" đặc biệt, nên chia sẻ với những người khác. Những sự khác biệt này khuyến khích và thường bắt buộc con người phải sống hào hiệp, nhân từ và chia sẻ. Chúng thúc đẩy các nền văn hóa làm phong phú lẫn nhau.
414. Tình liên đới nhân loại được biểu lộ như thế nào?
1939-1942
1948
Xuất phát từ tình huynh đệ nhân bản và Kitô giáo, tình liên đới trước hết được biểu lộ trong việc phân phối hợp lý các của cải, trong việc trả lương lao động một cách công bằng và trong việc dấn thân cho một trật tự xã hội công bằng hơn. Nhân đức liên đới được thực hiện qua việc chia sẻ các của cải tinh thần của đức tin, điều này còn quan trọng hơn là các của cải vật chất.
Chương Ba
Ơn Cứu Ðộ Của Thiên Chúa:
Lề Luật Và Ân Sủng
Luật Luân Lý
415. Luật luân lý là gì?
1950-1953
1975-1978
Luật luân lý là công trình khôn ngoan của Thiên Chúa, chỉ cho con người những con đường và qui luật sống, dẫn đến hạnh phúc Thiên Chúa đã hứa, và ngăn cấm những nẻo đường đưa con người xa lìa Thiên Chúa.
416. Luật luân lý tự nhiên hệ tại điều gì?
1954-1960
1978-1979
Ðược Ðấng Sáng Tạo khắc ghi trong tâm hồn mọi người, luật tự nhiên hệ tại việc tham dự vào sự khôn ngoan và lòng nhân từ của Thiên Chúa. Luật tự nhiên diễn tả cảm thức luân lý nguyên thủy, giúp con người sử dụng lý trí để phân định điều tốt điều xấu. Luật tự nhiên mang tính phổ quát và bất biến, đặt nền tảng cho các quyền lợi và nghĩa vụ căn bản của con người, cũng như của cộng đồng nhân loại và của chính luật dân sự.
417. Mọi người có nhận thức được luật tự nhiên không?
1960
Vì tội lỗi, mọi người không thể nhận thức luật tự nhiên cách rõ ràng và trực tiếp như nhau.
Vì vậy, "Thiên Chúa đã viết trên các bảng Luật, tất cả những gì mà con người không đọc nổi trong tâm hồn họ" (thánh Augustinô).
418. Tương quan giữa luật tự nhiên và Luật Cựu Ước như thế nào?
1961-1962
1980
Luật Cựu Ước là cấp độ đầu tiên của Luật mạc khải, trình bày nhiều chân lý mà lý trí tự nhiên có thể đạt tới; những chân lý này được củng cố và chính thức hóa trong các Giao ước cứu độ. Các qui định luân lý của chúng được tóm lại trong Mười điều răn, đặt nền tảng cho ơn gọi của con người. Các qui định này ngăn cấm những gì nghịch lại tình yêu đối với Thiên Chúa và đối với tha nhân, và ấn định những đòi hỏi căn bản của tình yêu ấy.
419. Luật Cựu Ước có vị trí nào trong kế hoạch cứu độ?
1963-1964
1982
Luật Cựu Ước giúp chúng ta nhận biết nhiều chân lý mà lý trí có thể đạt được. Luật Cựu Ước chỉ cho thấy điều người ta phải làm hay không được phép làm, và nhất là, như một nhà sư phạm khôn ngoan, chuẩn bị con người sám hối để đón nhận Tin Mừng. Tuy nhiên, dù thánh thiện, thiêng liêng và tốt lành, Luật Cựu Ước vẫn bất toàn, vì tự nó không ban sức mạnh và ân sủng của Chúa Thánh Thần để giúp người ta tuân giữ nó.
420. Luật Mới hay Luật Tin Mừng là gì?
1965-1972
1983-1985
Luật Mới hay Luật Tin Mừng được Ðức Kitô rao giảng và thực hiện, là sự viên mãn và hoàn thành Luật Thiên Chúa, tự nhiên và mạc khải. Luật Mới được tóm kết trong giới răn mến Chúa yêu người, "yêu thương nhau như Ðức Kitô đã yêu thương chúng ta". Luật Mới cũng là một thực tại trong thâm tâm con người, đó là ân sủng của Chúa Thánh Thần giúp chúng ta có thể thực hiện một tình yêu như thế. Ðó là "luật tự do" (Gc 1,25), hướng dẫn chúng ta mau mắn hành động dưới sự thúc đẩy của tình yêu.
"Trước tiên, Luật Mới là ân sủng của Chúa Thánh Thần, được ban cho các tín hữu trong Ðức Kitô" (thánh Tôma Aquinô).
421. Chúng ta gặp được Luật Mới ở đâu?
1971-1974
1986
Chúng ta gặp được Luật Mới trong suốt cuộc đời và lời rao giảng của Ðức Kitô, cũng như trong huấn giáo luân lý của các Tông đồ. Bài giảng trên núi là cách diễn tả chính yếu của luật này.
Ân Sủng Và Công Chính Hóa
422. Công chính hoá là gì?
1987-1995
2017-2020
Công chính hoá là công trình tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa. Ðó là hành động nhân từ và nhưng không của Thiên Chúa, Ðấng tha thứ tội lỗi cho chúng ta và làm cho chúng ta nên công chính, thánh thiện trong con người chúng ta. Ðiều đó được thực hiện bằng ân sủng của Chúa Thánh Thần, ân sủng đó được dành sẵn cho chúng ta nhờ cuộc khổ nạn của Ðức Kitô, và được trao ban cho chúng ta qua Bí tích Rửa tội. Việc công chính hóa mở đường cho lời đáp trả tự do của con người, nghĩa là cho đức tin vào Ðức Kitô và cho sự cộng tác với ân sủng của Chúa Thánh Thần.
423. Ân sủng công chính hóa chúng ta là gì?
1996-1998,
2005
2021
Ân sủng là hồng ân nhưng không Thiên Chúa ban giúp chúng ta tham dự vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi và có khả năng hành động vì tình yêu dành cho Ngài. Ân sủng được gọi là ơn thường sủng, ơn thánh hóa hay ơn thần hóa, vì ân sủng thánh hóa và thần hóa chúng ta. Ân sủng siêu nhiên, vì tùy thuộc hoàn toàn vào sáng kiến nhưng không của Thiên Chúa và vượt quá mọi khả năng của lý trí và sức lực con người. Vì vậy, ân sủng vượt khỏi kinh nghiệm của chúng ta.
424. Các loại ân sủng khác là gì?
1999-2000
2003-2004
2023-2024
Ngoài ơn thường sủng, còn có ơn hiện sủng (ân sủng tùy hoàn cảnh), các ơn Bí tích (ân sủng đặc biệt của mỗi Bí tích), các ân sủng đặc biệt hay đặc sủng (có mục đích là sự thiện ích của Hội thánh), trong đó có ơn chức phận, là ơn đi kèm theo việc thi hành các thừa tác vụ trong Hội thánh và các trách nhiệm của đời sống.
425. Ðâu là tương quan giữa ân sủng với tự do con người?
2001-2002
Ân sủng dọn đường, chuẩn bị và khơi dậy lời đáp trả tự do của con người. Ân sủng thỏa mãn những khát vọng thâm sâu của sự tự do con người, mời gọi tự do cộng tác, và hướng dẫn tự do đến sự toàn thiện.
426. Công phúc là gì?
2006-2010
2025-2026
Công phúc là điều đem lại quyền được thưởng cho một hành động tốt. Trong những liên hệ với Thiên Chúa, con người tự mình không có gì được gọi là công phúc, vì họ lãnh nhận tất cả từ Thiên Chúa. Tuy nhiên, Thiên Chúa cho con người khả năng lập công nhờ kết hợp vào đức ái của Ðức Kitô, nguồn mạch các công phúc của chúng ta trước mặt Thiên Chúa. Vì vậy, công phúc của những việc lành trước hết là do ân sủng của Thiên Chúa, thứ đến mới do ý chí tự do của con người.
427. Chúng ta có thể lập công để lãnh nhận những điều thiện hảo nào?
2010-2011
2027
Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể lập công để lãnh nhận, cho chính mình và cho người khác, những ân sủng hữu ích cho việc thánh hoá bản thân và cho việc đạt tới đời sống vĩnh cửu, cũng như của cải vật chất cần thiết cho chúng ta, theo kế hoạch của Thiên Chúa. Tuy nhiên, không ai có thể lập công để lãnh nhận ân sủng đầu tiên, là ân ban lúc khởi đầu để sám hối và được nên công chính.
428. Có phải mọi người đều được mời gọi tiến đến sự thánh thiện Kitô giáo không?
2012-2016
2028-2029
Mọi tín hữu đều được mời gọi tiến đến sự thánh thiện Kitô giáo. Sự thánh thiện này là sự viên mãn của đời sống Kitô hữu, sự toàn hảo của tình yêu, được thực hiện trong việc kết hợp mật thiết với Ðức Kitô và, trong Người, với Thiên Chúa Ba Ngôi. Con đường nên thánh của người Kitô hữu, sau khi kinh qua thập giá, sẽ được hoàn thành trong cuộc phục sinh chung cuộc của những người công chính, trong đó "Thiên Chúa có toàn quyền trên mọi loài."
Giáo Hội, Mẹ Và Thầy
429. Hội thánh nuôi dưỡng đời sống luân lý của người Kitô hữu như thế nào?
2030-2031
2047
Hội thánh là cộng đoàn các người Kitô hữu. Trong Hội thánh, họ đón nhận lời Chúa và những giáo huấn về "Luật của Ðức Kitô" (Gl 6,2), lãnh nhận ân sủng các Bí tích, kết hợp bản thân vào hy lễ Thánh Thể của Ðức Kitô, để đời sống luân lý của họ trở thành một phượng tự thiêng liêng. Trong Hội thánh, họ học gương thánh thiện của Ðức Trinh Nữ Maria và của các thánh.
430. Tại sao Huấn quyền Hội thánh can thiệp vào lãnh vực luân lý?
2032-2040
2049-2051
Trách nhiệm của Huấn quyền Hội thánh là rao giảng đức tin để mọi người tin và áp dụng vào đời sống cụ thể. Trách nhiệm này cũng bao gồm cả những giới luật đặc thù của luật tự nhiên, bởi vì tuân giữ những giới luật đó rất cần thiết cho ơn cứu độ.
431. Các điều răn của Hội thánh có mục đích gì?
2041
2048
Năm điều răn của Hội thánh có mục đích bảo đảm cho người tín hữu những điều tối thiểu thiết yếu về tinh thần cầu nguyện, đời sống Bí tích, dấn thân luân lý và tăng trưởng tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân.
432. Năm điều răn của Hội thánh là gì?
2042-2043
Năm điều răn của Hội thánh là: (1) tham dự Thánh lễ Chúa nhật cũng như các ngày lễ buộc, kiêng việc xác và những hoạt động có thể cản trở việc thánh hoá những ngày đó; (2) xưng tội để lãnh nhận Bí tích Giao hoà ít là mỗi năm một lần; (3) Rước lễ ít là trong mùa Phục sinh; 4) Kiêng thịt và giữ chay trong những ngày Hội thánh quy định; (5) Mỗi người theo khả năng, đóng góp cho các nhu cầu vật chất của Hội thánh.
433. Tại sao đời sống luân lý của người Kitô hữu rất cần thiết để loan báo Tin Mừng?
2044-2046
Nhờ đời sống luân lý phù hợp với Chúa Giêsu, các người Kitô hữu lôi kéo mọi người tin vào Thiên Chúa thật; họ xây dựng Hội thánh; đem tinh thần Phúc Âm vào giữa lòng đời và chuẩn bị cho Nước Thiên Chúa đến.