NƠI THỨ MƯỜI BA: HẠ XÁC CHÚA GIÊSU XUỐNG KHỎI THÁNH GIÁ
Nếu tôi tìm cách trốn tránh mọi đau buồn, Chẳng bao lâu tôi sẽ không còn biết yêu. (Lc 2:35)
Sau khi quan Philatô biết chắc rằng Chúa Giêsu đã chết, ông trao xác Người cho ông Giuse thành Arimathea, một người có danh vọng trong Thượng Hội Ðồng “chính ông đã sống trong hy vọng được thấy Nước Thiên Chúa” (Mc 15:43). Ông Giuse đem theo một khăn liệm, hạ xác Ðức Chúa Giêsu xuống khỏi thập giá, và quấn xác Người trong khăn liệm” (Mc 15:46). Ðức Maria, Mẹ Chúa Giêsu cũng ở đó. Lâu rồi, khi Mẹ để ông Simêon bế con của Mẹ trên tay, Mẹ đã nghe được lời này: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu linh hồn bà” (Lc 2:35).
Bây giờ, khi Mẹ nhận lấy thi thể của Chúa Giêsu trong cánh tay Mẹ, những lời trên đã nên trọn. Chúa Giêsu đã chịu khổ nạn và đã chết, nhưng sự đau buồn của Ðấng đã yêu Người như một người Mẹ bây giờ trở nên một nỗi đau mà từ trước đến nay chưa từng một ai phải chịu. Sự đau buồn của Ðức Mẹ cũng sâu như tình yêu của Mẹ. Mẹ, là Ðấng ôm ấp Con Thiên Chúa bằng tình yêu của Mẹ, giờ đây ôm ấp toàn thể nhân loại với sự đau buồn của Mẹ. Mẹ, là Ðấng mà tâm hồn rất trong sạch đến nỗi đáng làm nơi cư ngụ của Ðấng Cứu Ðộ toàn thế giới, bây giờ được mời gọi ghánh chịu tất cả đau khổ của nhân loại trong tâm hồn đó, và vì vậy trở nên Mẹ của mọi người. Ðức Mẹ Maria đứng dưới chân Thánh Giá; Ðức Mẹ tiếp nhận thi hài Chúa Giêsu và ôm Người trong sự cô đơn vô bờ bến của Mẹ. Sự kết hợp chặt chẽ giữa tình yêu và sầu khổ, được thành hình khi Mẹ ôm Con Mẹ trong tay, sẽ tiếp tục tồn tại trong tất cả những ai chọn sống gần Thánh Tâm của Thiên Chúa.
Yêu thực sự là sẵn sàng lãnh nhận đau khổ. Yêu Chúa với hết linh hồn, hết trí khôn, hết sức lực, là phơi bày trái tim bạn ra để hứng chịu những đau buồn ghê gớm nhất mà nhân loại có thể biết đến. Ðời sống của một Kitô hữu là một cuộc đời yêu Chúa Giêsu. “Con có yêu mến Thầy không?” Ðó là câu hỏi mà Chúa hỏi chúng ta ba lần. Và chúng ta thưa: “Vâng, lạy Chúa, Chúa biết con yêu mến Chúa”, và Người bảo: “Con sẽ bị dẫn đến nơi mà con không muốn đến” (Ga 21:15-18). Không bao giờ có tình yêu mà không có buồn khổ, không bao giờ có cam kết mà không có đớn đau, không bao giờ can thiệp mà không bị thiệt thòi, không bao giờ cho đi mà không mất mát, và không bao giờ thưa một lời “Xin Vâng” với sự sống mà không phải chết nhiều lần. Khi nào chúng ta tìm cách trốn tránh đau buồn, chúng ta không thể yêu thương được.
Khi chúng ta chọn yêu thương, sẽ có rất nhiều nước mắt. Khi sự im lặng bao trùm cây Thánh Giá và mọi sự đã hoàn tất, nỗi đau khổ của Ðức Mẹ trải rộng đến tận cùng trái đất. Nhưng tất cả những người nhận ra nỗi đau khổ này trong chính tâm hồn họ, sẽ biết rằng đó là áo choàng của Tình Yêu Thiên Chúa, và ôm ấp nó như một mầu nhiệm thầm kín của cuộc đời.
Lm. Henri J.M. Nouwen
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ