Hãy có Lòng Thương Xót như Chúa Cha
dongtên.net 17/12/2015
MISERICORDES SICUT PATER
CÁC BÀI SUY NIỆM VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.
Vừa qua các tín hữu vui mừng đón nhận việc Đức Thánh Cha Phanxicô công bố năm thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Năm thánh bắt đầu từ ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 08.12.2015 và kết thúc vào lễ Chúa Ki-tô làm Vua 20.11.2016. Tuy vậy, cũng có người thắc mắc tại sao Đức Thánh Cha lại mở năm thánh ngoại thường này. Chúng ta cùng lắng nghe lời chia sẻ của Vị Cha Chung: “Nhiều người đang tự hỏi trong lòng: sao lại mở ra Năm Thánh lòng thương xót vào lúc này? Đơn giản là bởi vì Giáo Hội, trong thời điểm chao đảo lớn lao này của lịch sử, được mời gọi để đưa ra những dấu chỉ rõ ràng về sự hiện diện và gần gũi của Thiên Chúa. Đây không phải là thời gian để bị phân tâm; nhưng ngược lại, chúng ta cần phải cảnh giác và cần phải khơi dậy trong chúng ta khả năng để nhận ra những gì là thiết yếu. Đây là một thời gian để Giáo Hội tái khám phá ý nghĩa của sứ mệnh được Chúa giao phó cho mình trong ngày lễ Phục sinh: là trở nên dấu chỉ và khí cụ của lòng thương xót của Chúa Cha (x.Ga 20, 21-23). Vì lý do này, Năm Thánh phải làm sống lại ước muốn biết được cách làm sao đón nhận vô số những dấu chỉ của sự dịu dàng mà Thiên Chúa trao ban cho toàn thế giới, và trên tất cả, cho những ai đang đau khổ, những người đang cô đơn và bị bỏ rơi, không có hy vọng được tha thứ cũng chẳng cảm nhận được tình yêu của Chúa Cha”. (Bài giảng của ĐTC. Phanxico ngày lễ Lòng Chúa thương xót năm 2015).
Thật vậy, xã hội và thế giới chúng ta cần khám phá lại điều thiết yếu và nền tảng. Đó là tình yêu nhân hậu, lòng thương xót của Thiên Chúa từ ngàn xưa cho đến hôm nay đang sống động cách rõ rệt và mạnh mẽ nơi từng tập thể, từng cá nhân, cả với những tín hữu lần những người chưa có niềm tin vào Thiên Chúa. Ngài như người Cha giàu lòng xót thương luôn sẵn sàng mở cánh cửa tình yêu bao la đón nhận người con đi hoang trở về. Ngài như người Mục Tử nhân lành sẵn sàng lên đường đi tìm con chiên lạc, và khi tìm thấy Người Mục Tử vui mừng vác chiên trên vai và đưa về nhà. Thật đẹp biết bao hình ảnh lòng thương xót Thiên Chúa dành cho những người con yêu dấu của Ngài. Vẻ đẹp cao quý này sẽ toả thêm hương thơm, khi con cái của Thiên Chúa giàu lòng thương xót, biết ý thức sống tinh thần thương xót và nhân hậu trong đời sống thường ngày, trong tương quan với nhau, đặc biệt với những anh chị em bất hạnh và đau khổ, nghèo hèn và yếu đuối. “HÃY CÓ LÒNG THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA – MISERICORDES SICUT PATER” là châm ngôn của năm thánh này. Châm ngôn này được trích từ trong Phúc Âm của thánh Lu-ca (x.Lc 6,36), và đó là lời mời gọi của Chúa Giê-su dành cho các môn đệ và muôn người, trong đó có mỗi người chúng ta. Châm ngôn này cũng tương hợp với Mối Phúc về lòng thương xót mà Chúa Giê-su mời gọi trong Tám Mối Phúc Thật.
“Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được thương xót (Mt 5,7): đó là mối phúc chúng ta nên ao ước đặc biệt trong Năm Thánh này. Như chúng ta thấy trong Kinh Thánh, lòng thương xót là một từ khóa chỉ ra hành động của Thiên Chúa đối với chúng ta. Ngài không hạn chế mình trong việc khẳng định tình yêu của Ngài, nhưng còn đi xa hơn là làm cho tình yêu này thành hữu hình và đụng chạm được. Tình yêu, nói cho cùng, không bao giờ chỉ là một khái niệm trừu tượng. Tự chính bản chất của nó, tình yêu hướng đến một cái gì đó cụ thể: ý định, thái độ, và những hành vi được thể hiện trong cuộc sống hàng ngày. Lòng thương xót của Thiên Chúa là mối quan tâm từ ái của Ngài cho mỗi người chúng ta. Ngài cảm thấy có trách nhiệm; nghĩa là, Ngài ước muốn sự khang an của chúng ta và muốn thấy chúng ta hạnh phúc, tràn đầy niềm vui và an bình. Đây là con đường mà tình yêu nhân hậu của các tín hữu Kitô phải đi. Như Chúa Cha yêu thương, con cái của Ngài cũng phải thế. Như Cha đầy lòng thương xót, chúng ta cũng được mời gọi để xót thương nhau”.
Đó là lời của Đức Thánh Cha Phanxicô viết trong tông sắc năm Thánh về lòng thương xót của Thiên Chúa (số 09). Trong tinh thần tri ân và với tâm tình con thảo vâng lời Vị Cha Chung để sống năm Thánh ngoại thường đặc biệt này, qua việc cầu nguyện, suy tư và tập sống theo tinh thần của Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, xin gởi đến quý Linh Mục và tu sĩ, quý ông bà và anh chị em Giáo Dân các bài suy niệm về lòng thương xót của Thiên Chúa. Các bài suy niệm này dựa trên Mối Phúc về lòng thương xót mà Chúa Giê-su đã dạy trong Tám Mối Phúc Thật. Các bài này được trích từ tập sách PHÚC THAY (tập sách suy niệm Tám Mối Phúc Thật) của người viết cũng vừa được xuất bản trước ngưỡng cửa năm Thánh, và được bổ túc thêm một số phần để phong phú hơn.
Các bài suy niệm này được tham khảo nhiều tài liệu của các Vị Mục Tử, của các Thần Học Gia và các nhà Thánh Kinh học, như tông sắc về năm thánh lòng Chúa thương xót của Đức Thánh Cha Phanxico, tập sách “Barmherzigkeit – Lòng thương xót” của ĐHY. Walter Kasper, ba tập sách “Đức Giê-su thành Na-gia-rét” của thần học gia Ratzinger, Đức Benedicto XVI, tập sách “Selig seid ihr – Phúc thay cho các bạn” của Đức cố Hồng Y Carlo Maria Martini…
Các bài suy niệm này như là một “quãng đường đi dạo” với đề tài lòng thương xót, và được mở đầu với việc tìm hiểu thuật ngữ thương xót, sau đó cùng tìm hiểu sứ điệp lòng thương xót trong Cựu Ước, sứ điệp của Chúa Giê-su về lòng thương xót của Thiên Chúa, và cuối cùng liên hệ đến đời sống thực tế của Ki-tô hữu, với phần “lòng thương xót của Thiên Chúa và hành trình Đức Tin của chúng ta”.
Dưới đây là các bài suy niệm:
Bài 01: Mối Phúc về Lòng Thương Xót trong bối cảnh của Tám Mối Phúc Thật và thuật ngữ Thương Xót
Bài 02: Từ ngữ thương xót trong Cựu Ước và lòng thương xót của Thiên Chúa trong câu chuyện sáng tạo
Bài 03: Lòng thương xót của Thiên Chúa được biểu lộ qua chính tên của Ngài
Bài 04: Sự bất trung của con người đối diện với lòng thương xót trung tín của Thiên Chúa
Bài 05: Lòng Thương Xót, sự thánh thiện, sự công chính và trung thành của Thiên Chúa
Bài 06: Thiên Chúa ưu tiên và chú ý đến cuộc sống. Thiên Chúa ưu tiên và chú ý đến người nghèo khổ và yếu đuối.
Bài 07: Tán tụng lòng thương xót của Thiên Chúa trong các Thánh Vịnh
Bài 08: Lòng Thương Xót của Thiên Chúa trong biến cố Giáng Sinh của Chúa Giê-su
Bài 09: Bước vạn dặm của Đấng giàu lòng thương xót
Bài 10: Chúa Giê-su rao giảng và sống tinh thần lòng thương xót của Chúa Cha
Bài 11: Sứ điệp về lòng thương xót của Thiên Chúa trong một số dụ ngôn
Bài 12: Đổi mới cuộc đời để tìm lại hình ảnh của Cha trên trời, Đấng giàu lòng thương xót
Bài 13: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36)
Bài 14: Thực thi lòng thương xót, con đường dẫn đến ơn cứu độ
Bài 15: Thương cho kẻ đói ăn, thương cho kẻ khát uống
Bài 16: Thương cho kẻ rách rưới ăn mặc
Bài 17: Thương viếng kẻ liệt
Bài 18: Thương viếng kẻ tù rạc
Bài 19: Thương cho khách đỗ nhà
Bài 20: Thương chuộc kẻ làm tôi
Bài 21: Thương chôn xác kẻ chết
Bài 22: Tha thứ, thái độ căn bản của lòng thương xót
Bài 23: “Lạy Cha xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” và giới răn yêu thương kẻ thù
Bài 24: Giáo Hội Công Giáo, Giáo Hội của lòng Chúa thương xót
Bài 25: Phê-rô trải nghiệm lòng thương xót
Bài 26: Mẹ Maria, người Mẹ của lòng thương xót
Bài kết thúc: Chúa là Mục Tử nhân lành hay thương xót.
Qua các bài suy niệm về lòng thương xót của Thiên Chúa, mong sao ai đó có thể học hỏi, đào sâu và sống tinh thần của lòng Chúa xót thương trong năm Thánh, để nhờ đó đời sống Đức Tin được tăng triển và đời sống thiêng liêng được đào sâu hơn.
Qua các bài suy niệm này, người viết mong sao lời giáo huấn của Đức Thánh Cha sẽ được các tín hữu tập sống cách cụ thể trong năm thánh: “Một Năm Thánh để trải nghiệm cách mạnh mẽ trong chính chúng ta niềm vui được tìm thấy bởi Chúa Giêsu, Đấng là Chúa Chiên Lành đã và đang tìm kiếm chúng ta vì chúng ta đã lạc mất. Một Năm Thánh để nhận được sự ấm áp trong tình yêu Ngài khi Ngài vác chúng ta trên vai và đưa chúng ta trở về nhà Cha. Một năm trong đó được Chúa Giêsu chạm đến và được biến đổi nhờ lòng thương xót của Ngài, để chúng ta có thể trở thành những chứng nhân cho lòng thương xót.
Như thế, đây là lý do cho Năm Thánh: đây là thời gian cho lòng thương xót. Đó là thời điểm thuận tiện để chữa lành các vết thương, một thời gian không mệt mỏi để gặp gỡ tất cả những ai đang chờ đợi để được nhìn thấy và chạm tay của họ vào những dấu chỉ của sự gần gũi của Thiên Chúa, một thời gian để trao ban cho tất cả mọi người con đường của tha thứ và hòa giải” (Bài giảng của ĐTC. Phanxico ngày lễ Lòng Chúa thương xót năm 2015).
Cả năm thánh này, chúng ta cùng hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxico, để cầu nguyện mỗi ngày với với Thiên Chúa, Đấng giàu lòng xót thương, qua lời kinh chính thức của Năm Thánh:
“Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã dạy chúng con phải thương xót như Cha trên trời, và cho chúng con biết: ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha.
Xin tỏ cho chúng con thấy nhan thánh Chúa và chúng con sẽ được cứu thoát. Ánh mắt yêu thương của Chúa đã cứu Giakêu và Matthêu khỏi vòng nô lệ tiền bạc; đã giúp người đàn bà ngoại tình và Mađalêna không còn kiếm tìm hạnh phúc nơi thụ tạo; đã khiến Phêrô khóc lóc vì trót phản bội Chúa, và đã hứa Thiên Đàng cho người trộm cướp có lòng ăn năn.
Xin cho chúng con biết lắng nghe, như chính Chúa đang gửi đến mỗi người chúng con, những lời Chúa đã nói với người phụ nữ Samaria: “Nếu chị biết nhận ra ơn Chúa!”
Chúa là gương mặt hữu hình của Chúa Cha vô hình, gương mặt của Thiên Chúa đang đem lòng xót thương và tha thứ, mà biểu lộ uy quyền trên mọi sự: xin cho Hội Thánh được nên gương mặt hữu hình của Chúa nơi trần gian, gương mặt của Chúa sống lại hiển vinh.
Chúa đã muốn các thừa tác viên của Chúa cũng phải khoác lên người sự yếu đuối, để biết đồng cảm với những người đang sống trong u mê và lầm lạc: xin cho mọi người đến với các thừa tác viên đều thấy mình được Thiên Chúa tìm kiếm, yêu thương và tha thứ.
Xin Chúa gửi Thánh Thần đến và xức dầu thánh hiến mỗi người chúng con, để Năm Thánh Lòng Thương Xót này trở thành năm được Chúa ban ân sủng, để Hội Thánh Chúa được thêm lòng nhiệt thành mang Tin Mừng đến với người nghèo, loan báo tự do cho những người bị giam cầm và áp bức, và cho người mù lại được nhìn thấy.
Nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, chúng con nguyện xin Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, đến muôn thuở muôn đời. Amen”. (ĐTC. Phanxicô – Bản tiếng Việt của Trang tin HĐGMVN – WHĐ. Dịch từ bản tiếng Anh của Vatican Radio).
Tất cả để phục vụ việc rao truyền Tin Mừng của lòng Chúa xót thương.
Tất cả để xin được làm vinh danh Chúa hơn và giúp ích nhiều hơn cho các linh hồn.
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế SJ.