Chúa nhật 3 Mùa Vọng B
Ga 1, 6-8.19-28
Trước khi Chúa Giêsu xuất hiện rao giảng công khai trong toàn cõi xứ Giuđa, danh tiếng của Gioan Tẩy Giả đã nổi lên như một hiện tượng và được dư luận chú ý. Điều này được ghi nhận trong các sách Tin mừng. Xuất hiện nơi đồng vắng, sống đời chiêm niệm khổ hạnh, lời rao giảng hùng hồn như gióng lên tiếng chuông cảnh báo mọi người về một thời đại mới đang bắt đầu,… đó là tất cả những gì dân chúng thấy được nơi hình ảnh thánh thiện, cương nghị và khổ chế của Gioan Tẩy Giả. Uy tín và thanh thế ngày một ảnh hưởng rất lớn trong xã hội Israel lúc bấy giờ nhưng không vì thế làm cho Gioan Tẩy Giả tự mãn, kiêu kỳ; trái lại, ông luôn khiêm nhường và hiền hoà, không làm gì lớn hơn điều Thiên Chúa đang cần đến ông một vị tiền hô khiêm hạ đi trước để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Cuộc đời và con người Gioan Tẩy Giả không gì khác hơn ngoài mục đích duy nhất “Người phải lớn lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Ga 3, 30).
Dư luận chú ý đến Gioan Tẩy Giả, họ đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi “Gioan Tẩy Giả, ông là ai?”. Trong thâm tâm, không người Dothái nào lại không mong chờ ngày Đấng Mêsia sẽ đến cứu thoát họ. Họ tin tưởng và chờ đợi. Sự xuất hiện của Gioan Tẩy Giả, vô hình trung, càng làm cho họ quyết tâm phải tìm cho ra nhân thân của con người bí nhiệm này. Quyết tâm này khiến họ hăng hái lên đường, bỏ thành đô Giêrusalem, băng rừng lội suối đến nơi Gioan Tẩy Giả đang rao giảng, đi tìm một giải đáp cho vấn nạn cứu rỗi.
Danh tiếng ngày một vang xa, nhiều bậc vị vọng trong dân Dothái tìm đến, uy tín được đề cao và kính trọng,… đó sẽ là cơ hội tốt để Gioan Tẩy Giả “hạ bệ” người em họ là Chúa Giêsu lúc ấy đang mai danh ẩn tích hay nếu có chăng thì cũng chưa thấm vào đâu so với sự nổi tiếng của ông. Và điều này xem ra cũng còn là sự trông mong của dân chúng cũng như của các vị lãnh đạo tôn giáo Dothái nữa. Họ chỉ chờ nơi ông một cái gật đầu, thế là đủ. Ông không cần giải thích, chỉ gật đầu thôi, vì tất cả đã được loan báo trong Kinh thánh rồi. Tiếc gì một cái gật đầu, mau chóng và dễ dàng! Thế nhưng Gioan Tẩy Giả đã không làm.
Ông xác quyết cách rõ ràng ông không phải là Đấng Mêsia, cũng không phải là Êlia, khiêm tốn tự nhận mình chỉ là “tiếng kêu” nơi đồng vắng, chỉ là người dọn đường cho Đấng quyền uy ngự đến. Ông biết rõ ông chỉ là phù rễ và nhiệm vụ của ông không gì khác hơn là để cho chàng rễ được tôn vinh. Cuộc đời của ông luôn là cuộc đời loan báo trước cuộc đời của Đấng Cứu Thế. Niềm đam mê của ông chính là làm sao để cho mọi người chuẩn bị đón nhận ơn bình an và sự tha thứ của Chúa Kytô cách tốt nhất. Sứ mạng của ông là không ngừng rao giảng, khuyên răn con người trở về nẻo chính đường ngay bởi thời gian như “chiếc rìu đặt sẵn gốc cây” không thể chờ đợi, không còn cơ hội. Cho đến cuối đời, ông vẫn luôn là vị tiền hô trung tín của Thiên Chúa, không ngừng loan báo, hăng say giới thiệu “Đây Chiên Thiên Chúa” cho muôn người.
Cuộc đời và sứ mạng của Gioan Tẩy Giả luôn là bài học lớn cho mỗi người chúng ta. Cuộc đời và sứ mạng của ông giúp chúng ta duyệt xét lại đời mình cách đặc biệt trong Mùa Vọng này. Theo đó căn tính người Kytô là gì và đâu là chỗ đứng của người Kytô giữa lòng nhân loại? Căn tính Kytô không nằm ở tấm thẻ căn cước chứng minh tôi là người Công giáo hay nằm trong sổ rửa tội, thêm sức hay hôn phối mà nằm ở ngay chính đời sống chứng nhân của mình. Căn tính Kytô của chúng ta phải là nơi cho mọi người chú ý và tìm đến như Gioan Tẩy Giả xưa. Chính căn tính đó sẽ quyết định vị thế của người Kytô chúng ta giữa lòng nhân loại. Nhân loại sẽ chú ý, sẽ tìm đến chúng ta và điều họ cần là đời sống chứng nhân của chúng ta sẽ làm cho họ hiểu rõ hơn khuôn mặt của Chúa Giêsu Cứu Thế đang hiện diện và đồng hành giữa nhân loại, cách đặc biệt nơi những người cùng khốn, nghèo nàn và bệnh tật. Vị thế đó chỉ được biết đến khi mỗi người biết để cho Chúa được lớn lên chứ không phải là để cho cái tôi ích kỷ tham danh hám lợi của mình được thổi phồng, được đánh bóng dưới nhiều hình thức ngụy trang giả hiệu. Hãy nhớ rằng danh Chúa được tôn vinh và ơn cứu độ được triển nở ngang qua mái nhà Kytô hữu chúng ta.
Mùa Vọng là cơ hội tốt nhất để chúng ta sống chứng nhân cho Chúa Kytô và cũng là dịp để mỗi người chúng ta nhìn lại đời sống chứng nhân của mình. Như Gioan Tẩy Giả, chúng ta xin Chúa cho chúng ta được trở nên những người tiền hô, đi trước để chuẩn bị tâm hồn đón chờ ngày Chúa quang lâm..
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb