Ông Gioan, Người Làm Chứng

ÔNG GIOAN, NGƯỜI LÀM CHỨNG (Gioan 1,6-8.19-28 – CN III MV – B)

Sứ mạng của Gioan là làm chứng cho Đức Giêsu. Sứ mạng này quan trọng đến nỗi trong Lời Tựa của Tin Mừng Gioan, ông được nhắc đến hai lần. 

1.- Ngữ cảnh

Tin Mừng IV có một Mở đầu trong đó có Lời Tựa là một bài suy niệm cao sâu về mầu nhiệm Ngôi Lời (Ga 1,1-18), và Các chứng từ về Đức Giêsu, do Gioan Tẩy Giả, Anrê và Nathanaen nêu ra (1,19-51). Bản văn được đọc trong Phụng vụ hôm nay gồm một đoạn nhỏ trích từ Lời Tựa (1,6-8) và đoạn đầu trích từ Các chứng từ (1,19-28).

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần:

1) Gioan là người làm chứng (1,6-8);

2) Gioan làm chứng (1,19-28):

a) Làm chứng cho phái đoàn sứ giả (1,19-23),

b) Làm chứng cho người Pharisêu (1,24-28).

3.- Vài điểm chú giải

– lời chứng (19): Điểm đáng lưu ý nhất, đó là tác giả đã chọn ra từ trong ngôn ngữ thuộc ngành tư pháp từ ngữ “lời chứng/làm chứng” (martyria: 14 lần trong Ga)[1][1], và đã dùng từ đó mà mở ra hoạt cảnh này, cùng với động từ tương ứng là “làm chứng” (martyreô: 33 lần trong Ga; 2 lần trong TMNL). Cũng ghi nhận rằng các từ ngữ martyriamartyrein xuất hiện trong đa số các chương của TM IV ngoại trừ các chương 6, 9, 11, 14, 16, 17 và 20; tuy thế, các chương này cũng nói đến “làm chứng”. Các TMNL ưa dùng các từ như “công bố” (kêryssô) hoặc “loan báo Tin Mừng” (euangelizomai. Rất có thể tác giả TM IV đã dùng ngôn ngữ tư pháp do hoàn cảnh trong đó ngài viết Tin Mừng (giữa hoặc cuối những năm 90 [?], lúc mà quan hệ giữa người Do Thái và các Kitô hữu đã trở nên khá căng thẳng: x. Ga 9,22; 12,42; 15,26–16,2).

– người Do Thái từ Giêrusalem (19): Bởi vì họ có thể cử các tư tế và các thầy Lêvi đi, hẳn “người Do Thái từ Giêrusalem” chính là giới lãnh đạo Do Thái giáo.

– ông tuyên bố thẳng thắn (20): dịch sát là “ông không chối”.

– vị ngôn sứ (21): Đây chính là dung mạo ngôn sứ được hứa trong Đnl 18,18.

– cởi quai dép (27): Đây là công việc của một nô lệ. Khi chủ nhà đi thăm bạn, người nô lệ đi theo. Trước khi chủ bước vào nhà bạn, người nô lệ cúi xuống cởi quai dép cho chủ, và đứng cầm hai chiếc dép chờ chủ.

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Gioan là người làm chứng (6-8)

“Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan” (Ga 1,6). TM IV đã giới thiệu Gioan bằng một câu như thế ngay giữa Lời Tựa. Đối diện với Ngôi Lời, ngôi vị Thiên Chúa toàn năng luôn luôn “có” từ muôn thuở đến muôn đời muôn kiếp (1,1-5), đây là Gioan, một con người tầm thường xuất hiện, đi từ hư vô ra cuộc sống. Sau khi đã nêu bật sự cao vời vô biên của Đức Kitô, tác giả mau mắn xác định sự cao cả của Gioan: ông được Thiên Chúa sai phái và có sứ mạng làm chứng cho ánh sáng: “Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng” (1,7). 

Sau Lời Tựa, tác giả bắt đầu bài tường thuật cách trang trọng, và cũng bằng một câu nói về Gioan: “Và đây là lời chứng của ông Gioan” (1,19). Chúng ta sẽ suy ngẫm về tư cách và công việc làm chứng của Gioan.

* Gioan làm chứng (19-28)
² Ga 1,19-23

Vừa nghe câu mở này, chúng ta có cảm tưởng là mình được gợi ý nhìn vào một cảnh trong phòng xử án. Ấn tượng này dường như có cơ sở. Ngay tức khắc, tác giả giới thiệu Gioan như người đang bị thẩm vấn. Bản văn nói, “người Do Thái”, hẳn đây là giới lãnh đạo Do Thái giáo, đã gửi một phái đoàn đến đặt các câu hỏi cho Gioan. Phái đoàn đó gồm có các tư tế và mấy thầy Lêvi, tức đây là giới chức trách có nhiệm vụ chăm sóc Đền Thờ Giêrusalem. Câu hỏi thứ nhất họ đặt ra có vẻ nhẹ nhàng, không có gì thâm độc: “Ông là ai?”, câu hỏi bật ra như một kiểm tra về lý lịch. Tuy nhiên, câu trả lời của Gioan thì lại có gì đó trầm trọng. Thay vì khai lý lịch, ông lại trả lời trang trọng, hầu như là nói lên một lời thề, rằng ông không phải là người nào đó. Ông tuyên xưng rằng ông không phải là Đấng Kitô.
Thế là phái đoàn chính thức thúc ép ông tiếp, để có thể trả lời hết các câu hỏi nhằm điều tra lý lịch của ông. Các câu hỏi tuôn ra thật nhanh. “Ông có phải là ông Êlia không?” và “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng?”. Với cả hai câu hỏi này, vị chứng nhân vẫn cứ trả lời “Không!”. Đến đây dường như đã cảm thấy bực bội khó chịu, phái đoàn hỏi: “Thế ông là ai?”. Tuy bị thúc bách như thế, nhưng với giọng hẳn là nhẹ nhàng và vẫn trang trọng mà nghe ra thì có vẻ khôi hài nữa, vị chứng nhân đáp bằng những lời lẽ trích từ sách Isaia: “Tôi là tiếng người hô [= tiếng nói của người hô] trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi” (x. Is 40,3).

Trong các cuộc xử án, việc xác minh lý lịch của người chứng chỉ là một chuyện thủ tục được thực hiện nhanh chóng, nhưng ở đây, lại không phải là như thế với vị chứng nhân tên là Gioan. Ông cứ toàn lo trả lời là ông không phải là ai thôi – như một kiểu xác minh lý lịch tiêu cực – chứ không nói ông là ai. Cuối cùng, khi ông xác minh về ông, bản lý lịch tự khai của ông lại cho biết ông là “tiếng người hô” (tiếng nói, phônê).

Hình ảnh vị chứng nhân cứ tránh né nêu lý lịch góp phần làm cho tấn bi kịch được triển khai. Óc tò mò của chúng ta bị kích thích. Các câu hỏi phát sinh: Đấng Kitô là ai mà Gioan nói ông không phải là Người? Và nếu Gioan chỉ là một tiếng nói, thì ông phải nói gì? 

Hoạt cảnh cuộc thẩm vấn vừa rồi không có trong các TMNL. Tuy nhiên, những suy diễn về Đấng Mêsia thì đã quá quen thuộc tại Paléttina vào thế kỷ i. Lúc đó người ta đang chờ đợi một số gương mặt trở lại. Trong TM Lc, ta thấy dân chúng rất tín nhiệm Gioan (x. Lc 3,15); rồi có chuyện vua Hêrôđê băn khoăn về cái chết của Gioan (Lc 9,7-9). Những tin đồn và suy đoán như thế là bối cảnh cho câu hỏi Đức Giêsu đặt ra cho các môn đệ Gioan khi họ đến gặp Đức Giêsu theo ý ông (x. Mt 11,2-6; Lc 7,18-23) cũng như cho các câu trả lời các môn đệ đã nêu ra khi Đức Giêsu hỏi người ta bảo Người là ai (Mt 16,13-16; Mc 8,27-29; Lc 9,18-20). Dù sao, Đấng Kitô sẽ là vị vua lý tưởng như Đavít; Người sẽ khôi phục quyền tự chủ trên đất nước và quy tụ người Do Thái đang tản mác lại. Người cũng có thể là như ngôn sứ Êlia, mà truyền thống tin là sẽ trở lại vào Ngày của Chúa (x. Ml 3,23). Người cũng có thể là chính Môsê trở lại. Gioan đã thề là ông không phải là bất cứ dung mạo trứ danh nào như thế, những dung mạo đang được mong chờ tha thiết. Ông chỉ là “tiếng nói”.

² Ga 1,24-28

Tuy nhiên, cuộc thẩm vấn vẫn tiếp tục. Người ta hỏi thế thì tại sao ông lại làm phép rửa. Tác giả ghi nhận là trong nhóm được cử đi, có những người thuộc phái Pharisêu, tức những người Do-thái giữ thật nghiêm nhặt Luật Môsê. Như thế, Gioan vừa mạnh mẽ từ chối đồng hóa mình với bất cứ dung mạo cánh chung nào đang được dân chúng chờ đợi, vừa làm chứng trước những đại biểu của toàn thể thế giới Do Thái.

Không có một chi tiết nào trong các nguồn văn chương Do Thái nói rằng Đấng Kitô, Êlia hoặc Môsê, hoặc vị ngôn sứ nào sẽ làm phép rửa. Như thế câu hỏi đăt ra cho Gioan là câu hỏi về quyền. Do quyền nào mà ông làm phép rửa? Một lần nữa, dường như Gioan lại né tránh câu hỏi. Ông chỉ trả lời theo cách bí ẩn. “Tiếng nói” chỉ nhìn nhận rằng ông làm phép rửa trong nước. Nhưng rồi ông nói rằng “có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người” (Ga 1,26-27).

Dường như ở đây Gioan quy chiếu về một truyền thống Do Thái nói rằng Đấng Mêsia sẽ cứ ở trong tình trạng tăm tối cho tới khi Người được Êlia giới thiệu cho Israel. Lời ông nói, “Tôi thì tôi không phải là Đấng Kitô” hàm ý là Đấng Kitô đã có mặt đâu đây, nhưng đang còn ẩn mình, và tuy ẩn mình, Người rất vĩ đại.

Tác giả TM IV không nhấn mạnh về vai trò của Gioan là làm phép rửa cho Đức Giêsu như các TMNL (Mt 3,1-17; Mc 1,2-11; Lc 3,1-20); do đó ngài không gọi Gioan là “Tẩy Giả” (Mt 3,1) hay “người làm phép rửa” (Mc 1,4). Nếu ngài có nói đến phép rửa ấy chỉ là để đưa đến cuộc tra hỏi thôi. TM IV cũng không giới thiệu Gioan là như một dung mạo ngôn sứ kêu gọi người ta mau mau hoán cải vì Nước Thiên Chúa đã đến gần. Ngài chỉ quan tâm xác định chân tính của Gioan là “tiếng nói” thôi; ông phải nói điều gì đó. Thật ra cả bốn TM đều vận dụng bản văn Is 40,3 (Mt 3,3; Mc 1,3; Lc 3,4), nhưng trong TM IV, chính Gioan lại gán cho mình vai trò làm tiếng nói: tác giả muốn nhân vật Gioan của mình “nói cho chính mình”. Trong khi các TMNL trích Is 40,3 như là một lời bình về Gioan, câu này lại được Ga 1,23 trích như là lời của chính Gioan.  

Truyện về Gioan trong TM IV là truyện của riêng tác giả. Ngài có cách thức riêng cũng như ngôn ngữ và văn phong riêng mà miêu tả Gioan, mà chia sẻ cái nhìn của ngài về ông. Ở đây hoạt cảnh đúng là như một cuộc xử án gồm hai giai đoạn thẩm vấn Gioan. Ngôn ngữ của chương 1 (và của cả TM IV) phù hợp với bầu khí của phòng xử án: Ngài viết về lời chứng (martyria, c. 19), lời tuyên xưng (homologeô, 2 lần trong c. 20), và việc chối (arneomai, c. 20); ngài cũng viết về việc hỏi (erôtaô, cc. 19.21.25) và trả lời (apokrinomai, cc. 21; apokrisis, c. 22) và về những người đã được cử đi (apostellô, cc. 19.22.24)[2][2].

+ Kết luận

Từ phân đoạn Ga 1,6-8, ta thấy Gioan không phải là đại sứ đặc mệnh toàn quyền; ông được Thiên Chúa sai đến với một mục tiêu rõ rẹt: “làm chứng về ánh sáng” (cc. 7.8). Sứ mạng của ông phải được nhìn trong viễn tượng vũ trụ, siêu lịch sử, nhưng vai trò của ông là chứng nhân và chỉ là chứng nhân mà thôi. Nhiệm vụ của ông tập trung vào việc làm cho Israel nhận biết Đức Giêsu. Tuy nhiên, tác giả cũng muốn nói một điều quan trọng hơn khi tinh tế đặt đối lập dung mạo Gioan, người được Thiên Chúa sai đến (1,6), với các tư tế và các thầy Lêvi được người Do-thái gửi đến từ Giêrusalem (1,19). Cuộc thẩm vấn có thật, nhưng đây chỉ là cuộc đụng chạm giữa hai đoàn tiền quân.

5.- Gợi ý suy niệm

1. Sứ mạng của Gioan là làm chứng cho Đức Giêsu. Sứ mạng này quan trọng đến nỗi trong Lời Tựa, ông được nhắc đến hai lần: một lần như là “chứng nhân” (Ga 1,6) và lần kia thì nhắc lại lời chứng của ông (1,15). Do đó, cứ theo TM IV, hẳn là ông phải được gọi là “Gioan người làm chứng”. Danh hiệu mà Hội Thánh Đông phương gán cho ông, “Gioan vị Tiền Hô”, mở ra hai sứ mạng của ông, làm phép rửa và làm chứng.

2. Gioan là chứng nhân của ánh sáng (1,6-8). Điều nghịch lý là ánh sáng lại cần đến một chứng nhân. Ánh sáng thật đang rạng soi cho mọi người (x. 1,9), thế mà không phải là loài người đang tự nhiên sống dưới ánh huy hoàng của ánh sáng này. Như một kho báu được chôn giấu, trước tiên ánh sáng này cần được khám phá; chỉ sau đó ánh sáng mới tỏa rạng và mọi người có thể thực sự thấy được. Đặc điểm của Đức Giêsu là thực tại chân thật của Người không chỉ thấy được ở bề mặt, và không phải bất cứ ai cũng có thể tiếp cận Người. Người không tỏ mình ra với cung cách áp đảo, Người không ép buộc bất cứ ai; người ta luôn luôn có thể tránh Người và sống không cần Người. Đức Giêsu là ánh sáng đòi hỏi tự do quyết định của con người. Chính vì Người ở trong tình trạng ẩn mình, Đức Giêsu cần có những chứng nhân. Gioan là chứng nhân đầu tiên của Người, giúp cho người ta có thể đến với Người để nhận được ánh sáng. Nhưng cả lời chứng của Gioan cũng không phải là một bằng cớ bó buộc: mọi người phải tin nhờ ông (1,7). Chỉ ai nhờ ông mà tin thì mới đến được với Đức Giêsu là ánh sáng.

3. Gioan nói như chứng nhân và khẳng định tính khả tín của chính ông. Ông nói thẳng ra ông không phải là ai (1,19-21) và ông là ai (1,22-23) và ai sẽ đến sau ông (1,25-27). Ngay trong Lời Tựa, tác giả TM đã cho biết: “Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng” (1,8). Trước tiên ông nói ông không là ai, như để tránh che mất Đấng ông phải làm chứng cho, nếu như ông lo khẳng định về bản thân. Rồi khi phải nói ông là ai, thì ông cho biết ông chỉ là tiếng của người hô trong hoang địa: hoạt động của ông có tầm quan trọng đặc biệt vì được chính Kinh Thánh loan báo, được Thiên Chúa quy định, nhưng chỉ là một tiếng nói loan báo rằng Chúa đang đến và khuyến khích người ta dọn lòng đón tiếp Người.

4. Về nhân vật cao trọng mà ông làm chứng cho, Gioan chỉ khẳng định hai điều: Người đang ở giữa họ, nhưng họ không nhận biết Người; Người cao trọng đến mức chính Gioan cũng không xứng đáng phục vụ Người theo cách thức của một nô lệ. Ẩn mình và cao trọng vẫn là hai nét tiêu biểu của Đức Giêsu. Người là ánh sáng tỏa rạng trong tình trạng ẩn tàng đồng thời là ánh sáng chân thật duy nhất.

5. Bất cứ Kitô hữu nào hôm nay cũng cần thấy mình là một chứng nhân như Gioan. Họ biết mình không là gì cả khi sánh với Đấng họ phải làm chứng cho. Tuy nhiên, chính Đấng ấy lại muốn chọn họ để tỏ mình ra cho thế giới. Tình trạng cao cả mà thật ra thấp hèn, thấp hèn nhưng cũng cao cả, đã là tư cách của Gioan, thì cũng là thân phận của mọi Kitô hữu.

Lm PX Vũ Phan Long, ofm



[1][1] Từ ngữ martyria được dùng 4 lần trong TMNL (Mc 14,55.56.59 và Lc 22,71), cả 4 lần này đều thuộc về cuộc xử án Đức Giêsu.

 [2] Câu truyện được đặt trong một tác phẩm trong đó các từ ngữ rõ ràng mang màu sắc pháp lý, như kết án (katêgoreô, 5,45; 8,6), và thuyết phục (elenchô, 3,20; 8,46; 16,8), bảo vệ (paraklêtos, 14,16.26; 15,26; 16,7), án xử (krisis, 3,19; 5,22.24.27.29.30; 7,24; 8,16; 12,31; 16,8.11) và xét xử (krinô, 3,17.18 (2x); 5,22.30; 7,24 (2x).51; 8,15 (2x).16.26.50; 12,47 (2x).48 (2x); 16,11; 18,31).