Gioan 10,27-30 – CN IV PS – C
Mục tử cần nhớ rằng đoàn chiên được Chúa Cha ký thác cho mình để đưa họ đến sự sống đời đời; con chiên cần nhớ rằng mục tử được gửi đến để làm việc theo chương trình của Chúa Cha.
1.- Ngữ cảnh
Trong phân đoạn thứ ba (từ ch. 5) của phần Phần i của TM Ga (“Sách các Dấu lạ” [ch. 2–15]), tác giả tiếp tục giới thiệu Đức Giêsu (các công việc, các dấu lạ và các cuộc tranh luận của Người) trong khung cảnh các đại lễ của Do Thái giáo: ngày sa-bát, lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần, lễ Lều. Với chương 10, chúng ta đến đại lễ cuối cùng là lễ Cung Hiến. Trong ch. 10 này, có hai câu hỏi căn bản được nêu lên: Đức Giêsu có phải là Đấng Mêsia chăng (c. 24)? Người có tự cho mình là Thiên Chúa không (c. 33)? Mỗi câu hỏi nhận được một câu trả lời dài gần như nhau (cc. 25-30; cc. 34-38) và đều kết thúc bằng đề tài khẳng định Đức Giêsu với Thiên Chúa (Cha của Người) là một (c. 30; c. 38).
Đoạn văn chúng ta đọc hôm nay thuộc về câu trả lời thứ nhất.
2.- Bố cục
Bản văn có thể chia thành ba phần:
1) Đoàn chiên và Đức Giêsu (10,27-28);
2) Đoàn chiên và Chúa Cha (10,29);
3) Đức Giêsu và Chúa Cha là một (10,30).
3.- Vài điểm chú giải
– chiên của tôi (27): Đức Giêsu có thể nói là các chiên thuộc về Người bởi vì Chúa Cha đã ban các con người cho Người (x. Ga 6,37.44.65; 17,6-7).
– Tôi và Chúa Cha là một (30): Bản văn này đã gây ra nhiều tranh cãi. Đức Giêsu không nói: Tôi và Chúa Cha là “một người” (heis, ở nam tính) duy nhất, nhưng là “một điều/sự” (hen, ở trung tính) duy nhất. Người muốn nói rằng Người và Chúa Cha cùng một bản tính; chính vì thế tay Người (c. 28) cũng mạnh mẽ như tay Chúa Cha (c. 29). Các nhà thần học không thuộc phái Ariô[1] đã coi c. 30 này là công thức Kinh Thánh nói về bản tính như nhau và ngôi vị khác nhau giữa Chúa Cha và Chúa Con.
4.- Ý nghĩa của bản văn
* Đoàn chiên và Đức Giêsu (27-28)
Điểm nhắc đến đoàn chiên ở cc. 26-27 gợi lại cc. 1-21 và như thế đóng khung hai phần của ch. 10. Bằng cách quy chiếu về dụ ngôn Người mục tử tốt lành (10,1-18), Đức Giêsu mô tả tương quan giữa Người và những kẻ thuộc về Người. Nhưng cũng như ở cc. 7-10 và 11-16, cc. 27-28 không lưu ý nhiều đến đoàn chiên mà lưu ý đến người mục tử. Người Do Thái không nghe tiếng Người mục tử và không đi theo bởi vì họ không phải là chiên của đoàn. Thánh Gioan Kim Khẩu đã nói rằng nếu họ không đi theo Đức Giêsu, thì không phải là bởi vì Người không phải là mục tử, nhưng bởi vì họ không phải là chiên. Muốn nghe được tiếng Đức Giêsu, người ta phải thuộc về Thiên Chúa (x. 8,47), phải “đứng về phía sự thật” (18,37).
Câu 28 gợi đến ý tưởng của c. 12 là có những con sói đến để tàn sát đoàn chiên. Tuy nhiên, Đức Giêsu là Vị Mục tử kiểu mẫu sẽ bảo vệ đoàn chiên mà Chúa Cha đã ban cho Người.
* Đoàn chiên và Chúa Cha (29)
Tiếp đó, Đức Giêsu nhắc lại quyền tối tượng của Chúa Cha trên loài người. Câu 29 này gợi ý đến các tư tưởng của Cựu Ước nói rằng các linh hồn ở trong tay Thiên Chúa (Kn 3,1) và không ai có thể giựt họ khỏi tay Thiên Chúa (Is 43,13). Câu 28 và 29 nói về Đức Giêsu và về Chúa Cha theo cùng một cách: không một ai có thể cướp được các chiên khỏi tay hai Đấng. Điều này đưa chúng ta tới chỗ hiểu được c. 30.
* Đức Giêsu và Chúa Cha là một (30)
Sự duy nhất giữa Đức Giêsu và Chúa Cha là một sự duy nhất về quyền lực và công việc. Chúng ta có ở đây như một tổng hợp của tác giả Gioan về quan hệ giữa Chúa Cha và Chúa Con: Con phát xuất từ Cha (8,42); tuy nhiên, Cha là Đấng sai phái Con, luôn ở với Con (8,29). Cha yêu thương Con (3,35); Con biết Cha thật thâm sâu (8,55; 10,15). Trong sứ mạng trên trần gian, Con chỉ có thể làm những gì đã thấy Cha làm (5,19), chỉ có thể xét xử và phán quyết như đã nghe từ Cha (5,30). Con được Cha dạy dỗ (8,28) và đã nhận được từ Cha mọi quyền xét xử (5,22) và có sự sống và ban sự sống (cc. 21.26; 6,57). Con làm theo ý của Cha (4,34; 6,38) và đã nhận được một lệnh truyền từ Cha liên hệ đến cái chết và sự sống lại của Người (10,18).
Nhưng chúng ta lưu ý là các quan hệ này giữa Chúa Cha và Chúa Con được mô tả theo hướng các tương giao của Chúa Con với loài người. Bởi vì như Chúa Cha và Chúa Con là một, hai Đấng nối kết loài người với nhau thành một (x. 17,11). Chính sự duy nhất này, đã được thông ban cho các tín hữu, khiến không một ai có thể cướp các tín hữu khỏi Chúa Cha hay Chúa Con.
+ Kết luận
Đức Giêsu quả là Đấng Mêsia, nhưng không phải là một Mêsia trần thế, đầy vẻ huy hoàng và quyền lực, nhưng Người là Vị Mục tử đến ban một sự hiệp thông riêng tư bền vững với Người. Nhưng sự hiệp thông của Người với các môn đệ phát xuất từ Chúa Cha và ở dưới sự che chở của Chúa Cha. Chính Chúa Cha đã ký thác các môn đệ cho Đức Giêsu; họ được an toàn trong tay Chúa Cha. Không một ai mạnh mẽ hơn Thiên Chúa Cha. Đức Giêsu, Mục tử tốt lành, được nâng đỡ bởi tình yêu của Chúa Cha. Sự hợp nhất của Người với các môn đệ Người được bảo vệ bởi bàn tay mạnh mẽ của chính Người và bàn tay mạnh mẽ của Chúa Cha. Đức Giêsu và Chúa Cha là một trong các ý hướng và trong hành động.
5.- Gợi ý suy niệm
1. Đức Giêsu là Mục tử tốt lành. Nhưng chính do điểm này, chúng ta hiểu là Người sẽ không làm gì cho các chiên theo cách ép buộc hoặc ngược ý muốn của họ. Đức Giêsu luôn trợ giúp hữu hiệu, nhưng người ta chỉ nhận được sự trợ giúp đó nếu mở lòng ra với Người. Người cũng có thể đi tìm kẻ khép lại với Người, để đưa kẻ ấy về với Người; đó là cách Người cư xử với các kẻ thù. Nhưng để có một sự hợp nhất đích thực, hai bên phải hướng về nhau, nhìn nhận nhau và trân trọng nhau. Chúng ta đi vào hiệp thông với Vị mục tử tốt lành nếu chúng ta nghe tiếng Người và đi theo Người, nếu chúng ta tin tưởng vào sự hướng dẫn của Người và tin rằng Người chỉ cho chúng ta con đường ngay thẳng và ban cho chúng ta sự sống viên mãn.
2. Đức Giêsu khẳng định rằng không ai có thể hứa cho kẻ khác điều Người hứa, dù có thương yêu kẻ ấy đến đâu: sự sống đời đời, sự bảo vệ khỏi mọi sự dữ, sự hiệp thông bền vững muôn đời. Chúng ta chỉ có thể bảo vệ kẻ khác nếu người này còn sống; đối với Đức Giêsu thì ngược lại, Người không bị giới hạn bởi cái chết. Mục tiêu và đỉnh cao của cuộc đời Đức Giêsu, Mục tử tốt lành, là ban cho chúng ta sự sống đời đời. Nếu Người che chở chúng ta, chúng ta không thể nào bị diệt vong; sự che chở của Người bảo đảm hơn mọi quyền lực trần gian. “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,39).
3. Hôm nay là ngày cầu xin ơn thiên triệu, xin Thiên Chúa ban cho có những mục tử mới. Chắc chắn chúng ta nài xin Thiên Chúa ban cho có thêm các mục tử tốt lành “như lòng Chúa mong ước” (Gr 3,15), theo gương Đức Giêsu, Vị Mục tử tốt lành. Nhưng cũng cần phải cầu nguyện cho các mục tử đang làm việc trên khắp cánh đồng của Thiên Chúa cũng biết khép mình vào kiểu sống của Đức Giêsu; đồng thời cũng xin Người ban cho có các con chiên biết nghe và đi theo tiếng của Vị Mục tử tốt lành, mà các mục tử đang truyền đạt. Mục tử cần nhớ rằng đoàn chiên được Chúa Cha ký thác cho mình để đưa họ đến sự sống đời đời; con chiên cần nhớ rằng mục tử được gửi đến để làm việc theo chương trình của Chúa Cha.
4. Mục tử cũng như con chiên đều cần suy ngẫm về quan hệ giữa Đức Giêsu và Chúa Cha. Khi đó mục tử và con chiên sẽ hiểu rằng có một thứ độc lập trong nếp sống và trong lối suy tư đưa tới diệt vong, và cũng có một mối quan hệ lệ thuộc, một sự hợp nhất, đưa tới sự phong phú và sự sống dồi dào.
Lm PX Vũ Phan Long, ofm
——————————————–
[1] Ariô (256-336) là linh mục ở Alexandria. Ông cho rằng Đức Giêsu là thọ tạo cao cả nhất, nhưng không phải là Thiên Chúa. Ông đã bị kết án tại Công đồng Nixê năm 325.