Trước khi về với Cha, và trong quyền năng của Đấng phục sinh, đức Giê-su “thổi hơi vào các môn đệ và bảo: “anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”. Các môn đệ chắc chắn đã nhận được một sức mạnh, một quyền lực của Chúa Phục Sinh. Thế nhưng quan trọng là phải hiểu ‘quyền năng’ này hệ tại ở điều gì để có thể hiểu đúng chức năng của Thánh Thần, Đấng được phái đến hầu hỗ trợ tôi thi hành quyền năng đó. “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). ‘Quyền năng’ này của Chúa Phục Sinh nhiều khi được ngầm hiểu theo chiều hướng chính trị xã hội mang tính thống trị. Cựu Ước luôn hiểu sức mạnh của Gia-vê theo nghĩa đó, và Thần Khí chính là sức mạnh hay quyền lực của Gia-vê. Ki-tô hữu hiểu sức mạnh của ‘Chúa Ki-tô phục sinh’ theo một hướng hoàn toàn khác. Đức Giê-su chết treo trên thập giá biểu lộ sức mạnh vô địch của tình yêu cứu độ, quyền lực vô song của lòng nhân hậu xót thương của Thiên Chúa. Vì lẽ đó Người áp dụng cho chính mình trước hết danh xưng ‘Đấng Bảo Trợ’ (Paraclet) khi nói: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một ‘Parakletos’ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14,16). Tông đồ Gioan còn rõ ràng hơn, trong thư thứ nhất, đã gọi đức Giê-su là Parakletos: “Nhưng nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha; đó là đức Giê-su Ki-tô, Đấng Công Chính” (1Ga 2,1). Như vậy quyền năng của đức Giê-su là quyền năng Bảo Trợ những kẻ tội lỗi, quyền năng cứu độ và tha thứ. Phục Sinh của Ngài khảng định quyền năng này là vô song và vĩnh cửu.
“Như Cha đã sai Thầy , thì Thầy cũng sai anh em”. Sứ mạng sai đi mà các môn đệ nhận được là cùng một sứ mạng đức Giê-su nhận từ Cha. Thế nhưng chính đức Giê-su đã khảng định: “Quả vậy Thiên Chúa đã sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian nhờ con của Người mà được cứu độ” (Ga 3,17). Và với người nữ ngoại tình bị người đời kết án, đức Giê-su đã ông tồn nói: “Tôi không lên án chị đâu!”. Parakletos là sứ mạng chính của đức Giê-su trong cuộc sống dương thế. Sứ mạng này sẽ tiếp tục mãi nhờ vào việc sai các môn đệ Ki-tô lên đường. Do đó sứ mạng chính của họ, cá nhân cũng như tập thể Giáo Hội, không phải để cầm cân nảy mực hay xét xử trần gian, không phải để vạch trần và kết án các sai trái cho dầu có tệ hại tới đâu. Như đức Giê-su Ki-tô, sứ mệnh của họ là trở nên parakletos cho nhân loại, với niềm cảm thông sâu sắc. Và để bảo đảm chu toàn được sứ mệnh đó, đức Giê-su đã xin Chúa Cha gởi Thần Khí của Ngài xuống, một Parakletos khác ngự trong họ và ở giữa họ. Hiểu Thánh Thần như thế quả là điều quan trọng. Ngài là Thần Chân Lý vì dạy cho mọi tín hữu thấu hiểu Thiên Chúa là đấng đầy từ tâm và xót thương. “Đấng đó sẽ dạy anh em biết mọi điều” (Ga 14,26).
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần-Parakletos đã bốc cháy dữ dội trên các tông đồ và mọi kẻ tin (tâm điểm là đức Maria); và thế là niềm tin vào Giê-su-Paracletos cũng bắt đầu bùng nổ trên khắp mặt đất. Hội thánh trở thành một tập thể những người được Thánh Thần tác động, để có thể tuyên xưng và loan báo cho mọi người nhận biết: “Giê-su Ki-tô là Cứu Chúa”. Chính trong tác động của Thánh Thần mà đức Maria, đệ nhất ki-tô hữu, đã được các thế hệ sau này khẩn cầu dưới tước hiệu ‘trạng sư’ (advocata nostra). Tước hiệu này quả rất xác đáng với Mẹ, đồng thời cũng thích hợp với mọi Ki-tô hữu chúng ta.
Cả tôi nữa, linh mục của đức Giê-su trong Thần Khí. Trước hết chính tôi phải là người xác tín nhất mình hằng được bênh vực và bảo lãnh; vì tội đã phạm tôi đáng bị luận phạt. Tôi biết Thần Khí –Parakletos sẽ hoạt động mạnh nơi tôi, không phải khi tôi trong sạch thánh thiện, nhưng chính lúc nhận mình hèn yếu và tội lỗi. Trong sứ vụ linh mục, tôi được sai đi trong Thần Khí. Sứ mệnh trước hết của tôi là bênh vực ủi an các kẻ tội lỗi yếu đau, như đức Giê-su đã từng khảng định: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần” (Mc 2,17). Chỉ trong cách đó tôi mới có thể chứng minh: mình được Thần Khí-Parakletos tác động. Don Bosco đã từng là linh mục parakletos như thế cho biết bao thanh thiếu niên nghèo và bị bỏ rơi. Là môn sinh của Ngài, tôi không thể nào khác hơn.
Lạy Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, xin hãy ở lại trong con bằng sức mạnh yêu thương của Ngài. Xin hãy nối kết con với đức Giê-su thập giá, để con được đón nhận cách trọn vẹn sự bảo trợ thần linh. Trong và nhờ sự dẫn dắt của Mẹ Maria, xin hãy biến cải con, và mọi phẩm trật trong Giáo hội Chúa, trở thành các tác nhân mang lại niềm hy vọng và cậy trông cho mọi người, nhất là những ai tội lỗi, yếu đuối và nghèo hèn… trong tác động của Thần Khí-Parakletos, Đấng ủi an. Amen
Lm Gioan Nguyễn Văn Ty SDB