Lịch sử dân tộc Israel còn ghi lại câu chuyện “ước gì được nấy” của vua Salômôn. Tại Ghípôn, Giavê Thiên Chúa báo mộng cho Salômôn rằng Người sẽ cho ông bất cứ điều gì ông ước xin. Salômôn không ước gì ngoài một điều vỏn vẹn trong hai từ “khôn ngoan”. Chắc hẳn sẽ có người cho rằng Salômôn đúng là một tên khờ. Bởi lẽ cơ hội ngàn năm có một ai lại đi xin một điều chả thực tế tí nào cả! Thế nhưng, xét cho cùng, ông quả là người biết “nhìn xa trông rộng” và điều này được chính Thiên Chúa tán dương. Bởi một điều hết sức đơn giản, khôn ngoan chính là đầu mối, là nền tảng, là nguồn gốc cho tất cả. Chính nhờ khôn ngoan mà Salômôn có tất cả mọi sự. Tin mừng hôm nay cách nào đó cũng hướng chúng ta về đường khôn ngoan đó khi sánh ví nước trời như người phát hiện ra kho báu, phát hiện ra viên ngọc đẹp để bằng mọi cách chiếm được nó làm sở hữu cho riêng mình.
Dụ ngôn kho báu khiến người nghe cảm thấy người đã tìm ra kho báu sao mà “khờ” thế. Sao lại phải chôn lại, cứ ôm về nhà có phải hơn không? Chúng ta biết vấn đề không đơn giản như vậy. Bởi bối cảnh thời đó lệ thuộc vào ít nhất là hai luật lệ, một của Rôma và một của Dothái. Theo đó, ai phát hiện được báu vật thì quyền sở hữu thuộc về người đó chiếu theo luật Rôma, còn luật Dothái không nói rõ nhưng xem ra có phần ngược lại, nghĩa là thuộc về quyền sở hữu của chủ đất. Vả lại, Chúa Giêsu đang nói với dân chúng Dothái, nên dĩ nhiên luật Dothái có hiệu lực hơn cả. Thế nên, chúng ta hiểu người phát hiện ra kho báu, anh ta đâu dám “rinh” về nhà vì như thế sẽ phạm luật trộm cắp. Do đó anh lẳng lặng “ngó trước nhìn sau” chôn lại rồi tìm cách mua cho bằng được thửa ruộng ấy. Thế nhưng, nếu chúng ta xét về luân lý, thì chắc chắn anh này “dính đòn”. Bởi, lẽ ra anh phải thông báo cho chủ đất biết thì đàng này anh lại tính toán có lợi cho mình. Tuy nhiên dụ ngôn trên không đặt nặng vấn đề luân lý cho bằng việc đề cao giá trị cao quý của nước trời cũng như niềm hân hoan vui mừng của người phát hiện ra chân lý.
Nước trời được sánh ví như kho báu, như viên ngọc quý và như thế trong tâm thức của bất cứ ai, luôn mong ước có ngày mình sẽ sở hữu được nó. Tuy nhiên, để sở hữu, con người cần phải ra sức kiếm tìm và, quan trọng hơn, là phải biết “đầu tư” đúng chỗ, đúng điều mình cần thì mới đạt hiệu quả như mong đợi. Cả hai dụ ngôn kho báu và viên ngọc quý cho chúng ta thấy điều đó. Khi phát hiện được kho báu cũng như ngọc quý, người phát hiện không chỉ vui mừng sung sướng mà còn tìm mọi cách để có thể sở hữu được nó. Để làm được điều ấy, họ phải cần “bỏ đi”. Đây là điều hết sức quan trọng. Bởi nếu không bỏ đi những gì mình có, mình không thể sở hữu vật tìm thấy. Bỏ đi cũng chính là để nhận; bỏ việc nhỏ để đầu tư cho việc lớn; bỏ cái tầm thường để được cái cao quý; bỏ những gì thực dụng để đổi lấy những gì xem ra chẳng thực tế tý nào; bỏ tất cả để mua lấy khôn ngoan như vua Salômôn đã làm. Và đó mới là khôn ngoan đích thực, khôn ngoan đến từ Thiên Chúa.
Hơn ai hết, người Kytô là những người khôn ngoan. Bởi chúng ta đã tìm thấy kho tàng đức tin vô cùng cao quý mà Thiên Chúa -qua Chúa Thánh Thần, đã phú ban. Kho tàng đức tin đó mời gọi chúng ta, thúc giục chúng ta hãy mau mau tìm cách để sở hữu cho bằng được. Mỗi chúng ta đều có thể sở hữu được nó nếu chúng ta biết từ bỏ, biết cắt tỉa những gì rườm rà, cản trở, không cần thiết cho đời sống thiêng liêng của chúng ta. Kho tàng đức tin đó sẽ ở trong tầm tay nếu chúng ta biết tuân giữ những huấn lệnh của Thiên Chúa, biết làm chứng cho chân lý và sẵn sàng để cho Chúa hướng dẫn. Có như thế, hành trình tìm đến với đức tin của chúng ta không trở nên vô ích, trái lại sinh nhiều hoa trái thiêng liêng và mưu ích cho tâm hồn.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta hân hoan vui mừng vì chúng ta đang sở hữu một báu vật trong tâm hồn, đó chính là kho tàng Lời Chúa và Thánh Thể. Mong sao kho tàng ấy luôn mãi hiện diện với chúng ta và càng làm cho đời sống chúng ta thêm sức mạnh và phong phú ngõ hầu kho tàng đó, qua chúng ta, toả ánh sáng và ngào ngạt hương thơm đến muôn người.
Lm Jos. Phạm Ngọc Ngôn, Csjb