Chúa Nhật XXIV Thường Niên – Năm C
Luca 15
Từ đầu đến cuối Sách Tin Mừng Luca vang dội lời ca tụng lòng thương xót của Thiên Chúa, từ bài ca của Đức Mẹ (Magnificat), bài ca của ông Da-kha-r-i-a (Benedictus) cho tới khi Chúa lên trời và “các môn đệ trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ, và luôn ở trong Đền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa”. Riêng chương 15 thì bài ca tụng lòng thương xót được diễn tả bằng ba dụ ngôn.
Để trả lời cho những kẻ đứng ngoài chìa môi bỉu mỏ chê trách Chúa Giêsu vì “đón tiếp những nguời tội lỗi và ăn uống với họ”, Chúa Giêsu kể dụ ngôn để mời họ suy nghĩ về động lực khiến Chúa làm như vậy.
Ba dụ ngôn đều nói lên niềm vui của Thiên Chúa, Đấng quên mình để đi tìm con chiên lạc, đi tìm đồng tiền bị rơi, chờ đón đứa con hoang đàng trở về, rời bàn tiệc ra năn nỉ đứa con bướng bỉnh.
Dụ ngôn thứ nhất lấy câu chuyện người chăn chiên ngoài đồng. Hình ảnh quen thuộc trong Cựu Ước: Thiên Chúa là mục tử. Chúa Giêsu chính là hiện thân của Thiên Chúa mục tử. Mục tử có một trăm con chiên, một con đi lạc. Ông để 99 con còn lại ngoài đồng hoang, đi tìm con chiên bị mất và tìm cho kỳ được. Tìm được rồi thì vui mừng vác lên vai. Về đến nhà thì mời bạn bè hàng xóm chung vui.
Tất cả vì con chiên bị lạc mất. Niềm vui vì tìm được con chiên lạc lớn hơn niềm vui vì 99 con không đi lạc. Niềm vui của Thiên Chúa vì một người tội lỗi hối cải lớn hơn niềm vui vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải.
Có một điều phi lý: bỏ 99 con ngoài đồng hoang để đi tìm một con chiên lạc. Xưa nay chẳng ai làm như vậy bao giờ.
Cái phi lý này giúp hiểu một cái phi lý khác : vui vì một người tội lỗi trở lại hơn là vì 99 người công chính không cần hối cải.
Có ai là người công chính không cần hối cải? Đó là những kẻ hợm mình, tự cho mình là công chính không cần hối cải, không cần Chúa cứu. Những kẻ đứng ngòai lẩm bẩm chính là những kẻ tự cho mình là công chính, nhưng thực ra họ mới là những tâm hồn lầm lạc, họ sẽ bị bỏ lại ngoài đồng hoang, như thánh vịnh 95 diễn tả:
“Suốt bốn mươi năm, dòng giống này làm ta chán ngán.
Ta đã nói: Đây là dân tâm hồn lầm lạc,
chúng nào biết đến đường lối của Ta,
nên Ta mới thịnh nộ thề rằng:
Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta” (Tv 95:10-11).
Dụ ngôn không nói người chăn chiên vác con chiên lạc về nơi đã thả 99 con kia, mà về đến nhà…
Thánh Phaolô quả quyết: “Quả thế, chúng ta đã chứng minh rằng mọi người, Do Thái cũng như Hy Lạp, đều ở dưới quyền tội lỗi” (Romans 3:9).
Mỗi người đều được Thiên Chúa yêu quý và thương xót. Thánh Phaolô nói:
“Người đã yêu thương tôi và đã hiến mình vì tôi” (Gl 2:20).
Dụ ngôn thứ hai. Chuyện nhỏ trong nhà: bà mẹ có 10 đồng tiền, một đồng rơi mất. Bà thắp đèn, quét nhà, moi móc, tìm cho kỳ được. Lại một niềm vui tràn trào khiến bà mời bạn bè, hàng xóm chung vui với bà.
Phải chăng dụ ngôn này xuất phát từ một kỷ niệm thời ẩn dật của Chúa Giêsu ở Nazareth? Đối với thiên Chúa không có ai là quá nhỏ bé để không đáng quan tâm.
Dụ ngôn thứ ba
Chuyện lớn trong nhà: người cha có hai đứa con, một đứa bỏ đi, một đứa ở nhà.
Con thứ đòi phần gia tài rồi bỏ đi, làm như thể cha đã chết.
Trong cảnh khốn cùng, nó nghĩ về cha như một ông chủ tốt bụng, cho tôi tớ ăn no, trái với ông chủ đang thuê nó. Nó muốn được hưởng lòng tốt của ông chủ ấy.
Nó chỗi dậy đi về cùng cha.
Nhưng cha nó tỏ ra hoàn toàn khác, vượt xa điều nó nghĩ. Ông vẫn sống để chờ nó
Ngày ngày ông vẫn dán mắt ra đường như bà mẹ của Tô-bi-a (x. Tôbia 10:7;11:5-19).
Rồi một ngày, có lẽ “đôi mắt đã lòa vì quá đợi chờ”, ông nhận ra bóng dáng con ông thất thểu ở cuối đường. “Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ và hôn con thắm thiết”, như thể chưa bao giờ được hôn con.
Ngay tại nơi ông gặp thấy con, lập tức ông cho lại con tất cả phẩm giá và quyền thừa tự.
Nó đã ôm mọi thứ ra đi, ông đã sắm mọi thứ để chờ nó về. Trong vòng tay của cha, đứa con được tái sinh. Ông còn chuẩn bị cả một con bê vỗ béo để ăn mừng: “Vì con ta đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
Con cả ở ngoài đồng về như mọi ngày, bỗng nghe có tiếng nhạc và nhảy múa trong nhà khác mọi ngày. Anh gọi một người đầy tớ ra để hỏi xem có chuyện gì. Biết rồi thì anh nổi giận và không chịu vào nhà. Cha vẫn chờ anh. Cha đứng dậy rời bàn ăn, ra năn nỉ anh vào. Nhưng anh trút tất cả nỗi cay đắng vào mặt cha. Anh trách người cha là ông chủ khắt khe keo kiệt, chẳng hề thưởng công cho anh được một con dê con để ăn mừng với bạn bè. Anh trách cha cư xử bất công vì đón tiếp thằng con phung phá trở về, lại còn làm thịt con bê béo để ăn mừng nó. Anh dùng lời lẽ thậm tệ nhất để nói về đứa em vừa “tái sinh”.
Cha vẫn âu yếm gọi anh là con và tỏ ra vui lòng vì “con vẫn ở nhà với cha” (chứ không phải vì anh làm việc như một kẻ tôi tớ!), và khẳng định : “mọi sự của cha là của con”.Nhưng nếu anh muốn tiếp tục là con thì anh phải nhận “thằng con của cha đó” là “đứa em của con đây”, và hãy vào ăn thịt con bê béo, mừng với cha và em, thay vì mơ ước “con dê con để ăn mừng với bạn bè”.
Câu chuyện bỏ ngỏ phần kết thúc, vì nó tùy thuộc người con cả, và tùy thuộc những kẻ đang đứng ngoài cửa kia mà xỉa xói Chúa Giêsu.
Lòng nhân lành của Thiên Chúa không muốn mất đứa con nào cả.
Dụ ngôn thứ ba này thuờng mang cái tên là “dụ ngôn đứa con hoang đàng”, nhưng cái tên làm lạc hướng. Nhân vật chính không phải là đứa con hoang đàng nhưng là người cha nhân hậu, giầu lòng thương xót.
Thực ra ông mất cả hai đứa con. Hai đứa đều không hiểu người cha, không thấy hạnh phúc vì có cha.
Đứa con thứ coi cha như người để cung cấp phần gia tài. Theo văn hóa phương đông thì gia tài chỉ được chia khi cha mẹ đã chết. (Chưong 12 kể trường hợp một người xin Chúa Giêsu :”Xin Thầy bảo anh tôi chia gia tài cho tôi”, là vì cha mẹ đã chết mà người anh tham lam không chia phần cho em). Đứa con thứ đòi phần gia tài và ra đi. Đối với nó người cha đã chết.
Trong lúc cùng quẫn và đói khát, hình ảnh người cha trở lại trong nó, nhưng mới chỉ là hình ảnh ông chủ tốt bụng cho tôi tớ ăn no.
Khi được buông mình trong vòng tay ấm áp và âu yếm của người cha nó mới thật sự cảm nghiệm thế nào là người cha và nó thật sự có một người cha tuyệt vời. Chính là người cha sống lại trong nó và làm cho nó sống lại như một đứa con (trong bức họa nổi tiếng của Rembrandt, hai cánh tay người cha khum lại trên đứa con rách rưới gục trong lòng, gợi hình ảnh lòng mẹ cưu mang và sinh con).
Nó nhận ra là nó không còn đáng được gọi là con.
Người cha cho lại nó ngay tại chỗ phẩm giá và quyền của người con : tôi tớ trong nhà phải phục vụ con: “Mau, mang áo đẹp nhất ra mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào tay, xỏ dép vào chân cậu. Rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng! Vì con ta đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy”.
Nó như đứa con mới sinh, không biết làm gì và cũng không biết nói gì.
Nó buông mình trong tay cha như khi vừa lọt lòng mẹ…
Nó để cho cha được thỏa tình bày tỏ lòng yêu thương nó, không kháng cự.
Nó hạnh phúc thật sự, cái hạnh phúc nó vẫn có mà không biết vì không biết cha.
Đứa con cả ở nhà, nhưng có cũng như không, bởi vì nó cũng chỉ coi cha như một ông chủ mà nó phải hầu hạ. Nó hãnh diện vì là người tôi tớ trung thành không hề mảy may trái lệnh chủ.
Khi ở ngoài đồng về tới nhà, thấy có gì lạ trong nhà, nó gọi một tên đầy tớ ra hỏi thay vì vô thẳng trong nhà và hỏi thẳng cha nó.
Biết là cha mở tiệc mừng em nó, nó nổi giận và không vào.
Cha nó vẫn chờ nó từ lâu. Tôi tớ thì ông đâu có thiếu, ông chỉ thấy thiếu đứa con. Bây giờ thì ông để “đứa con mới sinh” ở trong nhà (chứ không phải ngòai đồng hoang) và ông đứng dạy đi ra năn nỉ “người tôi tớ trung thành” hãy để cho ông đối xử với nó như người con và nó hãy đối xử với ông như người cha: nó hãy vào nhà, chung niềm vui của cha và nhận “đứa con mới sinh” kia là em nó.
Lời lẽ của đứa con cả toàn cay đắng, óan hận; tâm hồn nó chẳng có gì giống cha.
Nó ở nhà cũng như không, vì lòng nó không ở nhà. Ngồi ăn với cha hàng ngày nó không thấy hạnh phúc. Nó mơ ước “một con dê con để ăn mừng với bạn bè”.
Thế là có tí ngọt ngào nào thì nó dành cho người ngoài,
còn với cha và em thì nó chỉ còn cặn bã đắng cay để cho.
Hai đứa con phơi bày chính tâm địa của mỗi người chúng ta đấy!
Và hai đứa con làm nổi bật trái tim của người cha. Lạy Cha chúng con ở trên trời…
LM. Nguyễn Công Đoan, S.J.
Jerusalem 12/9/2013