Bài 2 – Ý Nghĩa Thần Học của Bí Tích Thánh Thể

Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2011

Bài 2 – Ý Nghĩa Thần Học của Bí Tích Thánh Thể

Một vấn đề được đặt ra cho nhiều người Công Giáo là chúng ta tham dự Thánh Lễ và rước Thánh Thể thường xuyên mà tại sao không thấy con người mình thay đổi gì cả.  Phần lớn chúng ta tham dự Thánh Lễ vì bị bắt bộc hay vì thói quen mà không thật sự ý thức về sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể như thế nào.  Chính vì thế mà Thánh Lễ và Bí Tích Thánh Thể không đem lại sự thay đổi trong cuộc sống chúng ta.  Trong phạm vi bài này chúng ta sẽ bàn về việc Chúa Giêsu hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể như thế nào, hay ý nghĩa thần học của Bí Tích Thánh Thể.  Trong bài sau chúng ta sẽ bàn về ý nghĩa tâm linh và thực dụng của Bí Tích Thánh Thể.   Một khi hiểu được những ý nghĩa này, chúng ta sẽ tham dự Thánh Lễ một cách tích cực hơn cùng quỳ trước Thánh Thể một cách thành khẩn và sốt sáng hơn.

Khi bắt đầu thích ai thì chúng ta muốn biết thêm về người ấy để có thể phát triển mối liên hệ với người ấy.  Cũng thế, nếu chúng ta hiểu một cách rõ ràng hơn về Bí Tích Thánh Thể thì chúng ta dễ mở rộng tâm hồn ra để đón nhận một liên hệ mật thiết và cá nhân hơn với Chúa Giêsu là Đấng đã hiến mạng sống Mình cho chúng ta trong Bí Tích này.  Sự liên hệ này với Chúa Giêsu là một Giao Ứớc trong Máu Người với tất cả chúng ta, cùng với mỗi người trong chúng ta một cách cá nhân và mật thiết.  Qua cái chết, Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết của chúng ta vì chúng ta kết hợp với Người trong nhân tính của mình.   Qua việc sống lại, Người khôi phục sự sống cho chúng ta.  Và khi gánh lấy tội lỗi của chúng ta, hy lễ của Người tẩy sạch tội lỗi của tất cả mọi người, kẻ sống cũng như kẻ chết.  Trong Thần Khí mà Người thở ra khi Người sinh thì, Chúa Con hòa giải chúng ta với Chúa Cha.  Trong Bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ lãnh nhận hồng ân này bằng cách rửa chân các ông, và Người kết luận bằng việc truyền cho các ông, “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (1 Corinthians 11:24).  Trong bài này chúng ta sẽ bàn về ý nghĩa thần học của Bí Tích Thánh Thể theo nghĩa bữa tiệc, hy lễ, tưởng niệm và hiện diện.

Ý Nghĩa Thần Học của Bữa Tiệc Thánh Thể

Một bữa tiệc, nhất là một bữa tiệc với gia đình và bạn bè, đặc biệt là trong những dịp gỗi chạp hay mừng lễ, là một dịp để đào sâu tình thân hữu và liên hệ họ hàng, để cảm thông và chia sẻ vui buồn, và để kết hợp với nhau một cách chặt chẽ hơn.  Bữa tiệc này khác hẳn với một bữa ăn một mình hay với những người xa lạ, hoặc trong lúc gia đình có sự căng thẳng hay bất hòa.  Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta Bí Tích Thánh Thể trong Bữa Tiệc Ly.  Nhưng trong trường hợp này, chúng ta không những ăn uống với vị đãi tiệc, mà còn ăn chính  Bánh Thánh và Rượu Thánh là vị đãi tiệc chúng ta, là Đấng ban hồng ân, và chúng ta trở nên một với nhau như chúng ta trở nên một trong Đức Chúa Giêsu Kitô.

Những người yêu nhau thường bày tỏ một ước muốn được tha thiết được kết hợp với nhau, được ở trong nhau.  Một số trong chúng ta chắc còn nhớ lại khi còn bé, cha mẹ yêu thương chúng ta quá đỗi đến nỗi muốn cắn hay ăn thịt chúng ta.  Trong Bí Tích Thánh Thể cũng thế, Chúa quá yêu chúng ta đến nỗi Người muốn chúng ta ăn thị Người, uống Máu Người để trở nên một với Người, bằng cách biến bánh và rượu thành Mình và Máu Người, để thỏa mãn ao ước tha thiết được nên một với Người của chúng ta.

Bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu được cử hành trong Lễ Vượt Qua.  Trong Lễ này dân Israel được trở thành Dân riêng của Thiên Chúa khi họ ăn Chiên Vượt Qua trước khi từ bỏ Ai Cập để về Đất Hứa.  Bữa ăn hy tế này được đặt nền tảng trên một liên hệ đặc biệt với Thiên Chúa.  Nó đã làm cho họ có một căn tính là Dân Thiên Chúa và được củng cố bằng giao ước với Ngài.  Chúa Giêsu thiết lập một Giao Ứớc Mới, một liên hệ mới với chúng ta, bằng cách hiến tế chính Mình Người, Chiên Thiên Chúa, chứ không phải chỉ một con chiên thường, để xóa tội trần gian.  Khi chúng ta làm việc này để nhớ đến Người, chúng ta cũng làm trong một bữa ăn, Bữa Tiệc Vượt Qua mới, bữa tiệc này cho chúng ta được thông phần vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Phục Sinh của Đức Chúa Giêsu Kitô.  Trong Bữa Tiệc này, chúng ta ăn Thịt và uống Máu Người, Chiên Vượt Qua của chúng ta.

Chúa Giêsu chuẩn bị cho các môn đệ lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể bằng cách rửa chân các ông.  Vào thời Chúa Giêsu, nghi thức này được cử hành trước tất cả thực khách trước khi vào bàn tiệc, và Chúa Giêsu truyền cho các Tông Đồ rằng nếu Người là Thầy mà Người đã làm điều ấy cho các ông, thì các ông cũng phải làm cho nhau như thế.  Ý nghĩa của việc làm này còn hơn một việc bác ái, như Chúa Giêsu bảo Thánh Phêrô, “Nếu Thầy không rửa chân con, thì con sẽ không được hưởng gia nghiệp với Thầy” (Ga 13:8).

Hy Tế

Chúng ta đã trình bày rằng Bữa Tiệc Thánh Thể là một bữa tiệc hy tế.  Tất cả những hy tế khác được dâng cho Thiên Chúa hay các thần minh đều phải được lập lại nhiều lần.  Nhưng trên Thánh Giá, Chúa Giêsu đã tự hiến một lần là đủ.  Hy Lễ Thánh Thể được lập lại mỗi ngày khắp nơi trên thế giới không phải là những hy lễ riêng biệt hay những hy tế mới, nhưng là một sự tham dự vào Hy Lễ Duy Nhất của Đức Kitô trên Thánh Giá.  Theo nghĩa này thì Thánh Lễ là một cuộc tưởng niệm.

“Không ai có tình yêu cao trọng hơn tình yêu này, là hy sinh mạng sống vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13).  Trong Thánh Lễ, vị tư tế cũng là lễ vật,  Đấng dâng của lễ cũng là lễ vật hy sinh,  Chúa Chiên Lành cũng là con chiên, Chiên Thiên Chúa, con chiên đã bị giết.  Bố thí cho người nghèo túng là một điều, làm việc để giúp một người cần mình giúp đỡ là một điều khác, nhưng điều cao cả nhất là hy sinh chính mình cho những người cần đến mình.  Đức Kitô, Vị Thượng Tế Cao Cả (x. Dt 8), đã hiến tế Chính Mình một lần là đủ, để rồi từ đó, tất cả mọi hy lễ đều được dâng lên trong Hy Lễ của Người.  Thực vậy, mỗi Thánh Lễ được các linh mục dâng là một hy lễ không đổ máu thông phần vào Hy Lễ Duy Nhất của Chúa Giêsu trên Thánh Giá.  Giây phút và thời gian mà chúng ta cử hành Thánh Lễ và rước Lễ được đưa lên thông phần vào thời gian vĩnh cửu của Thiên Chúa khi Chúa Giêsu tự hiến trong Mầu Nhiệm Vượt Qua.

Đối với một Kitô hữu, không có một hy sinh hay của lễ nào là bé nhỏ cả, vì chúng được đưa lên kết hợp với Hy Lễ Duy Nhất của Đức Kitô.

Tưởng Niệm

Trong khi cử hành Thánh Lễ và rước Lễ, chúng ta tham dự vào bữa tiệc Vượt Qua Mới, mà trong đó chúng ta được thông phần vào hy tế của Chúa Giêsu trên Thánh Giá, và cũng được chia sẻ vào cái chết và sự phục sinh của Người.  Như chúng ta đã thấy, qua lời cầu xin Thánh Thần (epiclesis),  Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được tham dự vào chính những giờ phút của Bữa Tiệc Ly, Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, và việc hiến dâng Chúa Con cho Chúa Cha.  Trong giây phút ấy, thời gian của chúng ta không còn là thời gian của thế gian nữa mà được tham gia vào thời gian của cõi vĩnh hằng.  Chúa Thánh Thần thực sự đưa chúng ta đến tham dự vào chính những giây phút hiện tại của Mầu Nhiệm Vượt Qua.  Trong Thánh Lễ, Hội Thánh chũng “xin Chúa nhân từ ban cho tất cả những ai sẽ thông phần cùng một bánh và chén này, được Chúa Thánh Thần quy tụ tất cả thành một thân thể, trở nên hiến lễ sống động trong Đức Kitô để ca tụng vinh quang Chúa.” (Lời Nguyện Thánh Thể IV).  Đây là ý nghĩa sâu xa của Bí Tích Thánh Thể cùng của mệnh lệnh mà Chúa Giêsu truyền cho các Tông Đồ và những người kế vị các Ngài phải thực hiện để cho chúng ta được thông phần vào Hy Lễ của Người. 

“Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”  Trong những đám giỗ của những người thân yêu, của tổ tiên, hay những dịp tường nhớ các vị anh hùng liệt sĩ, chúng ta nhớ đến những người ấy với một lòng thương tiếc và mến yêu.  Chúng ta nhớ đến họ như họ đang còn sống và nhắc lại những việc làm tốt lành hay hào hùng của họ.  

Nhưng việc tưởng niệm Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể còn hơn thế nữa vì việc tưởng nhớ này cũng chính là sự hiện diện thật của Người.  Từ “anamnesis” trong tiếng Hy Lạp có một ý nghĩa đầy đủ hơn tưởng niệm hay tưởng nhớ.  Như trong Tin Mừng Thánh Luca 23:39-43, khi người trộm lành trên thập giá thưa Chúa Giêsu: “Thưa ông Giêsu, xin nhớ đến tôi khi Ông vào Vương Quốc của Ông”, Chúa Giêsu đã trả lời”Quả thật, Tôi bảo anh, hôm nay anh sẽ ở trên Thiên Đàng với tôi”.  Câu trả lời của Chúa Giêsu vượt trên việc bảo anh rằng Người sẽ không bao giờ quên anh, nhưng nói rõ rằng anh sẽ được ở cùng Người.

Câu trả lời này của Chúa Giêsu cho thấy sự trọn vẹn của việc Người nhớ đến chúng ta và hiện diện với chúng ta thế nào trong Bí Tích Thánh Thể.  Chúa Giêsu hứa với người trộm lành là Người sẽ nhớ đến anh theo nghĩa anamnesis, và như thế chúng ta hiểu được rằng huấn lệnh của Chúa Giêsu trong Bữa Tiệc Ly: “Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” cũng có nghĩa là “Từ nay trở đi, mỗi khi các con làm việc này, tức là cử hành Thánh Lễ, Thầy sẽ ở với các con”.  Và đó chính là sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể.

Hiện Diện

Khi chúng ta nhớ đến ai trong một đám giỗ, hy sinh bỏ tiền vào quỹ từ thiện để tưởng nhớ đến ai, thì người được tưởng nhớ dường như đang một cách nào đó hiện diện với chúng ta.  Người Việt Nam còn có tục để trái cây và thức ăn trên bàn thờ gia tiên, như gia tiên có thể về dùng những thức ăn ấy.  Việc tưởng nhớ đến Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể còn hơn thế nữa, vì Đức Kitô thật sự hiện diện trong Bí Tích này.

Sự hiện diện của Đức Kitô là sự hiện diện theo bản thể, và bản thể của bánh và rược được biến đổi.  Bản thể là sự sống và thực tại của một người hay một vật nào, và chính thực tại của Chúa Giêsu – Mình, Máu, linh hồn và thiên tính (CĐ Trentô, DS 1640; 1651) – hiện diện thật trong Bí Tích Thánh Thể.  Hầu hết chúng ta quen thuộc với từ “biến thể – transubstantiation” là từ diễn tả việc biến đổi (trans) bánh và rượu thành Mình và Máu Đức Kitô.  Dù bề ngoài vẫn còn dưới hình bánh và rượu, nhưng thực chất thì đã biến đổi thành con người Đức Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Hữu, Đấng chia sẻ bản tính nhân loại với chúng ta.

Đó thật sự là Chúa Giêsu như xưa kia khi Người còn sống trên thế gian, vừa là Thiên Chúa vừa là người thật, nhưng còn hơn nữa: chính là Chúa Giêsu trên Thánh Giá, Đấng đã chịu chết, đã sống lại, và đã đi vào vinh quang, thật sự đang hiện diện với chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể.

Kết Luận

Ngày nay, Hội Thánh khắp nơi, nhất là ở Âu Mỹ đang xuống dốc, các chủ thuyết thế tục và tương đối đang làn tràn khắp nơi, vì một số rất lớn người Công Giáo không còn tin vào sự hiện diện thật của Đức Kitô trong Bí Tích Thánh Thể.  Bí Tích Thánh Thể không chỉ là biểu hiệu của Đức Kitô, một dấu chỉ về Người, cũng không phải là một ẩn dụ gợi lại Chúa Giêsu qua những gì giống như Người hay liên quan đến Người. Nhưng Bí Tích Thánh Thể làm tái hiện diện thực tại của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, vừa là Thiên Chúa vừa là con người.  Chúa Giêsu thực sự hiện diện trong Bí Tích Thánh Thể không phải chỉ bằng Mình và Máu Người, nhưng còn cả linh hồn và thiên tính Người nữa.  Người thời đại cần sự hiện diện thật của Chúa Giêsu giữa họ.  Nếu chúng ta biết kết hợp với Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể, biết để cho Người uốn nắn và biến đổi con người của mình để mỗi ngày một nên giống Người hơn, thì chắc chắn thế gian sẽ thay đổi vì mỗi người chúng ta sẽ làm cho những người chung quanh nhận ra sự hiện diện thật của Chúa Giêsu giữa họ qua cách sống của chúng ta, là cách sống được nuôi dưỡng bằng Thánh Thể.

Phaolô Phạm Xuân Khôi

Viết Theo Tài Liệu Chúa Nhật Giáo Lý 2011 của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

1 Corinthians 11:24
View in: NAB
24And giving thanks, broke, and said: Take ye, and eat: this is my body, which shall be delivered for you: this do for the commemoration of me.