CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – NĂM C
Chúa Nhật cuối tuần bát nhật Phục Sinh được truyền thống giáo hội dành riêng hướng về những người tân tòng, đặc biệt là những người đã chịu phép rửa trong đêm Phục Sinh. Theo ý muốn của Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolô II, Chúa Nhật này còn được dành riêng để kính nhớ lòng thương xót của Thiên Chúa. Các nội dung và ý nghĩa đó không mâu thuẫn, nhưng có quan hệ mật thiết với nhau.
Bất cứ ở đâu và bất cứ thời đại nào, nhất là vào thời đại chúng ta, con người cần hy vọng để sống. Niềm tin vào Chúa Phục Sinh mang lại cho chúng ta niềm hy vọng lớn lao, giúp chúng ta vượt qua mọi khủng hoảng trong cuộc sống: do thất bại, thiếu thốn, bệnh tật, do những chia rẻ và xung đột, và nhất là do sự chết. Hơn bao giờ hết, sứ điệp Phục Sinh rất hợp thời và cần thiết cho con người ngày hôm nay.
Tại sao Chúa Giêsu phục sinh mang lại niềm hy vọng cho chúng ta? Phục Sinh là gì? Chúa có sống lại thật không, hay chỉ là bịa đặt? Khi các tông đồ thuật lại cho thánh Tôma là Chúa Giêsu đã sống lại và đã hiện ra cho họ, họ đã được thấy Chúa, thì ông đã tỏ ra hoài nghi. Chính vì thế mà ông đã khẳng định mạnh mẽ: nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn, tôi chẳng có tin ( Ga 20, 25 ).
Chúa không khó chịu với Tôma vì sự cứng lòng của ông, nhưng Chúa đã chiều ý ông và hiện ra một lần nữa với nhóm tông đồ trong đó có ông, và đã nói với ông: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin” ( Ga 20, 27 ). Thế là Tôma được mãn nguyện và thốt ra lời tuyên xưng đức tin đầy ý nghĩa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”( Ga 20, 28 ).
Chúa đã sống lại, nhưng sự Phục Sinh của Chúa không phải là trở lại cuộc sống trần thế. Chúa không sống lại giống như Lazarô, mà Chúa đã làm phép lạ gọi ông ra khỏi mồ. Ông Lazarô đã sống lại, nhưng chắc chắn sau đó nhiều năm, ông cũng đã già đi và đã chết. Chúa thì không còn chết nữa, thời gian không ảnh hưởng gì trên Chúa nữa, Người không già đi, nhưng luôn tràn đầy sự sống, đó là sự sống viên mãn, vĩnh hằng và thần linh. Không gian không giới hạn được Người, Người có thể đến bất cứ nơi đâu, trong bất cứ điều kiện nào, như đã đến với các môn đệ, lúc các cửa đều đóng kín ( Ga 20, 19 ).
Nhưng Người không phải là hồn ma, vì ma không có thân xác, như Chúa đã bảo các môn đệ: “Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây!”( Lc 24, 39 ). Thân xác phục sinh của Chúa cũng chính là thân xác chịu đóng đinh, vẫn mang vết tích cuộc khổ nạn. Các tông đồ đã được gặp chính Chúa, chính Giêsu Người Nazarét là Thầy của họ, vừa mới bị đóng đinh và chết cách đó mấy ngày, chứ không phải ai khác, không phải là một ảo tưởng, mà là sự thật. Và sau khi đã được gặp Chúa nhãn tiền, họ đã sẵn sàng đi khắp nơi, làm chứng cho sự thật, loan báo sự thật là Tin Mừng Chúa Phục Sinh.
Sự Phục Sinh của Chúa là dấu hiệu Tình Yêu của Chúa mạnh hơn sự chết, sự chết không cầm giữ được Người, sự chết không còn làm chủ được Người. Loài người không còn phải sợ hãi hay tuyệt vọng nữa. Nhưng muốn như thế, chúng ta phải tin, và tin mạnh mẽ, vì những điều nhìn thấy trước mắt không làm cho con người lạc quan. Mọi người đều phải chết, kể cả những người thành công nhất, đạt tới địa vị cao nhất như tổng thống Bush, giàu có nhất như Bill Gate.
Nếu không tin Chúa sống lại, và ngày sau cùng chúng ta cũng được sống lại với Người, thì mọi sự sẽ qua đi và không có gì còn tồn tại. Người ta chỉ thấy tín hiệu của sự chết: chiến tranh, thiên tai, tội ác, hận thù, khổ đau và tai họa. Nếu không tin lòng thương xót của Thiên Chúa, thì ai sẽ tha thứ cho biết bao nhiêu tội lỗi của loài người? Ai giải thoát con người khỏi tội lỗi, sự dữ và sự chết? Chẳng lẽ con người cứ bị vây hãm bởi tội ác, cuối cùng phải chết vì tội của mình và của người khác? Lòng thương xót của Thiên Chúa chịu đựng tất cả, tha thứ tất cả và phục sinh tất cả trong Đức Giêsu Kitô.
+GM. Bùi Văn Đọc