Dưới đây là bản dịch bài giảng của ĐTC Phanxicô về đời sống hôn nhân cho các cặp vợ chồng hôm Chúa Nhật ngày 14 Tháng 9, 2014 tại Vương Cung Thánh Đường Vaticanô.
Bài đọc thứ nhất nói với chúng ta về cuộc hành trình của dân chúng nơi hoang địa. Chúng ta hãy nghĩ về dân ấy đang tiến bước, được hướng dẫn bởi ông Môsê; hầu hết là các gia đình: cha mẹ, con cái, ông bà; những người nam nữ thuộc mọi lứa tuổi, nhiều trẻ em, những bô lão mệt mỏi… Điều này làm cho mọi người nghĩ về Hội Thánh đang lữ hành trong hoang địa của thế giới ngày nay, nó khiến chúng ta nghĩ đến dân Thiên Chúa, chính yếu được hợp thành bởi các gia đình.
Điều này khiến chúng ta nghĩ đến các gia đình, gia đình của chúng ta, đang lữ hành trên những nẻo đường của cuộc sống, trong lịch sử mỗi ngày…. Và sức mạnh khôn lường cùng trách nhiệm của con người hàm chứa trong một gia đình: giúp đỡ lẫn nhau, đồng hành với nhau tong việc giáo dục, các mối liên hệ gia tăng với sự phát triển của con người, chia sẻ những niềm vui và những nỗi khó khăn … Gia đình là nơi đầu tiên mà ở đó chúng ta được hình thành như những con người, đồng thời như những “viên gạch” để xây dựng xã hội.
Chúng ta hãy trở lại với tường thuật trong Thánh Kinh. Đến một lúc, “dân chúng không thể chịu nổi cuộc hành trình nữa” (Ds 21:4). Họ mệt mỏi, thiếu nước, và chỉ ăn “mana”, một loại thực phẩm kỳ lạ do Thiên Chúa ban, nhưng dường như không đủ trong lúc khủng hoảng ấy. Lúc đó họ kêu ca, phản đối Thiên Chúa và chống lại ông Môsê, “Tại sao lại bắt chúng tôi ra đi?…” (X. Ds 21:5). Họ bị cám dỗ quay trở lại và bỏ cuộc hành trình.
Điều này khiến chúng ta nghĩ đến các cặp vợ chồng đã kết hôn mà “không thể chịu nổi cuộc hành trình,” cuộc hành trình của đời sống hôn nhân và gia đình. Sự mệt nhọc của cuộc hành trình trở thành sự chán chường nội tâm; họ đánh mất niềm vui hôn nhân, họ không còn múc nước từ nguồn mạch Bí Tích. Cuộc sống hàng ngày trở nên nặng nề, và nhiều khi “buồn nôn”.
Trong lúc rối loạn ấy – Thánh Kinh nói – các con rắn độc đã đến và cắn dân chúng, và nhiều người đã bị chết. Sự kiện này khiến dân chúng ăn năn và xin ông Môsê tha thứ, cùng xin ông cầu cùng Chúa để những con rắn bỏ đi. Ông Môsê đã cầu cùng Chúa và Ngài ban cho họ phương thức chữa lành: một con rắn đồng được treo trên một cây cột; bất cứ ai nhìn lên nó đều được chữa khỏi chất độc giết người của các con rắn.
Biểu tượng này có ý nghĩa gì? Thiên Chúa không loại trừ những con rắn, nhưng ban cho họ một “thuốc giải độc” qua con rắn đồng được ông Môsê đúc ra, Thiên Chúa truyền quyền năng chữa lành của Ngài, đó chính là lòng thương xót của Ngài, còn mạnh hơn chất độc của tên cám dỗ.
Như chúng ta đã nghe trong Tin Mừng, Chúa Giêsu tự đồng hoá mình với biểu tượng ấy: Thực ra, Chúa Cha vì yêu thương đã “ban” Con Một của Ngài cho con người, để họ được sống (Galatians 3:13-17); và tình yêu bao la của Chúa Cha thúc đẩy Chúa Con, Chúa Giêsu, làm người, làm người tôi tớ, để chết cho chúng ta và chết trên thập giá; vì lý do ấy mà Chúa Cha đã cho Người sống lại và ban cho Người quyền thống trị vũ trụ. Như được diễn tả trong bài thánh thi của Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Philipphê (2:6-11). Những ai phó thác cho Chúa Giêsu chịu đóng đinh sẽ nhận được lòng thương xót của Thiên Chúa là điều chữa lành chất độc giết người của tội lỗi.
Phương thuốc chữa lành mà Thiên Chúa ban cho dân chúng cũng có thể được áp dụng, đặc biệt, cho các cặp vợ chồng “không thể chịu nổi cuộc hành trình nữa” và đang bị cắn bởi cám dỗ của chán nản, bất trung, thối lui, và bỏ cuộc… Ngay cả với họ, Thiên Chúa Cha cũng ban Con của Ngài là Chúa Giêsu, không phải để lên án họ, nhưng để cứu họ: nếu họ tin vào Người, Người chữa lành họ với lòng thương xót chảy ra từ thập giá của Người, với sức mạnh của một ân sủng có sức tái sinh, để họ một lần nữa bước đi trên con đường cuộc sống hôn nhân và gia đình.
Tình yêu của Chúa Giêsu, Đấng đã chúc lành và thánh hiến sự kết hợp của hai vợ chồng, có thể giữ gìn tình yêu của họ và canh tân nó, khi theo loài người thì tình yêu này đã mất, đã tan nát, đã kiệt quệ. Tình yêu của Đức Kitô có thể phục hồi niềm vui đồng hành với nhau của hai vợ chồng; bởi vì hôn nhân là thế: cuộc đồng hành một người nam và một người nữ, trong đó người nam có nhiệm vụ giúp vợ mình càng ngày càng trở nên một người phụ nữ, và người nữ có nhiệm vụ giúp chồng mình càng ngày càng trở nên một người đàn ông. Đây là nhiệm vụ của anh chị em đối với nhau. “Anh yêu em, và vì thế mà anh sẽ làm cho em càng ngày càng phụ nữ hơn” – “Em yêu anh, và vì thế mà em sẽ làm cho anh càng ngày càng đàn ông hơn.” Và đó lại sự hỗ tương trong những khác biệt. Đó không phải là một cuộc hành trình luôn trôi chẩy, không có xung đột: không: nếu không thì sẽ chẳng phải là con người. Đó là một cuộc hành trình đầy thử thách, đôi khi rất cam go, đôi khi có xung đột, nhưng đời là thế!
Và giữa bài thần học này, mà Lời Chúa ban cho chúng ta về dân trên đường lữ hành, thậm chí về các gia đình đang lữ hành, các cặp phu thê đang lữ hành, là một lời khuyên nho nhỏ. Việc vợ chồng cãi nhau là chuyện bình thường, điều ấy bình thường. Luôn luôn xảy ra. Nhưng tôi khuyên anh chị em đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa với nhau. Đừng bao giờ. Chỉ cần một cử chỉ nhỏ. Và như vậy, anh chị em tiếp tục tiến bước. Hôn nhân là một biểu tượng của cuộc sống, cuộc sống thật sự: chứ không phải là “chuyện tiểu thuyết”! Hôn nhân là bí tích tình yêu của Đức Kitô và Hội Thánh, một tình yêu tìm được sự minh xác và đảm bảo của nó nơi Thánh Giá.
Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một cuộc hành trình tốt đẹp: một cuộc hành trình hiệu quả; nguyện cho tình yêu gia tăng. Tôi cầu mong anh chị em hạnh phúc. Sẽ có những thập giá, sẽ có. Nhưng Chúa luôn luôn ở đó để giúp chúng ta tiến bước. Nguyện xin Chúa chúc lành cho anh chị em!
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ.