Hãy Mở Tâm Hồn ra cho Đức Kitô Phục Sinh
Dưới đây là bản dịch bài giảng của ĐTC Phanxicô trong Lễ Vọng Phục Sinh 2016 tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, được đăng trong Vatican Radio. Trong đó ĐTC đã mời gọi:
“Chúng ta đừng tự giam hãm mình, nhưng hãy mở toang ngôi mộ đóng kín của mình cho Chúa để Người có thể đi vào và ban cho chúng ta sự sống. Chúng ta hãy dâng cho Người những tảng đá của sự hận thù và những khối đá của quá khứ của mình, là những gánh nặng của những yếu đuối và sa ngã của chúng ta. Đức Kitô muốn đến và dắt tay chúng ta để đưa chúng ta ra khỏi nỗi thống khổ của chúng ta.”
Anh chị em thân mến,
“Phêrô chạy ra mồ” (Lc 24:12). Những ý tưởng nào đã nảy ra trong tâm trí của Phêrô và khuấy động tâm hồn ông khi ông chạy ra mồ? Tin Mừng cho chúng ta biết rằng Nhóm Mười Một, kể cả Phêrô, đã không tin chứng từ của các phụ nữ, lời công bố Phục Sinh của các bà. Hoàn toàn ngược lại, “những lời này đối với các ông dường như là một chuyện vớ vẩn” (c. 11). Như thế là có sự nghi ngờ trong lòng Phêrô, cùng với rất nhiều nỗi lo âu khác: nỗi buồn với cái chết của Vị Thầy kính yêu và không còn ảo tưởng nữa vì đã chối Người ba lần trong cuộc Thương Khó của Người.
Tuy nhiên, có một điều gì cho thấy một sự thay đổi trong ông: sau khi nghe các phụ nữ và không chịu tin các bà, “Phêrô đã đứng lên” (câu 12). Ông không còn ngồi một chỗ được nữa, cả trong tư tưởng; ông không ngồi lỳ ở nhà như những môn đệ khác đã làm. Ông không chịu thua bầu không khí ảm đạm của những ngày ấy, ông cũng chẳng để cho những nghi ngờ của mình áp đảo. Ông đã không bị héo hon vì ân hận, sợ hãi hay vì những tin đồn dập không dẫn đến đâu. Ông đã đi tìm Chúa Giêsu, chứ không tìm chính mình. Ông thích con đường của gặp gỡ và tin tưởng hơn. Và như vậy, ông đứng lên, như ông đã làm, và chạy về phía ngôi mồ mà từ đó ông sẽ “kinh ngạc” trở về (c. 12). Điều này đánh dấu sự khởi đầu của cuộc phục sinh của Phêrô, sự sống lại của tâm hồn ông. Không đầu hàng nỗi lo buồn hay hay sự đen tối, ông tạo ra một chỗ cho niềm hy vọng: ông cho phép ánh sáng của Thiên Chúa đi vào tâm hồn ông, mà không bóp nghẹt nó.
Các phụ nữ cũng thế, các bà đã đi ra lúc tảng sáng để thực hiện một việc thương xót, đem dầu thơm đến mồ, các bà cũng có cùng một cảm nghiệm. Các bà “sợ hãi và cúi gầm xuống đất”, và các bà đã được những lời của các thiên sứ tác động mạnh mẽ: “Tại sao các bà lại đi tìm người sống giữa những kẻ chết?” (Câu 5.).
Giống như Thánh Phêrô và các phụ nữ, chúng ta không thể khám phá ra sự sống bằng buồn rầu và mất hy vọng. Chúng ta đừng tự giam hãm mình, nhưng hãy mở toang ngôi mộ đóng kín của mình cho Chúa để Người có thể đi vào và ban cho chúng ta sự sống. Chúng ta hãy dâng cho Người những tảng đá của sự hận thù và những khối đá của quá khứ của mình, là những gánh nặng của những yếu đuối và sa ngã của chúng ta. Đức Kitô muốn đến và dắt tay chúng ta để đưa chúng ta ra khỏi nỗi thống khổ của chúng ta. Đây là tảng đá đầu tiên được lăn sang một bên đêm nay: sự thiếu hy vọng là điều giam hãm chúng ta trong chính mình. Nguyện xin Chúa giải thoát chúng ta khỏi cái bẫy này, khỏi việc là những Kitô hữu không có niềm hy vọng, những người sống như thể Chúa đã không sống lại, như thể những vấn đề của chúng ta là trung tâm của đời sống chúng ta.
Chúng ta thấy và sẽ tiếp tục thấy những vấn đề cả bên trong lẫn bên ngoài. Chúng sẽ luôn ở đó. Nhưng đêm nay, điều quan trọng là chiếu ánh sáng của Chúa Phục Sinh vào những vấn đề của chúng ta, và theo một nghĩa nào đó, để “Phúc âm hóa” chúng. Chúng ta đừng cho phép bóng tối và sợ hãi làm lạc hướng và kiểm soát chúng ta; chúng ta phải hô to lên cho chúng nghe: Chúa “không còn ở đây, nhưng đã sống lại!” (câu 6). Người là niềm vui vĩ đại nhất của chúng ta; Người luôn luôn ở bên cạnh chúng ta và sẽ không bao giờ làm cho chúng ta thất vọng.
Đây là nền tảng của niềm hy vọng của chúng ta, không chỉ là sự lạc quan, cũng không là thái độ tâm lý hoặc mong muốn có can đảm. Niềm hy vọng Kitô giáo là một hồng ân mà Thiên Chúa ban cho chúng ta nếu chúng ta ra khỏi chính mình và mở rộng lòng mình cho Ngài. Niềm hy vọng này không làm cho chúng ta thất vọng bởi vì Chúa Thánh Thần đã được đổ vào lòng chúng ta (Romans 5:5). Đấng Bào Chữa không làm cho tất cả mọi sự thành có vẻ hấp dẫn. Ngài không loại trừ sự dữ với một chiếc đũa thần. Nhưng Ngài đổ vào chúng ta sức sống của sự sống, không phải là sự vắng mặt của những vấn đề, nhưng sự chắc chắn được yêu thương và luôn luôn được tha thứ bởi Đức Kitô, là Đấng đã chinh phục tội lỗi, sự chết và sợ hãi cho chúng ta. Hôm nay là lễ của niềm hy vọng của chúng ta, là cuộc cử hành về sự thật này: không có gì và không ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Người (Romans 8:39).
Chúa đang sống và muốn được tìm kiếm giữa những người sống. Sau khi đã tìm thấy Người, mỗi người được Người sai đi công bố sứ điệp Phục Sinh, để đánh thức và làm sống lại niềm hy vọng trong những tâm hồn đang bị đè nặng bởi buồn rầu, trong những người đang vật lộn để tìm ra ý nghĩa của đời sống. Điều rất cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, chúng ta không được công bố chính mình. Thay vào đó, như những đầy tớ vui mừng của niềm hy vọng, chúng ta phải công bố Đấng Phục Sinh bằng đời sống và tình yêu của mình; nếu không chúng ta sẽ chỉ là một tổ chức quốc tế có đầy những người đi theo và những quy luật tốt, nhưng không có khả năng mang đến niềm hy vọng, là điều mà thế giới mong mỏi.
Làm sao chúng ta có thể củng cố niềm hy vọng của mình? Phụng vụ đêm này cung cấp cho chúng ta một số chỉ dẫn. Nó dạy chúng ta nhớ đến những công trình của Thiên Chúa. Các bài đọc mô tả lòng thành tín của Thiên Chúa, lịch sử tình yêu của Ngài dành cho chúng ta. Lời Hằng Sống của Thiên Chúa có thể làm cho chúng ta liên hệ với lịch sử này của tình yêu, nuôi dưỡng niềm hy vọng của chúng ta và canh tân niềm vui của chúng ta. Bài Tin Mừng cũng nhắc nhở chúng ta điều này: để nhen nhóm lên niềm hy vọng trong tâm hồn của các phụ nữ, thiên sứ nói với các bà: “Hãy nhớ lại những gì [Chúa Giêsu] đã nói với các bà” (câu 6). Chúng ta đừng quên những lời của Người và những việc làm của Người, nếu không chúng ta sẽ đánh mất niềm hy vọng. Thay vào đó, chúng ta hãy nhớ Chúa, sự tốt lành của Người và những lời ban sự sống của Người là những gì đã đánh động chúng ta. Chúng ta hãy nhớ những điều ấy và biến chúng thành những gì của chúng ta, là những người lính canh buổi sáng, là những người biết làm thế nào để giúp người khác nhìn thấy những dấu chỉ của Chúa Phục Sinh.
Anh chị em thân mến, Đức Kitô đã sống lại! Chúng ta hãy mở lòng mình ra cho niềm hy vọng và hãy đi ra. Chớ gì việc tưởng nhớ những công việc và lời nói của Người thành ngôi sao sáng hướng dẫn các bước đi của chúng ta trong con cuộc hành trình đức tin hướng về lễ Phục Sinh, là Lễ không bao giờ cùng.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ.
Nguyên bản trích từ: http://www.news.va/en/news/pope-at-easter-vigil-urges-us-to-let-risen-christ