Bài Giáo Lý 1 của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ – Dẫn Nhập vào Thánh Lễ

“Chúng ta… phải hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của Thánh Lễ, để sống mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa một ngày một trọn vẹn hơn”.

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ nhất của ĐTC Phanxicô về Thánh Lễ, được ban hành ngày 8 tháng 11, 2017 tại Vatican. Hôm nay ĐTC bắt đầu loạt bài giáo lý về Thánh Lễ. Loạt bài giáo lý này rất quan trọng vì Thánh Thể là “trái tim” của Hội Thánh. ĐTC nói rằng chúng ta “phải hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của Thánh Lễ, để sống mối liên hệ của mình với Thiên Chúa một ngày một trọn vẹn hơn”;  đồng thời “lớn lên trong sự hiểu biết … về một hồng ân cả thể mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể”.

Anh chị em thân mến, Chào anh chị em!

Hôm nay chúng ta bắt đầu một loạt bài giáo lý mới, là những bài sẽ hướng chúng ta đến “trái tim” của Hội Thánh, là Thánh Thể.  Điều căn bản là chúng ta, các Kitô hữu, phải hiểu rõ giá trị và ý nghĩa của Thánh Lễ, để sống mối liên hệ của mình với Thiên Chúa một ngày một trọn vẹn hơn.

Chúng ta không thể quên được số rất đông các Kitô hữu, những người, trên toàn thế giới, trong 2000 năm lịch sử, đã chết để bảo vệ Thánh Thể; và bao nhiêu người ngày nay, còn đang liều mạng để tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật.  Vào năm 304, trong cuộc Bách Hại của Dioclatian, một nhóm Kitô hữu ở Bắc Phi đã ngạc nhiên vì họ đang cử hành Thánh lễ trong nhà và bị bắt. Trong cuộc thẩm vấn, Thống Đốc Roma hỏi họ tại sao họ đã làm như thế khi biết rằng điều ấy tuyệt đối không được phép. Họ trả lời: “Không có Chúa Nhật, chúng tôi không thể sống được”, nghĩa là: nếu chúng tôi không thể cử hành Thánh Lễ, chúng tôi không thể sống được; đời sống Kitô hữu của chúng tôi sẽ chết.

Thật vậy, Chúa Giêsu phán với các môn đệ rằng: “nếu các con không ăn thịt và uống Máu Con Người, thì các các con không có sự sống; ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6:53-54).

Các Kitô hữu từ Bắc Phi đã bị giết vì họ đang cử hành Thánh Lễ.  Họ đã làm chứng rằng người ta có thể từ bỏ đời sống trần thế vì Bí Tích Thánh Thể, bởi Bí Tích này cho chúng ta sự sống đời đời, nó làm cho chúng ta được thông phần vào việc chiến thắng sự chết của Đức Kitô. Chứng từ này thách đố tất cả chúng ta và đòi buộc phải có một câu trả lời về việc tham gia vào Hy Lễ Thánh Thể và đến gần Bàn Tiệc của Chúa có ý nghĩa gì đối với mỗi người chúng ta. Chúng ta có đang tìm kiếm nguồn suối “vọt ra nước hằng sống” cho sự sống đời không? [nguồn suối] biến cuộc đời chúng ta thành một hy lễ chúc tụng và tạ ơn thiêng liêng và biến chúng ta thành một thân thể trong Đức Kitô không?  Đây là ý nghĩa sâu xa nhất của Thánh Lễ, có nghĩa là “tạ ơn”: tạ ơn Thiên Chúa Cha, Con và Thánh Thần, Đấng đưa chúng ta vào và biến đổi chúng ta trong sự hiệp thông yêu thương của Ngài.

Trong các bài giáo lý sắp tới, tôi muốn trả lời một số câu hỏi quan trọng về Bí Tích Thánh Thể và Thánh Lễ, để tái tìm hiểu, hoặc tìm hiểu, xem tình yêu của Thiên Chúa tỏa sáng qua mầu nhiệm đức tin này như thế nào.

Công đồng Vaticanô II được cảm hứng sâu xa bởi ước muốn dìu dắt các Kitô hữu hiểu được sự cao cả của đức tin và vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ Đức Kitô. Vì lý do này mà trước hết cần phải thực hiện, với sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, một cuộc canh tân Phụng Vụ thích hợp, bởi vì Hội Thánh nhờ đó mà liên tục sống và đổi mới chính mình.

Một chủ đề chính mà các Nghị phụ Công đồng nhấn mạnh đến là việc đào luyện về Phụng Vụ cho các tín hữu, là điều không thể thiếu được cho việc canh tân đích thực.  Và đây cũng chính là mục đích của loạt bài giáo lý mà chúng ta đang bắt đầu hôm nay: lớn lên trong sự hiểu biết của chúng ta về một hồng ân cả thể mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Bí Tích Thánh Thể.

Bí Tích Thánh Thể là một sự kiện kỳ ​​diệu trong đó Chúa Giêsu Kitô, sự sống của chúng ta, làm cho Chính Người hiện diện. Tham dự Thánh Lễ “là thực sự sống lại Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết cứu độ của Chúa chúng ta. Đó là một sự biểu lộ hữu hình: Chúa làm cho chính Mình hiện diện trên bàn thờ để được dâng lên cho Chúa Cha hầu cứu rỗi thế gian” (Bài giảng ở Domus Sanctae Marthae, ngày 10 tháng 2 năm 2014). Chúa ở đây với chúng ta, hiện tại. Chúng ta thường đi đến đó, nhìn các sự vật, nói chuyện với nhau trong khi linh mục đang cử hành Thánh Lễ … và chúng ta không cử hành gần Người. Nhưng đó là Chúa! Nếu hôm nay Tổng Thống của nước Cộng hòa, hoặc một nhân vật nào đó quan trọng trên thế giới đến, chắc chắn rằng tất cả chúng ta sẽ lại gần ông ta, muốn chào đón ông ta. Nhưng hãy nghĩ: khi anh chị em đi dự Thánh Lễ, có Chúa ở đó! Và anh chị em bị phân tâm. Đó là Chúa! Chúng ta phải suy nghĩ về điều này. “Thưa Cha, vì các Thánh Lễ tẻ nhạt” – “Nhưng anh chị em nói gì, Chúa tẻ nhạt sao?” – “Không, không. Không phải là Thánh Lễ, mà các linh mục” – “Này, chớ gì các linh mục hoán cải, nhưng chính Chúa là Đấng ở đó!” Anh chị em có hiểu không? Đừng quên điều ấy. “Tham dự Thánh Lễ là đang sống một lần nữa Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết cứu độ của Chúa chúng ta”.

Bây giờ chúng ta hãy thử tự hỏi mình một vài câu hỏi đơn giản. Chẳng hạn, tại sao chúng ta làm dấu Thánh Giá và thực hành Nghi thức Sám Hối vào đầu Thánh Lễ? Và ở đây tôi muốn thêm một lưu ý phụ. Anh chị em có thấy các trẻ em làm dấu Thánh Giá như thế nào không? Anh chị em không biết chúng đang làm gì, hoặc làm dấu Thánh Giá hoặc vẽ vời một đường nét. Chúng làm việc [cử chỉ] này. Trẻ em phải được dạy làm dấu Thánh Giá đúng cách. Đây là cách bắt đầu Thánh Lễ; đây là cách bắt đầu cuộc sống; đây là cách bắt đầu một ngày. Điều này có nghĩa là chúng ta được Thánh Giá của Chúa cứu chuộc. Hãy quan sát các trẻ em và dạy chúng cách làm dấu Thánh Giá cho đúng. Và những Bài Đọc này, trong Thánh Lễ, tại sao chúng lại ở đó? Tại sao có ba Bài Đọc vào Chúa Nhật và hai bài vào ngày khác? Tại sao lại đọc chúng? Các Bài Đọc trong Thánh Lễ có nghĩa gì? Tại sao lại đọc chúng và mục đích của chúng là gì? Hoặc, tại sao linh mục chủ tọa buổi Lễ lại nói ở một lúc nào đó: “Hãy nâng tâm hồn lên”? Ngài không nói: “Hãy nâng điện thoại di động lên để chụp ảnh!” Không, thật tệ! Tôi nói thật với anh chị em, tôi rất buồn lúc tôi cử hành Thánh Lễ ở Quảng trường Thánh Phêrô hoặc ở Vương Cung Thánh Đường khi thấy nhiều điện thoại di động được nâng lên, không những chỉ bởi các tín hữu mà còn bởi một số linh mục và thậm chí cả giám mục! Nhưng làm ơn! Thánh Lễ không phải là một buổi trình diễn: nhưng là buổi gặp gỡ Cuộc Khổ Nạn và Phục Sinh của Chúa. Đó là lý do tại sao linh mục nói: “Hãy nâng tâm hồn lên”. Điều ấy có nghĩa gì? Hãy nhớ: không được dùng điện thoại di động.

Điều thực sự quan trọng là trở lại với cơ bản, tái khám phá điều gì là cần thiết, qua những gì chúng ta sờ mó và nhìn thấy được trong việc cử hành các Bí Tích. Câu hỏi của Thánh Tông Đồ Tôma (xem Ga 20:25), đấng tìm cách nhìn thấy và chạm tay vào vết thương trên thân thể của Chúa Giêsu, và mong ước có khả năng “chạm vào” Thiên Chúa một cách nào đó để tin vào Người. Điều mà Thánh Tôma xin Chúa là điều tất cả chúng ta cần: được gặp gỡ Người, chạm vào Người ngõ hầu chúng ta có thể biết Người. Các Bí Tích đáp ứng nhu cầu của con người. Các Bí Tích, cách đặc biệt là việc cử hành Bí Tích Thánh Thể, là những dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, những cách đặc biệt để chúng ta gặp gỡ Ngài.

Như thế, qua những bài giáo lý này mà chúng ta bắt đầu hôm nay, tôi muốn cùng anh chị em tái khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn trong việc cử hành Thánh Lễ và, một khi được tỏ lộ, nó mang lại ý nghĩa trọn vẹn cho cuộc sống của mỗi người. Cầu xin Đức Mẹ đồng hành với chúng ta trên đoạn đường mới này. Cảm ơn anh chị em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2017/documents/papa-francesco_20171108_udienza-generale.html