Hội Thánh Thánh Thiện
“Hội Thánh thánh thiện theo nghĩa nào khi chúng ta thấy rằng Hội Thánh lịch sử, trên cuộc hành trình của nó trải qua nhiều kỷ nguyên, đã có nhiều khó khăn, nhiều vấn đề và nhiều giây phút đen tối? Làm sao một Hội Thánh được hợp thành bởi những con người, những kể tội lỗi, có thể là một Hội Thánh thánh thiện?…. Hội Thánh thánh thiện không phải vì công lao của chúng ta, nhưng vì Thiên Chúa làm cho nó nên thánh, nó là hoa quả của Chúa Thánh Thần và hồng ân của Ngài.”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 2 tháng 10 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin và nói về Hội Thánh Thánh Thiện, Hội Thánh là Ngôi Nhà mà trong đó mỗi người có thể được tình yêu của Thiên Chúa biến đổi.
* * *
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong “Kinh Tin Kính”, sau khi đã tuyên xưng: “Tôi tin Hội Thánh duy nhất”, chúng ta thêm tĩnh từ “thánh thiện”; chúng ta xác nhận sự thánh thiện của Hội Thánh, và đó là một đặc tính đã hiện diện ngay từ thủa ban đầu trong tâm thức của các Kitô hữu tiên khởi, là những người đơn thuần được gọi là “các thánh” (x. Cv 9:13.32.41, Romans 8:27 ; 1 Corinthians 6:1), vì họ xác tín rằng chính hành động của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần, là Đấng thánh hóa Hội Thánh.
Nhưng Hội Thánh thánh thiện theo nghĩa nào khi chúng ta thấy rằng Hội Thánh lịch sử, trên cuộc hành trình của nó trải qua nhiều kỷ nguyên, đã có nhiều khó khăn, nhiều vấn đề và nhiều giây phút đen tối? Làm sao một Hội Thánh được hợp thành bởi những con người, những kể tội lỗi, có thể là một Hội Thánh thánh thiện? Những người nam nữ tội lỗi, các linh mục và nữ tu tội lỗi, các Giám Mục và Hồng Y tội lỗi, các Giáo Hoàng tội lỗi? Tất cả, tất cả mọi mọi người đều như thế. Như vậy làm sao một Hội Thánh như thế có thể thánh thiện?
1. Để trả lời câu hỏi này, tôi muốn mình được hướng dẫn bởi một đoạn trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Êphêsô. Thánh Tông Đồ, dùng thí dụ về những mối liên hệ gia đình, quả quyết rằng: “Đức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mạng sống Mình để thánh hóa Hội Thánh” (5:25-26). Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh, bằng cách hiến trọn thân mình trên thập giá. Điều này có nghĩa gì? Điều này có nghĩa là Hội Thánh thánh thiện bởi vì xuất phát từ Thiên Chúa là Đấng thánh thiện, là Đấng trung tín và không bỏ mặc Hội Thánh cho quyền năng sự chết và sự dữ (x. Matthew 16:18). Hội Thánh thánh thiện vì Đức Chúa Giêsu Kitô, Đấng Thánh của Thiên Chúa (Mc 1:24), đã kết hợp một cách bất khả phân ly với Hội Thánh (x. Mt 28;20); Hội Thánh được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần là Đấng thanh lọc, biến đổi và canh tân Hội Thánh. Hội Thánh thánh thiện không phải vì công lao của chúng ta, nhưng vì Thiên Chúa làm cho nó nên thánh, nó là hoa quả của Chúa Thánh Thần và hồng ân của Ngài. Không phải chúng ta làm cho Hội Thánh thành thánh thiện. Chính Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần, là Đấng trong tình yêu của Ngài làm cho Hội Thánh nên thánh.
2. Anh chị em có thể nói với tôi: nhưng Hội Thánh được cấu thành bởi những người tội lỗi, chúng tôi thấy họ mỗi ngày. Và điều này đúng: chúng ta là một Hội Thánh của những người tội lỗi; và chúng ta, những người tội lỗi, được mời gọi để cho mình được Thiên Chúa biến đổi, đổi mới và thánh hóa. Trong lịch sử đã có cám dỗ của một số người khi họ xác quyết rằng: Hội Thánh chỉ là Hội Thánh của những người trong sạch, hoàn toàn trước sau như một, còn những người khác thì phải loại ra. Điều này không đúng! Đó là lạc giáo! Không! Hội Thánh là thánh, nhưng không chối từ những người tội lỗi; không chối từ chúng ta, tất cả chúng ta; Hội Thánh không chối từ vì Hội Thánh mời gọi và đón chào tất cả chúng ta, Hội Thánh cũng mở cửa ra cho những người xa cách nhất, mời gọi tất cả mọi người hãy để cho mình được bao bọc bởi lòng thương xót, sự ân cần và tha thứ của Chúa Cha, là Đấng ban cho tất cả mọi người cơ hội gặp gỡ Ngài và tiến về sự thánh thiện. “Nhưng! Lạy Cha, con là kẻ có tội, con đã phạm những trọng tội, làm sao con có thể là một phần tử của Hội Thánh?” Anh em thân mến, chị em thân mến, chính vì điều này mà Chúa muốn anh chị em thưa với Người: “Lạy Chúa con đây, với các tội lỗi của con.” Có ai trong anh chị em ở đây không có tội không? Có một người nào trong anh chị em không? Không ai cả, không có ai trong chúng ta, tất cả chúng ta đều mang tội lỗi trong người, nhưng Chúa muốn nghe chúng ta nói: “Xin tha thứ cho con, xin giúp con bước đi, xin biến đổi tâm hồn con.” Và Chúa có thể biến đổi các tâm hồn.
Thiên Chúa mà chúng ta gặp trong Hội Thánh không phải là một quan tòa nhẫn tâm, nhưng như Người Cha của dụ ngôn trong Tin Mừng. Anh chị em có thể như người con hoang đàng bỏ nhà ra đi, đã chìm đến tận đáy của việc xa cách Thiên Chúa. Khi anh chị em có sức mà nói: Tôi muốn về nhà, anh chị em sẽ thấy cánh cửa mở ra. Thiên Chúa đến với anh chị em vì Ngài luôn luôn chờ đợi, Thiên Chúa luôn luôn chờ đón anh chị em, Thiên Chúa ôm lấy anh chị em, hôn anh chị em và ăn mừng. Chúa là như thế, sự âu yếm của Cha chúng ta là như thế. Chúa muốn chúng ta là phần tử của một Hội Thánh biết cách mở rộng vòng tay chào đón tất cả mọi người, đó không phải nhà của một số ít người, nhưng nhà của tất cả mọi người, nơi mọi người có thể được đổi mới, biến đổi, thánh hóa bởi tình yêu của Ngài, những người mạnh nhất và những người yếu nhất, những người tội lỗi, những người thờ ơ, những người cảm thấy chán nản và lạc đường. Hội Thánh cống hiến cho tất cả mọi người khả năng để theo đuổi con đường nên thánh, đó là con đường của Kitô hữu: làm cho chúng ta gặp Đức Chúa Giêsu Kitô trong các Bí Tích, nhất là Bí Tích Hòa Giải và Thánh Thể; truyền thông cho chúng ta Lời Chúa, làm cho chúng ta sống trong đức mến, trong tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi người. Như thế, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có để cho mình được thánh hóa không? Chúng ta là một Hội Thánh mời gọi và chào đón những người tội lỗi bằng vòng tay rộng mở, đem lại cho họ can đảm và hy vọng, hay chúng ta là một Hội Thánh đóng kín? Chúng ta có phải là một Hội Thánh mà trong đó người ta sống tình yêu của Thiên Chúa, trong đó người ta để tâm đến tha nhân, trong đó người ta cầu nguyện cho nhau không?
3. Một câu hỏi cuối cùng: tôi, một người cảm thấy mệt mỏi, yếu đuối và tội lỗi, có thể làm gì? Thiên Chúa nói với anh chị em: đừng sợ sự thánh thiện, đừng sợ nhắm đến mục tiêu cao, để cho mình được Thiên Chúa yêu thương và thanh tẩy, đừng sợ để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn mình. Chúng ta hãy để cho mình bị lây sự thánh thiện của Thiên Chúa. Mọi Kitô hữu được mời gọi nên thánh (x. Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 39-42); và sự thánh thiện không hệ tại chính yếu ở việc làm những sự phi thường, nhưng ở việc để Thiên Chúa hoạt động. Đó là cuộc gặp gỡ giữa sự yếu đuối của chúng ta với sức mạnh của ân sủng của Ngài, đó là tin tưởng vào hành động của Ngài, là Đấng giúp chúng ta sống trong đức ái, để làm tất cả mọi sự với niềm vui và khiêm nhường, vì vinh quang Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Có một câu nói thời danh của nhà văn Pháp Léon Bloy, trong những giây phút cuối của cuộc đời ông, ông đã nói: “Chỉ có một nỗi buồn trong cuộc sống, đó là không nên thánh.” Chúng ta đừng mất hy vọng vào sự thánh thiện, tất cả chúng ta hãy theo con đường này. Chúng ta có muốn là thánh không? Chúa đang chờ đợi tất cả chúng ta với vòng tay rộng mở, chờ đợi để cùng đồng hành với chúng ta trên con đường này của sự thánh thiện. Chúng ta hãy sống đức tin của mình với niềm vui, hãy để cho mình được Chúa yêu thương… chúng ta hãy xin Thiên Chúa hồng ân này trong lời cầu nguyện cho chính mình và cho tha nhân.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ