Bài Giáo Lý 17 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô

Hội Thánh Tông Truyền Là Gì?

 “Hội Thánh là Tông Truyền vì được thiết lập trên lời cầu nguyện và lời rao giảng của các Tông Đồ, trên thẩm quyền đã được chính Đức Kitô trao cho các ngài vì được sai đi để mang Tin Mừng đến cho toàn thể thế giới .

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 16 tháng 10 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và nói về đặc tính Tông Truyền của Hội Thánh.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Khi chúng ta đọc Kinh Tin Kính chúng ta tuyên xưng “Tôi tin Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và Tông Truyền.” Tôi không hiểu anh chị em có khi nào suy nghĩ về ý nghĩa của cụm từ “Hội Thánh Tông Truyền” không.  Có lẽ vài lần, khi đến Rome, anh chị em đã nghĩ đến tầm quan trọng của các Tông Đồ Phêrô và Phaolô là những vị đã hy sinh cuộc đời để mang Tin Mừng và làm chứng cho nó ở đây.

Nhưng còn hơn nữa.  Tuyên xưng Hội Thánh Tông Truyền nghĩa là nhấn mạnh đến mối dây liên hệ chủ yếu mà Hội Thánh có với các Tông Đồ, với nhóm nhỏ mười hai vị đã một ngày được Chúa Giêsu gọi đến với Người, Người đã gọi đích danh các ngài, để các ngài ở với Người, và Người sai các ngài đi rao giảng (Mc 3:13-19).  Thực ra, “Tông Đồ” là một từ Hy Lạp có nghĩa là “được sai đi”, “được sai đi”.  Một Tông Đồ là một người được sai đi, người ấy được sai đi làm một việc gì đó, và các Tông Đồ đã được Chúa Giêsu chọn, gọi và sai đi để tiếp tục công việc của Người, có nghĩa là, để cầu nguyện – là công việc đầu tiên của một Tông Đồ – và, thứ hai là để công bố Tin Mừng.  Điều này rất quan trọng, bởi vì khi chúng ta nghĩ đến các Tông Đồ chúng ta có thể nghĩ rằng các ngài chỉ đi để loan báo Tin Mừng, để làm nhiều công việc.  Nhưng trong những ngày đầu của Hội Thánh có một vấn đề bởi vì các Tông Đồ đã phải làm quá nhiều việc cho nên sau đó đã lập nên các phó tế, để các Tông Đồ có nhiều thời giờ hơn mà cầu nguyện và rao giảng Lời Chúa.  Khi chúng ta nghĩ về những người kế vị các Tông Đồ, các giám mục, trong đó có Đức Giáo Hoàng, bởi vì ngài cũng là một giám mục, chúng ta phải tự hỏi rằng những ngưởi kế các Tông Đồ này có cầu nguyện trước và rồi mới rao giảng Tin Mừng không: đó chính là việc làm một Tông Đồ, và vì lý do này mà Hội Thánh là Tông Truyền.  Tất cả chúng ta, nếu muốn thành tông đồ như tôi sẽ giải thích bây giờ, chúng ta phải tự hỏi: tôi có cầu nguyện cho ơn cứu độ của thế giới không?  Tôi có rao giảng Tin Mừng không?  Đây là Hội Thánh Tông Truyền! Đây là một mối liên hệ thiết yếu mà chúng ta có với các Tông Đồ.

Bắt đầu từ chính điều này tôi muốn nhấn mạnh cách ngắn gọn đến ba ý nghĩa của tĩnh từ “Tông Truyền” như được áp dụng cho Hội Thánh.

1.  Hội Thánh là Tông Truyền vì được thiết lập trên lời cầu nguyện và lời rao giảng của các Tông Đồ, trên thẩm quyền đã được chính Đức Kitô trao cho các ngàiThánh Phaolô đã viết cho tín hữu Êphêsô: “Anh em là những người đồng hương với các thánh, và là người nhà của Thiên Chúa, được xây dựng trên nền móng là các Tông Ðồ và ngôn sứ, và chính Ðức Giêsu Kitô là đá tảng góc tường” (2:19-20), như thế ngài so sánh các Kitô hữu với những viên đá sống động tạo thành một tòa nhà là Hội Thánh, và tòa nhà này được xây dựng trên các Tông Đồ, như những cây cột, và tảng đá nâng đỡ tất cả là Chúa Giêsu.  Nếu không có Chúa Giêsu thì không có Hội Thánh!  Chúa Giêsu là cơ sở của Hội Thánh, là nền tảng! Các tông đồ đã sống với Chúa Giêsu, đã nghe những lời của Người, các ngài đã chia sẻ cuộc sống của Người, trên hết các ngài là những nhân chứng của Cái Chết và sự Phục Sinh của Người.  Đức tin của chúng ta, Hội Thánh mà Đức Kitô muốn, không được thết lập trên một ý tưởng, không dựa trên một triết lý, mà được xây dựng trên Đức Kitô.  Và Hội Thánh như một cây đã lớn lên qua nhiều kỷ nguyên; nó đã phát triển, đã sinh hoa trái, nhưng rễ nó ăn sâu nơi Người và kinh nghiệm cơ bản về Đức Kitô mà các Tông Đồ, những vị được Chúa Giêsu chọn lựa và được sai đi, đã có và đến với chúng ta.  Từ cây nhỏ ấy đến thời đại chúng ta: Hội Thánh trong thế gian là như thế.

2.  Nhưng chúng ta hãy tự hỏi: làm sao chúng ta có thể nối kết với những nhân chứng ấy, làm sao những gì mà các Tông Đồ với Chúa Giêsunghe từ Người có thể đến với chúng ta?  Đây là ý nghĩa thứ nhì của thuật ngữ “tính Tông Truyền”.  Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nói rằng Hội Thánh là Tông Truyền bởi vì “với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần ngự trong mình, Hội Thánh bảo quản và truyền lại giáo huấn, ‘kho tàng tốt đẹp’, ‘những lời cứu độ’ mà Hội Thánh đã nghe được từ các Tông Đồ” (số 857).  Qua các kỷ nguyên Hội Thánh gìn giữ kho tàng quý giá này, đó là Thánh Kinh, giáo lý, các bí tích, thừa tác vụ của các Mục Tử, để chúng ta có thể trung thành với Đức Kitô và thông phần vào sự sống của Người.  Nó giống như một dòng sông chảy trong lịch sử, phát triển, tưới gội, nhưng dòng nước chảy luôn luôn vẫn là dòng nước khởi đầu từ nguồn mạch, và nguồn mạch đó là chính Đức Kitô: Người là Đấng Phục Sinh, Đấng Hằng Sống, và Lời Người không thể qua đi, bởi vì Người không qua đi, Người vẫn còn sống, Người ở cùng chúng ta ở đây hôm nay, Người nghe chúng ta và chúng ta thưa chuyện với Người và Người ở trong tâm hồn chúng ta.  Chúa Giêsu ở với chúng ta hôm nay!  Đây là vẻ đẹp của Hội Thánh: sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô ở giữa chúng ta.  Chúng ta có khi nào nghĩ rằng hồng ân mà Đức Kitô đã ban cho chúng ta, hồng ân Hội Thánh, ở đó chúng ta có thể gặp Người, quan trọng thế nào không?  Chúng ta có bao giờ nghĩ về việc Hội Thánh truyền đạt cho chúng ta sứ điệp đích thực của Đức Kitô như thế nào trong cuộc lữ hành dài của mình qua nhiều kỷ nguyên bất chấp những khó khăn, những vấn đề, những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta không?  Chúng ta có nghĩ rằng Hội Thánh mang lại cho chúng ta sự chắc chắn rằng những gì chúng ta tin thực sự là những gì Đức Kitô nói với chúng ta không?

3.  Tư tưởng cuối cùng: Hội Thánh là Tông Truyền vì nó được sai đi để mang Tin Mừng đến cho toàn thể thế giới.  Tiếp tục con đường lịch sử của cùng một sứ vụ mà Chúa Giêsu đã ủy thác cho các Tông Đồ: “Vậy, các con hãy đi giảng dạy muôn dân, rửa tội cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy họ tuân giữ tất cả những gì Thầy đã truyền cho các con.  Và nầy, Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Matthew 28:19-20).  Đây là điều Chúa Giêsu đã truyền cho chúng ta làm! Tôi nhấn mạnh khía cạnh này của hoạt động truyền giáo, vì Đức Kitô mời gọi tất cả mọi người “hãy đi” và gặp những người khác, Người sai chúng ta đi, yêu cầu chúng ta di chuyển, để mang niềm vui của Tin Mừng! Một lần nữa, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta có đang truyền giáo bằng lời nói, nhưng đặc biệt bằng đời sống Kitô hữu của mình, qua việc làm nhân chứng của mình không?  Hay chúng ta là những Kitô hữu đóng chặt trong quả tim và trong các  nhà thờ của mình, “các Kitô hữu trong phòng thánh”?  Kitô hữu chỉ bằng lời nói, nhưng sống như người ngoại đạo?  Chúng ta phải tự hỏi mình những câu hỏi này, đó không phải là một lời khiển trách.  Tôi cũng thế, tôi cũng tự hỏi mình rằng tôi có là một Kitô hữu, một nhân chứng thực sự không?

Hội Thánh có nguồn gốc từ giáo huấn của các Tông Đồ, những chứng nhân đích thực của Đức Kitô, nhưng nhìn về tương lai, Hội Thánh ý thức chắc chắn rằng mình được sai đi – được Chúa Giêsu Kitô sai đi – là một nhà truyền giáo, mang Danh của Chúa Giêsu qua việc cầu nguyện, rao giảng và làm chứng.  Một Hội Thánh đóng kín trong mình và trong quá khứ, một Hội Thánh chỉ nhìn đến những luật lệ nhỏ theo thói quen, theo thái độ, là một Hội Thánh phản bội bản sắc riêng của mình, một Hội Thánh đóng kín phản bội bản sắc của mình!  Vì vậy, hôm nay chúng ta hãy khám phá tất cả các vẻ đẹp và trách nhiệm của việc là Hội Thánh Tông Truyền!  Và hãy nhớ rằng: Hội Thánh Tông Truyền vì chúng ta cầu nguyện – nhiệm vụ đầu tiên – và vì chúng ta rao giảng Tin Mừng bằng đời sống và bằng lời nói của mính.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Matthew 28:19-20
View in: NAB
19Going therefore, teach ye all nations; baptizing them in the name of the Father, and of the Son, and of the Holy Ghost.
20Teaching them to observe all things whatsoever I have commanded you: and behold I am with you all days, even to the consummation of the world.