Bài Giáo Lý 18 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô

Đức Mẹ Là Hình Ảnh và Khuôn Mẫu của Hội Thánh

 “Hội Thánh là Tông Truyền vì được thiết lập trên lời cầu nguyện và lời rao giảng của các Tông Đồ, trên thẩm quyền đã được chính Đức Kitô trao cho các ngài vì được sai đi để mang Tin Mừng đến cho toàn thể thế giới .

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 23 tháng 10 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và nói về Đức Mẹ như một hình ảnh và khuôn mẫu của Hội Thánh.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Tiếp tục loạt bài giáo lý về Hội Thánh, hôm nay tôi muốn nhìn lên Đức Mẹ Maria như một hình ảnh và khuôn mẫu của Hội Thánh.  Tôi nhắc lại cách diễn tả của Công Đồng Vaticanô II.  Nói rằng Hiến Chế Lumen Gentium nói: “Như Thánh Ambrôsiô dạy, Mẹ Thiên Chúa là một hính ảnh của Hội Thánh theo thứ bậc đức tin, đức ái và sự kết hợp hoàn hảo với Đức Kitô” (số 63).

1.  Chúng ta bắt đầu từ điểm thứ nhất, Đức Mẹ Maria là một khuôn mẫu của đức tin.  Đức Mẹ là khuôn mẫu cho đức tin của Hội Thánh theo nghĩa nào? Chúng ta hã0y nghĩ xem Đức Trinh Nữ Maria là ai: một thiếu nữ Do Thái, đang chờ đợi ơn cứu độ của dân mình bằng cả tâm hồn.  Nhưng trong tâm hồn của người con gái trẻ của Israel này đã có một bí mật mà cô vẫn chưa biết: trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa cô đã được tiền định để trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế.  Lúc Truyền Tin, sứ thần của Thiên Chúa gọi cô là “đầy ơn phúc” và tỏ lộ kế hoạch này.  Đức Maria trả lời “xin vâng” và từ lúc đó đức tin của Mẹ nhận được một ánh sáng mới: Mẹ chú tâm vào Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Đấng đã mặc lấy nhục thể từ Mẹ và trong Người lời hứa về toàn thể lịch sử cứu độ được thực hiện.  Đức tin của Đức Mẹ Maria là sự thể hiện đức tin của dân Israel, trong Mẹ tập trung tất cả cách thế, tất cả con đường của dân đang chờ đợi được cứu chuộc, và theo nghĩa này đức tin của Mẹ là khuôn mẫu đức tin của Hội Thánh, là đức tin có Đức Kitô làm trọng tâm, là sự nhập thể của Thiên Chúa tình yêu vô hạn.

Đức Mẹ đã sống đức tin này thế nào?  Mẹ đã sống nó trong sự đơn giản của hàng ngàn bận rộn và bận tâm hàng ngày của mọi người mẹ, như nấu nướng, giặt giũ, dọn dẹp nhà cửa…  Thực ra, đời sống bình thường này của Đức Mẹ là nơi mà ở đó mối liên hệ duy nhất và cuộc đối thoại sâu xa giữa Mẹ và Thiên Chúa, giữa Mẹ và Con Mẹ xảy ra.  Lời “Xin vâng” của Đức Mẹ, đã hoàn hảo ngay từ đầu và lớn lên cho đến giờ Thập Giá.  Ở đó, tình mẫu tử của Mẹ đã lan ra bao trùm mỗi người chúng ta, cuộc sống chúng ta, để dẫn chúng ta đến với Con Mẹ.  Đức Mẹ đã luôn luôn sống say đắm trong mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, như môn đệ đầu tiên và hoàn hảo của Người, qua việc suy đi nghĩ lại trong lòng mọi sự dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần, để hiểu và thực thi toàn thề Thánh Ý của Thiên Chúa.

Chúng ta có thể tự hỏi mình một câu: chúng ta có để cho mình được đức tin của Đức Mẹ Maria, là Mẹ chúng ta, soi sáng không?  Hoặc chúng ta nghĩ rằng Mẹ quá khác chúng ta?  Trong những lúc khó khăn, thử thách, tăm tối, chúng ta có tìm đến Mẹ như một khuôn mẫu của việc tín thác vào Thiên Chúa, Đấng luôn luôn và chỉ muốn điều tốt của chúng ta không?  Chúng ta hãy suy nghĩ về điều này, có lẽ tốt hơn cho chúng ta là tìm thấy Đức Mẹ Maria như một khuôn mẫu và hình ảnh của Hội Thánh trong đức tin này là đức tin mà Mẹ đã có!

2.  Chúng ta đi đến bình diện thứ nhì:  Đức Mẹ Maria, khuôn mẫu đức ái.  Đức Mẹ là mẫu gương yêu thương cho Hội Thánh bằng cách nào? Chúng ta nghĩ đến lòng sẵn sàng giúp đỡ người chị họ Elizabeth của Mẹ.  Khi đến thăm bà, Đức Trinh Nữ Maria không những chỉ mang đến cho bà sự giúp đỡ vật chất mà còn mang đến cho bà Chúa Giêsu, Đấng đang sống trong cung lòng Mẹ.  Mang Chúa Giêsu đến nhà ấy có nghĩa là mang đến niềm vui, niềm vui trọn vẹn.  Bà Elizabeth và ông Dêkaria hạnh phúc vì bà có thai là điều có dường như không thể được ở tuổi của hai ông bà, nhưng chính thiếu nữ Maria đã mang cho hai ông bà niềm vui trọn vẹn, là niềm vui đến từ Chúa Giêsu và Chúa Thánh Thần, và được thể hiện cách nhưng không trong đức ái, trong việc chia sẻ, giúp đỡ và hiểu biết lẫn nhau.

Đức Mẹ của chúng ta muốn đem đến cho chúng ta, cho tất cả chúng ta, món quà cao cả là Chúa Giêsu; và với Người Mẹ cũng đem đến cho chúng ta tình yêu, bình an và  niềm vui của Người.  Như thế Hội Thánh cũng như Đức Mẹ Maria, Hội Thánh không phải là một cơ sở thương mại, không phải là một tổ chức nhân đạo, Hội Thánh không phải là một tổ chức chức phi chính phủ, Hội Thánh được sai đi để đem Đức Kitô và Tin Mừng của Người đến cho tất cả mọi người; Hội Thành không tự mang mình đến – dù nhỏ hay lớn, mạnh hay yếu, Hội Thánh đem Chúa Giêsu và phải như Đức Mẹ Maria khi Mẹ đến thăm viếng bà Elizabeth.  Đức Mẹ đem những gì?  Chúa Giêsu.  Hội Thánh đem Chúa Giêsu: đây là trọng tâm của Hội Thánh, để đem Chúa Giêsu!  Giả như nếu Hội Thánh có một thời không đem Chúa Giêsu, thì là một Hội Thánh chết!  Hội Thánh phải đem tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu của Chúa Giêsu.

Chúng ta đã nói về Đức Mẹ Maria, về Chúa Giêsu.  Còn chúng ta là gì?  Chúng ta có phải là Hội Thánh không?  Tình yêu mà chúng ta đem đến cho người khác là gì?  Có phải tình yêu của Chúa Giêsu, là tình yêu chia sẻ, tha thứ và đồng hành, hay là một yêu nhạt nhẽo, như rượu nhạt gần như nước lã?  Đó là một tình yêu mạnh mẽ, hay quá yếu đuối đuổi theo sự cảm thông, tìm kiếm sự đổi chác, một tình yêu ích kỷ?  Một câu hỏi khác:  Chúa Giêsu có thích tình yêu ích kỷ không?  Không, Người không thích, bởi vì tình yêu phải cho không, giống như tình yêu của Người.  Các liên hệ trong các giáo xứ, trong các cộng đồng của chúng ta như thế nào?  Chúng ta có đối xử với nhau như anh chị em không?  Hoặc chúng ta phê phán nhau, nói xấu nhau, mỗi người chỉ chq9m sóc cho “sân” riêng của mình, hoặc chúng ta chăm sóc cho nhau?  Đây là những câu hỏi về đức ái!

3.  Và điểm ngắn gọn cuối cùng:  Đức Mẹ Maria, khuôn mẫu của sự kết hợp với Đức Kitô.  Đời sống của Đức Trinh Nữ là cuộc đời của một phụ nữ của dân Mẹ:  Mẹ cầu nguyện, làm việc, đi đến hội đường…  Tuy nhiên, mọi hành động luôn luôn được thực hiện trong kết hợp hoàn hảo với Chúa Giêsu.  Sự kết hợp này đạt đến tột đỉnh trên đồi Canvê: ở đây Đức Mẹ tái hợp với Con Mẹ trong cuộc tử đạo của con tim và trong việc dâng cuộc đời lên Chúa Cha để cứu độ nhân loại.  Đức Mẹ đã nhận sự đau đớn của Con Mẹ làm của mình, và cùng với Người Mẹ chấp nhận Thánh Ý Chúa Cha, trong đó sự vâng phục sinh hoa trái, mang lại chiến thắng thật trên sự dữ và sự chết.

Thực tại này mà Đức Mẹ dạy chúng ta rất đẹp: luôn luôn kết hợp với Chúa Giêsu.  Chúng ta có thể tự hỏi: có phải chúng ta chỉ nhớ đến Chúa Giêsu khi gặp trắc trở hoặc thiếu thốn, hay chúng ta có một mối dây liên hệ liên tục, một tình bằng hữu sâu xa, ngay cả khi phải theo Người trên đường thập giá?

Chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta ân sủng và sức mạnh của Người, ngõ hầu trong cuộc sống chúng ta và trong đời sống của mọi cộng đồng Hội Thánh phản ánh khuôn mẫu của Đức Mẹ Maria, Mẹ Hội Thánh.  Chớ gì được như vậy!

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ