Bài Giáo Lý 3 của ĐTC Phanxicô về Hội Thánh

Hội Thánh: Giao Ước Mới và Dân Mới

Tám Mối Phúc Thật là chân dung của Chúa Giêsu, là cách sống của Người; và là con đường dẫn đến hạnh phúc thật, mà chúng ta cũng có thể đi theo với ân sủng mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta.

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 6 tháng 8 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Đại Sảnh Phaolô VI.  Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý mới về Hội Thánh.  Ngài giải thích về Hội Thánh là Giao Ước Mới và Dân Mới của Thiên Chúa.

Pope Francis addresses audience of journalists at Vatican

 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý trước, chúng ta đã thấy Hội Thánh là một dân như thế nào, một dân được chuẩn bị với lòng kiên nhẫn và tình yêu của Thiên Chúa, và chúng ta được mời gọi để thuộc về dân ấy. Hôm nay tôi muốn nhấn mạnh đến tính mới mẻ đặc trưng cho dân này, đây thực sự là một Dân Mới, dựa trên Giao Ước Mới, được Chúa Giêsu thiết lập qua món quà sự sống của Người.  Sự mới lạ này không phủ nhận con đường trước đó hoặc trái ngược với con đường ấy, nhưng thay vào đó, làm cho nó thăng tiến và đi đến hoàn thành.

1. Có một nhân vật rất quan trọng, đóng vai trò nối kết giữa Cựu Ước và Tân Ước: đó là Thánh Gioan Tẩy Giả.  Theo các Tin Mừng Nhất Lãm thì ngài là “vị tiền hô”, một người chuẩn bị cho Chúa đến, chuẩn bị cho dân chúng hoán cải tâm hồn và đón nhận sự an ủi của Thiên Chúa giờ đây đã gần.  Theo Tin Mừng của Thánh Gioan thì ngài là “nhân chứng”, vì ngài làm cho chúng ta nhận ra Chúa Giêsu là Đấng từ trời cao đến, để tha thứ cho tội lỗi của chúng ta và làm cho dân Người thành hiền thê của Người, là hoa trái đầu mùa của nhân loại mới.  Như một “vị tiền hô” và “nhân chứng”, Thánh Gioan Tẩy Giả đóng một vai trò trung tâm trong toàn thể Thánh Kinh, vì ngài hoạt động như một chiếc cầu nối giữa lời hứa của Cựu Ước và việc thể hiện nó, giữa các lời tiên tri và việc hoàn thành chúng nơi Đức Giêsu Kitô.  Với lời chứng của ngài, Thánh Gioan cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi theo Người, và nói một cách thẳng thắn rằng điều này đòi hỏi lòng khiêm nhường, ăn năn và hoán cải: đây là một lời mời gọi khiêm nhường, ăn năn và hoán cải.

2. Như ông Môsê đã thiết lập một giao ước với Thiên Chúa qua Lề Luật nhận được ở núi Sinai, thì Chúa Giêsu, từ một ngọn đồi bên hồ Galilêa, đã ban cho các môn đệ và đám đông một giáo huấn mới bắt đầu với Tám Mối Phúc Thật.  Ông Môsê đã cho dân chúng Lề Luật ở núi Sinai và Chúa Giêsu, Môsê mới, đã ban Lề Luật trên núi ấy, cạnh bờ hồ Galilêa.  Tám Mối Phúc Thật là cách mà Thiên Chúa cho thấy như câu trả lời cho ước ao hạnh phúc vốn có trong con người, và hoàn thiện hoá các Điều Răn của Cựu Ước.  Chúng ta đã quen học các Điều Răn – tất nhiên, tất cả anh chị em đều biết các Điều Răn ấy, anh chị em đã học trong giáo lý – nhưng chúng ta không quen nhắc lại Tám Mối Phúc Thật.  Thay vào đó, chúng ta hãy nhớ chúng và ghi khắc chúng vào lòng chúng ta. Chúng ta hãy làm điều: tôi sẽ cho nói cho anh chị em từng điều một và anh chị em sẽ lặp lại.  Anh chị em có đồng ý không?

Thứ nhất: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” [Lớp học lặp lại]

“Phúc cho những ai sầu khổ, vì họ sẽ được an ủi.” [Lớp học lặp lại]

“Phúc cho những ai hiền lành, vì họ sẽ được đất.” [Lớp học lặp lại]

“Phúc cho những ai khát khao sự công chính, vì họ sẽ được no đủ.” [Lớp học lặp lại]

“Phúc cho những ai thương xót người khác, vì họ sẽ được Thiên Chúa thương xót.” [Lớp học lặp lại]

“Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.” [Lớp học lặp lại]

“Phúc cho những ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa”. [Lớp học lặp lại]

“Phúc cho những ai bị bách hại vì sự công chính, vì họ sẽ được Nước Trời.” [Lớp học lặp lại]

“Phúc cho các con khi người ta nhục mạ, bách hại và vu không cho các con đủ điều vì Thầy.”  Anh chị em hãy giúp tôi: [dân chúng lặp lại] “Phúc cho các con khi người ta nhục mạ, bách hại và vu không cho các con đủ điều vì Thầy.”

“Hãy vui mừng và hân hoan, vì phần thưởng của các con ở trên trời thật lớn lao.” [Lớp học lặp lại]

Hay lắm! Nhưng chúng ta hãy làm một điều: tôi cho anh chi em một bài tập ở nhà, một việc để làm ở nhà.  Hãy cầm sách Tin Mừng, sách anh chị em mang theo với mình … Hãy nhớ rằng anh chị em phải luôn mang theo với mình một sách Tin Mừng nhỏ, trong túi áo, trong túi xách của anh chị em, luôn luôn; sách mà anh chị em có ở nhà.  Hãy mang theo mình sách Tin Mừng, và trong các chương đầu của Tin Mừng Thánh Matthêu – tôi tin rằng trong chương 5 – là Tám Mối Phúc Thật.  Và hôm nay, ngày mai, hãy đọc chúng ở nhà.  Được không? [Lớp học: Thưa được].  Không được quên, vì nó là lề luật mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta! Được không? Cảm anh chị em.

Trong những lời này có toàn thể tính mới mẻ được Đức Kitô mang đến, và toàn thể sự mới mẻ của Đức Kitô ở trong những lời này.  Thực ra, Tám Mối Phúc Thật là chân dung của Chúa Giêsu, là cách sống của Người; và là con đường dẫn đến hạnh phúc thật, mà chúng ta cũng có thể đi theo với ân sủng mà Chúa Giêsu ban cho chúng ta.

3. Bên cạnh Luật mới, Chúa Giêsu cũng ban cho chúng ta “nguyên tắc sống” mà theo đó chúng ta sẽ chịu phán xét. Vào ngày tận thế chúng ta sẽ chịu phán xét.  Và chúng ta sẽ bị chất vấn bằng những câu hỏi gì ở đó? Những câu hỏi ấy là gì?  Nguyên tắc sống dựa trên đó Vị Thẩm Phán sẽ phán xét chúng ta là gì?  Đó là những gì  chúng ta thấy trong chương 25 của Tin Mừng Thánh Matthêu.  Hôm nay, công tác của anh chị em là đọc chương 5 của Tin Mừng Thánh Mátthêu, nơi có Tám Mối Phúc Thật; và đọc chương 25, nơi có các nguyên tắc sống, những câu hỏi sẽ được chất vấn trong ngày phán xét.  Chúng ta không có các tước hiệu (chứng khoán), uy tín (thẻ tín dụng) hoặc đặc quyền để viện vào.  Chúa sẽ nhận ra chúng ta nếu chúng ta đã nhận ra Người nơi những người nghèo khó, nơi những người đói khát, nơi những người túng thiếu và bị loại ra ngoài lề xã hội, cùng nơi những người đau khổ và cô đơn… Đây là một trong những tiêu chuẩn cơ bản để xác minh đời sống Kitô hữu của chúng ta, mà dựa vào đó Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tự đo lường chính mình mỗi ngày.  Tôi đọc Tám Mối Phúc Thật và tôi nghĩ đến việc phải sống chúng như thế nào trong đời sống Kitô hữu của tôi, và sau đó tôi xét mình với chương 25 này của Thánh Matthêu.  Mỗi ngày: tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều này, tôi đã làm điều này … Vậy sẽ tốt cho chúng ta!  Những điều này đơn giản nhưng thực tế.

Các bạn thân mến, Giao Ước Mới hệ tại ở chính điều này: là nhận ra mình trong Đức Kitô, được bao bọc bởi lòng thương xót và lòng nhân từ của Thiên Chúa.  Đó là điều đổ đầy tâm hồn chúng ta với niềm vui, và chính điều này làm cho cuộc sống của chúng ta thành chứng từ xinh đẹp và đáng tin cậy của tình yêu Thiên Chúa dành cho tất cả anh chị em mà chúng ta gặp mỗi ngày.  Hãy nhớ làm bài nhé!  Chương 5 và chương 25 của Tin Mừng Thánh Matthêu. Cảm ơn anh chị em!

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2014/documents/papa-francesco_20140806_udienza-generale.html