Bài Giáo Lý 3 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô

Ý Nghĩa việc Lên Trời của Đức Kitô

Chúng ta không bao giờ bị cô đơn trong cuộc sống của mình: Chúa Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh hướng dẫn chúng ta.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 17 tháng 4 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô. Người tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin.

* * *

 Anh chị em thân mến,chào anh chị em.

Trong kinh Tin Kính chúng ta thấy có khẳng định rằng Chúa Giêsu “lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha.” Cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu đạt đến tột đỉnh với biến cố Lên Trời, nghĩa là, khi Người qua thế gian này mà về với Chúa Cha và được đưa lên ngự bên hữu Ngài. Ý nghĩa của biến cố này là gì? Hậu quả của biến cố này đối với cuộc sống của chúng ta là gì? Chiêm ngưỡng Chúa Giêsu ngự bên hữu Đức Chúa Cha nghĩa là gì? Chúng ta sẽ để cho Thánh Sử Luca hướng dẫn mình về điều này.

Chúng ta sẽ bắt đầu từ lúc Chúa Giêsu quyết định thực hiện cuộc hành trình cuối cùng của Người lên Giêrusalem. Thánh Luca ghi nhận: Khi gần đến ngày Người được đưa lên trời, Người nhất định đi lên Giêrusalem. (Lc 9:51). Trong khi Người “đi lên” Thành Thánh, nơi mà cuộc “xuất hành” của Người khỏi cuộc sống này sẽ được hoàn thành, Chúa Giêsu đã thấy cùng đích là Thiên Đàng, nhưng Người biết rõ rằng con đường sẽ đưa Người vào vinh quang của Chúa Cha phải đi qua Thánh Giá, qua sự vâng phục kế hoạch yêu thương nhân loại của Thiên Chúa. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo nói rằng việc nâng lên Chúa Giêsu lên trên thập giá ám chỉloan báo việc đưa Người lên qua sự lên Trời của Người (số 662). Trong đời sống Kitô hữu của mình, chúng ta cũng phải hiểu rất rõ rằng để đi vào vinh quang Thiên Chúa đòi hỏi phải trung thành với Thánh Ý của Ngài hàng ngày, ngay cả khi điều ấy đòi hỏi hy sinh, khi điều ấy đôi khi đòi buộc chúng ta phải thay đổi kế hoạch của mình. Việc Lên Trời của Chúa Giêsu đã diễn ra cách cụ thể trên Núi Cây Dầu, gần nơi mà Người lui về cầu nguyện trước Cuộc Khổ Nạn ở lại trong sự kết hợp mật thiết với Chúa Cha: một lần nữa chúng ta thấy rằng cầu nguyện cho chúng ta ân sủng để sống trung thành với kế hoạch của Thiên Chúa.

Ở cuối Tin Mừng của ngài, Thánh Luca kể lại biến cố Thăng Thiên một cách rất tổng hợp. Chúa Giêsu dẫn các môn đệ đi đến tận vùng gần Bêtania, và giơ tay chúc lành cho các ông. Trong khi Người đang chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời. Các ông thờ lạy Người rồi trở lại Giêrusalem, lòng tràn ngập niềm vui, và luôn ở trong Ðền Thờ mà ngợi khen Thiên Chúa. (Lc 24:50-53): Đó là điều mà Thánh Luca nói. Tôi muốn ghi nhận hai yếu tố của tường thuật này. Trước hết, trong khi Lên Trời, Chúa Giêsu làm cử chỉ chúc lành của tư tế và các môn đệ chắc chắn bày tỏ đức tin của mình với việc thờ lạy, quỳ gối và cúi đầu của các ông. Đây là một điểm quan trọng thứ nhất: Chúa Giêsu là vị tư tế duy nhất một và vĩnh cửu, là Đấng với Cuộc Khổ Nạn của Người, đã đi qua cái chết, ngôi mộ và Sống Lại cùng Lên Trời.  Người ở cạnh Thiên Chúa Cha, nơi Người mãi mãi cầu bầu cho chúng ta (x. Dt 9:24). Như Thánh Gioan nói trong Thư Thứ Nhất của ngài, Người là Ðấng Bào Chữa cho chúng ta: đẹp biết bao khi nghe điều này. Khi một người bị gọi ra trước quan tòa hay bị gọi ra xét xử, điều đầu tiên người ấy làm là tìm một trạng sư để bảo vệ mình. Chúng ta có một Đấng luôn luôn bảo vệ chúng ta. Người bảo vệ chúng ta khỏi mưu chước xảo quyệt của ma quỉ, Người bảo vệ chúng ta khỏi chính mình, khỏi tội lỗi của mình! Anh chị em thân mến, chúng ta có Đấng Bào Chữa này: chúng ta đừng sợ hãi đến cùng Người để xin ơn tha thứ, để xin phúc lành của Người, để cầu xin Người thương xót. Người luôn luôn tha thứ cho chúng ta, Người là Đấng Bào Chữa cho chúng ta: Người luôn luôn bảo vệ chúng ta. Đừng quên điều này!

Do đó việc Chúa Giêsu Lên Trời làm cho chúng ta biết thực tại rất an ủi này dành cho cuộc hành trình của mình: trong Đức Kitô, là Thiên Chúa thật và người thật, bản tính nhân loại của chúng ta đã được đưa lên cùng Thiên Chúa; Người đã mở đường cho chúng ta; Người như người đứng đầu của một dây kéo khi leo lên một ngọn núi, Đấng đến đỉnh núi và kéo chúng ta lên với chính Người, dẫn dắt chúng ta đến với Thiên Chúa. Nếu chúng ta phó thác cuộc đời của chúng ta cho Người, nếu chúng ta để cho mình được Người hướng dẫn, chúng ta nhất định ở trong vòng tay an toàn, trong vòng tay của Đấng Cứu Độ chúng ta, trong tay Đấng Bào Chữa cho chúng ta.

Một yếu tố thứ hai: Thánh Luca nói rằng các Tông Đồ, sau khi thấy Chúa lên trời, trở về Giêrusalem lòng tràn ngập niềm vui.” Điều này có vẻ hơi xa lạ đối với chúng ta. Nói chung, khi phải xa cách người thân và bạn bè của mình, vì một cuộc ra đi dứt khoát, và trên hết là vì cái chết, thì trong lòng chúng ta tự nhiên cảm thấy buồn bởi vì chúng ta sẽ không còn nhìn thấy khuôn mặt của họ, chúng ta sẽ không còn nghe thấy tiếng nói của họ, chúng ta sẽ không còn có thể tận hưởng tình cảm của họ và sự hiện diện của họ. Thay vào đó, Thánh Sử nhấn mạnh đến niềm vui sâu xa của các Tông Đồ. Nhưng làm sao điều đó có thể xảy ra?  Chính bởi vì, với cái nhìn đức tin, các ông hiểu rằng, mặc dù không còn trong tầm mắt của các ông, Chúa Giêsu luôn luôn ở lại với các ông, Người không bỏ rơi các ông, và trong vinh quang của Chúa Cha, Người nâng đỡ các ông, hướng dẫn các ông và cầu bầu cho các ông.

Thánh Luca cũng kể lại biến cố Thăng Thiên ở đầu sách Tông Đồ Công Vụ, để nhấn mạnh rằng biến cố này như cái vòng cột chặt và liên kết cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu với cuộc sống của Hội Thánh. Ở đây Thánh Luca cũng đề cập đến đám mây che khuất Chúa Giêsu khỏi nhãn quan của các môn đệ, lúc các ông vẫn còn nhìn chăm chú vào Đức Kitô khi Người lên cùng Chúa Cha (x. Cv 1:9-10). Sau đó có hai người đàn ông mặc áo choàng trắng đứng cạnh các ông, đã yêu cầu các ông đừng đứng đó nhìn trời, nhưng hãy nuôi dưỡng cuộc sống các ông và việc làm nhân chứng của các ông cho điều chắc chắn rằng Chúa Giêsu sẽ trở lại cùng một cách như các ông đã thấy Người lên trời (x. Cv 1:10-11).  Thực ra, đó là lời mời để bắt đầu từ việc chiêm niệm về quyền làm Chúa của Đức Kitô, ngõ hầu nhận được từ Người sức mạnh để mang Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng trong cuộc sống hàng ngày: Thánh Bênêdictô dạy rằng chiêm niệm và hành động, cầu nguyện và làm việc, cả hai đều cần thiết trong cuộc sống Kitô hữu của chúng ta.

Anh chị em thân mến, việc Chúa Lên Trời không biểu thị sự vắng mặt của Chúa Giêsu, nhưng nói cho chúng ta biết rằng Người vẫn còn sống và ở giữa chúng ta bằng một cách thế mới; Người không còn ở một nơi cụ thể trên thế gian như trước khi Lên Trời; giờ đây Người ở trong quyền lực của Thiên Chúa, trong sự hiện diện ở mọi không gian và thời gian, gần gũi mỗi người chúng ta. Chúng ta không bao giờ bị cô đơn trong cuộc sống của mình: Chúa Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh hướng dẫn chúng ta; có rất nhiều anh chị em cùng với chúng ta sống đức tin của họ hàng ngày trong thinh lặng và âm thầm, trong cuộc sống gia đình và làm việc của họ, trong những vấn đề và những khó khăn của họ, trong niềm vui và hy vọng của họ, và mang đến cho thế gian quyền lực của tình yêu Thiên Chúa, trong Đức Chúa Giêsu Kitô đã Sống Lại và Lên Trời, Đấng Bầu Cử cho chúng ta. Cảm ơn anh chị em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ