Bài Giáo Lý 6 của ĐTC Phanxicô về Hội Thánh: Hội Thánh Dạy Chúng Ta Biết Thương Xót

Bài Giáo Lý 6 của ĐTC Phanxicô về Hội Thánh: Hội Thánh Dạy Chúng Ta Biết Thương Xót

Có thể là một Kitô hữu không có lòng thương xót không?  Không.  Người Kitô hữu nhất thiết phải có lòng thương xót, bởi vì đây là trung tâm của Tin Mừng.

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 10 tháng 9 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý mới về Hội Thánh.  Ngài giải thích về việc Hội Thánh về thương xót như thế nào.

534329_10150928661728122_1225670160_n

Anh chị em thân mến, chào anh chị em.

Trong cuộc hành trình giáo lý về Hội Thánh của chúng ta, chúng ta đang ngừng lại để bàn đến việc Hội Thánh là mẹ.  Lần trước chúng ta đã nhấn mạnh rằng Hội Thánh làm cho chúng ta lớn lên, và với ánh sáng và sức mạnh của Lời Chúa chỉ cho chúng ta con đường cứu rỗi, cùng bảo vệ chúng ta khỏi sự dữ. Hôm nay tôi muốn nhấn mạnh đến một khía cạnh cụ thể của hoạt động giáo dục của mẹ Hội Thánh của chúng ta, đó là, Hội Thành dạy cho chúng ta các việc thương xót như thế nào.

Một nhà giáo dục tốt tập trung vào những điều thiết yếu.  Không đi lạc trong các chi tiết, nhưng muốn truyền đạt điều gì thực sự quan trọng để đứa con hoặc học sinh có thể tìm thấy ý nghĩa và niềm vui của đời sống.  Đó là sự thật.  Đó là điều cần thiết, theo Tin Mừng, là lòng thương xót.  Bản chất của Tin Mừng là lòng thương xót.  Thiên Chúa đã sai Con của Ngài xuống, Thiên Chúa làm người để cứu chúng ta, nghĩa là, để ban cho chúng ta lòng thương xót của Ngài. Chúa Giêsu đã nói một cách rõ ràng qua việc tóm lược giáo huấn của Người cho các môn đệ: “Hãy thương xót, như Cha các con là Đấng hay thương xót” (Lc 6:36).  Có thể là một Kitô hữu mà không có lòng thương xót không?  Không. Người Kitô hữu nhất thiết phải có lòng thương xót, bởi vì đây là trung tâm của Tin Mừng.  Và trung thành với giáo huấn này, Hội Thánh chỉ có thể lặp lại cùng một điều cho các con cái mình: “Hãy thương xót”, như Chúa Cha, và như Chúa Giêsu là Lòng Thương Xót.

Vì thế Hội Thánh hoạt động như Chúa Giêsu. Không dạy những bài học lý thuyết về tình yêu, về lòng thương xót.  Không truyền bá trên toàn thế giới một triết lý, một con đường khôn ngoan…. Tất nhiên, Kitô giáo cũng là tất cả những điều ấy, nhưng như là kết quả, từ suy tư.  Mẹ Hội Thánh, như Chúa Giêsu dạy bằng gương sáng, và các lời nói được sử dụng để làm sáng tỏ ý nghĩa của các cử chỉ của mình.

Mẹ Hội Thánh dạy chúng ta cho người đói khát ăn uống, cho người trần truồng áo mặc. Và Hội Thánh làm như thế nào?  Hội Thánh làm điều ấy bằng gương sáng của nhiều vị thánh đã làm điều ấy một cách gương mẫu; Hội Thánh cũng làm điều ấy bằng gương sáng của rất nhiều người cha và người mẹ, là những người dạy cho con cái của họ rằng điều chúng ta dư thừa là dành cho những người túng thiếu.  Biết điều này thật là quan trọng.  Trong những gia đình Kitô giáo đơn giản nhất luôn luôn có một nguyên tắc hiếu khách thánh thiêng: không bao giờ thiếu một đĩa thức ăn và một chiếc giường cho những người cần đến chúng.  Có một người mẹ, ở một giáo phận khác, đã nói với tôi  rằng bà muốn dạy điều này cho các con của bà và bảo chúng giúp đỡ và cung cấp thức ăn cho những người đói khát; bà có ba đứa con.  Và một hôm vào bữa trưa, khi người cha ở sở làm, bà ở với ba đứa con của bà, các cháu còn bé, khoảng 7, 5 và 4 tuổi – và có tiếng gõ cửa: có một người đàn ông xin một chút đồ ăn.  Người mẹ nói với ông: “Chờ một chút.” Và bà trở lại nói với các con: “Có một người đàn ông đang xin ăn ở ngoài kia, chúng ta phải làm gì?” “Mẹ, chúng ta cho ông ấy, chúng ta cho ông ấy.”  Mỗi người đều có một miếng thịt bít tết với khoai tây chiên trên đĩa của mình.  “Rất tốt – bà mẹ nói – các con hãy cho ông ấy một nửa đĩa của tất cả các con, và chúng ta sẽ cho ông ấy một nửa miếng bít tết của mỗi người.” “Ồ không, mẹ, điều này không tốt.”  Bà nói, “Đúng thế các con phải cho từ chính đĩa của các con.” Và thế là bà mẹ đã dạy các con bà cho người khác thức ăn từ chính đĩa của các cháu.  Đây là một gương sáng đã giúp tôi rất nhiều. “Nhưng tôi không có đồ ăn thừa …”  Hãy cho từ những gì anh chị em có.  Đó là điều chúng ta học từ Mẹ Hội Thánh.  Và các chị em, nhiều bà mẹ đang ở đây, các chị em biết phải làm gì để dạy con cái của mình rằng chúng có thể chia sẻ mọi thứ với những người nghèo khổ.

Mẹ Hội Thánh dạy chúng ta gần gũi những người đau yếu.  Có biết bao người nam nữ thánh thiện đã phục vụ Chúa Giêsu cách này! Và có biết bao người nam nữ bình thường đang thực hành việc làm thương xót này mỗi ngày trong một phòng ở bệnh viện hoặc ở viện dưỡng lão, hoặc ở nhà riêng của họ, là giúp đỡ những người bệnh tật.

Mẹ Hội Thánh dạy chúng ta gần gũi những người đang ở tù.  “Nhưng thưa Cha, không được, điều này rất nguy hiểm, họ là những người xấu.”  Nhưng mỗi người chúng ta đều có khả năng làm củng một điều mà những người ở tù đã làm!  Tất cả chúng ta đều có khả năng phạm tội và làm cũng những điều ấy, là phạm những sai lỗi trong cuộc sống.  Họ không xấu hơn anh chị em và tôi!  Lòng thương xót thắng vượt mọi bức tường, rào cản, và đưa chúng ta đến việc luôn luôn tìm kiếm khuôn mặt con người.  Chính lòng thương xót thay đổi tâm hồn và đời sống, có thể tái sinh một con người cùng cho phép người ấy hội nhập vào xã hội theo một phương cách mới.

Mẹ Hội Thánh dạy chúng ta gần gũi những người bị bỏ rơi và đang chết một mình.  Và đó là điều Chân phước Têrêsa đã làm trên đường phố Calcutta; là điều nhiều Kitô hữu đã làm và đang làm mà không sợ cầm tay những người sắp rời bỏ thế  gian này.  Và ngay cả ở đây, lòng thương xót ban bình an cho những người ra đi và những người ở lại, làm cho chúng ta cảm thấy rằng Thiên Chúa vĩ đại hơn cả sự chết, và rằng việc nghỉ ngơi nơi Ngài, ngay cả cuộc chia tay cuối cùng cũng chỉ là “tạm biệt”… Chân phước Têrêsa đã hiểu điều này!  Người ta nói với mẹ, “Thưa Mẹ, việc này mất thì giờ.”  Đi tìm người chết trên đường phố, những người bắt đầu bị những con chuột cống ăn thịt, và mẹ đã đưa họ về nhà để họ được chết sạch sẽ, yên hàn, trong sự mơn trớn và an bình.  Mẹ đã chào họ “tạm biệt,” với tất cả những điều ấy … và rất nhiều người nam và nữ như mẹ đã làm điều ấy.  Và họ đang chờ mẹ ở đó [chỉ lên trời], để mở cửa cho họ, cửa thiên đàng.  Giúp người ta chết lành, trong bình an.

Anh chị em thân mến, bằng cách này Hội Thánh là một người mẹ, dạy con mình các việc làm thương xót.  Hội Thánh đã học cách này từ Chúa Giêsu, học rằng điều này là điều thiết yếu cho ơn cứu rỗi.  Chỉ yêu thương những người yêu thương mình thì chưa đủ.  Chúa Giêsu nói rằng dân ngoại cũng làm như thế.  Chỉ làm điều tốt cho những người làm tốt cho mình thì chưa đủ.  Để thay đổi thế giới thành tốt hơn chúng ta phải làm điều tốt cho những người không có khả năng đền đáp chúng ta, cũng như Chúa Cha đã làm cho chúng ta, qua việc ban Chúa Giêsu cho chúng ta.  Chúng ta đã trả bao nhiêu cho ơn cứu chuộc của mình?  Không trả gì hết, tất cả đều nhưng không!  Hãy làm việc lành mà không mong được đáp trả chút nào.  Vậy, Đức Chúa Cha đã làm cho chúng ta thế nào thì chúng ta cũng phải làm như thế.  Hãy làm điều lành và hãy tiến bước!  Tốt đẹp biết bao khi được sống trong Hội Thánh, Mẹ Hội Thánh của chúng ta dạy chúng ta những điều mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta.  Chúng ta tạ ơn Chúa, là Đấng đã ban cho chúng ta ơn có Hội Thánh là mẹ, Hội Thánh dạy chúng ta con đường thương xót, đó là con đường sống.  Chúng ta tạ ơn Chúa.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguyên bản: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2014/documents/papa-francesco_20140910_udienza-generale.html