Bài Giáo Lý 9 của ĐTC Phanxicô về Hội Thánh: Các Kitô Hữu ngoài Công Giáo

Các Kitô Hữu ngoài Công Giáo

“Thật là đau đớn vì có những chia rẽ, có những Kitô hữu chia rẽ, chúng ta chia rẽ nhau.  Nhưng tất cả chúng ta đều có một điểm chung: chúng ta đều tin vào Chúa Giêsu Kitô, là Chúa.  Tất cả chúng ta đều tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và tất cả chúng ta cùng đi với nhau, chúng ta đang trên đường.  Chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau!”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 8 tháng 10 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý mới về Hội Thánh.  Ngài giải thích về sự liên hệ của chúng ta với các Kitô Hữu ngoài Công Giáo.

pope-outreach-ap

 

 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong bài giáo lý trước, chúng ta đã cố gắng làm sáng tỏ bản tính và vẻ đẹp của Hội Thánh, và tự hỏi rằng đối với mỗi người chúng ta, việc là phần tử của dân này, dân Thiên Chúa là Hội Thánh, có ý nghĩa gì.  Tuy nhiên, chúng ta không được quên rằng có rất nhiều anh chị em cùng chia sẻ đức tin của chúng ta trong Đức Kitô, nhưng thuộc các giáo phái khác hoặc các truyền thống khác chúng ta.  Nhiều người đã cam long chịu, ngay cả trong Hội Thánh Công Giáo của chúng ta cũng có những người cam chịu, sự chia rẽ này, là điều qua dòng lịch sử thường là nguyên nhân gây ra những xung đột và đau khổ, thậm chí cả chiến tranh, và đó là một điều hổ nhục!   Ngay cả ngày nay, các liên hệ cũng không luôn luôn dựa trên lòng tôn trọng và tình thân ái … Tuy nhiên, tôi tự hỏi: còn chúng ta, chúng ta cảm thấy thế nào về tất cả những điều ấy?  Có phải chúng ta cũng cam chịu, nếu không thì cũng chẳng quan tâm gì đến sự chia rẽ này sao?  Hoặc chúng ta có tin chắc rằng chúng ta có thể và phải đi theo đường hướng hòa giải và hiệp thông trọn vẹn không?  Hiệp thông trọn vẹn, nghĩa là cùng nhau thông phần vào Mình và Máu Đức Kitô.

Những chia rẽ giữa các Kitô hữu, khi làm tổn thương Hội Thánh thì cũng làm tổn thương Đức Kitô, và sự chia rẽ giữa chúng ta là căn nguyên của vết thương của Đức Kitô: Quả thật, Hội Thánh là thân thể mà Đức Kitô là đầu.  Chúng ta biết Chúa Giêsu quan tâm thế nào đến việc các môn đệ kết hợp với nhau trong tình yêu của Người.  Chỉ cần nghĩ đến lời của Người được ghi lại trong chương 18 của Tin Mừng Thánh Gioan, lời cầu nguyện của Người với Chúa Cha trong đêm trước cuộc Khổ Nạn: “Lạy Cha Chí Thánh, xin gìn giữ những người mà Cha đã ban cho Con trong danh Cha, để họ nên một như Chúng Ta là một.” (Ga 17:11).  Sự hợp nhất này đã bị đe dọa khi Chúa Giêsu vẫn còn ở với những kẻ thuộc về Người:  Thực ra, trong Tin Mừng, chúng ta ghi nhận rằng các Tông Đồ đã tranh luận với nhau về việc ai là người lớn nhất, quan trọng nhất (Lc 9:46).  Tuy nhiên, Chúa đã nhấn mạnh rất nhiều đến sự hợp nhất nhân danh Cha, và cho chúng ta hiểu rằng lời rao giảng và chứng từ của của chúng ta sẽ đáng tin cậy hơn nhiều nếu chính chúng ta có thể sống trong sự hiệp thông và thương yêu nhau.  Đó là điều mà sau đó các tông đồ của Người, với ân sủng của Chúa Thánh Thần, đã hiểu một cách sâu xa và ghi nhớ trong lòng, đến nỗi Thánh Phaolô phải van xin cộng đoàn Côrintô bằng những lời này:  “Nhân danh Đức Chúa Giêsu Kitô của chúng ta, tôi van nài tất cả anh em hãy đồng thanh nói cùng một điều, và đừng chia rẽ nhau nữa, nhưng hãy một lòng một ý đoàn kết với nhau” (1 Corinthians 1:10).

Trong cuộc hành trình qua lịch sử, Hội Thánh bị cám dỗ bởi ma quỉ là kẻ cố gắng chia rẽ, và chẳng may đã bị tổn thương trầm trọng và đau đớn vì những cuộc phân ly.  Những chia rẽ ấy đôi khi kéo dài một thời gian dài, cho đến ngày nay, vì vậy rất khó mà tái tạo tất cả những lý do nói trên và tìm ra những giải pháp khả thi.  Những lý do dẫn đến sự rạn nứt và phân ly có thể rất khác nhau: từ những khác biệt về những nguyên tắc tín lý và luân lý cùng những quan niệm về thần học và mục vụ khác nhau, đến những lý do chính trị và tư lợi, cho đến các cuộc bạo động vì thù nghịch cá nhân và tham vọng ….  Điều chắc chắn là, bằng cách này hay cách khác, đằng sau những xâu xé này luôn luôn có sự kiêu căng và ích kỷ, là căn nguyên của những bất đồng khiến chúng ta trở nên cố chấp, không thể lắng nghe và chấp nhận những người có quan điểm hoặc lập trường khác mình.

Giờ đây, trước tất cả những điều này, có điều gì mỗi người chúng ta, như những phần tử của Mẹ Thánh Hội Thánh, có thể và phải làm?  Chắc chắn không được bỏ cầu nguyện, trong sự liên tục và hiệp thông với Chúa Giêsu, cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.  Và cùng với cầu nguyện, Chúa cũng yêu cầu chúng ta tái mở lòng ra: yêu cầu chúng ta đừng đóng lòng lại mà không chịu chấp nhận đối thoại và gặp gỡ, nhưng thu lượm tất cả những gì là đáng giá và tích cực được cung cấp cho chúng ta bởi những người nghĩ khác chúng ta hay có những lập trường khác chúng ta.  Người yêu cầu chúng ta đừng chỉ nhìn đến những gì chia rẽ chúng ta, mà nhìn đến những gì liên kết chúng ta, cố gắng biết rõ hơn và yêu mến Chúa Giêsu hơn cùng chia sẻ sự phong phú của tình yêu Người.  Và điều này có nghĩa là gắn bó với chân lý một cách cụ thể, cùng với khả năng tha thứ, cảm thấy là phần tử của cùng một gia đình Kitô giáo, coi nhau như một món quà cho nhau và cùng nhau làm nhiều việc lành và các việc bác ái.

Thật là đau đớn vì có những chia rẽ, có những Kitô hữu chia rẽ, chúng ta chia rẽ nhau.  Nhưng tất cả chúng ta đều có một điểm chung: chúng ta đều tin vào Chúa Giêsu Kitô, là Chúa.  Tất cả chúng ta đều tin vào Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và tất cả chúng ta cùng đi với nhau, chúng ta đang trên đường.  Chúng ta hãy giúp đỡ lẫn nhau!  Nhưng anh nghĩ thế này, chị nghĩ thế kia… Trong mỗi cộng đồng có những thần học gia giỏi: họ thảo luận, họ tìm chân lý theo thần học bởi vì đó là một nhiệm vụ, nhưng chúng ta cùng đi với nhau, cầu nguyện cho nhau và làm việc bác ái.  Và do đó, hiệp thông với nhau trên đường.  Điều này được gọi là tinh thần đại kết: cùng đi với nhau trong hành trình cuộc sống trong đức tin của chúng ta vào Đức Chúa Giêsu Kitô.  Người ta nói rằng không nên nói về những điều cá nhân, nhưng tôi không thể chống lại được cám dỗ.  Chúng ta đang nói về … sự hiệp thông giữa chúng ta.  Và hôm nay, tôi cảm tạ Chúa rất nhiều, hôm nay kỷ niệm 70 năm ngày Rước Lễ Lần Đầu của tôi.  Nhưng khi rước lễ lần đầu tất cả chúng ta phải biết rằng đó có nghĩa là bước vào sự hiệp thông với người khác, vào sự hiệp thông với anh chị em của Hội Thánh của chúng ta, mà còn hiệp thông với tất cả những ai thuộc về các cộng đồng khác, nhưng tin vào Chúa Giêsu.  Chúng ta cảm tạ Chúa vì Bí Tích Rửa Tội của mình, chúng ta cảm tạ Chúa vì sự hiệp thông của mình, và cuối cùng sự hiệp thông ấy sẽ đưa tất cả lại với nhau.

Các bạn thân mến, chúng ta hãy tiến đến sự hiệp nhất trọn vẹn!  Lịch sử đã phân ly chúng ta, nhưng chúng ta đang trên đường tiến đến hòa giải và hiệp thông!  Và điều này có thật!  Và chúng ta phải bảo vệ điều này!  Tất cả chúng ta đang đi trên một cuộc hành trình hướng về sự hiệp thông.  Và khi chúng ta thấy mục tiêu có thể có vẻ quá xa vời, hầu như không thể đạt được, chúng ta cảm thấy thất vọng, thì chúng ta được an ủi với ý nghĩ rằng Thiên Chúa không thể bịt tai trước tiếng nói của Con Ngài là Chúa Giêsu mà không đáp lại lời cầu nguyện của Người và của chúng ta, rằng xin cho tất cả các Kitô hữu được thực sự nên một.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguyên bản:  http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2014/documents/papa-francesco_20141008_udienza-generale.html   

1 Corinthians 1:10
View in: NAB
10Now I beseech you, brethren, by the name of our Lord Jesus Christ, that you all speak the same thing, and that there be no schisms among you; but that you be perfect in the same mind, and in the same judgment.