Hội Thánh là Dân Thiên Chúa
“[Dân Thiên Chúa] là một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng mời gọi tất cả mọi người vào tình bằng hữu với Ngài; thành men làm dậy tất cả đống bột, muối làm cho có hương vị và giữ cho khỏi hư thối, ánh sáng chiếu soi.”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 12 tháng 6 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng trường Thánh Phêrô. Người tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và Năm Đức Tin. Hôm nay ĐTC nói về Hội Thánh là Dân Thiên Chúa.”
* * *
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Hôm nay tôi muốn suy niệm ngắn gọn về một thuật ngữ khác mà Công Đồng Vaticanô II đã dùng để định nghĩa Hội Thánh, đó là “Dân Thiên Chúa” (x. Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 9; Giáo lý Hội Thánh Công Giáo, 782). Và tôi làm thế với một số câu hỏi để mọi người có thể suy nghĩ.
1. Làm “Dân Thiên Chúa” nghĩa là gì? Trước hết, nó có nghĩa là Thiên Chúa không thuộc riêng về một dân tộc nào cả; vì chính Ngài kêu gọi chúng ta, triệu tập chúng ta, mời gọi chúng ta thành phần tử của dân Ngài, và lời mời gọi này dành cho tất cả chúng ta, không phân biệt, vì lòng thương xót của Thiên Chúa “muốn mọi người được cứu rỗi” (1 Timothy 2:4). Chúa Giêsu không bảo các Tông Đồ và chúng ta lập ra một nhóm riêng biệt, một nhóm ưu tú. Chúa Giêsu nói: hãy đi làm cho muôn dân thành môn đệ (x. Matthew 28:19). Thánh Phaolô nói rằng trong dân Thiên Chúa, trong Hội Thánh, “không còn là Người Do Thái hay người Hy Lạp … vì tất cả anh em là một trong Đức Chúa Giêsu Kitô” (Gl 3:28). Tôi cũng muốn nói với những người cảm thấy xa cách Thiên Chúa và Hội Thánh, với những người sợ hãi hoặc thờ ơ, với những người nghĩ rằng họ không còn có thể thay đổi: Chúa cũng mời gọi bạn làm phần tử của dân Ngài và Ngài làm thế với sự tôn trọng và tình yêu lớn lao! Ngài mời gọi chúng ta làm phần từ của dân này, dân Thiên Chúa.
2. Làm thế nào để một người trở thành một phần tử của dân này? Không phải qua huyết thồng (qua việc sinh ra theo thể lý), nhưng qua việc tái sinh. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô rằng một người phải được sinh ra từ trên cao, bằng nước và Thánh Thần để được vào Nước Thiên Chúa (x. Galatians 3:3-5). Chính nhờ Phép Rửa Tội mà chúng ta được giới thiệu vào dân này, nhờ đức tin vào Đức Kitô, là một hồng ân của Thiên Chúa mà chúng ta phải nuôi dưỡng và làm cho phát triển suốt đời mình. Chúng ta hãy tự hỏi: làm thế nào mà tôi có thể phát triển đức tin tôi đã nhận nhận được trong Bí tích Rửa Tội? Làm thế nào để phát triển đức tin này mà tôi đã nhận được và dân Thiên Chúa sở hữu?
3. Một câu hỏi khác. Lề luật của Dân Thiên Chúa là gì? Đó là luật của tình yêu, tình yêu dành cho Thiên Chúa và tình yêu dành cho tha nhân theo giới luật mới mà Chúa đã để lại cho chúng ta (x. Ga 13:34). Tuy nhiên, một tình yêu không phải theo tính đa tình vô bổ hoặc một điều gì mơ hồ, nhưng là một tình yêu nhìn nhận Thiên Chúa là Chúa duy nhất của cuộc đời, đồng thời chấp nhận người khác như anh em thật sự, vượt trên những chia rẽ, cạnh tranh, hiểu lầm, ích kỷ; hai điều này đi cùng nhau. Chúng ta còn phải làm cách nào nữa để sống luật mới này một cách cụ thể, luật của Chúa Thánh Thần là Đấng hành động trong chúng ta, luật của đức ái, của tình yêu!
Khi chúng ta xem báo hay truyền hình, chúng ta thấy có rất nhiều cuộc chiến tranh giữa các Kitô hữu; nhưng làm sao điều này có thể xảy ra? Trong dân Thiên Chúa, có quá nhiều chiến tranh! Trong các khu phố, ở sở làm, có biết bao nhiêu cuộc chiến tranh vì đố kỵ và ghen tương! Thậm chí trong cùng một gia đình, có bao nhiêu cuộc chiến tranh nội bộ! Chúng ta phải cầu xin Chúa giúp chúng ta hiểu lề luật của tình yêu này. Đẹp biết bao khi yêu thương nhau như anh em thật. Đẹp biết bao! Chúng ta hãy làm một điều gì hôm nay. Chắc chắn rằng tất cả chúng ta đều có những người chúng ta có cảm tình và không có cảm tình; có lẽ nhiều người trong chúng ta hơi có một chút giận dữ với một người nào đó; như vậy chúng ta hãy thưa cùng Chúa: Lạy Chúa, con đang giận người này hay người kia. Con sẽ cầu nguyện cho anh ấy và cho chị ấy. Cầu nguyện cho những người mà chúng ta giận là một bước tiến tốt đẹp trong lề luật của tình yêu. Chúng ta có làm điều ấy không? Chúng ta hãy làm điều ấy ngày hôm nay!
4. Sứ mệnh có dân này là gì? Là để mang đến cho thế giới niềm hy vọng và ơn cứu độ của Thiên Chúa, là một dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa, Đấng mời gọi tất cả mọi người vào tình bằng hữu với Ngài; thành men làm dậy tất cả đống bột, muối làm cho có hương vị và giữ cho khỏi hư thối, ánh sáng chiếu soi. Chung quanh chúng ta, chỉ cần mở một tờ báo – như tôi đã nói – chúng ta có thể thấy rằng có sự hiện diện của sự dữ, là những điều mà Quỷ Dữ làm. Nhưng tôi muốn nói lớn tiếng rằng: Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn! Anh chị em có tin điều này không: Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn? Nhưng chúng ta cùng nhau nói điều ấy, tất cả chúng ta hãy cùng nhau nói: Thiên Chúa còn mạnh mẽ hơn! Và anh chị em có biết tại sao Ngài mạnh mẽ hơn không? Bởi vì Ngài là Chúa, là Chúa.
Và tôi muốn nói thêm rằng thực tại, đôi khi đen tối và bị đánh dấu bởi sự dữ, có thể được thay đổi, nếu chúng ta, là những người đầu tiên, mang ánh sáng của Tin Mừng đến, đặc biệt là bằng đời sống của mình. Nếu ở một vận động trường, nơi đây chúng ta nghĩ đến vận động trường Thế Vận Hội ở Roma, hoặc vận động trường San Lorenzo ở Buenos Aires, trong một đêm đen có một người thắp lên một ánh sáng, thì người ta có thể nhìn thấy chút ít, nhưng nếu hơn 70.000 khán giả mỗi người đều thắp lên ánh sáng của họ, sân vận động sẽ sáng ngời. Hãy làm cho cuộc đời của chúng ta thành một ánh sáng của Đức Kitô; cùng nhau chúng ta sẽ mang ánh sáng của Tin Mừng đến cho toàn thể thực tại.
5. Cùng đích của dân này là gì? Cùng đích của họ là Nước Thiên Chúa, đã khởi sự trên trần thế bởi chính Thiên Chúa, và cần phải được lan rộng cho đến lúc hoàn thành, khi Đức Kitô, sự sống của chúng ta xuất hiện (x. Lumen Gentium, 9). Như thế, lý do chính của cuộc đời là hiệp thông hoàn toàn với Chúa, liên hệ quen thuộc với Chúa, bước vào sự sống thần linh của Người, nơi chúng ta sẽ sống niềm vui của tình yêu vô hạn Người, một niềm vui trọn vẹn.
Anh chị em thân mến, là Hội Thánh, là dân Thiên Chúa, theo chương trình cao cả của tình yêu của Chúa Cha, có thể nói là men của Thiên Chúa trong nhân loại chúng ta, có nghĩa là công bố và đem ơn cứu độ của Thiên Chúa vào thế giới của chúng ta, là thế giới thường bị lạc đường, cần những câu trả lời khích lệ, ban hy vọng cho nó, ban cho nó sức lực mới trong cuộc hành trình. Nguyện xin cho Hội Thánh thành một nơi của cả lòng thương xót lẫn hy vọng của Thiên Chúa, nơi mà mỗi người có thể cảm thấy được đón nhận, yêu thương, tha thứ, khích lệ để sống cuộc sống tốt đẹp của Tin Mừng. Và để làm cho người khác cảm thấy được đón nhận, yêu thương, tha thứ, khích lệ, Hội Thánh cần phải mở các cửa ra, để mọi người có đi vào. Còn chúng ta, chúng ta phải đi ra ngoài qua những cánh cửa ấy và rao giảng Tin Mừng.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ