“Thời gian ở trong hoang địa có thể biến thành một thời gian ân sủng”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý về bốn mươi ngày Mùa Chay của ĐTC Bênêđictô XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư mùng 22 tháng 2 năm 2012 tại Đại Sảnh Phaolô VI.
* * *
Anh chị em thân mến,
Trong bài Giáo Lý này tôi muốn suy niệm ngắn gọn về Mùa Chay, bắt đầu ngày hôm nay với Phụng Vụ Thứ Tư Lễ Tro. Đó là một cuộc hành trình bốn mươi ngày dẫn chúng ta vào Tam Nhật Thánh, tưởng nhớ cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Sự Phục Sinh của Chúa, là trọng tâm của mầu nhiệm cứu độ của chúng ta. Trong những thế kỷ đầu của Hội Thánh, đây là thời gian mà những người đã nghe và chấp nhận sứ điệp của Chúa bắt đầu bước từng bước trên cuộc hành trình đức tin và hoán cải để đạt đến bí tích rửa tội. Đó là một cách tiếp cận Thiên Chúa hằng sống và gia nhập vào đức tin, là điều được thực hiện dần dần, qua một sự hoán cải nội tâm của những người dự tòng, nghĩa là những người muốn trở thành Kitô hữu và được tháp nhập vào Đức Kitô trong Hội Thánh.
Tiếp theo là các hối nhân và sau đó tất cả các tín hữu được mời để cảm nghiệm cuộc hành trình canh tân tinh thần này, để làm cho đời sống của họ được đồng hình đồng dạng hơn với chính đời sống của Đức Kitô. Việc tham gia của cộng đồng trong những bước khác nhau của cuộc hành trình Mùa Chay nhấn mạnh một chiều kích quan trọng của linh đạo Kitô giáo: ơn cứu chuộc không phải là cho một số người, nhưng cho tất cả, có thể có được nhờ cái chết và sự sống lại của Đức Kitô. Vì vậy, cả những người đi trên cuộc hành trình đức tin như những người dự tòng để lãnh nhận bí tích rửa tội, và những người đã lạc xa Thiên Chúa và cộng đồng đức tin và những người tìm kiếm hòa giải, hoặc những người sống đức tin của họ trong sự hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh, tất cả đều cùng nhau biết rằng thời gian trước lễ Phục Sinh là một thời gian để metanoia (hoán cải), tức là thay đổi nội tâm, ăn năn hối cải. Nó là thời gian xác định cuộc sống con người và toàn bộ lịch sử của chúng ta như một tiến trình hoán cải được bắt đầu ngay bây giờ để gặp Chúa trong ngày sau hết.
Với một cách diễn tả điển hình trong Phụng vụ, Hội Thánh gọi thời kỳ mà chúng ta đang bước vào hôm nay là “Mùa Chay”, là thời gian bốn mươi ngày, mà Thánh Kinh nói đến rõ ràng, giới thiệu chúng ta vào một bối cảnh tinh thần cụ thể. Thực ra, bốn mươi là con số biểu tượng mà qua đó Cựu Ước và Tân Ước trình bày những điểm nổi bật của kinh nghiệm đức tin của dân Thiên Chúa. Nó là một con số diễn tà thời gian chờ đợi, thanh tẩy, trở về với Chúa, ý thức rằng Thiên Chúa trung thành với các lời hứa của Ngài. Con số này không phải là một thời gian theo thứ tự chính xác, được đánh dấu bời tổng số của những ngày. Thay vào đó, nó ám chỉ một sự kiên trì nhẫn nại, một cuộc thử thách lâu dài, một thời gian dài đủ để thấy các công trình của Thiên Chúa, một thời gian cần thiết để quyết định chấp nhận trách nhiệm của mình mà không trì hoãn thêm. Nó là thời gian của những quyết định trưởng thành.
Số bốn mươi xuất hiện đầu tiên trong lịch sử ông Nôe. Người công chính này, vì trận hồng thủy đã ở trong tàu bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, cùng với gia đình ông và các thú vật mà Thiên Chúa đã truyền cho ông đem lên với ông. Sau trận hồng thủy, ông phải chờ đợi bốn mươi ngày nữa trước khi xuống đất liền, được cứu khỏi bị tiêu diệt (xem St 7:4.12; 8:6). Sau đó, bước tiếp theo: Ông Môsê đã ở lại trên núi Sinai, trong sự hiện diện của Chúa, bốn mươi ngày và bốn mươi đêm, để nhận Lề Luật. Ông ăn chay trong suốt thời gian này (x. Xh 24:18). Bốn mươi năm là thời gian hành trình của dân Do Thái từ Ai Cập về Đất Hứa, và thời gian để cảm nghiệm lòng trung thành của Thiên Chúa. Ông Môsê đã nói trong Đệ Nhị Luật vào cuối của bốn mươi năm di dân rằng: “Anh em hãy nhớ lại đoạn đường dài trong hoang địa mà Đức Giavê, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt bốn mươi năm… Trong bốn mươi năm ấy, quần áo anh em đã không tả tơi, và chân anh em đã không xưng lên“ (Đnl 8:2.4). Những năm thanh bình mà dân Israel được hưởng dưới quyền các Thủ Lãnh là bốn mươi năm (x. TL 3:11,30), nhưng, sau khi thời gian này qua đi, họ bắt đầu quên những hồng ân của Thiên Chúa và phạm tội trở lại. Ngôn sứ Êlia phải đi bốn mươi ngày để đến Núi Horeb, ở đó ông gặp Thiên Chúa (x. 1 V 19,8). Bốn mươi cũng là những ngày trong đó dân thành Nineveh làm việc đền tội để được Thiên Chúa tha thứ (x. Gn 3,4). Bốn mươi năm cũng là thời gian cai trị của vua Saulê (x. Cv 13:21), Đavid (x. 2 Samuel 5:4-5) và Solomon (x. 1 V 11:41), ba vị vua đầu tiên của Israel. Ngay cả các Thánh Vịnh trong Thánh Kinh cũng phản ánh về ý nghĩa của bốn mươi năm, chẳng hạn như Thánh Vịnh 95, mà chúng ta vừa nghe: ”Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Người phán: ”Các ngươi chớ cứng lòng như tại Meriba, như ngày ở Massa trong hoang địa, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm. Suốt bốn mươi năm dòng giống này làm Ta chán ngán, Ta đã nói: đây là dân tâm hồn lầm lạc, chúng nào biết đến đường lối của Ta” (câu 7c-10).
Trong Tân Ước, trước khi bắt đầu cuộc đời công khai của Người, Chúa Giêsu đã lui vào hoang địa bốn mươi ngày mà không ăn uống gì cả (x. Mt 4.2): Người được nuôi bằng Lời Chúa, mà Người sử dụng như vũ khí để chiến thắng ma quỷ. Những cám dỗ của Chúa Giêsu nhắc lại những gì những dân Do Thái phải đối diện trong hoang địa, nhưng họ đã không thể thắng vượt. Bốn mươi là những ngày mà trong đó, Chúa Giêsu Phục Sinh dạy dỗ các môn đệ, trước khi lên Trời và gửi Chúa Thánh Thần xuống (x. Cv 1:3).
Con số bốn mươi được lập lại nhiều lần này mô tả một bối cảnh tinh thần vẫn còn thích đáng và có giá trị, và Hội Thánh, chính qua những ngày này của Mùa Chay, sẽ duy trì giá trị lâu dài của nó và làm cho hiệu quả của nó hiện diện với chúng ta. Phụng vụ Kitô giáo của Mùa Chay có ý tạo điều kiện thuận lợi cho một cuộc hành trình canh tân tinh thần trong ánh sáng của kinh nghiệm Thánh Kinh dài này và đặc biệt là cho việc học theo gương Chúa Giêsu, là Đấng đã trải qua bốn mươi ngày trong hoang địa và dạy chúng ta thắng cám dỗ bằng Lời Chúa. Bốn mươi năm lang thang nơi hoang địa diễn tả những thái độ và tình trạng mâu thuẫn. Một đàng, chúng đại diện cho mùa của mối tình đầu với Thiên Chúa, và giữa Thiên Chúa cùng dân Ngài khi Ngài nói với con tim của họ và luôn luôn chỉ đường đi cho họ. Do đó, có thể nói được rằng Thiên Chúa đã thiết lập một chỗ cư ngụ giữa dân Israel, Ngài đi trước họ trong đám mây hoặc cột lửa, đảm bảo thực phẩm cho họ mỗi ngày bằng cách làm cho manna rơi xuống và cho nước vọt ra từ tảng đá. Vì vậy, những năm mà dân Israel trải qua trong hoang địa, có thể được coi như thời gian tuyển chọn đặc biệt của Thiên Chúa và gắn bó của dân Israel với Ngài: thời gian của mối tình đầu. Đàng khác, Thánh Kinh cũng cho thấy một hình ảnh về cuộc lang thang của dân Israel trong hoang địa là thời gian cám dỗ lớn lao và nguy hiểm nhất, khi dân Israel lẩm bẩm kêu trách Thiên Chúa của họ cùng muốn quay trở lại với ngoại giáo và xây dựng các thần tượng riêng của họ, vì họ cảm thấy cần phải thờ phượng một Thiên Chúa gần gũi và hữu hình hơn. Đó cũng là thời gian nổi loạn chống lại Thiên Chúa cao cả và vô hình.
Chúng ta cũng tìm thấy điều mâu thuẫn này, thời gian gần gũi đặc biệt với Thiên Chúa – mối tình đầu – và thời gian của cám dỗ – cám dỗ trở lại với ngoại giáo – một cách đáng ngạc nhiên trong cuộc hành trình dương thế của Chúa Giêsu, đương nhiên là không có bất kỳ thỏa hiệp nào với tội lỗi. Sau khi chịu phép rửa thống hối ở sông Giodăng, Chúa Giêsu gánh lấy thân phận Người Tôi Tớ của Thiên Chúa, Người hy sinh chính mình để sống cho những người khác, và tự đặt mình giữa những người tội lỗi để gánh lấy tội lỗi của thế gian. Người đã vào hoang địa bốn mươi ngày để sống trong sự kết hợp sâu xa với Chúa Cha, như thế Người lặp lại lịch sử của dân Israel, tất cả những nhịp điệu của bốn mươi ngày hoặc bốn mươi năm mà tôi đã nói đến. Sự năng động này là một sự không thay đổi trong cuộc đời dương thế của Chúa Giêsu, Người luôn tìm kiếm những giờ phút cô tịch để cầu nguyện với Cha Người và ở lại trong sự hiệp thông mật thiết với Ngài, trong sự cô tịch thân mật với Ngài, trong sự hiệp thông độc nhất với Ngài, để sau đó trở lại giữa đám đông. Tuy nhiên, trong thời gian “hoang địa” này và cuộc gặp gỡ đặc biệt với Đức Chúa Cha, Chúa Giêsu có nguy cơ bị tấn công bằng những cám dỗ và quyến rũ của Quỷ Dữ, là kẻ cung cấp cho Người một cách làm thiên sai khác, tách rời kế hoạch của Thiên Chúa, bởi vì đạt được nhờ quyền bính, sự thành công và sự thống trị chứ không phải qua món quà tự hiến hoàn toàn trên Thánh Giá. Đây là hai cách khác nhau: một thiên sai quyền bính và thành công, hoặc một thiên sai của tình yêu, món quà của tự hiến.
Trạng thái mâu thuẫn này cũng mô tả thân phận của Hội Thánh lữ hành trong “hoang địa” thế gian và lịch sử. Trong “hoang địa” này chúng ta tin chắc rằng mình có cơ hội để có một kinh nghiệm sâu xa về Thiên Chúa, Đấng củng cố cho tinh thần, thêm sức cho đức tin, nuôi dưỡng đức cậy, và làm cho đức ái được linh hoạt. Đó là một kinh nghiệm làm cho chúng ta trở thành những người dự phần vào chiến thắng của Đức Kitô trên tội lỗi và sự chết qua Hy Tế tình yêu trên Thánh Giá. Nhưng “hoang địa” cũng là một khía cạnh tiêu cực của thực tại chung quanh chúng ta: sự khô cằn; nghèo nàn trong những lời của sự sống và các giá trị; chủ nghĩa thế tục và nền văn hóa duy vật, là những điều giam hãm con người trong trong những phạm vi hiểu biết thế tục về cuộc đời, làm mất đi tất cả mọi sự liên hệ đến sự siêu việt. Và đó cũng là môi trường mà trong đó bầu trời phía trên chúng ta ra tối tăm vì bị bao phủ bởi những đám mây của hiểu lầm, ích kỷ và lừa dối. Mặc dù thế, ngay cả đối với Hội Thánh ngày nay, thời gian ở hoang địa có thể biến thành một thời gian ân sủng, bởi vì chúng ta tin chắc rằng Thiên Chúa có thể làm cho nước hằng sống, là nước làm thỏa cơn khát và đem lại sự khoan khoái cho chúng ta, vọt ra từ ngay cả một tảng đá cứng nhất.
Anh chị em thân mến, trong bốn mươi ngày này, là những ngày dẫn chúng ta đến lễ Phục Sinh, chúng ta có thể tìm thấy sự can đảm mới để chấp nhận một cách kiên nhẫn và với đức tin mọi hoàn cảnh khó khăn, đau khổ và thử thách, với ý thức rằng Chúa sẽ làm ra một ngày mới từ đêm đen. Và nếu chúng ta trung thành với Chúa Giêsu cùng theo Người trên đường Thập Giá, thì thế giới tươi sáng của Thiên Chúa, thế giới của ánh sáng, của chân lý, và của niềm vui sẽ được phục hồi cho chúng ta: Nó sẽ là một bình minh mới được tạo ra bởi chính Thiên Chúa. Tôi cầu chúc tất cả anh chị em một cuộc hành trình của Mùa Chay đầy phúc lành!
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngử