Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Ba Lời Quan Trọng trong Gia Đình

“Xin Phép”, “Cảm Ơn” và “Xin Lỗi”

“Ba lời “xin phép”, “cảm ơn” và “xin lỗi”… mở ra một con đường để sống hạnh phúc và an hoà trong gia đình. Những lời này rất đơn sơ, nhưng không dễ thực hành!  Chúng hàm chứa một sức mạnh phi thường: sức mạnh để bảo vệ gia đạo, ngay cả trước hàng ngàn khó khăn và thử thách; ngược lại, việc thiếu chúng sẽ từ từ sẽ gây ra các rạn nứt, thậm chí có thể làm đổ vỡ gia đình..”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 13  tháng 5 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Gia Đình.  Ngài giải thích về tầm quan trọng của ba chữ “Xin Phép”, “Cảm Ơn” và “Xin Lỗi” trong Gia Đình.

FamilyPope

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài giáo lý hôm nay như cánh cửa mở ra cho một loạt những suy tư về đời sống gia đình, đời sống thật sự của gia đình, với những thời điểm và những biến cố của nó.  Ở cánh cửa này có viết ba lời, mà tôi đã sử dụng nhiều lần. Và những lời này là: xin phép”, “cảm ơn” “xin lỗi”. Thực ra, những lời này mở ra một con đường để sống hạnh phúc và an hoà trong gia đình. Những lời này rất đơn sơ, nhưng không dễ thực hành!  Chúng hàm chứa một sức mạnh phi thường: sức mạnh để bảo vệ gia đạo, ngay cả trước hàng ngàn khó khăn và thử thách; ngược lại, việc thiếu chúng sẽ từ từ sẽ gây ra các rạn nứt, thậm chí có thể làm đổ vỡ gia đình.

Chúng ta thường hiểu những lời này như những những lời của “người có giáo dục.”  Đúng vậy, một người có giáo dục biết xin phép, biết nói lời cảm ơn hay xin lỗi nếu làm sai.  Đúng, giáo dục tốt rất quan trọng.  Một đại Giám Mục, Thánh Phanxicô đệ Salê thường nói rằng “giáo dục tốt là một nửa của sự thánh thiện”. Tuy nhiên, hãy thận trọng, qua lịch sử chúng ta cũng biết rằng một hình thức cư xử tốt bề ngoài có thể trở thành một mặt nạ che giấu sự cằn cỗi của tâm hồn và sự thờ ơ với người khác.  Người ta thường nói: “Đằng sau nhiều cách cư xử tốt che giấu những thói quen xấu.”  Ngay cả tôn giáo cũng không tránh khỏi nguy cơ này, làm cho nó rơi vào việc tuân giữ hình thức theo tinh thần thế tục.  Ma quỷ, tên cám dỗ Chúa Giêsu, cũng cư xử tốt với Người và trích dẫn cả Thánh Kinh, có vẻ như một thần học gia!  Kiểu cách của nó có vẻ đúng, nhưng ý đồ của nó là làm cho Người đi sai chân lý của tình yêu Thiên Chúa.  Ngược lại, chúng ta hiểu giáo dục tốt theo quan hệ thực sự của nó, là nơi mà cung cách của các mối liên hệ tốt đâm rễ sâu trong lòng yêu thích sự tốt lành và lòng tôn trọng người khác.  Gia đình sống trong sự tế nhị này của tình yêu thương.

Lời đầu tiên là xin phép” hay “làm ơn.”  Khi chúng ta cẩn thận hỏi một cách lịch sự điều có lẽ chúng ta nghĩ rằng mình có thể mong đợi, chúng ta đưa ra một sự bảo vệ thật cho tinh thần chung sống của hôn nhân và gia đình.  Bước vào cuộc sống của một người khác, ngay cả khi người ấy là một phần cuộc sống của mình, đòi hỏi sự tế nhị của một thái độ không xâm lấn, đổi mới niềm tin tưởng và sự tôn trọng.  Tóm lại, sự tự tin tưởng không cho phép chúng ta coi tất cả mọi sự như điều đương nhiên.  Và tình yêu, càng mật thiết và sâu đậm bao nhiêu thì càng đòi hỏi phải tôn trọng sự tự do và khả năng chờ đợi người khác mở cửa lòng ra cho mình bấy nhiêu.  Về điểm này, chúng ta nên nhớ đến lời Chúa Giêsu nói trong sách Khải Huyền: “Này, Ta đứng trước cửa và gõ, nếu ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ ăn tối với người ấy, và người ấy sẽ ăn tối với Ta.”(3:20).  Ngay cả Chúa cũng phải xin phép để bước vào!  Đừng quên điều đó.  Trước khi anh chị em làm điều gì trong gia đình: “Xin lỗi, anh/em có thể làm điều ấy không?  Anh/em có muốn em/anh làm như thế không?”  Đó là ngôn ngữ lịch sự và đầy yêu thương.  Và điều ấy đem lại nhiều sự tốt lành cho các gia đình.

Lời thứ hai là “cảm ơn.”  Đôi khi người ta nghĩ rằng chúng ta đang biến thành một nền văn minh của cung cách cư xử tồi tệ và lời nói xấu xa, như thể chúng là dấu chỉ của việc giải phóng.  Tất cả chúng ta nghe thấy điều ấy nhiều lần, thậm chí cách công khai.  Sự tử tế và khả năng biết cảm ơn bị coi như một dấu chỉ của yếu đuối, đôi khi thậm chí còn gây ra nghi ngờ.  Chúng ta phải chống lại khuynh hướng này ngay cả trong lòng của gia đình.  Chúng ta phải kiên quyết trong việc giáo dục về lòng nhớ ơn, lòng biết ơn: cả phẩm giá con người lẫn công bằng xã hội đều đi qua đó.  Nếu đời sống gia đình coi thường cách sống này, ngay cả đời sống xã hội cũng sẽ mất nó.  Còn đối với một tín hữu, lòng biết ơn là trung tâm của đức tin: một Kitô hữu không biết cảm ơn là người đã quên ngôn ngữ của Thiên Chúa.  Anh chị em hãy nghe đây.  Hãy nhớ lại câu hỏi của Chúa Giêsu, khi Người chữa lành mười người phong cùi và chỉ có một người trong họ trở lại để cảm ơn (Lc 17:18).  Có lần tôi được nghe từ một ông cụ, rất khôn ngoan, rất tốt lành, đơn sơ, nhưng với sự khôn ngoan của lòng nhân từ, của đời sống: “Lòng biết ơn là một loại cây chỉ mọc ở vùng đất của những linh hồn cao quý.”  Sự cao quý của linh hồn, là ân sủng của Thiên Chúa trong linh hồn thúc giục chúng ta phải nói lời cảm ơn, biết ơn.  Nó là loài hoa của một tâm hồn cao quý.  Đó là một điều tốt!

Lới thứ ba là xin lỗi. Chắc chắn là lời khó nói lên nhưng rất cần thiết.  Khi thiếu nó, các rạn nứt nhỏ sẽ mở rộng ra – ngay cả khi vô tình – thành những rãnh sâu.  Trong lời kinh Chúa Giêsu dạy, “Kinh Lạy Cha”, là kinh tóm tắt tất cả những vấn đề quan trọng cho cuộc sống của chúng ta, không phải là vu vơ mà chúng ta tìm thấy biểu thức này: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6: 12).  Nhìn nhận những thất bại, và mong ước đền trả những gì đã bị lấy đi – tôn trọng, trung thực, yêu thương – làm cho người ta đáng được tha thứ.  Vì thế, làm lành các vết thương bị nhiễm trùng.  Nếu chúng ta không có khả năng xin lỗi, cũng có nghĩa là chúng ta cũng không có khả năng tha thứ.  Trong ngôi nhà không có sự xin lỗi thì không khí bắt đầu ngột ngạt và nước trở nên tù hãm.  Quá nhiều vết thương đau khổ, quá nhiều nước mắt trong gia đình đã được bắt đầu chỉ vì thiếu lời “xin lỗi” quý báu này: Trong đời sống hôn nhân có nhiều bất hoà, đôi khi ngay cả “chén đĩa cũng bay,” nhưng tôi muốn tặng anh chị em một lời khuyên: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hòa với nhau!  Hãy nghe đây: vợ chồng có bất hoà với nhau không? Con cái với cha mẹ thì sao? Anh chị em có tranh cãi nhiều không?  Đó không phải là điểu tốt, nhưng thực sự không phải là vấn đề.  Vấn đề là cảm giác y vẫn còn hiện diện trong ngày hôm sau.  Vì vậy, nếu anh chị em đã có một cuộc tranh chấp, đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm hoà trong gia đình.  Và làm thế nào để làm hòa?  Quỳ gối van xin sao?  Không! Chỉ cần một cử chỉ nhỏ, cũng như một điều gì nho nhỏ, và sự hòa hợp sẽ trở lại trong gia đình.  Chỉ cần một cái vuốt ve!  Không cần nói gì cả.  Nhưng đừng bao giờ kết thúc một ngày trong gia đình mà không làm hòa với nhau!  Anh chị em có hiểu điều ấy không?  Nó không phải là điều dễ dàng, nhưng phải làm.  Và với điều ấy cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn.

Ba lời quan trọng của gia đình là những lời đơn sơ, và có lẽ thoạt đầu làm chúng ta bật cười. Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta quên mất chúng, thì không còn gì để cười nữa, phải không?  Có lẽ nền giáo dục của chúng ta cũng không đếm xỉa đến chúng.  Nguyện xin Chúa giúp chúng ta đặt chúng trở lại đúng vị trí, trong tâm hồn chúng ta, trong nhà chúng ta, và ngay cả trong xã hội dân sự của chúng ta.

Và giờ đây tôi xin mời tất cả anh chị em cùng nhau lặp lại ba lời: xin phép”, “cảm ơn”, “xin lỗi”. Tất cả cùng nhau: “xin phép”, “cảm ơn”, “xin lỗi”. Đó là những lời có thể đem tình yêu vào gia đình, để cho gia đình được tồn tại.  Rồi chúng ta hãy lặp lại lời tôi vừa khuyên, tất cả hãy cùng nhau: Đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm cho hòa với nhau.  Tất cả: Đừng bao giờ kết thúc một ngày mà không làm cho hòa với nhau.  Cảm ơn anh chị em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ 

http://giaoly.org/vn/

Nguyên bản: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2015/documents/papa-francesco_20150513_udienza-generale.html