Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Bệnh Tật trong Gia Đình

“Sự yếu đuối và đau khổ của những người thân yêu nhất và thánh thiêng nhất của chúng ta, có thể trở thành một trường học sống cho con cái và cháu chắt chúng ta – điều quan trọng là phải giáo dục con cháu hiểu sự gần gũi này khi có người đau ốm trong gia đình.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 10 tháng 6 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Gia Đình.  Ngài giải thích về tầm quan trọng của việc săn sóc những người bệnh trong Gia Đình.

* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Chúng ta tiếp tục với các bài giáo lý về gia đình, và trong bài giáo lý này, tôi muốn bàn về một điều rất thông thường trong đời sống của các gia đình, là về bệnh tật. Đó là kinh nghiệm về sự mỏng giòn của chúng ta, chúng ta sống hầu hết trong gia đình, từ khi còn nhỏ, và sau đó đặc biệt là lúc về già, khi đau nhức xảy đến. Trong phạm vi liên hệ gia đình, bệnh tật của những người thân yêu thường làm tăng thêm đau khổ và lo âu.  Chính tình yêu làm cho chúng ta cảm thấy điều này “nhiều hơn”.  Nhiều lần đối với một người cha và một người mẹ, chịu đựng bệnh tật của một đứa con trai hay con gái còn khó khăn hơn là chịu đựng bệnh tật của chính mình.  Chúng ta có thể nói rằng gia đình luôn luôn là một “bệnh viện” gần nhất.  Ngay cả ngày nay, ở nhiều vùng trên thế giới, bệnh viện là một đặc ân cho một số ít người, và thường lại xa xôi.  Chính mẹ cha, anh chị em và bà nội bà ngoại bảo đảm sự săn sóc và giúp chữa lành.

Trong các sách Tin Mừng, có nhiều đoạn kể lại những cuộc gặp gỡ các bệnh nhân và sự dấn thân chữa lành của Chúa Giêsu.  Người công khai tỏ mình ra như một chiến sĩ chống lại bệnh tật và là Đấng đến để chữa con người khỏi mọi bệnh tật: bệnh tật tinh thần và bênh tật thể xác. Cảnh tượng được nhắc đến trong Tin Mừng của Thánh Marcô thật là cảm động. Ngài kể rằng: “Chiều hôm ấy, sau khi mặt trời lặn, người ta đem đến cho Người mọi kẻ ốm đau và những kẻ bị quỷ ám.” (1:32).  Khi nghĩ đến các thành phố lớn hiện đại, tôi tự hỏi đâu là những cánh cửa mà ở đó người ta có thể mang những bệnh nhân đến với hy vọng được chữa lành!  Chúa Giêsu không bao tránh việc chăm sóc cho họ.  Người không bao giờ bước qua, Người không bao giờ quay mặt đi chỗ khác.  Và khi một người cha hoặc một người mẹ, hay cả bạn bè đem một bệnh nhân đến trước mặt Người để Người chạm đến và chữa lành cho họ, Người không chần chừ; việc chữa lành còn hơn lề luật, ngay cả luật thánh thiêng như nghỉ ngơi trong ngày Sabát (Mc 3:1-6).  Các luật sĩ trách Chúa Giêsu vì Người chữa lành trong ngày Sabát, vì làm việc lành trong ngày Sabát. Nhưng tình yêu của Chúa Giêsu là để ban sức mạnh, làm việc lành: và điều đó luôn luôn đứng hàng đầu!

Chúa Giêsu sai các môn đệ của Người đi làm công việc của chính Người và ban cho họ quyền năng chữa lành, hoặc gần gũi những người bệnh và chăm sóc cho họ đến cùng (x. Matthew 10:1). Chúng ta phải ghi nhớ điều Người nói với các môn đệ trong cảnh người mù từ thủa sơ sinh (Ga 9:1-5). Các môn đệ – với người mù trước mặt! – đã  tranh luận về việc ai đã phạm tội, bởi vì anh ta bị mù từ thủa mới sinh, anh ta hay cha mẹ anh, làm cho anh bị mù.  Chúa nói rõ ràng rằng, chẳng phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh; mà lý do là để công việc của Thiên Chúa được biểu lộ nơi anh.  Và Người đã chữa lành anh.  Đó là vinh quang của Thiên Chúa!  Đó là nhiệm vụ của Hội Thánh!  Giúp đỡ bệnh nhân, không được thiếu xót nhiệm vụ này, luôn luôn trợ giúp, an ủi, nâng đõ, gần gũi người bệnh; đó là nhiệm vụ.

Hội Thánh mời gọi chúng ta liên tục cầu nguyện cho những người thân yêu của mình đang mắc bệnh.  Không bao giờ được chểnh mảng việc cầu nguyện cho những người bệnh.  Thật vậy, chúng ta phải cầu nguyện nhiều hơn nữa, cả cá nhân lẫn cộng đồng.  Chúng ta hãy nghĩ đến đoạn Tin Mừng về người phụ nữ Canaan (x Matthew 15:21-28).  Bà là một phụ nữ ngoại giáo, không phải dân Israel, nhưng một người ngoại giáo, đã cầu xin Chúa Giêsu chữa lành cho con gái bà.  Để thử lòng tin của bà Chúa Giêsu trước hết đã trả lời một cách cứng cỏi: “Tôi không thể, Tôi phải lo cho các con chiên của Israel trước.” Nhưng người phụ nữ đã không lùi bước – một người mẹ, khi tìm sự giúp đỡ cho con mình, không bao giờ lùi bước; tất cả chúng ta đều biết việc các bà mẹ đấu tranh cho con cái của họ – và bà trả lời: “Ngay cả chó con, khi chủ đang ăn, cũng sẽ cho nó một cái gì”, bà như muốn nói: “Ít nhất xin hãy đối xử với tôi như một chó con!” Sau đó, Chúa Giêsu đã bảo bà, “Này bà, đức tin của bà mạnh lắm!  Bà sẽ được như bà mong ước” (v. 28).

Đối diện với bệnh tật, ngay cả trong gia đình cũng phát sinh ra những khó khăn, vì sự yếu đuối của con người.  Nhưng, nói chung, thời gian bệnh tật làm gia tăng sức mạnh của những mối liên hệ gia đình.  Và tôi nghĩ rằng điều quan trọng là giáo dục con cái ngay từ khi còn bé để biết đoàn kết trong lúc bệnh tật.  Một nền giáo dục mà lấy đi sự nhạy cảm đối với bệnh tật của con người, sẽ làm cho con tim bị khô cằn. Và nó chắc chắn làm cho trẻ em bị “gây mê” trước nỗi đau khổ của người khác, không có khả năng đối phó với những đau khổ và cảm nghiệm được sự giới hạn của mình.  Biết bao lần chúng ta thấy một người nam hay nữ đi làm với một khuôn mặt mệt mỏi, với một thái độ mệt nhọc và khi được hỏi “Có chuyện gì vậy?”  Người ấy trả lời: “Tôi chỉ ngủ có hai tiếng đồng hồ vì ở nhà chúng tôi thay phiên nhau ở gần đứa con, đứa bé, hay ông, bà bị bệnh.”  Và ban ngày thì tiếp tục với công việc.  Đó là những việc anh hùng, là những gia đình anh hùng!  Những sự anh hùng kín đáo mà họ làm với sự dịu dàng và lòng can đảm khi ở nhà có người ốm.

Sự yếu đuối và đau khổ của những người thân yêu nhất và thánh thiêng nhất của chúng ta, có thể trở thành một trường học sống cho con cái và cháu chắt chúng ta – điều quan trọng là phải giáo dục con cháu hiểu sự gần gũi này khi có người đau ốm trong gia đình – và chúng trở nên như thế khi những giây phút bệnh tật được đi kèm với lời cầu nguyện và sự mến thương gần gũi và chăm sóc cho các phần tử của gia đình. Cộng đồng Kitô hữu biết rõ rằng không được bỏ mặc gia đình, trong khi họ chịu thử thách về bệnh tật. Và chúng ta phải cảm tạ Chúa vì những kinh nghiệm tuyệt đẹp của tình huynh đệ trong Hội Thánh là điều giúp các gia đình vượt qua thời gian khó khăn đau đớn và đau khổ.  Sự gần gũi của Kitô hữu này, từ gia đình này qua gia đình khác, là một kho báu thực sự đối với các giáo xứ; một kho báu của sự khôn ngoan, giúp các gia đình trong giai đoạn khó khăn và làm cho người ta hiểu Nước Thiên Chúa cách rõ hơn so với nhiều bài thuyết giàng!  Chúng là những vuốt ve của Thiên Chúa.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ 

Nguyên bản: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2015/documents/papa-francesco_20150610_udienza-generale.html

Matthew 10:1
View in: NAB
1And having called his twelve disciples together, he gave them power over unclean spirits, to cast them out, and to heal all manner of diseases, and all manner of infirmities.
Matthew 15:21-28
View in: NAB
21And Jesus went from thence, and retired into the coasts of Tyre and Sidon.
22And behold a woman of Canaan who came out of those coasts, crying out, said to him: Have mercy on me, O Lord, thou son of David: my daughter is grieviously troubled by the devil.
23Who answered her not a word. And his disciples came and besought him, saying: Send her away, for she crieth after us:
24And he answering, said: I was not sent but to the sheep that are lost of the house of Israel.
25But she came and adored him, saying: Lord, help me.
26Who answering, said: It is not good to take the bread of the children, and to cast it to the dogs.
27But she said: Yea, Lord; for the whelps also eat of the crumbs that fall from the table of their masters.
28Then Jesus answering, said to her: O woman, great is thy faith: be it done to thee as thou wilt: and her daughter was cured from that hour.