Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Con Cái trong Gia Đình

“Làm con cái là điều kiện cơ bản để nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch tận cùng của phép lạ này.  Trong linh hồn mỗi đứa con, dù có yếu đuối thế nào đi nữa, cũng được Thiên Chúa đặt ấn tín của tình yêu này, đó là nền tảng của phẩm giá cá nhân của nó, một phẩm giá không có gì và không ai có thể tiêu diệt được.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 11  tháng 2 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Gia Đình.  Ngài giải thích về giá trị của con cái trong gia đình..

4408379q

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Sau khi suy niệm về hình ảnh của người mẹ và người cha, trong bài giáo lý này về gia đình tôi muốn đề cập đến người con, hay đúng hơn là con cái.  Tôi lấy cảm hứng từ một hình ảnh đẹp của ngôn sứ Isaiah.  Ngài viết: “Con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông. Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ” (60:4-5a).  Đó là một hình ảnh tuyệt vời, một hình ảnh về hạnh phúc được thể hiện trong cuộc hội ngộ giữa cha mẹ và con cái, cùng nhau tiến đến một tương lai tự do và hòa bình, sau một thời gian khó khăn và chia ly thật dài, lúc dân Do Thái phải tha hương.

Thực ra, có một mối liên hệ chặt chẽ giữa niềm hy vọng của một dân tộc và sự hòa hợp giữa các thế hệ.  Chúng ta cũng phải nghĩ đến điều này.  Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa niềm hy vọng của người dân và sự hài hòa giữa các thế hệ.  Niềm vui của con cái làm cho lòng cha mẹ chúng rạo rực và tái mở cho tương lai.  Con cái là niềm vui của gia đình và xã hội.  Chúng không phải là 6vấn đề về truyền sinh theo sinh học, hoặc một trong nhiều cách để đạt được những gì cha mẹ mơ ước, lại càng không phải vật sở hữu của cha mẹ ….  Không, con cái là một hồng ân, anh chị em có hiểu không?  Con cái là một hồng ân.  Mỗi đứa con đều độc đáo và không thể sao chép lại được; nhưng lại gắn liền với nguồn gốc của nó một cách không thể nhầm lẫn được.  Thật ra, theo kế hoạch của Thiên Chúa, là con trai và con gái có nghĩa là mang trong mình ký ức và hy vọng của một tình yêu được thể hiện bằng cách khơi lên sự sống của một con người khác, độc đáo và mới mẻ.  Và đối với cha mẹ, mỗi đứa con là một người riêng biệt, khác biệt và đầy thay đổi.  Tôi mạn phép nhắc lại một kỷ niệm gia đình.  Tôi nhớ rằng mẹ tôi thường nói với chúng tôi – chúng tôi có năm đứa – “Nhưng mẹ có năm đứa con.”  Khi người ta hỏi bà, “Đứa nào là đứa con bà cưng nhất”, bà trả lời: “Tôi có năm đứa con, như năm ngón tay. [Giơ năm ngón tay lên] Nếu tôi đánh ngón tay này thì nó đau; nếu tôi đánh ngón tay này thì nó đau.  Tôi làm đau cả năm ngón.  Tất cả đều là con của tôi, nhưng tất cả đều khác biệt như các ngón tay của một bàn tay.”  Và gia đình là như thế!  Các đứa con khác nhau, nhưng tất cả đều là con.

Một đứa con được yêu vì nó là một đứa con, chứ không phải vì nó xinh đẹp, hoặc vì nó là cái này hay cái khác; không, bởi vì nó là một đứa con!  Không phải vì nó nghĩ như tôi, hoặc làm tròn ước vọng của tôi.  Một đứa con là một đứa con: một cuộc sống được sinh ra bởi chúng ta nhưng được định cho nó, vì lợi ích của nó, vì lợi ích của gia đình, xã hội và toàn thể nhân loại.

Từ đây cũng phát sinh sự sâu xa của kinh nghiệm con người về việc là con trai và con gái, là điều giúp chúng ta khám phá ra chiều kích nhưng không nhất của tình yêu, và không ngừng làm chúng ta ngạc nhiên.  Đó là vẻ đẹp được yêu trước: con cái được yêu thương trước khi chúng đến.  Đã bao lần tôi thấy các bà mẹ ở quảng trường giơ bụng ra xin tôi ban phép lành… những đứa trẻ này được yêu thương trước khi chúng ra đời.  Và tình yêu này là tình yêu nhưng không, đó là tình yêu; được yêu thương trước khi sinh ra, như tình yêu của Thiên Chúa, Đấng yêu thương chúng ta trước.  Chúng được yêu thương trước khi chúng làm bất cứ điều gì để xứng đáng với tình yêu, trước khi chúng có thể nói hay suy nghĩ, thậm chí trước khi chúng ra đời!  Làm con cái là điều kiện cơ bản để nhận biết tình yêu của Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch tận cùng của phép lạ này.  Trong linh hồn mỗi đứa con, dù có yếu đuối thế nào đi nữa, cũng được Thiên Chúa đặt ấn tín của tình yêu này, đó là nền tảng của phẩm giá cá nhân của nó, một phẩm giá không có gì và không ai có thể tiêu diệt được.

Ngày nay có vẻ khó khăn hơn cho những người con để có thể mường tượng ra tương lai của chúng.  Các người cha – như tôi đã đề cập đến trong các bài giáo lý trước – có lẽ đã thụt lùi một bước và con cái đã trở nên thiếu vững chắc hơn trong sự tiến triển của chúng.  Chúng ta có thể học mối quan hệ tốt giữa các thế hệ từ Cha Trên Trời của chúng ta, là Đấng để cho mỗi người trong chúng ta tự do, nhưng không bao giờ bỏ chúng ta một mình.  Và nếu chúng ta làm sai, Ngài vẫn tiếp tục kiên trì nâng đỡ chúng ta mà không giảm bớt tình yêu của Ngài dành cho chúng ta.  Cha Trên Trời không thụt lùi trong tình yêu của Ngài đối với chúng ta, không bao giờ!  Ngài luôn luôn tiến về phía trước và nếu chúng ta không thể tiến bước được, thì Ngài đợi chúng ta, nhưng không bao giờ đi trở lại; Ngài muốn con cái của Ngài phải can đảm tiến bước.

Về phần mình, con cái không được phép sợ dấn thân xây dựng một thế giới mới: thật đúng cho chúng khi muốn thế giới được tốt hơn so với thế giới mà chúng đã nhận được!  Nhưng điều này phải được thực hiện mà không ngạo mạn, không quá tự tin.  Chúng ta phải biết nhận ra giá trị của con cái, và phải luôn luôn biết tôn kính cha mẹ.

Điều răn thứ tư yêu cầu con cái- và tất cả chúng ta đang là con cái! – phải thảo kính cha mẹ (xem Xh 20:12).  Điều răn này đi ngay sau những điều răn liên quan đến chính Thiên Chúa.  Thực ra, nó chứa đựng một điều gì thánh thiêng, một điều gì ở tận gốc của tất cả các loại tôn trọng khác giữa con người.  Và trong việc hình thành Thánh Kinh, điều răn thứ tư còn có thêm: “để cho các ngươi được trường thọ trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa các ngươi, ban cho các ngươi.”  Sự liên hệ đạo đức giữa các thế hệ là một đảm bảo cho tương lai, và là một đảm bảo của một lịch sử rất nhân loại.  Một xã hội của con cái không tôn trọng cha mẹ là một xã hội không có danh dự; khi chúng ta không tôn trọng cha mẹ thì chúng ta làm mất danh dự của mình!  Đó là một xã hội được định để lấp đầy bằng những người trẻ cằn cỗi và tham lam.  Tuy nhiên, một xã hội với một thế hệ keo kiệt, không muốn có con cái quây quần bên mình, và trên hết, chỉ coi chúng như một mối bận tâm, một gánh nặng, một nguy cơ, là một xã hội thê lương.  Chúng ta hãy nghĩ về nhiều xã hội mà chúng ta biết ở Châu Âu này, hiện nay đang là những xã hội buồn thảm, vì người ta không muốn có con, không có con, mức sinh sản không đến một phần trăm.  Tại sao?  Mỗi người trong chúng ta phải suy nghĩ và trả lời.  Nếu một gia đình có nhiều con bị người ta coi như một gánh nặng, thì có một điều gì không đúng!  Chúng ta phải phải có ý thức trách nhiệm trong việc sinh sản con cái, như được dạy trong thông điệp Humanae Vitae của Chân Phước Giáo Hoàng Phaolô VI, nhưng có nhiều con không thể tự động trở thành một lựa chọn vô trách nhiệm.  Không có con là một lựa chọn ích kỷ.  Cuộc sống trở nên trẻ trung và được tăng cường năng lực nhờ việc tự gia tăng: nó được phong phú hoá chứ không trở nên nghèo nàn!  Con cái học cách chịu trách nhiệm về gia đình của chúng, trưởng thành trong việc chia sẻ những hy sinh của chúng, lớn lên trong sự trân quý những hồng ân của chúng.  Kinh nghiệm vui vẻ của tình huynh đệ làm sinh động lòng kính trọng và việc chăm sóc cha mẹ, là những bậc chúng ta phải biết ơn.  Vì thế, nhiều người trong anh chị em ở đây có con cái và chúng ta là tất cả đều là con cái.  Chúng ta hãy làm một điều, hãy dành một phút im lặng.  Mỗi người trong chúng ta hãy nghĩ đến con cái của mình trong lòng – nếu anh chị em có con -; nghĩ trong im lặng.  Và tất cả chúng ta hãy nghĩ đến cha mẹ mình và cảm ơn Chúa vì hồng ân sự sống.  Trong im lặng, những ai có con hãy nghĩ về chúng, và tất cả chúng ta hãy nghĩ đến cha mẹ của mình. (Một giây phút thinh lặng).  Xin Chúa chúc lành cho cha mẹ của chúng ta và chúc lành cho con cái của anh chị em.

Nguyện xin Chúa Giêsu, Chúa Con hằng hữu, Đấng đã trở thành một người con trong thời gian, giúp chúng ta tìm ra con đường tràn đầy những tia sáng mới của chính kinh nghiệm nhân loại rất đơn giản và tuyệt vời này, là được làm con cái.  Trong việc sinh sản con cái đông đúc có một mầu nhiệm làm phong phú cuộc đời tất cả mọi người, là mầu nhiệm phát sinh từ chính Thiên Chúa.  Chúng ta phải tái khám phá ra mầu nhiệm này qua việc không chấp nhận thành kiến; và sống nó trong đức tin, trong niềm vui trọn vẹn.  Tôi xin nói cùng anh chị em là tôi cảm thấy sung sướng biết bao khi được đi qua giữa anh chị em, và thấy những người cha cùng những bà mẹ nâng con mình lên cao để được lãnh phúc lành; đây là một cử chỉ hầu như thánh thiêng.  Xin cảm ơn anh chị em vì đã làm điều ấy!

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ  

Nguyên bản: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2015/documents/papa-francesco_20150211_udienza-generale.html