“Ơn biết lo liệu là hồng ân mà Chúa Thánh Thần làm cho lương tâm của chúng ta có khả năng thực hiện một sự lựa chọn cụ thể trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, theo luận lý của Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người.”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 7 tháng 5 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC giải thích về Ơn Biết Lo Liệu hay Ơn Khuyên Bảo.
* * *
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Trong bài đọc từ sách Thánh Vịnh chúng ta nghe thấy đoạn, trong đó nói rằng: “Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con” (Tv 16: 7). Và đây là một ơn của Chúa Thánh Thần, ơn biết lo liệu. Chúng ta biết ơn này quan trọng thế nào, đặc biệt là trong những giây phút khó xử nhất, để có thể tin cậy vào lời khuyên của những người khôn ngoan và những người yêu thương chúng ta. Giờ đây, qua ơn biết lo liệu, chính Thiên Chúa, với Chúa Thánh Thần, là Đấng soi sáng tâm hồn chúng ta, giúp chúng ta hiểu một cách hợp lý để nói năng, cư xử và biết con đường để đi theo. Nhưng ơn này hoạt động trong chúng ta thế nào?
1. Khi chúng ta chào mừng và đón nhận Ngài trong tâm hồn mình, Chúa Thánh Thần lập tức bắt đầu làm cho chúng ta nhạy cảm với giọng nói của Ngài và hướng dẫn những suy nghĩ, những tình cảm và những ý định của chúng ta theo con tim của Thiên Chúa. Đồng thời, Ngài hướng cái nhìn nội tâm của chúng ta mỗi ngày một hơn vào Chúa Giêsu, như một mẫu gương của cách hành động và liên hệ với Thiên Chúa Cha và anh chị em của chúng ta. Cho nên ơn biết lo liệu là hồng ân mà Chúa Thánh Thần làm cho lương tâm của chúng ta có khả năng thực hiện một sự lựa chọn cụ thể trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, theo luận lý của Chúa Giêsu và Tin Mừng của Người. Bằng cách này, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta lớn lên về nội tâm, làm cho chúng ta lớn lên cách tích cực, làm cho chúng ta lớn lên trong cộng đồng và giúp chúng ta không rơi vào sự ích kỷ và cách nhìn riêng tư về mọi sự. Do đó, Chúa Thánh Thần giúp chúng ta lớn lên và cũng giúp chúng ta sống trong cộng đồng. Điều kiện cần thiết để giữ gìn ơn này là cầu nguyện. Luôn luôn trở lại cùng một chủ đề: cầu nguyện! Nhưng cầu nguyện rất quan trọng. Cầu nguyện với những kinh nguyện mà tất cả chúng ta đều biết từ nhỏ, nhưng cũng cầu nguyện bằng lời lẽ riêng của mình. Cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, xin giúp con, xin chỉ bảo con, con nên làm gì bây giờ?” Và với cầu nguyện chúng ta dọn chỗ cho Chúa Thánh Thần đến và giúp chúng ta vào lúc đó, để khuyên nhủ chúng ta tất cả phải làm gì. Hãy cầu nguyện! Đừng bao giờ quên cầu nguyện. Đừng bao giờ! Không ai, không ai nhận ra chúng ta cầu nguyện trên xe buýt, trên đường phố: chúng ta cầu nguyện trong im lặng với con tim. Chúng ta hãy tận dụng những giây phút ấy để cầu nguyện, cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ơn biết lo liệu.
2. Trong sự mật thiết với Thiên Chúa và trong sự lắng nghe Lời Ngài, chúng ta từ từ đặt sang một bên luận lý cá nhân của mình, thường bị sai khiến bởi việc khép kìn lòng mình, bởi những thành kiến và tham vọng của mình, và thay vào đó chúng ta hỏi Chúa: Điều gì là điều Chúa muốn? Thánh Ý của Chúa là gì? Điều gì làm Chúa vui lòng? Bằng cách này, một sự đồng cảm sâu xa trưởng thành trong chúng ta, hầu như bẩm sinh trong Chúa Thánh Thần và chúng ta cảm nghiệm những lời của Chúa Giêsu được ghi lại trong Tin Mừng Matthêu đúng như thế nào: “các con đừng lo lắng phải nói thế nào hay phải nói gì, vì các con sẽ được cho biết phải nói gì trong giờ đó; vì không phải các con nói, mà chính Thần Khí của Cha các con nói qua các con.” (Matthew 10:19-20).
Chính Chúa Thánh Thần là Đấng khuyên nhủ chúng ta, nhưng chúng ta cần dọn chỗ cho Chúa Thánh Thần, để Ngài có thể khuyên nhủ chúng ta. Và việc dọn chỗ là cầu nguyện, cầu nguyện để Ngài đến và luôn giúp đỡ chúng ta.
3. Cho nên, giống như tất cả các ơn khác của Chúa Thánh Thần, ơn biết lo liệu cũng là một kho tàng cho toàn thể cộng đồng Kitô hữu. Chúa không chỉ nói với chúng ta trong sự mật thiết của tâm hồn, nói với chúng ta, vâng, nhưng không chỉ có thế, Ngài cũng nói với chúng ta qua giọng nói và chứng từ của các anh em chúng ta. Đó thực sự là một ơn cao cả, là có thể gặp được những người nam nữ có đức tin, đặc biệt là trong những giây phút phức tạp và quan trọng trong cuộc sống của mình, để họ giúp soi sáng tâm hồn chúng ta ngõ hầu nhận ra Thánh Ý Chúa!
Tôi nhớ một lần tôi ngồi ở toà giải tội trong Đền Đức Mẹ Luján, trước đó là một hàng dài. Cũng có một người trẻ hoàn toàn tân thời, với bông tai, xăm mình, tất cả những điều ấy… Và em đã đến để cho tôi biết những gì đang xảy ra. Đó là một vấn đề lớn và khó khăn. Và em nói với tôi: con đã nói tất cả điều này với mẹ con và mẹ bảo con: hãy đi đến với Đức Mẹ và Mẹ sẽ cho con biết phải làm gì. Đây là một người phụ nữ đã có ơn biết lo liệu. Bà không biết làm sao để giải quyết vấn đề của con mình, nhưng đã chỉ con đúng đường: hãy đến với Đức Mẹ và Mẹ sẽ cho con biết. Đây là ơn biết lo liệu. Người phụ nữ khiêm nhu, đơn sơ, đã cho con bà lời khuyên chân thành nhất. Thực ra, em ấy đã nói với tôi: con nhìn lên Đức Mẹ và con cảm thấy rằng con phải làm điều này, điều này và điều này… Tôi không cần phải nói, mẹ em và chính em đã nói tất cả mọi sự. Đây là ơn biết lo liệu. Các chị em, các bà mẹ, các chị em có ơn này, hãy xin ơn ấy cho các con cái của chị em. Ơn khuyên bảo con cái là một hồng ân của Thiên Chúa.
Các bạn thân mến, Thánh Vịnh 16, mà chúng ta đã nghe, mời gọi chúng ta cầu nguyện bằng những lời này: “Con chúc tụng CHÚA hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con. Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, con chẳng nao núng bao giờ” (các câu 7-8). Nguyên xin Chúa Thánh Thần luôn luôn có thể đổ sự chắc chắn này vào tâm hồn chúng ta và làm cho chúng ta đầy an ủi và bình an của Ngài! Hãy luôn luôn xin ơn biết lo liệu!
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ