“Sự vắng bóng của người cha trong cuộc sống của trẻ em và thanh thiếu niên tạo ra những khoảng cách và những vết thương có thể rất trầm trọng…. Sự lầm đường lạc lối của trẻ em và thanh thiếu niên có thể phần lớn là do sự thiếu vắng này, thiếu các gương sáng và những hướng dẫn có thẩm quyền trong cuộc sống hàng ngày của các em, thiếu sự gần gũi, thiếu tình yêu của người cha.”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 28 tháng 1 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Đại Sảnh Phaolô VI. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Gia Đình. Ngài giải thích về sự cần thiết của sự hiện diện của người cha trong gia đình..
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Chúng ta hãy tiếp tục cuộc hành trình giáo lý về gia đình của chúng ta. Hôm nay chúng ta được hướng dẫn bởi từ “cha”. Một từ thân thiết với với các Kitô hữu chúng ta hơn bất kỳ từ nào khác, bởi vì nó là danh hiệu mà Chúa Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa Cha. Ý nghĩa của danh hiệu này đã nhận được một chiều sâu mới từ cách Chúa Giêsu đã dùng nó mà hướng về Thiên Chúa và biểu lộ mối liên hệ đặc biệt của Người với Ngài. Mầu nhiệm của sự mật thiết của Thiên Chúa, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu mặc khải, là trung tâm của đức tin Kitô của chúng ta.
“Cha” là một từ mà ai cũng biết, một từ phổ quát. Nó biểu thị một mối liên hệ cơ bản mà thực tại của nó cũ như lịch sử nhân loại. Tuy nhiên, ngày nay, chúng ta đi đến một khẳng định rằng xã hội của chúng ta là một “xã hội mà không có cha.” Nói cách khác, đặc biệt là trong nền văn hóa Tây phương, hình ảnh người cha bị vắng bóng, bị biến mất đi, bị loại bỏ một cách biểu tượng. Lúc đầu, điều đó được coi như một sự giải phóng: giải phóng khỏi người cha – người chủ, khỏi ngưởi cha như một người đại diện của luật lệ được áp đặt từ bên ngoài, khỏi người cha như một người kiểm soát hạnh phúc của con cái và chướng ngại cho sự giải thoát và tự chủ của những người trẻ. Đôi khi, ở một số nhà, trong quá khứ, đã bị cai trị bởi chính sách độc tài, trong một vài trường hợp, thậm chí bị đàn áp: cha mẹ đối xử với con cái của họ như với đầy tớ, không tôn trọng các nhu cầu cá nhân của sự tăng trưởng của chúng; những người cha không giúp con em đi theo đường của các em trong tự do – nhưng không phải dễ dàng để nuôi dạy một đứa con trong tự do -; những người cha không giúp các em lãnh nhận trách nhiệm của các em để xây dựng tương lai của mình và của xã hội.
Điều này chắc chắn không phải là một thái độ tốt; nhưng như thường xảy ra, chúng ta đi từ cực đoan này sang cực đoan khác. Vấn đề của thời đại chúng ta dường như không còn phải là sự hiện diện đầy can thiệp của những người cha, mà là sự vắng bóng của họ, sự lẩn trốn của họ. Những người cha thường quá chú tâm vào mình và công việc của mình, và đôi khi vào các thành quả cá nhân của mình, đến nỗi quên cả gia đình. Và để mặc con cái của họ, dù còn nhỏ hay còn trẻ, một mình. Ngay cả, như giám mục Buenos Aires, tôi đã nhận ra được cảm giác mồ côi mà các thiếu niên ngày nay đang sống; và thường tự hỏi chớ gì người cha chơi với con cái họ, chớ gì họ có can đảm và thích dành thời gian cho con cái của họ. Và trong hầu hết các trường hợp, câu trả lời thật không hay: “Phải, tôi không thể, bởi vì tôi bận quá nhiều công việc ….” Và người cha không có mặt với đứa con đang lớn lên ấy, không chơi với nó, không, không lãng phí thì giở với nó.
Giờ đây, trong cuộc hành trình suy tư chung về gia đình này, tôi muốn nói với tất cả các cộng đoàn Kitô hữu là chúng ta cần phải cẩn trọng hơn: sự vắng bóng của người cha trong cuộc sống của trẻ em và thanh thiếu niên tạo ra những khoảng cách và những vết thương có thể rất trầm trọng. Và thực ra, sự lầm đường lạc lối của trẻ em và thanh thiếu niên có thể phần lớn là do sự thiếu vắng này, thiếu các gương sáng và những hướng dẫn có thẩm quyền trong cuộc sống hàng ngày của các em, thiếu sự gần gũi, thiếu tình yêu của người cha. Cảm giác mồ côi mà nhiều người trẻ đang sống còn sâu đặm hơn chúng ta nghĩ rất nhiều.
Có những trẻ mồ côi trong gia đình, vì người cha thường xuyên vắng nhà, thậm chí cả về thể lý, nhưng đặc biệt là bởi vì khi ở nhà, họ không hành xử như những người cha, không giao tiếp với con cái của họ, không làm tròn bổn phận giáo dục của mình, không cung cấp cho con cái, bằng gương sáng của họ kèm theo những lời lẽ, những nguyên tắc, những giá trị, những quy tắc sống mà các em cần như bánh. Phẩm chất giáo dục của sự hiện diện của người cha còn cần thiết hơn nhiều khi người cha buộc phải làm việc xa nhà. Đôi khi người cha có vẻ không biết rõ mình giữ địa vị nào trong gia đình và làm sao để giáo dục con cái. Vì vậy, khi nghi ngờ thì họ tránh né, rút lui và bỏ bê trách nhiệm của mình, có thể tìm cách cậy nhờ vào một liên hệ “ngang hàng” với con cái. Anh em thật sự phải là “người đồng hành” với con của mình, nhưng đừng quên rằng anh em là người cha! Nếu anh em chỉ hành động như một người đồng hành ngang hàng với con cái, thì điều này sẽ không tốt cho đứa con.
Và chúng ta cũng thấy vấn đề này trong cộng đồng dân sự. Cộng đồng dân sự với các cơ cấu của nó, có một trách nhiệm nào đó – chúng ta có thể nói là trách nhiệm làm cha – cho những người trẻ, một trách nhiệm đôi khi bị bỏ quên hoặc thi hành xấu. Nó thường để các em mồ côi và không đề ra cho các em sự thật về viễn tượng của các em. Như vậy, những người trẻ vẫn tiếp tục như những trẻ mồ côi không có những con đường an toàn để đi theo, không có các thầy cô để tin tưởng, không có những lý tưởng sưởi ấm cõi lòng, không có những giá trị và hy vọng nâng đỡ các em mỗi ngày. Bị lấp đầy bằng những thần tượng, nhưng có lẽ con tim của các em đang bị cướp mất; các em đang bị đẩy vào giấc mơ giải trí và những thú vui, nhưng không có việc làm; các em đang bị thần tiền lừa dối, và bị chối từ sự phong phú thật.
Do đó, thật là tốt cho tất cả, những người cha và con cái, để lắng nghe lời mà Chúa Giêsu đã hứa với các môn đệ: “Thầy sẽ không để các con mồ côi” (Ga 14:18). Thực ra, chính Người là con đường để theo, là Vị Thầy để lắng nghe, là hy vọng mà thế giới có thể thay đổi, là tình yêu chiến thắng hận thù, ngõ hầu tất cả mọi người có thể có một tương lai của tình huynh đệ và hòa bình. Một số anh chị em sẽ bảo tôi: “Nhưng thưa cha, hôm nay cha quá tiêu cực. Cha chỉ nói về sự vắng mặt của người cha, về những gì sẽ xảy ra khi những người cha không gần gũi con cái …. Đó là sự thật, tôi muốn nhấn mạnh điều này, bởi vì thứ tư tuần tới, tôi sẽ tiếp tục bài giáo lý này để nhấn mạnh đến vẻ đẹp của người cha. Vì thế tôi đã chọn để bắt đầu từ bóng tối để đi đến ánh sáng. Xin Chúa giúp chúng ta hiểu được những điều này. Cám ơn anh chị em!
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ