Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Tam Nhật Thánh

“Trong những ngày này của Tam Nhật Thánh, chúng ta đừng chỉ giới hạn mình trong việc tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa, nhưng hãy bước vào mầu nhiệm, và hãy nhận lấy những tâm tình và thái độ của Chúa làm của mình, như Thánh Tông Đồ Phaolô mời gọi chúng ta: “Anh chị em hãy có cùng một tâm tình của Chúa Giêsu Kitô” (Philippians 2:5).”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 1 tháng 4 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  Hôm nay ĐTC giải thích về ý nghĩa của Tam Nhật Thánh.

PopeFrancis-washing-feet-young-people-

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Ngày mai là Thứ Năm Tuần Thánh.  Với Thánh Lễ “Tiệc Ly” vào buổi chiều, chúng ta sẽ bắt đầu Tam Nhật Thánh để kính nhớ Cuộc Khổ Nạn, Cái Chết và Phục Sinh của Đức Kitô, là tột đỉnh của cả năm phụng vụ và cũng là tột đỉnh của đời sống Kitô hữu của chúng ta.

Tam Nhật Thánh bắt đầu với việc tưởng niệm Bữa Tiệc Ly.  Trong đêm trước Ngày Khổ Nạn của Người, Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha Mình và Máu Người dưới hình bánh và rượu, và ban tặng cho các Tông Đồ để làm của ăn nuôi dưỡng các ngài, Người truyền cho các ngài mãi mãi dâng hy lễ ấy để tưởng nhớ đến Người.  Tin Mừng về Thánh Lễ này, nhắc lại việc rửa chân, diễn tả cùng một ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể dưới một nhãn quan khác.  Chúa Giêsu – như một đầy tớ – rửa chân ông Simon Phêrô và mười một môn đệ khác (x. Ga 13:4-5).  Với cử chỉ ngôn sứ này, Người diễn tả ý nghĩa cuộc đời và Cuộc Khổ Nạn của Người, như việc phục vụ Thiên Chúa và anh chị em: “Con Người đến không phải để được phục vụ nhưng để phục vụ” (Mc 10:45).

Điều này cũng xảy ra trong Bí tích Rửa Tội của chúng ta, khi ân sủng của Thiên Chúa rửa sạch tội lỗi chúng ta và chúng ta được mặc lấy Đức Kitô (Col 3:10).  Điều ấy xảy ra mỗi khi chúng ta tưởng niệm của Chúa trong Bí Tích Thánh Thể: Hiệp thông với Đức Kitô, Người Tôi Tớ, để tuân giữ giới răn của Người, để yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta (x. Ga 13:34; 15:12).  Nếu chúng ta lên Rước Lễ mà không chân thành sẵn sàng rửa chân cho nhau thì chúng ta không nhận ra Thân Mình của Chúa.  Đó là việc phục vụ của Chúa Giêsu, Đấng hoàn toàn tự hiến.

Rồi, ngày hôm sau, trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh chúng ta suy niệm về mầu nhiệm Cái Chết của Đức Kitô và tôn thờ Thánh Giá.  Trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, trước khi trao phó thần trí cho Đức Chúa Cha, Chúa Giêsu nói: “Đã hoàn tất!” (Ga 19:30).  Lời này có nghĩa gì?  Lời mà Chúa Giêsu nói: “Đã hoàn tất” có nghĩa gì?  Nó có nghĩa là công trình cứu độ đã hoàn tất, rằng toàn thể Kinh Thánh đã được nên trọn trong tình yêu của Đức Kitô, Chiên Con bị giết.  Chúa Giêsu, với hiến tế của Người, đã biến đổi tội ác lớn nhất thành tình yêu cao cả nhất.

Trải qua nhiều kỷ nguyên, có những người nam nữ, với chứng từ bằng cuộc sống của họ phản chiếu một tia của tình yêu hoàn hảo, trọn vẹn và tinh tuyền này.  Tôi muốn nhớ đến một nhân chứng anh hùng của thời đại chúng ta, Don Andrea Santoro, một linh mục của giáo phận Roma và một thừa sai ở Thổ Nhĩ Kỳ.  Một vài ngày trước khi bị ám sát ở Trabzon, cha đã viết: “Tôi ở đây để cư ngụ giữa dân này và để cho Chúa Giêsu có thể làm việc bằng cách cho Người mượn thân xác của tôi… Người ta chỉ có khả năng cứu rỗi bằng cách hiến dâng chính thịt mình.  Phải gánh chịu sự gian ác của thế gian và chia sẻ đau khổ, hấp thụ nó vào xác thịt mình cho đến cùng, như Chúa Giêsu đã làm” (A. Polselli, Don Andrea Santoro, le eredità, Città Nuova, Roma 2008, t. 31).  Chớ gì gương sáng này của một người trong thời đại chúng ta, và nhiều người khác, nâng đỡ chúng ta trong việc hiến dâng chính mạng sống mình như một món quà tình yêu ban tặng cho anh chị em, theo gương Chúa Giêsu.  Và thậm chí ngày nay cũng có rất nhiều người nam nữ, những vị tử đạo thật, là những người hiến dâng mạng sống mình cùng với Chúa Giêsu để tuyên xưng đức tin, chỉ vì lý do này mà thôi.  Đó là một việc phục vụ, phục vụ của một chứng nhân Kitô cho đến đổ máu, việc phục vụ mà Đức Kitô đã làm cho chúng ta: đã cứu chuộc chúng ta cho đến cùng.  Và đó là ý nghĩa của lời “đã hoàn tất.”  Thật là  tốt đẹp biết bao nếu tất cả chúng ta, vào cuối đời mình, với những sai lầm cùng những tội lỗi, và cả những việc lành của mình, với tình yêu của mình dành cho tha nhân, chúng ta có thể thưa cùng Chúa Cha như Chúa Giêsu: “Đã hoàn tất”; không phải với sự hoàn hảo mà Người đã thưa với Ngài, nhưng thưa, “Lạy Chúa, con đã làm tất cả mọi sự con có thể làm.  Đã hoàn tất.”  Tôn thờ Thánh Giá, khi nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta hãy nghĩ đến tình yêu, sự phục vụ, cuộc đời của mình, về các Kitô hữu tử vì đạo, và tốt nữa là chúng ta cũng nghĩ đến những ngày cuối cùng của đời mình.  Không ai trong chúng ta biết rõ khi nào ngày ấy sẽ đến, nhưng chúng ta có thể xin ân sủng để thưa, “Lạy Cha, con đã làm những gì con có thể làm.  Đã hoàn tất.”

Thứ Bảy Tuần Thánh là ngày Hội Thánh chiêm ngắm “sự nghỉ ngơi” của Đức Kitô trong ngôi mộ sau cuộc chiến toàn thắng của thập giá.  Ngày Thứ Bảy Tuần Thánh, Hội Thánh, một lần nữa, đồng hoá mình với Đức Mẹ: toàn thể đức tin của Hội Thánnh được tụ tập nơi Mẹ, người môn đệ đầu tiên và hoàn hảo, người tín hữu đầu tiên và hoàn hảo nhất.  Trong bóng tối bao trùm tạo vật, chỉ có một mình Mẹ là còn nắm giữ ngọn lửa đức tin và hy vọng vào sự Phục Sinh của Chúa Giêsu, mặc dù chẳng còn gì để hy vọng, (x. Rm 4:18).

Và trong Lễ Vọng Phục Sinh cao cả, trong đó chúng ta lại nghe hát Alleluia, chúng ta mừng Đức Kitô Phục Sinh là tâm điểm và cùng đích của vũ trụ và của lịch sử; chúng ta hãy canh thức trong hy vọng chờ đợi sự trở lại của Người, khi Lễ Phục Sinh được biểu lộ trọn vẹn.

Đôi khi bóng tối của đêm đen dường như thấm nhập tận linh hồn; đôi khi chúng ta nghĩ rằng, “bây giờ không còn làm gì được nữa”, và quả tim không tìm được sức mạnh để yêu thương … Nhưng chính trong sự tăm tối ấy mà Đức Kitô thắp lên ngọn lửa tình yêu của Thiên Chúa: một ánh sáng phá tan tăm tối và công bố một khởi đầu mới, một điều gì đó bắt đầu trong những vực sâu tăm tối.  Chúng ta biết rằng đêm tối trở nên “tối tăm hơn”, tối tăm nhất ngay trước khi ngày bắt đầu.  Nhưng chính trong tăm tối mà Đức Kitô chiến thắng và thắp lên ngọn lửa tình yêu.  Tảng đá đau thương bị lật ra, nhường chỗ cho hy vọng.  Đây là mầu nhiệm cao cả của việc Phục Sinh!  Trong đêm thánh này, Hội Thánh ban cho chúng ta ánh sáng của Đấng Phục Sinh, để trong chúng ta không còn sự nuối tiếc của những người nói: “bây giờ …”, nhưng có niềm hy vọng của những người đang mở lòng ra cho một hiện tại đầy tương lai: Đức Kitô đã chiến thắng sự chết, và chúng ta cùng với Người.  Cuộc đời của chúng ta không chỉ ngừng lại ở trước tảng đá của ngôi mộ, cuộc đời của chúng ta còn đi xa hơn nữa với niềm hy vọng vào Đức Kitô, Đấng đã sống lại từ ngôi mồ.  Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi làm lính canh buổi sáng, là những người có thể nhận ra những dấu chỉ của Chúa Phục Sinh, như các phụ nữ và các môn đệ đã làm khi đến ngôi mộ vào lúc rạng đông của ngày thứ nhất trong tuần.

Anh chị em thân mến, trong những ngày này của Tam Nhật Thánh, chúng ta đừng chỉ giới hạn mình trong việc tưởng niệm Cuộc Thương Khó của Chúa, nhưng hãy bước vào mầu nhiệm, và hãy nhận lấy tâm tình và thái độ của Chúa làm của mình, như Thánh Tông Đồ Phaolô mời gọi chúng ta: “Anh chị em hãy có cùng một tâm tình của Chúa Giêsu Kitô” (Philippians 2:5).  Và như thế chúng ta sẽ có một “Lễ Phục Sinh Hạnh Phúc.”

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguyên bản: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2015/documents/papa-francesco_20150401_udienza-generale.html

Philippians 2:5
View in: NAB
5For let this mind be in you, which was also in Christ Jesus:
Philippians 2:5
View in: NAB
5For let this mind be in you, which was also in Christ Jesus: