Bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô về Tam Nhật Vượt Qua

“[Nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua] chúng ta đã được tái sinh như những thụ tạo mới: một thực tại đòi buộc phải trở nên một sự hiện hữu cụ thể từng ngày”. 

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý của ĐTC Phanxicô về Tam Nhật Vượt Qua, được ban hành ngày 28 tháng 3, 2018 tại Quảng Trường Thánh Phêrô.  ĐTC nói rằng ba ngày này “tạo thành một cuộc cử hành tưởng niệm về một mầu nhiệm cao cả: Cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu.  Tam Nhật Thánh bắt đầu vào ngày mai, với Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa, và kết thúc với Kinh Chiều của Chúa Nhật Phục Sinh…. Tất cả mọi Kitô hữu được mời gọi sống ba Ngày Thánh này – Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy; và Chúa Nhật…. Có thể nói Ba Ngày Thánh này như “nguồn gốc” của đời sống cá nhân của họ, đời sống cộng đồng của họ, như anh chị em Do Thái của chúng ta đã sống Cuộc Xuất Hành từ Ai Cập”. 

 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay tôi muốn suy niệm về Tam Nhật Vượt Qua là ba ngày bắt đầu từ ngày mai, để đào sâu thêm một chút những gì mà những ngày quan trọng nhất của Năm Phụng Vụ trình bày cho chúng ta, là các tín hữu.  Tôi muốn hỏi anh chị em một câu hỏi: lễ nào là lễ quan trọng nhất của đức tin của chúng ta: Lễ Giáng Sinh hay Lễ Phục Sinh?  Lễ Phục Sinh vì đó là ngày lễ của ơn cứu độ của chúng ta, ngày lễ của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, ngày lễ, cuộc cử hành Cái Chết và Phục Sinh của Người.  Và vì điều này, tôi muốn cùng anh chị em suy niệm về lễ này, trong những ngày này, là những ngày Vượt Qua, cho đến khi Chúa Phục Sinh.  Những ngày này tạo thành một cuộc cử hành tưởng niệm về một mầu nhiệm cao cả: Cái Chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu.  Tam Nhật Thánh bắt đầu vào ngày mai, với Thánh Lễ Tiệc Ly của Chúa, và kết thúc với Kinh Chiều của Chúa Nhật Phục Sinh.  Sau đó đến “Thứ Hai Phục Sinh” để mừng đại lễ này: một ngày nữa.  Nhưng đây là ngày hậu phụng vụ: đây là ngày lễ của gia đình, đây là ngày lễ của xã hội.  Nó đánh dấu các giai đoạn cơ bản của đức tin và ơn gọi của chúng ta trên thế gian, và tất cả mọi Kitô hữu được mời gọi sống ba Ngày Thánh này – Thứ Năm, Thứ Sáu, Thứ Bảy; và Chúa Nhật  – anh chị em hiểu – nhưng ngày Thứ Bảy là ngày Phục Sinh – có thể nói Ba Ngày Thánh này như “nguồn gốc” của đời sống cá nhân của họ, đời sống cộng đồng của họ, như anh chị em Do Thái của chúng ta đã sống Cuộc Xuất Hành từ Ai Cập.

Ba ngày này tái trình bày cho dân Kitô giáo các biến cố vĩ đại của ơn cứu độ mà Đức Kitô đã mang đến, và như thế, chúng chỉ cho họ thấy viễn tượng của số phận tương lai của họ và củng cố họ trong quyết tâm làm chứng nhân trong ​​lịch sử.

Vào sáng Phục Sinh, trong khi nhắc lại các giai đoạn đã trải qua trong Tam Nhật Thánh, Bài Ca Tiếp Liên, tức là một thánh thi hoặc thánh vịnh, sẽ long trọng nói lên lời công bố Phục Sinh; và nói rằng: “Đức Kitô, niềm hy vọng của chúng ta, đã sống lại và đi trước chúng ta đến Galilêa”.  Đây là lời khẳng định vĩ đại: Đức Kitô đã sống lại.  Và nhiều dân tộc trên thế giới, đặc biệt là ở Đông Âu, trong những ngày Phục Sinh này, người ta không chào nhau bằng “chào buồi sáng”, “chào buổi tối” nhưng bằng “Đức Kitô đã sống lại”, để khẳng định lời chào Phục Sinh vĩ đại.  “Đức Kitô đã sống lại”.  Qua những lời này – “Đức Kitô đã sống lại” – Tam Nhật Thánh đạt đến tột đỉnh trong các lời công bố vui mừng cảm động.  Chúng chứa đựng không những chỉ một loan báo về niềm vui và hy vọng, mà còn một lời kêu gọi về trách nhiệm và sứ vụ.  Phục Sinh không kết thúc với chim bồ câu, trứng, các lễ hội – mặc dù điều này tốt đẹp vì Phục Sinh là một lễ của gia đình – nhưng Phục Sinh không kết thúc như thế.  Ở đó bắt đầu cuộc hành trình sứ vụ, để loan báo: Đức Kitô đã sống lại.  Và lời loan báo này này, mà Tam Nhật Thánh dẫn đầu, chuẩn bị chúng ta để đón nhận nó, là trung tâm của đức tin của chúng ta và niềm hy vọng của chúng ta, là điểm cốt yếu, là lời loan báo, đó là – một từ khó hiểu, nhưng nó nói lên tất cả – là kerygma (lời loan báo ban đầu), là lời liên tục Phúc Âm hoá Hội Thánh, và đến lượt mình, Hội Thánh được sai đi để Phúc Âm hóa.[i]

Thánh Phaolô tóm tắt biến cố Phục Sinh bằng biểu thức này: “Đức Kitô, chiên Vượt Qua của chúng ta, đã chịu hiến tế” (1 Cor 5:7), như con chiên.  Người đã chịu sát tế.  Vì thế – thánh nhân tiếp tục – “Những cái cũ đã qua, và đây, mọi sự đang trở nên mới.” (2 Cor 5:17).  Tái sinh.  Và vì thế, ngay từ ban đầu, người ta đã chịu phép rửa tội vào Chúa Nhật Phục Sinh.  Cũng trong đêm Thứ Bảy này, tôi sẽ rửa tội ở đây, tại Đền Thánh Phêrô, tám người trưởng thành bắt đầu đời sống Kitô hữu.  Và tất cả bắt đầu vì họ sẽ được tái sinh.  Và với một công thức tổng hợp khác thánh Phaolô giải thích rằng Đức Kitô “đã bị nộp để chịu chết vì tội chúng ta và đã sống lại để công chính hóa chúng ta” (Rom 4:25).  Người duy nhất, Đấng duy nhất công chính hoá chúng ta; Đấng duy nhất làm cho chúng ta được tái sinh là Chúa Giêsu Kitô.  Không một ai khác.  Và vì điều này anh chị em không phải trả đồng nào, bởi vì ơn công chính hoá – việc làm cho chúng ta nên công chính – là ơn nhưng không.  Và đây là sự vĩ đại của tình yêu của Chúa Giêsu: Người tự nguyện hiến mạng sống Mình để làm cho chúng ta nên thánh, đổi mới chúng ta, tha thứ cho chúng ta.  Và đây chính là cốt lõi của Tam Nhật Vượt Qua này.  Trong Tam Nhật Vượt Qua việc tưởng niệm biến cố cơ bản này trở nên một cuộc cử hành đầy biết ơn và, đồng thời, canh tân, trong những người đã được rửa tội, ý nghĩa của tình trạng mới của họ, là điều lại được Thánh Tông Đồ Phaolô diễn tả: “Nếu anh chị em đã được sống lại với Đức Kitô, thì hãy tìm kiếm những sự trên trời, […] chứ không phải những sự dưới đất” (Col 3:1-3).  Anh chị em hãy nhìn lên, nhìn lên chân trời, mở rộng chân trời của mình: đây là đức tin của chúng ta, đây là sự công chính hoá của chúng ta, đây là tình trạng ân sủng!   Thực ra, qua Bí Tích Rửa Tội chúng ta đã sống lại với Chúa Giêsu và đã chết với những sự việc và luận lý của thế gian; chúng ta đã được tái sinh như những thụ tạo mới: một thực tại đòi buộc phải trở nên một sự hiện hữu cụ thể từng ngày.

Nếu một Kitô hữu thực sự để cho mình được Đức Kitô rửa sạch, nếu thực sự để cho Người lột bỏ con người cũ để đi trong một đời sống mới, mặc dù vẫn còn là một người tội lỗi – bởi vì tất cả chúng ta đều là những kẻ tội lỗi – người ấy không còn bị hư hỏng, sự công chính hoá của Chúa Giêsu cứu chúng ta khỏi sự hư hỏng, chúng ta là những kẻ tội lỗi nhưng không bị hư hỏng; người ấy không còn có thể sống với cái chết trong linh hồn, và thậm chí cũng không phải là nguyên nhân của sự chết.  Và ở đây tôi phải nói một điều đáng buồn và đau đớn …  Có các Kitô hữu giả: những kẻ nói “Chúa Giêsu đã sống lại”, “Tôi đã được Chúa Giêsu công chính hoá”, tôi đang ở trong cuộc sống mới, nhưng tôi sống một cuộc sống hư hỏng.  Và những Kitô hữu giả này sẽ kết thúc tồi tệ.  Tôi lặp lại, Kitô hữu là những kẻ tội lỗi – tất cả chúng ta, kể cả tôi – nhưng chúng ta chắc chắn rằng khi chúng ta cầu xin ơn tha thứ thì Chúa sẽ tha thứ cho chúng ta.  Kẻ hư hỏng giả bộ làm một người đáng kính, nhưng cuối cùng thì trong tim kẻ  ấy vẫn còn sự tồi bại.  Chúa Giêsu ban cho chúng ta một cuộc sống mới.  Một Kitô hữu không thể sống với cái chết trong linh hồn mình, và không thể là nguyên nhân của sự chết.  Chúng ta hãy nghĩ – không cần phải xa xôi – chúng ta hãy nghĩ ở nhà, chúng ta nghĩ đến những kẻ được gọi là “Kitô hữu mafia”.  Các Kitô hữu này không có gì: họ nhận mình là Kitô hữu, nhưng họ mang sự chết trong linh hồn và đem nó đến cho những người khác.  Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ, để Chúa đánh động linh hồn họ.  Người lân cận, đặc biệt là những người nhỏ nhất và đau khổ nhất, trở thành gương mặt cụ thể mà chúng ta có thể trao tặng tình yêu mà Chúa Giêsu đã ban cho chúng ta.  Và thế giới trở thành không gian của đời sống mới của chúng ta như những người đã được phục sinh.  Chúng ta đang sống lại với Chúa Giêsu: bằng cách đứng thẳng, và ngẩng đầu lên, chúng ta có thể chia sẻ nỗi nhục nhằn của những người ngày hôm nay, như Chúa Giêsu, vẫn còn đang sống trong đau khổ, trần truồng, túng thiếu, cô đơn, sự chết, để, nhờ Người và với Người, trở thành những công cụ cứu chuộc và hy vọng, những dấu chỉ của sự sống và sự phục sinh.  Ở nhiều nước – ở đây, ở Ý và cũng ở quê hương tôi – có thói quen, vào lễ Phục Sinh, khi nghe tiếng chuông, các bà mẹ và các bà đem trẻ em đi rửa mắt chúng bằng nước, nước của sự sống, như một dấu chỉ rằng có thể nhìn thấy những điều thuộc về Chúa Giêsu, những điều mới mẻ.  Trong Lễ Phục Sinh này, chúng ta hãy rửa linh hồn mình, hãy rửa mắt linh hồn, để nhìn thấy những điều đẹp đã và làm những điều tốt đẹp.  Và điều này thật tuyệt diệu!   Đây chính là sự Phục Sinh của Chúa Giêsu sau Cái Chết của Người, là giá để cứu tất cả chúng ta.

Anh chị em thân mến, chúng ta hãy dọn mình để sống tốt Tam Nhật Thánh đang cận kề – bắt đầu vào ngày mai -, để được chìm sâu hơn nữa vào mầu nhiệm Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta.  Nguyện xin Đức Trinh Nữ đồng hành với chúng ta trong cuộc hành trình thiêng liêng này, Mẹ đã theo Chúa Giêsu trong cuộc Khổ Nạn của Người – Mẹ đã ở đó, đã nhìn lên, đã chịu đau khổ …  – đã có mặt và kết hợp với Người dưới chân thập giá của Người, nhưng Mẹ đã không xấu hổ vì Con mình.  Một Người Mẹ đã không bao giờ hổ thẹn vì con mình!   Mẹ đã ở đó, và đã nhận lãnh trong lòng Từ Mẫu của Mẹ niềm vui bao la của sự Phục Sinh.  Xin Mẹ giúp chúng ta được ân sủng tham gia cách nội tâm vào các cuộc cử hành của những ngày sắp tới, ngõ hầu tâm hồn và đời sống chúng ta được thực sự biến đổi.

Và trong khi để lại cho anh chị em những suy nghĩ này, tôi chân thành cầu chúc anh chị em một Lễ Phục Sinh hạnh phúc và thánh thiện, cùng với cộng đồng và những người thân yêu của anh chị em.

Và tôi khuyên anh chị em: vào buổi sáng Lễ Phục Sinh, hãy đưa trẻ em đến vòi nước và rửa mắt chúng.  Đó sẽ là một dấu chỉ của việc làm sao để nhìn thấy Chúa Giêsu Phục Sinh.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180328_udienza-generale.html

[i] Ở đây động từ “evangelizzare” của tiếng Ý hay “evangelize” của tiếng Anh được dịch là “Phúc Âm Hoá” thay vì “loan báo Tin Mừng” hay “truyền giáo”, vì Hội Thánh và các phần từ của Hội Thánh cần phải Phúc Âm hoá trước khi “Phúc Âm hoá” hay “loan báo Tin Mừng” hoặc “truyền giáo” cho những người ngoài Hội Thánh.