“Trẻ em tự chúng là một kho báu cho nhân loại và cho Hội Thánh, vì chúng liên tục nhắc nhở chúng ta điều kiện cần thiết để được vào Nước Thiên Chúa: không coi mình là tự túc, nhưng cần được giúp đỡ, yêu thương và tha thứ.”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 18 tháng 3 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Gia Đình. Ngài giải thích về những điều chính mà chúng ta có thể học được từ trẻ em.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em!
Sau khi xem xét kỹ lưỡng về những nhân vật khác nhau của đời sống gia đình là người mẹ, người cha, con cái, anh chị em và ông bà, tôi muốn kết thúc loạt bài giáo lý thứ nhất về gia đình bằng việc nói về trẻ em. Tôi sẽ làm thế trong hai lần: hôm nay tôi chú tâm vào việc trẻ em như những món quà cả thể cho nhân loại – trẻ em thật sự là món quà cả thể cho nhân loại, nhưng chúng cũng bị loại trừ cách qui mô vì thậm chí chúng còn không được phép sinh ra – và tuần sau tôi sẽ tập trung vào một số vết thương chẳng may đã làm tổn hại thời thơ ấu của chúng. Tôi nhớ đến nhiều trẻ em mà tôi đã gặp trong chuyến tông du Á Châu vừa qua: chúng đầy sức sống, đầy nhiệt tình, và trái lại, tôi thấy rằng nhiểu em trong chúng sống trên thế giới trong những điều kiện không xứng đáng với nhân phẩm của chúng…. Thực ra, chúng ta thể đánh giá một xã hội dựa trên cách nó đối xử với trẻ em, không những chỉ về mặt đạo đức mà còn về mặt xã hội học, để biết nó là một xã hội tự do hay một xã hội nô lệ những quyền lợi quốc tế.
Trước hết trẻ em nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta, trong những năm đầu đời, đều hoàn toàn lệ thuộc vào sự săn sóc và lòng tốt của những người khác. Và Con Thiên Chúa cũng đã không châm chước cho mình giai đoạn này. Đó là mầu nhiệm mà chúng ta chiêm ngưỡng mỗi năm vào dịp Lễ Giáng Sinh. Máng cỏ là hình ảnh truyền thông thức tại này cho chúng ta một cách đơn sơ và trực tiếp nhất. Nhưng thật là kỳ lạ: Thiên Chúa không gặp khó khăn khi làm cho các trẻ em hiểu Ngài, và các trẻ em không có vấn đề trong việc hiểu Thiên Chúa. Không phải ngẫu nhiên mà trong Tin Mừng có một số lời rất đẹp và mạnh mẽ của Chúa Giêsu nói về “những người bé nhỏ”… Thuật ngữ “bé nhỏ” này ám chỉ tất cả những ai lệ thuộc vào sự giúp đỡ của người khác, và đặc biệt là trẻ em. Thí dụ, Chúa Giêsu nói: “ Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, Con cảm tạ Cha, vì Cha đã giấu các người khôn ngoan uyên bác những điều này, mà đã mặc khải cho những người bé nhỏ” (Mt 11:25). Và một lần nữa: “Các con hãy coi chừng, đừng coi thường một ai trong những người nhỏ bé nhỏ này; vì Thầy bảo các con, các thiên sứ của chúng ở trên trời luôn luôn chiêm ngưỡng Thánh Nhan Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời” (Mt 18:10).
Do đó, trẻ em tự chúng là một kho báu cho nhân loại và cho Hội Thánh, vì chúng liên tục nhắc nhở chúng ta điều kiện cần thiết để được vào Nước Thiên Chúa: không coi mình là tự túc, nhưng cần được giúp đỡ, yêu thương và tha thứ. Và tất cả chúng ta đều đang cần sự giúp đỡ, yêu thương và tha thứ!
Trẻ em nhắc nhở chúng ta về những điều khác; chúng nhắc nhở chúng ta rằng mình luôn luôn là con cái: ngay cả khi một người trở thành người lớn, hoặc người già, ngay cả khi trở thành cha mẹ, hay một người có một địa vị trách nhiệm, ở dưới tất cả những điều này vẫn là căn tính của một người con. Tất cả chúng ta đều là con. Và điều ấy luôn nhắc nhở chúng ta một sự thực là chúng ta đã không tự ban sự sống cho mình mà đã lãnh nhận nó. Món quà sự sống cao cả là món quà đầu tiên mà chúng ta đã nhận được. Đôi khi chúng ta sống mà quên mất điều này, như thể chúng ta làm chủ sự sống của mình, ngược lại, chúng ta hoàn toàn lệ thuộc. Thực ra, đó là một động lực cho một niềm vui lớn khi biết rằng trong mọi lứa tuổi của cuộc đời, trong mọi hoàn cảnh, trong mọi điều kiện xã hội, chúng ta là con cái và vẫn là con cái. Đây là sứ điệp chính mà các trẻ em tặng cho chúng ta bằng chính sự hiện diện của chúng: chỉ sự hiện diện của chúng nhắc nhở chúng ta rằng tất cả chúng ta và mỗi người trong chúng ta đều là con cái.
Nhưng có biết bao món quà, biết bao kho báu mà các trẻ em mang đến cho nhân loại. Tôi sẽ chỉ đề cập đến một ít mà thôi.
Chúng đem đến cho chúng ta cách nhìn vào thực tại của chúng, với một cái nhìn tin tưởng và trong sạch. Trẻ em có một niềm tin tưởng bộc phát vào cha mẹ; có một niềm tin tưởng bộc phát vào Thiên Chúa, vào Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Đồng thời, cái nhìn nội tâm của chúng cũng trong sạch, chưa bị ô nhiễm bởi ác tâm, tráo trở, bởi “những cáu cặn” của cuộc đời là điều làm lòng chúng ra chai đá. Chúng ta biết rằng trẻ em cũng có tội Tổ Tông, chúng có tính ích kỷ, nhưng chúng vẫn giữ được sự trong trắng và đơn sơ nội tâm. Nhưng trẻ em không phải là những nhà ngoại giao: chúng nói ra những gì chúng cảm thấy, chúng nói ra những gì chúng nhìn thấy một cách trực tiếp. Và nhiều lần chúng tạo ra khó khăn cho cha mẹ, qua việc nói trước mặt những người khác: “Con không thích cái này vì nó xấu.” Nhưng trẻ em nói ra những gì chúng thấy, chúng không phải là những kẻ hai mặt, chúng chưa học được cái khoa học tráo trở ấy mà chúng ta là những người lớn chẳng may đã học.
Ngoài ra, các trẻ em, trong sự đơn sơ nội tâm của chúng, cũng có thể mang trong mình khả năng cho đi và nhận lại tình âu yếm. Âu yếm là có một quả tim “bằng thịt” chứ không phải “bằng đá”, như Thánh Kinh đã nói (x Ed 36:26). Âu yếm cũng là bài thơ: là “cảm thấy” các sự vật và các biến cố, chứ không chỉ coi chúng như những đồ vật, chỉ để sử dụng vì chúng hữu dụng…
Trẻ em có khả năng cười và khóc. Một số em, khi tôi giơ tay ra bế chúng lên để hôn thì chúng cười; những em khác khi thấy tôi mặc áo trắng thì nghĩ rằng tôi là một bác sĩ, và tôi đến để chích ngừa cho chủng nên chúng khóc… nhưng cách bộc phát! Trẻ em là thế: chúng cười và chúng khóc, hai điều thường bị “chặn lại” nơi chúng ta là những người lớn, chúng ta không còn khả năng…. Nhiều lần nụ cười của chúng ta trở thành một nụ cười giấy bồi, một nụ cười không có sự sống, một nụ cười thiếu sinh động, thậm chí một nụ cười giả tạo, của một thằng hề. Trẻ em cười một cách bộc phát và khóc một cách bộc phát. Luôn luôn lệ thuộc vào quả tim, và quả tim của chúng ta thường bị băng giá cùng mất khả năng cười và khóc này. Như thế trẻ em lại có thể dạy chúng ta cười và khóc. Phần chúng ta, chúng ta phải tự hỏi: Tôi có cười một cách bộc phát, với sự tươi mát, với tình yêu, hay nụ cười của tôi là nụ cười giả tạo? Tôi còn biết khóc không, hay tôi đã mất khả năng khóc? Đó là hai câu hỏi rất con người mà trẻ em dạy cho chúng ta.
Vì tất cả những lý do đó mà Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ “trở nên như trẻ nhỏ” vì “Nước Thiên Chúa thuộc về những người như chúng” (x Mt 18:3; Mc 10:14).
Anh chị em thân mến, trẻ em mang lại sự sống, niềm vui, niềm hy vọng và cả khó khăn. Nhưng, đời là thế. Chắc chắn chúng cũng mang lại những lo âu và đôi khi nhiều vấn đề; nhưng tốt hơn là một xã hội với những lo âu và những vấn đề này, còn hơn một xã hội buồn rầu và xám xịt vì không có trẻ em! Và khi thấy mức sinh sản của xã hội không đạt được đến một phần trăm, chúng ta có thể nói rằng xã hội này là một xã hội buồn rầu và xám xịt bởi vì nó tiếp tục không có trẻ em.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ