“Nền tảng của tất cả (nền giáo dục) là tình yêu, tình yêu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, tình yêu “không thô lỗ, không tìm tư lợi, không nóng giận, không oán thù, không vui mừng vì điều bất chính, … hoàn toàn bao dung, hoàn toàn tin tưởng, hoàn toàn hy vọng, chịu đựng tất cả.” (1 Cor 13,5-6)”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý của ĐTC Phanxicô được ban hành ngày 20 tháng 5 năm 2015 trong buổi Triều Yết Chung tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về Gia Đình. Ngài giải thích về tầm quan trọng của việc giáo dục con cái trong Gia Đình.
Anh chị em thân mến, hôm nay tôi muốn chào đón anh chị em vì tôi thấy có nhiều gia đình giữa anh chị em, xin chào tất cả mọi gia đình! Chúng ta tiếp tục suy nghĩ về gia đình. Hôm nay chúng ta dừng lại để suy nghĩ về một đặc tính thiết yếu của gia đình, đó là ơn gọi tự nhiên để giáo dục con cái, vì các em lớn lên trong tinh thần trách nhiệm đối với mình và người khác. Trước hết, điều mà chúng ta nghe được từ thánh tông đồ Phaolô là những lời quá đẹp “Con cái hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều rất đẹp lòng Chúa. Các người cha đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng mất can đảm.” (Cl 3: 20-21). Đây là một quy tắc khôn ngoan: con cái được giáo dục lắng nghe và vâng phục cha mẹ, còn các bậc làm cha mẹ không cần phải ra lệnh một cách khó chịu, để khỏi làm cho con cái nản lòng. Thực vậy, trẻ em phải lớn lên từng bước một mà không bị nản lòng. Nếu cha mẹ bảo cái con mình: “Chúng ta hãy leo lên các bậc thang” cùng nắm tay các em và bước lên từng bước, họ làm cho chúng đi lên, mọi sự sẽ xảy ra một cách tốt đẹp. Nhưng nếu anh chị em bảo chúng, “Hãy đi lên!” – “Nhưng con không thể” – “Hãy đi lên!” Điều này được gọi là chọc giận con cái, đòi hỏi con cái những điều chúng không có khả năng làm. Vì vậy, mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái phải là mối liên hệ khôn ngoan, một sự cân bằng rất lớn. Con cái, hãy vâng lời cha mẹ, là điều đẹp lòng Thiên Chúa. Và anh chị em là cha mẹ, đừng chọc giận con cái của mình bằng cách đòi buộc chúng làm những điều chúng không thể làm được. Và điều này phải được thể hiện vì trẻ em lớn lên trong tinh thần trách nhiệm với chính mình và với những người khác.
Lời đó có vẻ như một sự kiện hiển nhiên, nhưng ngay cả trong thời đại chúng ta cũng có những khó khăn. Thật khó mà giáo dục con cái khi cha mẹ chỉ thấy mặt con cái vào buổi tối, lúc về nhà mệt nhọc vì công việc. Những người may mắn đủ để có công ăn việc làm! Và thậm chí khó khăn hơn nữa cho những cha mẹ ly thân, đang bị đè nặng bởi tình trạng của họ: nghèo khổ, gặp khó khăn, họ xa cách nhau, và nhiều lần đứa con bị bắt làm con tin, cha nói xấu mẹ và mẹ nói xấu cha, và điều đó quá tệ. Nhưng tôi nói với các cha mẹ ly thân, đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ bắt con cái làm con tin! Anh chị em ly thân vì rất nhiều khó khăn và lý do, cuộc sống đã cho anh chị em thử thách này, nhưng con cái không phải là người gánh chịu hậu quả của sự phân ly ấy, chớ gì chúng không bị dùng làm con tin để chống lại người phối ngẫu, chớ gì chúng lớn lên trong cảm nhận rằng mẹ nói tốt về cha, và cha nói tốt về mẹ, mặc dù họ không còn chung sống. Đối với những cha mẹ ly thân, điều này rất quan trọng và rất khó khăn, nhưng có thể làm được.
Nhưng trước hết là câu hỏi: phải giáo dục thế nào? Chúng ta có truyền thống gì để truyền lại cho con cái mình hôm nay?
Các “bình luận gia” trí thức đủ loại đã bịt miệng cha mẹ bằng nhiều cách, để bảo vệ thế hệ trẻ khỏi những thiệt hại – có thật hay giả tưởng – của nền giáo dục gia đình. Gia đình đã bị kết án, trong số nhiều tội khác, là vì độc tài, thiên vị, hủ lậu, đàn áp tình cảm mà tạo ra những xung đột.
Thực ra, có một sự rạn nứt giữa gia đình và xã hội, giữa gia đình và học đường, công ước về giáo dục ngày nay đã bị xé nát; và như vậy, liên minh giáo dục của xã hội và gia đình đã đi đến mức khủng hoảng vì lòng tin tưởng lẫn nhau bị hao mòn. Có nhiều triệu chứng. Chẳng hạn như, ở học đường sự liên hệ giữa cha mẹ và thầy cô đã bị tổn thương. Đôi khi có những căng thẳng và thiếu tin tưởng lẫn nhau; và đương nhiên là trẻ em phải chịu hậu quả. Đàng khác, số người được gọi là “chuyên viên” lại gia tăng; họ tước đoạt vai trò của cha mẹ, ngay cả trong bình diện mật thiết nhất của việc giáo dục. Về đời sống tình cảm, cá tính và sự phát triển, về quyền lợi và nhiệm vụ, các “chuyên gia” biết tất cả mọi sự: mục tiêu, động lực, kỹ thuật. Và cha mẹ chỉ cần lắng nghe, học hỏi và thích nghi. Bị tước mất vai trò của mình, cha mẹ thường trở nên quá lo lắng và chiếm hữu đối với con cái của họ, đến nỗi không bao giờ sửa dạy chúng: “Mình không thể sửa dạy con cái.” Họ có khuynh hướng càng ngày càng trao phó cho các “chuyên viên”, ngay cả những bình diện riêng tư và nhạy cảm nhất trong đời sống của chúng, tự co mình vào xó nhà; và như thế cha mẹ ngày nay có nguy cơ tự loại mình ra khỏi đời sống của con cái. Và điều này là rất nghiêm trọng! Ngày nay có nhiều trường hợp theo kiểu này. Tôi không nói rằng nó luôn luôn xảy ra, nhưng có xảy ra. Cô giáo ở nhà trường khiển trách đứa bé và gửi giấy lưu ý về cho phụ huynh. Tôi còn nhớ một giai thoại cá nhân. Một lần kia, khi tôi còn học lớp tư tiểu học, tôi đã nói một lời không tốt về cô giáo, và cô giáo, một phụ nữ tốt, đã gọi mẹ tôi đến. Ngày hôm sau mẹ tôi đến, họ nói chuyện, và sau đó tôi bị gọi vào. Và mẹ tôi giải thích với tôi trước mặt cô giáo rằng điều tôi đã làm là một điều xấu, rằng không được làm điều ấy nữa; nhưng mẹ tôi đã làm thế một cách rất dịu dàng và bắt tôi xin lỗi cô giáo. Tôi đã làm điều ấy và sau đó tôi hài lòng vì tôi đã cho rằng: câu chuyện đã kết thúc tốt đẹp. Nhưng đó là chương thứ nhất! Khi về nhà, thì chương thứ hai mới bắt đầu… Anh chị em hãy tưởng tượng, ngày nay, nếu cô giáo làm như thế, ngày hôm sau cả hai bố mẹ hoặc một trong hai sẽ tố khổ cô giáo, bởi vì các “chuyên gia” nói rằng không được la mắng trẻ em như thế. Mọi sự đã thay đổi! Vì vậy cha mẹ không nên tự loại mình ra khỏi việc giáo dục con cái.
Rõ ràng là phương pháp này không tốt: nó không hài hòa, không đối thoại, và thay vì khuyến khích sự hợp tác giữa gia đình và các cơ quan giáo dục khác, như nhà trường, nhà tập thể dục… thì lại gây ra sự đối kháng.
Làm sao mà chúng ta đi đến mức này? Rõ ràng là các bậc cha mẹ, hay đúng hơn, mô thức giáo dục trong quá khứ chắc chắn đã có một số giới hạn, không còn nghi ngờ gì cả. Nhưng cũng đúng là có những sai lầm chỉ có cha mẹ mới được phép làm, bởi vì họ có thể bù đắp lại bằng một cách mà không một người nào khác có thể làm được. Đằng khác, như chúng ta biết rõ, cuộc sống đã làm cho chúng ta có rất ít thì giờ để nói chuyện, suy tư và đối phó. Nhiều cha mẹ đang “bị mắc kẹt” bởi công ăn việc làm – Bố mẹ phải làm việc – và những bận tâm khác, lúng túng bởi những nhu cầu mới của con cái và sự phức tạp của đời sống hiện đại, – sự thể là như thế, chúng ta phải chấp nhận hiện trạng này – và bị tê liệt vì sợ sai lầm. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ là nói. Thật vậy, một “chủ thuyết đối thoại” bề ngoài không dẫn đến một cuộc gặp gỡ thực sự của trí khôn và tâm hồn. Thay vào đó, chúng ta tự hỏi: chúng ta có cố gắng tìm hiểu xem con mình thực sự đang “ở đâu” trên đường đời không? Chúng ta có thực sự biết linh hồn chúng đang ở đâu không? Và trên hết, chúng ta có muốn biết điều ấy không? Chúng ta có tin chắc rằng trên thực tế chúng không mong đợi gì khác không?
Các cộng đồng Kitô hữu được mời gọi nâng đỡ sứ vụ giáo dục của các gia đình, và làm điều ấy trước hết với ánh sáng của Lời Chúa. Thánh Tông Đồ Phaolô nhắc chúng ta nhiệm vụ hỗ tương giữa cha mẹ và con cái: “Con cái hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều rất đẹp lòng Chúa. Các người cha đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng mất can đảm.” (Col 3,20-21). Nền tảng của tất cả là tình yêu, tình yêu mà Thiên Chúa ban cho chúng ta, tình yêu “không thô lỗ, không tìm tư lợi, không nóng giận, không oán thù, không vui mừng vì điều bất chính, … hoàn toàn bao dung, hoàn toàn tin tưởng, hoàn toàn hy vọng, chịu đựng tất cả.” (1 Cor 13,5-6). Ngay cả trong những gia đình tốt lành nhất cũng phải chịu đựng lẫn nhau, và cần rất nhiều kiên nhẫn để chịu đựng lẫn nhau! Nhưng đời là thế. Cuộc đời không được tạo thành trong phòng thí nghiệm, mà trong thực tế. Chính Chúa Giêsu cũng đã trải qua nền giáo dục gia đình.
Ngay cả trong trường hợp này, ân sủng của tình yêu Đức Kitô hoàn thành những gì được ghi khắc trong bản tính loài ngưởi. Có biết bao gương sáng tuyệt vời của các cha mẹ Kitô giáo đầy khôn ngoan của con người! Họ cho thấy rằng giáo dục tốt của gia đình là nòng cốt của chủ nghĩa nhân bản. Sự toả sáng của nó trong xã hội là tài nguyên cho phép chúng ta bù đắp cho những chỗ hở, những vết thương, những khoảng trống của việc làm cha mẹ liên hệ đến những đứa con thiếu may mắn. Sự toả sáng này có thể làm phép lạ thực sự. Và trong Hội Thánh những phép lạ ấy xảy ra hàng ngày!
Tôi cầu xin Chúa ban cho các gia đình Kitô hữu đức tin, sự tự do và lòng can đảm cần thiết cho sứ vụ của mình. Nếu nền giáo dục gia đình tìm lại được niềm tự hào về sự hướng dẫn của Ngài, thì nhiều điều sẽ thay đổi tốt đẹp hơn, cho các bậc cha mẹ thiếu chắc chắn và cho các con cái đang thất vọng. Và đã đến lúc cha mẹ hồi hương từ cuộc lưu đày của mình – vì cha mẹ tự nguyện đày mình ra khỏi việc giáo dục con cái – và nhận lấy vai trò giáo dục trọn vẹn của mình. Chúng ta hy vọng rằng Chúa ban cho các cha mẹ ơn này: không tự ý đày mình ra khỏi việc giáo dục con cái. Và chỉ có tình yêu, sự dịu dàng và lòng kiên nhẫn mới có thể làm được điều ấy.
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ