“Như sự sống được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, thì ân sủng cũng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua việc tái sinh ở giếng Rửa Tội, và với ân sủng này, dân Kitô lữ hành trong thời gian, như một dòng sông tưới gội trái đất và truyền lan phúc lành của Thiên Chúa khắp thế gian.”
Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 15 tháng 1 năm 2014 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC bắt đầu loạt bài giáo lý về các Bí Tích, mở đầu bằng Bí Tích Rửa Tội.
Anh chị em thân mến, chào anh chị em.
Thứ tư tuần trước, chúng ta bắt đầu loạt bài giáo lý ngắn về các Bí Tích, khởi đầu với Bí Tích Rửa Tội. Và hôm nay tôi muốn tập trung vào Bí Tích Rửa Tội, để nhấn mạnh đến một loại hoa quả rất quan trọng của Bí Tích này: nó làm cho chúng ta thành phần tử của Thân Thể Đức Kitô và của Dân Thiên Chúa. Thánh Tôma Aquinô nói rằng những người lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội được tháp nhập vào Đức Kitô, như chi thể của Người và được thêm vào cộng đồng các tín hữu (x. Summa Theologiae, III, q. 69, art. 5; q. 70, art. 1), đó là Dân Thiên Chúa. Trong trường của Công Đồng Vaticanô II, ngày nay chúng ta nói rằng Bí Tích Rửa Tội đưa chúng ta vào Dân Thiên Chúa, làm cho chúng ta thành những phần tử của một dân đang hành trình, một dân lữ hành trong lịch sử.
Thực ra, như sự sống được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, thì ân sủng cũng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, qua việc tái sinh ở giếng Rửa Tội, và với ân sủng này, dân Kitô lữ hành trong thời gian, như một dòng sông tưới gội trái đất và truyền lan phúc lành của Thiên Chúa khắp thế gian. Từ giây phút mà Chúa Giêsu truyền lệnh mà chúng ta đã nghe trong Tin Mừng, các môn đệ đã đi rửa tội, và từ lúc đó đến nay có một chuỗi dây chuyền trong việc truyền thụ đức tin qua Phép Rửa. Và mỗi người chúng ta là một mắt xích trong chuỗi ấy: một bước về phía trước, luôn luôn, như một dòng sông tưới gội mặt đất. Đó là ân sủng của Thiên Chúa, và do đó cũng là đức tin của chúng ta, là điều mà chúng ta phải truyền lại cho con cái chúng ta, ban tặng cho các trẻ em, bởi vì các em, khi trưởng thành, có thể truyền thụ nó lại cho con cái của các em. Bí Tích Rửa Tội là thế. Tại sao? Tại vì Bí Tích Rửa Tội làm cho chúng ta được gia nhập vào Dân này của Thiên Chúa, là dân truyền thụ đức tin. Điều này là rất quan trọng. Một Dân của Thiên Chúa bước đi và truyền thụ đức tin.
Nhờ Bí Tích Rửa Tội chúng ta trở nên những môn đệ truyền giáo, được mời gọi đem Tin Mừng vào thế gian (x. T.h. Evangelii Gaudium, 120 ). “Mọi người đã được rửa tội, bất kể chức năng của họ trong Hội Thánh và trình độ giáo dục đức tin của họ, đều là một chủ thể tích cực của việc rao giảng Tin Mừng… Việc Tân Phúc Âm hóa liên quan đến vai trò tiên phong mới của từng người đã được rửa tội” (ibid.), của tất cả mọi người, của toàn thể Dân Thiên Chúa, vai trò tiên phong mới của từng người đã được rửa tội. Dân Thiên Chúa là một Dân Môn Đệ – bởi vì dân này nhận được đức tin – và Truyền Giáo – bởi vì dân này truyền thụ đức tin. Và Bí Tích Rửa Tội làm việc này trong chúng ta. Nó ban cho chúng ta ân sủng và truyền đức tin cho chúng ta. Tất cả mọi người trong Hội Thánh đều là môn đệ, và vì thế chúng ta luôn luôn, toàn thể đời sống chúng ta; và tất cả chúng ta đều là những nhà truyền giáo, tất cả mọi người ở nơi mà Chúa đã chỉ định cho họ. Tất cả mọi người: người nhỏ nhất cũng là một nhà truyền giáo, và người có vẻ lớn nhất cũng là một môn đệ. Nhưng một số trong anh chị em sẽ nói: “Các giám mục không phải là các môn đệ, các Giám Mục biết tất cả; và Đức Giáo Hoàng biết tất cả, ngài không phải là một môn đệ.” Không, các Giám Mục và Giáo Hoàng cần phải trở thành môn đệ, bởi vì nếu các ngài không phải là môn đệ thì các ngài không làm tốt được, các ngài không thể truyền giáo, không thể truyền thụ đức tin. Tất cả chúng ta đều là môn đệ và nhà truyền giáo.
Có một sự liên hệ chặt chẽ giữa bình diện mầu nhiệm và truyền giáo của ơn gọi Kitô hữu, cả hai bắt nguồn từ Bí Tích Rửa Tội. “Khi tiếp nhận đức tin và Bí Tích Rửa Tội, các Kitô hữu chúng ta đón nhận hành động của Chúa Thánh Thần là điều dẫn chúng ta đến việc tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và gọi Thiên Chúa là “Abba”, Cha. Tất cả chúng ta đã được rửa tội và khi được rửa tội… chúng ta được mời gọi sống và truyền thụ sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi, bởi vì truyền giáo là một lời mời gọi thông phần vào sự hiệp thông Ba Ngôi” (Văn bản cuối cùng của Aparecida, s. 157 ).
Không ai tự mình cứu được mình. Chúng ta là một cộng đồng tín hữu, chúng ta là Dân Thiên Chúa và trong cộng đồng này chúng ta cảm nghiệm vẻ đẹp của việc chia sẻ kinh nghiệm về một tình yêu đi trước tất cả chúng ta, nhưng đồng thời đòi hỏi chúng ta thành “máng” ân sủng cho nhau, bất chấp những giới hạn và tội lỗi của chúng ta. Chiều kích cộng đồng những chỉ là một “khuôn khổ”, một “đường nét”, nhưng còn là một phần không thể thiếu được của đời sống Kitô hữu, của việc làm chứng và loan báo Tin Mừng. Đức tin Kitô giáo được sinh ra và sống trong Hội Thánh, và trong Bí Tích Rửa Tội, gia đình và giáo xứ chào đón sự gia nhập của một phần tử mới vào Đức Kitô và vào Thân Thể của Người là Hội Thánh (x. ibid., s. 175b ).
Về tầm quan trọng của Bí Tích Rửa Tội đối với Dân Thiên Chúa, lịch sử của cộng đồng Kitô hữu tại Nhật Bản là một mẫu gương. Họ bị bách hại một cách trầm trọng trong những năm đầu thế kỷ XVII. Có nhiều vị tử vì đạo; các thành viên giáo sĩ đã bị trục xuất và hàng ngàn người bị giết. Đã không còn một linh mục nào ở lại Nhật Bản, tất cả đều bị trục xuất. Sau đó, cộng đồng rút lui vào bóng tối, giữ đức tin và cầu nguyện trong trốn tránh. Và khi một em bé được sinh ra, người cha hoặc người mẹ rửa tội cho em, bởi vì tất cả các tín hữu có thể rửa tội trong những trường hợp cụ thể. Sau gần hai thế kỷ rưỡi, 250 năm sau, khi các nhà truyền giáo trở lại Nhật Bản, hàng ngàn Kitô hữu đã ra công khai và Hội Thánh có thể tái phát triển. Họ đã sống sót nhờ ân sủng của Bí Tích Rửa Tội của họ! Điều này thật vĩ đại: Dân Chúa truyền thụ đức tin, rửa tội cho con cái mình và tiến bước. Họ đã duy trì, thậm chí trong bí mật, một tinh thần cộng đồng mạnh mẽ, bởi vì Bí Tích Rửa Tội đã làm cho họ nên một thân thể trong Đức Kitô: họ đã bị cô lập và trốn tránh, nhưng họ luôn luôn là phần tử của Dân Thiên Chúa, phần tử của Hội Thánh. Chúng ta có thể học hỏi rất nhiều từ câu chuyện này!
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ