THÁNH PHAOLÔ VÀ HỘI THÁNH
Nhằm mục đích cung cấp cho các tín hữu Việt Nam những tài liệu để học hỏi về Năm Thánh Phaolô, chúng tôi xin giới thiệu bài huấn từ IV của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô trong buổi triều yết chung tại Quảng trường Thánh Phêrô ngày 22 tháng 11, 2006.
* * *
Anh Chị Em thân mến,
Hôm nay chúng ta kết thúc những cuộc gặp gỡ với Thánh Tông Đồ Phaolô bằng cách dành buổi suy niệm cuối cùng này cho ngài. Thực ra, chúng ta không thể tạm biệt ngài mà không đề cập đến một trong những yếu tố quyết định trong các hoạt động của ngài và một trong những đề tài quan trọng nhất trong tư tưởng của ngài: thực tại về Hội Thánh.
Trước hết chúng ta phải ghi nhận rằng cuộc tiếp xúc đầu tiên của ngài với Con Người Chúa Giêsu đã xảy ra qua chứng từ của cộng đồng Kitô hữu tại Giêrusalem. Đó là một cuộc tiếp xúc đầy sóng gió. Một khi đã gặp nhóm tín hữu mới này, ngài lập tức trở thành tên khủng bố dữ tợn đối với họ. Chính ngài công nhận điều này ba lần trong nhiều Thư của ngài: “Tôi đã ngược đãi Hội thánh của Thiên Chúa” (1 Corinthians 15:9; Galatians 1:13; Philippians 3:6), hầu như để trình bày cách đối xử của ngài là một tội ác tầy trời nhất.
Lịch sử cho cho chúng ta thấy rằng người ta thường đến cùng Đức Kitô qua Hội Thánh! Theo một nghĩa nào đó, như chúng ta đã nói, điều đó cũng đúng đối với Thánh Phaolô, là người đã gặp Hội Thánh trước khi gặp Chúa Giêsu. Tuy nhiên trong trường hợp của ngài, cuộc tiếp xúc đó bất lợi; nó thay vì đưa đến tình thân hữu lại đưa đến một cuộc thanh trừng tàn bạo.
Đối với Thánh Phaolô, sự gắn bó với Hội Thánh được xảy ra nhờ sự can thiệp trực tiếp của Đức Kitô, là Đấng trong lúc tự tỏ mình ra cho ngài trên đường Đamascô, đã đồng hoá mình với Hội Thánh và làm cho Thánh Phaolô hiểu rằng bắt bớ Hội Thánh là bắt bớ Chính Người, là Đức Chúa.
Thực ra, Đấng Phục Sinh đã nói với Phaolô, kẻ bắt bớ Hội Thánh, rằng: “Saulô, Saulô, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Tdcv 9:4). Khi bắt bớ Hội Thánh là thánh nhân đang bắt bớ Đức Kitô.
Cho nên, Thánh Phaolô đã cùng một lượt vừa trở lại với Đức Kitô và vừa trở lại với Hội Thánh. Điều này giúp người ta hiểu tại sao Hội Thánh sau này hiện diện quá nhiều trong tư tưởng, trái tim và hoạt động của Thánh Phaolô.
Trước hết, Hội Thánh hiện diện quá đến nỗi hầu như ngài đã xây dựng nhiều Giáo Đoàn trong nhiều thành phố khác nhau là những nơi ngài đã đến như một nhà truyền giáo. Khi ngài nói về “mối bận tâm cho cho tất cả các Giáo Đoàn” (2 Corinthians 11:28), ngài nghĩ tới những cộng đồng Kitô hữu khác nhau đã được lần lượt được hình thành tại Galatia, Ionia, Macedonia và Achaia.
Một số trong những Giáo Đoàn này cũng làm cho ngài bận tâm và bất mãn, thí dụ như đã xảy ra với các Giáo Đoàn ở Galatia, mà ngài thấy “theo một tin mừng khác” (Galatians 1:6), là điều mà ngài phản đối với một quyết tâm kiên vững.
Nhưng ngài cảm thấy gắn bó với các Cộng Đồng mà ngài đã thiết lập không phải một cách lãnh đạm và quan liêu, mà một cách mãnh liệt và say mê. Thí dụ, ngài đã diễn tả những người Phipphê như là “những anh em mà tôi hằng thương mến và nhớ nhung, là niềm vui và triều thiên của tôi” (Philippians 4:1).
Trong những dịp khác ngài so sánh những Cộng Đồng khác với một thư giới thiệu độc nhất vô nhị: “Chính anh em là thư giới thiệu của chúng tôi, được viết trong tâm hồn chúng tôi, mà mọi người đều nhận ra và đọc được” (2 Corinthians 3:2).
Còn ở những lúc khác ngài tỏ ra một mối tình đích thực không những là tình phụ tử mà còn là tình mẫu tử, như việc ngài quay về những người mà ngài nói với, khi gọi họ là: “Hỡi các người con bé nhỏ của tôi, mà tôi lại phải đau đớn sinh ra một lần nữa cho đến khi Ðức Kitô được thành hình nơi anh em” (Galatians 4:19; x. 1 Corinthians 4:14-15; 1 Thessalonians 2:7-8).
Thánh Phaolô cũng minh họa cho chúng ta trong các Thư của ngài giáo huấn của ngài về Hội Thánh như thế. Vậy, định nghĩa nguyên thủy của ngài về Hội Thánh là “Thân Thể Đức Kitô,” mà chúng ta không gặp trong những tác giả Kitô giáo khác của thế kỷ thứ nhất, là một định nghĩa thời danh (x. 1 Corinthians 12:27; Ephesians 4:12; 5:30; Colossians 1:24).
Chúng ta tìm thấy gốc rễ sâu xa nhất của diển tả kinh ngạc này về Hội Thánh trong Bí Tích Mình Đức Kitô. Thánh Phaolô nói: “Chúng ta tuy nhiều nhưng chỉ là một tấm Bánh, một thân thể, vì tất cả chúng ta chia sẻ cùng một tấm Bánh này.” (1 Corinthians 10:17). Trong cùng một Thánh Thể, Đức Kitô ban cho chúng ta Mình Người và biến chúng ta thành Thân Thể của Người. Về điều này, Thánh Phaolô đã nói với tin hữu Galatê: “Tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Galatians 3:28). Bằng cách nói tất cả những lời này Thánh Phaolô giúp chúng ta hiểu rằng không những chỉ có sự lệ thuộc của Hội Thánh vào Đức Kitô, mà còn có một hình thức tương đương và đồng hóa của Hội Thánh với Chính Đức Kitô.
Cho nên, từ đó nảy sinh ra tính cao sang và cao quý của Hội Thánh, tức là, của tất cả chúng ta là những phần tử Hội Thánh: từ việc chúng ta là chi thể của Đức Kitô, như một nối dài sự hiện diện cá nhân của Người trong thế gian. Và đương nhiên là từ đó nảy sinh ra nhiệm vụ của chúng ta là sống cho thật phù hợp với Đức Kitô.
Những lời khuyên của Thánh Phaolô về nhiều đặc sủng đem lại sự sống và cấu trúc cho cộng đồng Kitô hữu cũng được khai triển từ đó. Tất cả đều được bắt đầu từ một nguồn duy nhất, là Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con, vì biết rõ rằng trong Hội Thánh không ai thiếu những đặc sủng này, bởi như Thánh Tông Đồ đã viết, “Sự biểu lộ của Thần Khí được ban cho mỗi người vì lợi ích chung” (1 Corinthians 12:7).
Tuy nhiên, điều quan trọng là tất cả các đặc sủng này cộng tác với nhau để xây dựng cộng đồng, và thay vì đó không trở thành động lực cho sự chia rẽ.
Về điểm này, Thánh Phaolô tự hỏi mình cách hùng biện: “Có phải Đức Kitô bị chia sẻ chăng?” (1 Corinthians 1:13). Ngài biết rõ và dạy chúng ta rằng cần phải “duy trì sự hiệp nhất trong Thần Khí, bằng mối dây hòa thuận. Chỉ có một thân thể, và một Thần Khí, như anh em đã được kêu mời trong một niềm hy vọng của ơn gọi anh em” (Ephesians 4:3-4).
Hiển nhiên, nhấn mạnh đến nhu cầu hiệp nhất không có nghĩa là đời sống Hội Thánh cần phải được tiêu chuẩn hóa hay được san bằng theo một cách làm việc duy nhất. Ở chỗ khác Thánh Phaolô dạy: “Đừng dập tắt Thần Khí” (1 Thessalonians 5:19), nghĩa là, phải rộng rãi để dành chỗ cho động lực không thể thấy trước của những sự tỏ bày đặc sủng của Thần khí, Đấng luôn là nguồn mạch mới của nghị lực và sinh lực.
Nhưng nếu có một chủ trương mà Thánh Phaolô cương quyết đi theo là việc xây dựng lẫn nhau: “Hãy làm tất cả những việc ấy để xây dựng” (1 Corinthians 14:26). Tất cả phải đóng góp vào việc đan một tấm vải Hội Thánh một cách bằng phẳng, không những không có những miếng vá rời rạc, nhưng cũng không có lỗ thủng hay vết rách.
Sau đó còn có một Thư của Thánh Phaolô trình bày Hội Thánh như là Hiền Thê của Đức Kitô (x. Ephesians 5:21-33).
Với cách trình bày này, Thánh Phaolô mượn một phép ẩn dụ tiên tri thời xưa coi dân Israel là Hiền Thê của Thiên Chúa của Giao Ước (x. Hosea 2:4,21; Isaiah 54:5-8). Ngài làm thế để diễn tả mối liên hệ mật thiết giữa Đức Kitô và Hội Thánh Người, cả theo nghĩa đối với Chúa thì Hội Thánh là đối tượng của tình yêu âu yếm nhất, lẫn theo nghĩa là tình yêu phải có tính hỗ tương, và cả chúng ta, là phần tử của Hội Thánh, phải tỏ ra một lòng chung thủy thiết tha đối với Người.
Vì thế, tóm lại, một tương quan hiệp thông đang bị đe doạ: một tương quan gọi là tương quan chiều dọc giữa Đức Chúa Giêsu Kitô và tất cả chúng ta, mà còn tương quan chiều ngang giữa tất cả những người khác nhau trong thế giới bởi sự kiện họ “kêu cầu Danh Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Corinthians 1:2).
Đây là định nghĩa của chúng ta: chúng ta thuộc vào số những người kêu cầu Danh Đức Chúa Giêsu Kitô. Như thế chúng ta hiểu rõ ràng rằng chúng ta phải ao ước đến mức nào điều mà chính Thánh Phaolô ao ước khi viết cho tín hữu Côrinthô: “Nhưng nếu mọi người đều nói tiên tri, mà có người ngoại đạo hay người lạ đi vào, người đó sẽ bị thuyết phục bởi mọi người, và xét xử bởi mọi người. Những bí ẩn trong lòng người đó sẽ bị lộ ra, và như thế, người đó sẽ sấp mình xuống và thờ lạy Thiên Chúa, mà tuyên xưng rằng, ‘Thật sự, Thiên Chúa ở giữa anh em’” (1 Corinthians 14:24-25).
Những cuộc gặp gỡ phụng vụ của chúng ta cũng phải giống như thế, để một người không phải là Kitô hữu đến tham dự một trong những buổi tập họp của chúng ta cuối cùng cũng có thể nói: “Thiên Chúa thật sự ở cùng các bạn.” Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta được giống như thế, trong sự hiệp thông với Đức Kitô và trong sự hiệp thông giữa chúng ta.
+ĐTC Bênêđictô XVI
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ