Bài Giáo Lý IV của ĐTC Bênêđictô XVI về Năm Đức Tin: Lòng Ao Ước Thiên Chúa

“Tâm hồn chúng ta không thể an nghỉ cho đến khi được nghỉ an nơi Thiên Chúa”

Dưới đây là bản dịch Bài Giáo Lý thứ tư của ĐTC Bênêđictô XVI về Năm Đức Tin, được ban hành tại Quảng Trường Thánh Phêrô hôm thứ tư ngày 7 tháng 11, 2012.  Hôm nay ĐTC dạy tiếp tục loạt Bài Giáo Lỳ về Đức Tin.

* * *

Anh chị em thân mến,

Cuộc hành trình suy niệm mà chúng ta đang cùng nhau thực hiện trong Năm Đức Tin này dẫn chúng ta đến suy niệm hôm nay về một  khía cạnh hấp dẫn của kinh nghiệm con người và Kitô giáo: con người mang trong mình một ao ước mầu nhiệm về Thiên Chúa.  Bằng một cách rất ý nghĩa, Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo mở đầu với lời nhận xét sau: Sự ao ước Thiên Chúa được viết trong trái tim con người, vì con người được tạo ra bởi Thiên Chúa và cho Thiên Chúa, và Thiên Chúa không bao giờ ngừng lôi kéo con người lại với chính mình.  Chỉ trong Thiên Chúa, con người sẽ tìm thấy chân lý và hạnh phúc mà họ đã không ngừng tìm kiếm” (số 27).

Ngay cả ngày nay, hầu như hiển nhiên, một lời xác nhận như thế trong nhiều bối cảnh văn hóa có vẻ vẫn còn chấp nhận được, thay vì xem ra là một hành động khiêu khích như trong nền văn hóa Tây Phương bị tục hóa này.  Thưc ra, nhiều người đương thời của chúng ta có thể cho rằng không tài nào họ cảm thấy một ao ước về Thiên Chúa như thế. Đối với phần lớn trong xã hội, Ngài không còn là Đấng mà người ta mong đợi, Đấng mà người ta ao ước, nhưng trái lại là một thực thể khiến cho người ta không quan tâm, trước thực thể ấy một người thậm chí không cần phải cố gắng bàn luận.

Trên thực tế, điều chúng ta đã định nghĩa là “ao ước Thiên Chúa” đã không hoàn toàn biến mất, và vẫn hiện hữu ngay cả hôm nay, bằng nhiều cách, ở trong tâm hồn con người.  Ước ao của con người luôn hướng về những sự tốt lành cụ thể, thường là bất cứ điều gì ngoài những điều tinh thần, và thấy mình đứng trước thắc mắc về điều gì thực sự là “điều” tốt lành, do đó cảm thấy phải đương đầu với một điều gì đó khác với chính mình, mà con người không thể tạo ra, nhưng được mời gọi để nhận ra. Điều gì thật sự có thể thỏa mãn ao ước của con người?

Trong Thông Điệp đầu tiên của tôi, Deus Caritas Est, tôi đã cố gắng phân tích động năng này xảy ra thế nào trong kinh nghiệm về tình yêu con người, một kinh nghiệm mà trong thời đại chúng ta được người ta cảm nhận dễ dàng hơn như một giây phút xuất thần, đi ra ngoài chính mình, một nơi mà con người nhận ra rằng mình được tràn ngập bởi một ao ước vượt trên mình. Qua tình yêu, người nam và nữ nhờ nhau mà kinh nghiệm một cách mới mẻ sự cao cả và vẻ đẹp của cuộc đời và thực tại. Nếu điều tôi kinh nghiệm không chỉ đơn thuần là một ảo tưởng, nếu việc tôi thực sự mong muốn điều tốt cho người khác cũng là một cách đạt được điều tốt cho tôi, thì tôi phải sẵn sàng quên mình, để phục vụ tha nhân, cho đi đến độ từ bỏ chính mình.  Như thế, câu trả lời cho câu hỏi về ý nghĩa của kinh nghiệm về tình yêu phải trải qua thanh tẩy và chữa lành ý muốn, được đòi hỏi bởi chính tình yêu mà tôi dành cho tha nhân.  Chúng ta phải thực hành điều này, chúng ta phải huấn luyện, và thậm chí sửa mình, để chúng ta có thể thực sự mong muốn điều tốt lành này.

Do đó sự xuất thần ban đầu trở thành một cuộc hành hương “một cuộc xuất hành liên tục ra khỏi cái tôi bị khép kín trong chính mình hướng về việc giải thoát nó qua việc tự hiến, và do đó hướng về việc thực sự tìm được chính mình và quả thực là tìm được Thiên Chúa” (Deus Caritas Est, 6).  Qua con đường này, con người sẽ dần dần đào sâu hơn sự hiểu biết về tình yêu mà mình đã trải qua lúc ban đầu. Và mầu nhiệm mà nó đặc trưng sẽ càng ngày càng nổi bật: thực ra, ngay cả người được yêu cũng không có thể thỏa mãn được ao ước trong quả tim con người; trái lại, tình yêu dành cho người khác càng đích thực bao nhiêu thì nó càng tạo ra thắc mắc về nguồn gốc và số phận của nó, về việc có thể kéo dài tình yêu này mãi mãi hay không bấy nhiêu.  Như vậy, kinh nghiệm về tình yêu của con người có trong chính nó một động năng dẫn họ vượt qua chính mình, đó là một kinh nghiệm về một điều tốt lành dẫn người ta đi ra ngoài chính mình và tìm thấy mình trước mầu nhiệm bao bọc toàn thể cuộc đời.

Chúng ta có thể có những suy nghĩ tương tự về những kinh nghiệm khác của con người, như tình bạn, kinh nghiệm về thẩm mỹ, lòng yêu thích sự hiểu biết: mọi điều tốt được con người cảm nghiệm đều hướng về mầu nhiệm bao bọc chính con người; mỗi ao ước phát sinh từ tâm hồn con người vang vọng một ước muốn không bao giờ được thỏa mãn hoàn toàn.  Chắc chắn rằng từ ao ước sâu xa đó, là điều cũng che giấu một cái gì bí ẩn, mà một người không thể trực tiếp đạt đến đức tin được.  Chung cuộc, con người biết rõ điều gì không làm cho mình thỏa mãn, nhưng không thể đoán hoặc xác định được điều làm cho họ cảm nghiệm hạnh phúc mà họ nhung nhớ trong tâm hồn.  Người ta không thể biết Thiên Chúa đơn thuần dựa trên ao ước của con người.  Từ quan điểm này, mầu nhiệm vẫn còn: con người là kẻ tìm kiếm Đấng Tuyệt Đối, một người đi tìm tiến bước qua những bước nhỏ và không chắc chắn.  Tuy nhiên, kinh nghiệm về ao ước, của con tim không thể an nghỉ được như Thánh Augustine gọi nó, là điều rất ý nghĩa.  Nó cho chúng ta biết rằng con người, tận đáy lòng, là một hữu thể tôn giáo (x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 28), một “kẻ ăn xin trước mặt Thiên Chúa.”  Chúng ta có thể nói bằng những lời nói của Pascal: “Con người vượt qua con người một cách vô tận (Pensées, ed Chevalier 438, ed Brunschvicg 434).  Mắt chúng ta nhận ra các sự vật khi chúng được ánh sáng chiếu soi.  Do đó ước muốn biết chính ánh sáng, là điều làm cho những gì thuộc về thế giới tỏa sáng và cùng với chúng, thắp lên ý nghĩa về vẻ đẹp.

Vì thế chúng ta phải tin rằng trong thời đại chúng ta, là thời đại dù có vẻ chống lại chiều kích siêu việt, vẫn có thể mở một lối đi hướng về ý nghĩa tôn giáo đích thực của cuộc đời, trong đó cho thấy làm sao hồng ân đức tin không phải là điều ngu xuẩn, không phải là điều vô lý.  Thật là điều rất ích lợi, cho mục đích đó, để quảng bá một loại phương pháp sư phạm về ao ước, cho cả con đường của những người chưa tin, và cho những người đã nhận được hồng ân đức tin.  Một phương pháp sư phạm bao gồm ít nhất hai khía cạnh.  Thứ nhất, học hoặc tái học thưởng thức những niềm vui đích thực của cuộc đời.  Không phải tất cả mọi thỏa mãn đều tạo ra cùng một hiệu quả trong chúng ta: một số để lại dấu vết tích cực, chúng có thể làm êm dịu tâm hồn, làm cho chúng ta hoạt động nhiều hơn và đại lượng hơn.  Còn những thỏa mãn khác, sau ánh sáng ban đầu, có vẻ làm tiêu tan những kỳ vọng mà chúng đã tạo ra và đôi khi để lại đằng sau chúng sự đắng cay, không hài lòng, hay một cảm giác trống rỗng.  Việc giáo dục con người từ thơ ấu để biết thưởng thức những niềm vui thật, trong tất cả các lĩnh vực của cuộc đời – gia đình, tình bạn, tình đoàn kết với những người đau khổ, từ bỏ mình để phục vụ tha nhân, yêu thích sự hiểu biết, nghệ thuật, những vẻ đẹp thiên nhiên – , tất cả những điều này có nghĩa là thực tập cách thưởng thức nội tâm và sản xuất ra những kháng thể có hiệu quả chống lại sự tầm thường hóa và bình thường phổ biến ngày nay.  Người lớn cũng cần phải tái khám phá ra những niềm vui, ao ước những thực tại chân chính, thanh lọc mình khỏi sự tầm thường, mà họ thấy chính mình bị vướng mắc trong đó.  Sau đó sẽ dễ dàng hơn để bỏ đi hoặc chối từ tất cả những gì, dù có vẻ hấp dẫn chứ không tỏ ra vô vị, là nguồn mạch của sự nghiện ngập chứ không phải của tự do.  Và điều này sẽ làm xuất hiện lòng ao ước về Thiên Chúa mà chúng ta đang nói đến.

Một khía cạnh thứ hai, đi song song với khía cạnh trước là đừng bao giờ hài lòng với những gì mình đã đạt được.  Chính những niềm vui chân thật nhất có khả năng giải phóng chúng ta khỏi tình trạng bất ổn lành mạnh ấy dẫn chúng ta đến việc trở nên đòi hỏi hơn – ao ước một sự tốt lành cao hơn và sâu xa hơn – và đồng thời, nhận thức càng ngày càng rõ ràng hơn rằng không có gì hữu hạn có thể đổ đầy trái tim của chúng ta.  Như vậy, chúng ta sẽ học để vươn ra, bàng tay không, hướng về phía sự tốt lành ấy mà chúng ta không thể xây dựng hoặc mua cho mình bằng những nỗ lực riêng của mình; chúng ta sẽ học không để cho mình bị chán nản vì những khó khăn liên hệ hoặc những trở ngại đến từ tội lỗi của mình.

Về vấn đề này, chúng ta không được quên rằng động lực của ao ước luôn mở ra cho ơn cứu độ.  Ngay cả khi nó tiến theo những con đường sai lầm, khi nó theo đuổi những thiên đàng nhân tạo và dường như mất khả năng khao khát những sự tốt lành chân thật.  Ngay cả trong vực thẳm của tội lỗi, tia lửa ấy không bị dập tắt trong con người, cho phép người ta nhận ra điều tốt lành thật sự, để thưởng thức nó, và do đó bắt đầu một con đường đi lên, là con đường mà Thiên Chúa, qua món quà ân sủng của Ngài, không bao giờ ngừng ban phát sự giúp đỡ của Ngài.  Hơn nữa, tất cả chúng ta cần phải bước đi trên một con đường thanh tẩy và chữa lành của ước muốn.  Chúng ta là những khách lữ hành hướng về quê trời, hướng về sự tốt lành sung mãn và vĩnh cửu ấy, là điều mà không bao giờ có gì sẽ có thể giật khỏi tay chúng ta.  Cho nên, không phải là vấn đề bóp nghẹt ao ước trong tâm hồn con người, nhưng giải thoát nó, để nó có thể đạt được tầm vóc thực sự của nó.  Khi trong ao ước một cửa sổ được mở ra hướng về Thiên Chúa, đây đã là một dấu chỉ của sự hiện diện của đức tin trong linh hồn, đức tin là một hồng ân cùa Thiên Chúa.  Thánh Augustinô nói: “Bằng cách để cho chúng ta chờ đợi, Thiên Chúa làm tăng ao ước của chúng ta, là điều mở rộng khả năng của linh hồn chúng ta” (Chú giải Thư Thứ Nhất của Thánh Gioan, 4,6: 35 PL, 2009).

Trong cuộc hành hương này, chúng ta hãy cảm thấy mình là anh em của mọi người, những người cùng đồng hành, kể cả những người không tin, những người đang tìm kiếm, những người với lòng chân thành để cho động năng của ao ước chân lý và sự tốt lành của họ chất vấn họ.  Trong Năm Đức Tin này chúng ta hãy cầu nguyện xin Thiên Chúa tỏ Dung Nhan Ngài cho tất cả những ai tìm kiếm Ngài với một lòng chân thành. Cảm ơn anh chị em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ