Bài Giáo Lý Mới I của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô

THẾ GIỚI VÀ THỜI ĐẠI CỦA THÁNH PHAOLÔ

Dưới đây là bài phiên dịch Bài Huấn Đức của ĐTC Bênêđictô XVI trong buổi triều yết chung vào ngày Thứ Tư, mùng 2 tháng 7, năm 2008.

* * *

Anh chị em thân mến,

Hôm nay tôi muốn bắt đầu một chu kỳ Giáo Lý mới dành riêng cho Thánh Tông Đồ Cả Phaolô. Như anh chị em đã biết, chúng ta thánh hiến năm nay từ ngày Lễ Thánh Phêrô và Phaolô, 29 tháng 6, năm 2008 cho đến cùng Lễ này năm tới để kính nhớ ngài.

Thánh Tông Đồ Phaolô, một dung mạo xuất sắc và hầu như không thể bắt chước được, nhưng hào hứng, ở trước mặt chúng ta như một gương sáng cao cả về việc hoàn toàn hiến thân phụng sự Thiên Chúa và phục vụ Hội Thánh, cũng như cởi mở với nhân loại và các nền văn hóa. Cho nên thật công bằng để cho chúng ta dành cho ngài một chỗ đặc biệt, không những chỉ trong sự tôn kính của chúng ta, mà còn trong cố gắng hiểu biết những gì ngài muốn nói với chúng ta, là những Kitô hữu thời nay.

Trong buổi gặp gỡ đầu tiên này, chúng ta ngừng lại để suy nghĩ về môi trường mà trong đó ngài đã sống và làm việc. Một đề tài như thế có vẻ đưa chúng ta ngược dòng lịch sử rất xa xôi, vì chúng ta phải đặt mình vào trong thế giới hai ngàn năm xưa. Nhưng điều đó chỉ dường như đúng có một phần, bởi vì chúng ta có thể chứng thực được rằng, dưới nhiều bình diện khác nhau, tình trạng văn hóa xã hội ngày nay không khác gì thời bấy giờ bao nhiêu.

Một điều chính yếu và căn bản mà chúng ta nên ghi nhớ là sự liên hệ giữa môi trường mà Thánh Phaolô được sinh ra và lớn lên với khung cảnh toàn cầu mà sau đó ngài trở thành phần tử. Ngài xuất thân từ một nền văn hóa rất đặc biệt và giới hạn, chắc chắn là thiểu số, đó là nền văn hóa và truyền thống của dân Israel. Trong thế giới ngày xưa và nhất là ở trọng tâm của Đế Quốc Rôma, như các học giả về thdề tài ầy cho chúng ta biết, thì có chừng 10% tổng số dân chúng là người Do Thái. Vào đầu thế kỷ thứ nhất tại thành Rôma này, tỷ lệ đó còn ít hơn, tối đa là 3% dân số thành phố.

Như vẫn còn xảy ra ngày nay, niềm tin và cách sống của họ phân biệt họ cách rõ ràng với môi trường chung quanh, và việc ấy có thể đưa đến hai hậu quả: hoặc là bị chế diễu, có thể đi đến việc kỳ thị, hoặc được thán phục, là điều được diễn tả dưới những hình thức cảm thông khác nhau như  trường hợp những dân ngoại “kính sợ Thiên Chúa” hoặc “tòng giáo” liên hệ với hội đường (synagogue) và chia sẻ đức tin vào Thiên Chúa của dân Israel.

Một mặt, như những thí dụ cụ thể mà chúng ta có thể nhắc đến về thái độ lưỡng diện này, là sự lên án độc ác của một nhà hùng biện như Cicêrô, là người không những đã khinh thường tôn giáo của họ, mà cả thành phố Giêrusalem nữa (x. Pro Flacco, 66-69), và mặt khác là thái độ của phu nhân của Nêrô, bà Poppea, mà ông Giuse Flaviô ghi nhớ là “người có cảm tình” với dân Do Thái (x. Ant. of the Jews, 20, 195.252, V. 16), chưa nói đến việc Juliô Caesar đã chính thức công nhận những quyền lợi đặc biệt của họ mà sử gia Do Thái  Giuse Flaviô mà chúng ta đã nói trên đã ghi lại (x. ibid 14, 200-216). Đương nhiên là, như ngày nay, số người Do Thái sống ngoài đất Israel, tức là tha hương (Diaspora), nhiều hơn số người sống trên vùng đất mà người ta gọi là Palestine.

Cho nên chúng ta không ngạc nhiên khi chính Thánh Phaolô cũng là người chịu hai cách đánh giá trái ngược nhau mà tôi đã đề cập đến. Có một điều chắc chắn là tính cách đặc thù của nền văn hóa và tôn giáo của Do Thái đã tìm được chỗ đứng dễ dàng trong một thực thể có mặt khắp nơi như là Đế Quốc Rôma. Chỗ đứng khó khăn và đau đớn hơn là của một nhóm những người, Do Thái hay Dân Ngoại, là những người tin chắc chắn vào con người Chúa Giêsu thành Nadareth, đến độ họ trở nên khác biệt với cả đạo Do Thái lẫn hình thức lương giáo thịnh hành.

Trong bất cứ trường hợp nào, có hai yếu tố có lợi cho quyết tâm của Thánh Phaolô. Trước hết là nền văn hóa Hy Lạp, hay đúng hơn là văn hóa cổ Hy Lạp (Hellenistic), là nền văn hóa mà thời hậu Alexander Đại Đế đã trở thành di sản chung ít ra của vùng Đông Địa Trung Hải và Trung Đông, mặc dù chính nền văn hóa này đã hội nhập nhiều yếu tố của các nền văn hóa của những dân tộc được truyền thống coi là man di. Một nhà văn thời ấy đã nói về vấn đề này rằng Alexander “ra lệnh cho tất cả mọi người phải giữ toàn thể “ecumene” [đất cư ngụ] như là quê cha đất tổ… và rằng không còn phân biệt giữa người Hy Lạp và dân Man Di.”(Plutarch, De Alexandri Magni luck aut virtute, § § 6.8).

Yếu tố thứ nhì là cơ cấu chính trị – hành chánh của Đế Quốc Rôma, là cơ cấu đảm bảo sự bình an và yên ổn từ Anh Quốc cho đến miển nam Ai Cập, thống nhất lãnh thổ với một chiều kích chưa từng thấy. Ở không gian này, một người có thể đủ tự do và an toàn để di chuyển, được hưởng giữa những tiện nghi khác là một hệ thống đường xá ngoại hạng, và tìm thấy ở bất cứ nơi nào mình đến những đặc tính văn hóa căn bản mà không phương hại đến những giá trị địa phương, được tiêu biểu, trong mọi trường hợp, một công trình thống nhất chung “super partes,” đến nỗi triết gia Philô người Do Thái ở Alexandria, đồng thời với Thánh Phaolô, đã ca tụng Hoàng Đế Augustô bởi vi ông “đã đem tất cả mọi dân man rợ lại với nhau trong sự hòa hợp … trở thành một người bảo vệ hòa bình” (Legatio to Caium, § § 146-147).

Nhãn quan phổ quát đặc trưng cho cá tánh của Thánh Phaolô, ít ra là của Kitô hữu Phaolô, sau biến cố trên đường đi Đamascô chắc chắn là được thúc đẩy bởi đức tin vào Đức Chúa Giêsu Kitô, đến nỗi hình ảnh của Đấng Phục Sinh đã vượt ra ngoài bất cứ giới hạn đặc biệt nào. Thực ra, đối với Thánh Tông Đồ “Không còn là người Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà nữa, vì tất cả anh em chỉ là một trong Ðức Kitô” (Galatians 3:28).  Nhưng, hoàn cảnh lịch sử – văn hóa của thời đại ngài và môi trường sống cũng ảnh hưởng đến những chọn lựa và quyết tâm của ngài. Thánh Phaolô đã được diễn tả như một “người của ba nền văn hóa,” kể cả nguồn gốc Do Thái của ngài, ngôn ngữ Hy Lạp, và đạc quyền “civis romanus” [công dân Rôma] của ngài, như tên gọi gốc Latinh của ngài làm chứng.

Chúng ta phải đặc biệt nhắc đến triết thuyết Khắc Kỷ, là triết lý nổi bật trong thời Thánh Phaolô và cũng ảnh hưởng đến Kitô giáo, dù chỉ một phần nào. Trong liên hệ này chúng ta không thể không nhắc đến tên các triết gia Khắc Kỷ, như Zênô và Cleanthes là những người sáng lập, rồi đến những người gần thời Thánh Phaolô hơn, như Sênêca, Musôniô và Epictêtô. Chúng ta tìm thấy nơi họ những giá trị cao quý về đề tài nhân loại và sự khôn ngoan, là những điều được Kitô giáo đón nhận một cách tự nhiên. Như một học giả về đề tài này đã viết cách tuyệt tác, “Thuyết Khắc Kỷ … công bố một ý tưởng mới, là ý tưởng áp đặt trên con người nhiệm vụ đối với đồng loại, đồng thời giải thoát họ khỏi tất cả mọi ràng buộc thể lý cùng dân tộc và làm cho họ thành một thực thể tinh thần thuần túy” (M. Pohlenz, La Stoa, I, Florence 2, 1978, pp. 565ff).

Thật là đủ để cho chúng ta nghĩ đến, chẳng hạn, những học thuyết hiểu vũ trụ như là một vật thể hòa hợp vĩ đại, và do đó học thuyết bình đẳng giữa mọi người không phân biệt về xã hội, rồi đến ý tưởng cần kiệm, về đo lường công bằng và tự chủ để tránh tất cả mọi thái quá. Khi Thánh Phaolô viết cho tín hữu Philipphê: “Những gì là chân thật, những gì là cao quý, những gì là chính trực, những gì là tinh tuyền, những gì là đáng yêu, những gì mang lại tiếng tốt, và nếu có gì là nhân đức, là đáng khen, thì hãy nghĩ đến những điều đó” (Philippians 4:8), thì ngài không làm gì khác hơn là đưa ra một quan niệm thuần túy nhân bản phù hợp với sự khôn ngoan của triết lý trên.

Vào thời Thánh Phaolô, cũng có một cuộc khủng hoảng về tôn giáo truyền thống, ít ra trên những bình diện huyền thoại cũng như công dân. Sau Lucrêtiô, một thế kỷ trước đó, là người đã tuyên bố một cách lý sự rằng “tôn giáo đã đưa đến quá nhiều hành động xấu” (De rerum natura 1, 101), một triết gia như Sênêca, trong khi đi vượt qua những chủ nghĩa nghi thức bề ngoài, đã dạy rằng “Thiên Chúa ở gần anh em, ngài ở với anh em, ngài ở trong anh em” (Lettere a Lucilio, 41, 1).

Tương tự, khi Thánh Phaolô nói chuyện ở một thính đường của các triết gia theo chủ nghĩa Khoái Lạc ở Areopagus tại Athens, ngài đã nói cách từ chương rằng “Ngài không ngự trong những đền thờ do tay người dựng nên … chính ở trong Ngài mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu” (Tđcv 17:24-28). Với lời này, ngài chắc chắn là nhắc lại đức tin của người Do Thái vào Một Thiên Chúa, là đức tin không thể được trình bày bằng thuật ngữ nhân cách hóa, nhưng ngài cũng theo một đường lối tôn giáo mà thính giả của ngài đã quen thuộc. Hơn nữa, chúng ta phải kể đến những lương dân có học thức đã không đi lại những đền thờ chính thức của thành phố, và đã đến những nơi tư là những nơi cổ động cho việc khai tâm của các môn đồ.

Cho nên sự kiện các Kitô hữu hội họp (“ekklesiai”) xảy ra ở tư gia không phải là động lực cho người khác thắc mắc, như các thư, đặc biệt là các thư Thánh Phaolô làm chứng. Hơn nữa, Khi ấy vẫn chưa có các cơ sở công cộng. Cho nên, các buổi hội họp của các Kitô hữu được những người đương thời coi là biến thể của cách thực thi tôn giáo mật thiết hơn này. Tuy nhiên sự khác biệt giữa phụng tự của lương dân và Kitô hữu không phải là điều không mấy quan trọng và đòi hỏi ý thức nhiều hơn về căn tính của người tham dự cũng như việc tham dự chung của cả đàn ông lẫn phụ nữ, đó là việc cử hành “Bữa Tiệc Ly của Chúa” và đọc Thánh Kinh.

Để kết luận, từ bài ôn ngắn này về khung cảnh văn hóa của thế kỷ thứ nhất của thời đại Kitô giáo, thì rõ ràng là không hiểu Thánh Phaolô cách đầy đủ nếu không kể đến khung cảnh sống của cả người Do Thái lẫn lương dân của thời đại ngài. Như vậy dung mạo của ngài có một chiều sâu lịch sử và tư tưởng, cho chúng ta thấy những yếu tố nguyên thủy và chia sẻ của môi trường. Tuy thế, điều này cũng đúng cho Kitô giáo cách chung, mà trong đó Tông Đồ Phaolô là một mẫu gương hàng đầu, tất cả chúng ta hôm nay có rất nhiều để học. Đó là mục tiêu của Năm Thánh Phaolô: để học từ ngài đức tin, để học từ ngài Đức Kitô là ai, và cuối cùng, con đường để sống một đời chính trực.

+ĐTC Bênêđictô XVI

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Galatians 3:28
View in: NAB
28There is neither Jew nor Greek: there is neither bond nor free: there is neither male nor female. For you are all one in Christ Jesus.
Philippians 4:8
View in: NAB
8For the rest, brethren, whatsoever things are true, whatsoever modest, whatsoever just, whatsoever holy, whatsoever lovely, whatsoever of good fame, if there be any virtue, if any praise of discipline, think on these things.