Bài Giáo Lý Mới II của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô

TIỂU SỬ THÁNH PHAOLÔ

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý mới thứ hai của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô trong buổi Triều Kiến Chung ngày 27-8-2008 tại Sảnh Đường Phaolô VI.

Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý dành cho khuôn mặt và tư tưởng của Thánh Phaolô.

* * *

Anh chị em thân mến,

Trong bài Giáo Lý sau cùng trước những ngày lễ nghỉ – cách đây hai tháng – cha đã bắt đầu một loạt bài mới về những đề tài và cơ hội của năm Thánh Phaolô, bằng cách xem xét cái thế giới mà Thánh Phaolô đã sống.[1] Hôm nay cha muốn trở lại và tiếp tục suy niệm về vị Tông Đồ Dân Ngoại, bằng cách đưa ra một tiểu sử ngắn về ngài.

Bởi vì chúng ta sẽ dành thứ tư tuần tới cho một biến cố phi thường đã xảy ra trên đường đi Đamascô, là biến cố Thánh Phaolô trở lại, một khúc quanh căn bản trong cuộc đời của ngài, là kết quả của cuộc gặp gỡ Đức Kitô, hôm nay chúng ta nhìn cách vắn tắt vào toàn thể cuộc đời của ngài.

Chúng ta có tiểu sử về những thời điểm đặc biệt của cuộc đời Thánh Phaolô ở thư gửi Philêmôn, trong đó ngài tuyên bố rằng mình đã “già” (Phlm 9: “presbytes), và sách Tông Đồ Công Vụ diễn tả ngài còn “trẻ” khi người ta ném đá Thánh Têphanô, (7:58: “neanias”). Hai cách nói trên có thể chỉ nói cách chung, nhưng theo cách tính ngày xưa thì một người khoảng 30 tuổi được coi là “trẻ”, và khi người ấy khoảng 60 tuổi thì được coi là “già”.

Theo kỳ hạn tuyệt đối thì ngày sinh của Thánh Phaolô tùy thuộc nhiều vào thời gian mà ngài viết thư cho Philêmôn. Theo truyền thống thì thư ấy được viết vào thời kỳ ngài bị giam tại Rôma, khoảng giữa thập niên 60. Vậy Thánh Phaolô có thể được sinh ra vào năm 8; như thế lúc đó ngài khoảng trên dưới 60 tuổi, trong khi ném đá Thánh Têphanô thì ngài chừng 30 tuổi. Điều này chắc là đúng theo lịch sử. Thực ra, việc cử hành Năm Thánh Phaolô mà chúng ta mừng là dựa vào lịch sử này. Chọn năm 2008 vì nghĩ rằng năm sinh của ngài khoảng trên dưới năm 8.

Trong trường hợp nào đi nữa, thì ngài cũng sinh ra tại Tarsô trong vùng Cilicia (x. Cv 22:3). Thành phố này là thủ phủ của vùng, và trong năm 51 trước công nguyên có một thủ hiến không phải ai khác hơn ông Marcô Tulliô Cicêrô, mười năm sau, Tarsô là gặp gỡ giữa Marcô Antôniô và Clêopatra.

Là một người Do Thái lưu vong, ngài nói tiếng Hy Lạp mặc dù có tên gốc La Tinh, bắt nguồn từ trùng âm với tên Saulê/Saulô của tiếng Do Thái, và ngài là công dân Rôma (x. Cv 22:25-28). Như thế, Thánh Phaolô được coi là ở ranh giới của ba nền văn hóa khác nhau – Rôma, Hy Lạp và Do Thái – và có thể cũng vì thế mà ngài thành công trong việc cởi mở cách phổ quát, và làm trung gian giữa các nền văn hóa, một sự phổ quát thật sự.

Ngài cũng học làm việc tay chân, có thể từ thân phụ ngài, gồm có việc của “thợ làm lều” (x. Cv 18:3: skenopios), có thể được hiểu là thợ đan lông dê thô hay sợi vải để làm vải lót hoặc làm mái lều (x. Cv 20:33-35).  Khi chừng 12 hay 13 tuổi, là tuổi mà các trẻ trai Do Thái trở thành “bar mitzvah” (con của giới luật), Thánh Phaolô rời Tarsô đến Giêrusalem để được thụ giáo dưới chân Thầy Gamaliel Cả, là cháu của vị Thầy vĩ đại Hilllel, theo những tiêu chuẩn khắt khe nhất của nhóm Biệt Phái và có được một lòng hết sức nhiệt thành đối với Lề Luật Môsê (x. Galatians 1:14; Philippians 3:5-6; Cv 22:3; 23:6; 26:5).

Dựa trên sự chính thống sâu sắc mà ngài đã học được ở trường phái Hillel tại Giêrusalem, ngài thấy phong trào mới của Giêsu thành Nadareth là một nguy cơ, một mối đe dọa cho căn tính Do Thái, cho sự chính thống chân chính của cha ông. Điều này giải thích sự kiện ngài “khủng bố Hội Thánh của của Thiên Chúa” cách mãnh liệt, như ngài đã thú nhận ba lần trong các Thư của ngài (1 Corinthians 15:9; Galatians 1:13; Philippians 3:6). Mặc dù khó mà tưởng tượng được việc khủng bố này gồm có những gì, nhưng dầu sao thì cuộc khủng bố của ngài cũng đã có một thái độ không dung thứ.

Chính vì thế mới có biến cố Đamascô mà chúng ta sẽ trở lại trong bài Giáo Lý sau. Chắc chắn rằng từ giây phút ấy, cuộc đời của ngài thay đổi và ngài đã trở nên một Tông Đồ rao giảng Tin Mừng không biết mệt. Thực ra, lịch sử biết đến Thánh Phaolô như một Kitô hữu, hơn nữa, như một Tông Đồ, nhiều hơn là một Biệt Phái. Hoạt động tông đồ của ngài được chia theo truyền thống dựa vào ba cuộc hành trình truyền giáo của ngài, mà cuộc hành trình thứ tư được thêm vào — cuộc hành trình đi Rôma như một tù nhân. Tất cả được Thánh Luca kể lại trong sách Tông Đồ Công Vụ. Tuy nhiên khi nói về ba cuộc hành trình truyền giáo, chúng ta cần phân biệt cuộc hành trình thứ nhất với hai cuộc hành trình kia.

Thực ra, đối với cuộc hành trình thứ nhất (x. Cv 13-14), Thánh Phaolô không có nhiệm vụ trực tiếp, vì nhiệm vụ này được trao phó cho Thánh Cypriô Barnaba. Hai người cùng nhau khởi hành từ Antioch trên sông Ôrontê, được Hội Thánh ở đó sai đi (Cv 13:1-3), và sau đó, xuống tàu ra đi tại cảng Xêlêucia trên bờ biển Xyria, các ngài đi qua đảo Cyprô từ Xalami đến Paphô; từ đó các ngài đến bờ biển phiá nam của Anatôlia, ngày nay là Thổ Nhĩ Kỳ, và đã ngừng lại ở các thành phố Attalia, Parga của Pamphilia, Antioch của Pisiđia, Iconium, Lystra và Derbê, và từ đó các ngài trở lại điểm khởi hành.

Như thế Hội Thánh của dân chúng, Hội Thánh của Dân Ngoại được khai sinh. Đồng thời, nhất là ở Giêrusalem, đã xảy ra một cuộc tranh luận sôi nổi về việc các Kitô hữu gốc Dân Ngoại phải tham gia vào đời sống và lề luật của Israel ở những điểm nào – tuân giữ tất cả những luật lệ là những điều làm cho dân Israel khác biệt với các dân khác trên thế giới — để được thực sự tham gia vào những lời hứa của các ngôn sứ và tham gia hữu hiệu vào gia nghiệp của Israel.

Để giải quyết vấn đề căn bản này cho việc khai sinh Hội Thánh tương lai, Thánh Phaolô đã họp tại Giêrusalem với Công Đồng các Tông Đồ, như người ta gọi, để giải quyết vấn đề này là vấn đề mà việc khai sinh của Hội Thánh hoàn vũ lệ thuộc vào. Công Đồng đã quyết định là không bắt Dân Ngoại tòng giáo phải tuân giữ luật Môsê (x. Cv 15:6-30); có nghĩa là họ không phải giữ những điều luật của người Do Thái . Chỉ có điều họ cần làm để thuộc về Đức Kitô là sống với Đức Kitô và  theo những lời của Người. Như vậy, một khi thuộc về Đức Kitô họ cũng thuộc về Abraham, thuộc về Thiên Chúa và được tham dự vào tất cả các lời hứa.

Sau biến cố quyết định này, Thánh Phaolô rời Thánh Barnaba, chọn Thánh Sila, và bắt đầu cuộc hành trình truyền giáo thứ hai của ngài (x. Cv 15:36-18;22). Sau khi đi qua Syria và Cilicia, ngài lại thấy thành Lystra, ở đó ngài đem theo Thánh Timôthê — một khuôn mặt rất quan trọng của Hội Thánh sơ khai, con của một phụ nữ Do Thái và một người ngoại giáo – và ngài cho ông được cắt bì, ngài đi băng qua vùng trung bộ Anatolia và đến thành Troas ở bờ biển phía bắc của Biển Aegean. Ở đây đã xảy ra một biến cố quan trọng khác: trong một giấc mơ ngài thấy có một người Macêđônia ở phía bên kia biển, tức là Âu Châu, nói với ngài, “Xin hãy đến và giúp chúng tôi!”

Đó là Âu Châu tương lai đã xin giúp đỡ và ánh sáng Tin Mừng. Được thị kiến này thúc đẩy, ngài đã đi sang Âu Châu bằng cách đi tàu qua Macêđônia, và như thế ngài đã vào Âu Châu. Xuống tàu ở Neapolis, ngài đã đến Philippi, là nơi ngài đã thiết lập một cộng đồng Kitô hữu đáng phục. Rồi ngài đi Thessalônica, và sau cùng ngài đã rời đó, vì những khó khăn do người Do Thái gây ra, đến Bêrôea, và rồi tiếp tục đi đến Athen.

Sau Athen, ngài đến Côrinthô, là nơi mà ngài ở lại một năm rưỡi. Và ở đây chúng ta có những biến cố theo thứ tự thời gian chắc chắn, chắc chắn nhất trong tất cả tiểu sử của ngài, bởi vì trong lần cư trú tại Corinthô đầu tiên này, ngài phải ra trước thủ hiến của tỉnh Achaia, là thống đốc Galliônê, vì bị buộc tội thờ phượng trái phép.

Về ông Galliônê thì người ta đã tìm thấy một bia cổ ở Delphi trên đó khắc rằng ông là thống đốc của Côrinthô giữa năm 51 và 53. Như thế, ở đây chúng ta có một dữ kiện hoàn toàn chắc chắn. Việc Thánh Phaolô cư ngụ tại Côrinthô đã xảy ra vào những năm đó. Vậy chúng ta có thể cho rằng ngài đã đến đó vào khoảng năm 50 và đã ở đó cho đến năm 52. Rồi từ Côrinthô, ngài đi qua Cencrê, một hải cảng phía đông của thành phố, sau đó ngài đi xuống Palestine đến Caesarea Maritima, và ngài rời đó để đi Giêrusalem để sau đó trở về Antioch bằng đường sông Ôrontê.

Cuộc hành trình truyền giáo thứ ba (x. Cv 18:23-21:16) khởi đầu như thường lệ từ Antioch, là nơi đã trở thành khởi điểm cho Hội Thánh của Dân Ngoại, cho cuộc truyền giáo cho Dân Ngoại, và cũng là nơi phái sinh ra từ “Kitô hữu”. Thánh Luca cho chúng ta biết rằng lần đầu tiên ở đây những người theo Chúa Giêsu được gọi là “Kitô hữu.”

Từ đó Thánh Phaolô đi thẳng tới Êphêsô, là thủ phủ của tỉnh Asia, và ngài ở lại đó hai năm, thi hành mục vụ đem lại kết quả cho vùng. Từ Êphêsô, Thánh Phaolô đã viết các Thư gửi các tín hữu Thessalônica và Côrinthô. Tuy nhiên dân trong thành đã bị các thợ bạc xúi dục chống lại ngài vì họ thấy lợi nhuận của họ bị sa sút vì số người thờ thần Artemis giảm đi — đền thờ để kính nữ thần này ở Êphêsô, gọi là Artenysion, là một trong bảy kỳ công của thế giới cổ. Vì việc này mà ngài phải bỏ lên miền bắc. Sau khi đi qua Macêđônia một lần nữa, ngài lại đi xuống Hy Lạp, có lẽ đến Côrinthô, ở đó ba tháng và viết Thư thời danh gửi tín hữu Rôma.

Từ đây, ngài trở về cùng một đường: đi trở lại Macêđônia, đi tầu qua Troy, rồi thăm các đảo của vùng Milêtô, là Kios,Samos một chút, ngài đến Miltô, là nơi ngài nói chuyện một bài quan trọng với các kỳ lão của Hội Thánh Êphêsô, phác họa một dung mạo của một chủ chăn chân chính của Hội Thánh (x. Cv 20).

Từ đó ngài xuống tàu đi Tyre, rồi đến Caesarea Maritima và lại đi về Giêrusalem. Ngài bị bắt tại đó vì một sự hiểu lầm: có một số người Do Thái đã lầm tưởng những người Do Thái khác gốc Hy Lạp là dân ngoại, được Thánh Phaolô đem vào khu vực Đền Thờ chỉ dành riêng cho dân Israel. Ngài tránh được án tử hình mà họ dự định nhờ sự can thiệp của một cơ đội trưởng canh giữ khu vực đền thờ (Cv 21:27-36). Việc này xảy ra khi thủ hiến Anthoniô Feliciô đang ở  Giuđa. Sau khi ở trong tù một thời gian – kéo dài bao lâu thì còn trong vòng bàn cãi – Thánh Phaolô vì là một công dân Rôma, nên đã khiếu nại lên Caesarê  — khi ấy là Nêrô — và vị thủ hiến sau đó là Porciô Festô đã trao cho quân đội giải ngài về Rôma.

Cuộc hành trình đi Rôma qua đảo Crête và Malta, rồi đến thành Syracuse, Rhêgium và Putêôli. Các Kitô hữu ở Rôma đã ra gặp ngài ở Via Appia cùng tại chợ Appiô (70 cây số phía nam thủ đô), và những người khác ở Ba Quán (40 cây số).

Tại Rôma ngài đã gặp các đại diện của cộng đồng Do Thái, ngài đã bày tỏ với họ rằng “vì hy vọng của dân Israel” mà ngài phải chịu xiềng xích (Cv 28:20). Tuy nhiên, chuyện của Thánh Luca chấm dứt bằng việc nói đến hai năm bị giam lỏng tại gia của Thánh Phaolô, mà không đề cập đến việc Caesarê (Nerô) kết án, hay ít ra là về cái chết của người bị kết án.

Các truyền thống sau đó nói về việc ngài được trả tự do, là điều thuận tiện cho một cuộc truyền giáo tại Tây Ban Nha, hoặc một cuộc hành trình ngắn về Đông Phương sau đó, đặc biệt là đảo Cretê, Ephêsô và Nicôpôlis ở Êpirô. Luôn dựa trên giả thuyết, người ta cho rằng ngài lại bị bắt một lần nữa và bị tù ở Rôma lần thứ hai — từ đó ngài đã viết các Thư gọi là Thư Mục Vụ, đó là hai thư gửi Thánh Timôthê và một Thư gửi Thánh Titô, cùng lần ra toà thứ hai, mà kết quả không thuận lợi cho ngài. Tuy nhiên, có hàng loạt lý do khiến cho nhiều học giả về Thánh Phaolô chấm dứt tiểu sử Thánh Phaolô với câu truyện của Thánh Luca trong sách Tông Đồ Công Vụ.

Chúng ta sẽ trở lại việc tử vì đạo của ngài sau trong chu kỳ Giáo Lý này. Giờ đây, trong bài tường thuật ngắn này về những cuộc hành trình của Thánh Phaolô, đủ cho chúng ta lưu ý đến việc ngài hết mình tận tâm tận lực trong việc rao giảng Tin Mừng mà không tiếc nghị lực, cùng đương đầu với hàng loạt những thử thách nặng nề mà ngài đã kể lại cho chúng ta trong Thư Thứ Hai gửi tín hữu Côrinthô (x. 11:21-28).

Hơn nữa, chính ngài viết: “Tôi làm tất cả những điều ấy vì Tin Mừng” (1 Corinthians 9:23), trong lúc thi hành điều mà ngài gọi là “lo lắng cho tất cả các Hội Thánh” (2 Corinthians 11:28) với một lòng đại lượng tuyệt đối. Chúng ta thấy một lòng quyết tâm chỉ được giải thích bởi một linh hồn thật sự được thu hút bởi ánh sáng Tin Mừng, say mê Đức Kitô, một linh hồn được nuôi dưỡng bởi một quyết tâm sâu xa: đó là cần phải đem ánh sáng của Đức Kitô đến cho thế gian, để công bố Tin Mừng cho mọi người.

Cha nghĩ rằng điều này là những gì còn lại với chúng ta từ bài tường thuật ngắn này về những cuộc hành trình của Thánh Phaolô: để thấy lòng say mê của ngài đối với Tin Mừng, và như thế hình dung được sự cao cả, mỹ miều, và hơn nữa sự cần thiết sâu xa mà tất cả chúng ta phải có đối với Tin Mừng. Chúng ta hãy cầu nguyện để Chúa, là Đấng làm cho Thánh Phaolô thấy ánh sáng và nghe lời Người và đánh động lòng ngài cách sâu xa, cũng làm cho chúng ta thấy ánh sáng của Người, để tâm hồn chúng ta cũng được Lời Người chạm đến, ngõ hầu chúng ta cũng có thể cho thế giới hôm nay, là thế giới cần ánh sáng, ánh sáng của Tin Mừng và chân lý của Đức Kitô.

+ĐTC Bênêđictô XVI

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ


[1] Bài này dịch theo bản tiếng Ý. Bản tiếng Anh của Zenit.org dịch là “suy tư về cách sống của Thánh Phaolô”. Có nhiều chỗ khác trong bài này, bản tiếng Anh cũng dịch khác ở đây. Chúng tôi dùng bản tiếng Ý vì nó đúng theo ý của ĐTC hơn. Tuy nhiên chúng tôi sẽ chấm câu theo bản tiếng Anh của Zenit.org.

Galatians 1:14
View in: NAB
14And I made progress in the Jews' religion above many of my equals in my own nation, being more abundantly zealous for the traditions of my fathers.
Philippians 3:5-6
View in: NAB
5Being circumcised the eighth day, of the stock of Israel, of the tribe of Benjamin, an Hebrew of the Hebrews; according to the law, a Pharisee:
6According to zeal, persecuting the church of God; according to the justice that is in the law, conversing without blame.
1 Corinthians 15:9
View in: NAB
9For I am the least of the apostles, who am not worthy to be called an apostle, because I persecuted the church of God.
Galatians 1:13
View in: NAB
13For you have heard of my conversation in time past in the Jews' religion: how that, beyond measure, I persecuted the church of God, and wasted it.
Philippians 3:6
View in: NAB
6According to zeal, persecuting the church of God; according to the justice that is in the law, conversing without blame.
1 Corinthians 9:23
View in: NAB
23And I do all things for the gospel's sake: that I may be made partaker thereof.
2 Corinthians 11:28
View in: NAB
28Besides those things which are without: my daily instance, the solicitude for all the churches.