Bài Giáo Lý Mới III của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô

CUỘC TRỞ LẠI CỦA THÁNH PHAOLÔ

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý mới thứ ba của ĐTC Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô trong buổi Triều Kiến Chung ngày 3-9-2008 tại Sảnh Đường Phaolô VI.

Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý dành cho khuôn mặt và tư tưởng của Thánh Phaolô.

* * *

Anh chị em thân mến:

Bài Giáo Lý hôm nay sẽ dành để nói về kinh nghiệm mà Thánh Phaolô đã cảm nhận được trên đường đi Đamascô, mà người ta thường gọi là cuộc trở lại của ngài. Chính trên đường đi Đamascô, trong ba mươi năm đầu của kỷ nguyên thứ nhất, và sau giai đoạn mà ngài đã khủng bố Hội Thánh, thì giây phút quyết định của đời Thánh Phaolô đã xảy ra. Nhiều người đã viết về giây phút ấy, và đương nhiên là theo nhiều quan điểm khác nhau. Sự thật là có một sự thay đổi toàn diện đã xảy ra lúc ấy, một thay đổi quan điểm hoàn toàn. Từ đó, một cách không ngờ, ngài đã bắt đầu coi tất cả những gì mà trước đây là lý tưởng cao quý nhất, hầu như là lý do sống còn của sự hiện hữu của ngài như “thiệt thòi” và “rác rưởi” (Philippians 3:7-8). Điều gì đã xảy ra?

Về điểm này, chúng ta có hai nguồn tài liệu. Loại thứ nhất mà người ta biết đến nhiều nhất, là các câu chuyện do thủ bút của Thánh Luca, là người đã kể về biến cố này trong ba trường hợp trong sách Tông Đồ Công Vụ (X. 9:1-19; 22:3-21; 26:4-23). Có lẽ các độc giả trung bình sẽ bị cám dỗ ngừng lại quá lâu ở một vài chi tiết nào đó, như ánh sáng từ trời, việc ngã xuống đất, tiếng nói gọi ngài, tình trạng bị mù mới, việc chữa lành cái gì giống như vảy rơi khỏi mắt ngài và ăn chay. Tuy nhiên, tất cả những chi tiết này đều chỉ về một biến cố: là Đức Kitô Phục Sinh đã hiện ra trong một ánh sáng huy hoàng và nói với Saulô, biến đổi tư tưởng và chính cuộc đời của ngài. Ánh sáng của Đấng Phục Sinh đã làm cho ngài bị mù; nhưng cũng trình bày ra ngoài cho chúng ta thấy thực tại nội tâm của ngài, là sự mù quáng của ngài đối với chân lý, với ánh sáng, là Đức Kitô. Và sau đó câu trả lời “xin vâng” với Đức Kitô trong Phép Thánh Tẩy lại mở mắt ngài, và làm cho ngài thật sự nhìn thấy.

Trong Hội Thánh sơ khai, bí tích Thánh Tẩy cũng được gọi là “soi sáng” bởi vì bí tích này ban cho người ta ánh sáng, làm cho người ta thật sự nhìn thấy. Tất cả những gì được ám chỉ theo thần học cũng được thể hiện cách thể lý nơi Thánh Phaolô: Một khi bệnh mù nội tâm được chữa lành, ngài cũng được thấy rõ ràng. Vì thế, Thánh Phaolô không được biến đổi bởi một luồng tư tưởng, nhưng bởi một biến cố, bởi sự hiện diện không chống cự nổi của Đấng Phục Sinh, là Đấng mà ngài không bao giờ còn nghi ngờ nữa, bằng chứng của biến cố, của cuộc gặp gỡ này, thật quá mãnh liệt. Cuộc gặp gỡ ấy thay đổi cuộc đời Thánh Phaolô tận gốc. Trong tương quan này, người ta có thể và phải nói về một cuộc hoán cải. Cuộc gặp gỡ này là trung điểm của bài tường thuật của Thánh Luca, là người rất có thể đã dùng một câu chuyện chắc được bắt đầu từ cộng đồng Đamascô. Sắc thái địa phương gợi ra điều này qua sự hiện diện của Ananias và tên của cả con đường cũng như người chủ của ngôi nhà mà Thánh Phaolô đã ở (x. Cv 9:11).

Loại nguồn tài liệu thứ nhì về cuộc trở lại là chính các Thư của Thánh Phaolô. Ngài đã không bao giờ nói về biến cố này cách chi tiết; cha nghĩ rằng ngài cho rằng mọi người đều biết những điều chính yếu của câu truyện của ngài. Tất cả đều biết rằng từ việc là một người bắt đạo, ngài biến đổi thành một Tông Đồ nhiệt thành của Đức Kitô. Và điều này không xảy ra sau một suy tư riêng của ngài, nhưng từ một biến cố mãnh liệt, từ một cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh. Mặc dầu không được nói đến cách chi tiết, nhưng ngài đã nói về biến quan trọng nhất này, đó là, ngài cũng là một chứng nhân cho sự sống lại của Chúa Giêsu, mặc khải mà ngài đã trực tiếp nhận được từ Chính Chúa Giêsu, cùng với sứ vụ làm Tông Đồ.

Văn từ rõ ràng nhất về phương diện này được tìm thấy trong bài tường thuật của ngài về điều gì là tâm điểm của lịch sử cứu độ: cái chết và sống lại của Chúa Giêsu và những cuộc hiện ra với các nhân chứng (x. 1 Cor 15). Bằng những lời của truyền thống rất cổ xưa, mà ngài cũng nhận được từ Hội Thánh ở Giêrusalem, ngài nói rằng Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh và chết, và sau khi sống lại Người đã hiện ra trước hết với Kêpha, rồi với Nhóm Mười Hai, và sau đó với 500 anh em mà đến nay vẫn còn sống, rồi với Thánh Giacôbê, rồi với tất cả các tông đồ.

Và ngài thêm vào bài tường thuật mà ngài nhận được từ truyền thống rằng: “Sau cùng … Người cũng đã hiện ra với tôi” (1 Corinthians 15:8). Như vậy ngài xác nhận rằng đó là nền tảng của việc tông đồ và đời sống mới của ngài. Cũng có những đoạn văn khác mà trong đó nhắc đến cùng một điều: “Đức Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người chúng tôi nhận được ân sủng và chức vụ Tông Đồ” (x. Romans 1:5); Và ở chỗ khác: “Tôi đã chẳng thấy Chúa Giêsu, Chúa chúng ta sao?” (1 Corinthians 9:1), những lời mà ngài dùng để ám chỉ điều mà mọi người đều biết. Cuối cùng, chúng ta tìm thấy đoạn văn đầy đủ nhất trong Thư gửi tín hữu Galatê 1:15-17: “Nhưng khi Ðấng đã để tôi riêng ra ngay từ trong lòng mẹ, và đã gọi tôi bằng ân sủng của Ngài, đã vui lòng mặc khải Con của Ngài cho tôi, ngõ hầu tôi rao giảng về Người giữa các Dân Ngoại, tôi đã lập tức không bàn thảo với người phàm, tôi cũng không lên Giêrusalem để gặp các vị đã là Tông Ðồ trước tôi, nhưng tôi đã qua Arabia, rồi lại trở về Ðamascô”. Trong bài “tự bào chữa” này ngài đã nhấn mạnh cách quả quyết rằng ngài cũng là một nhân chứng thật của Đấng Phục Sinh, rằng ngài có một sứ vụ nhận được trực tiếp từ Đấng Phục Sinh.

Chúng ta có thể thấy rằng cả hai nguồn tài liệu, sách Tông Đồ Công Vụ và các Thư của Thánh Phaolô, đều đồng quy về một điểm căn bản: Đấng Phục Sinh đã nói với Thánh Phaolô, mời gọi ngài vào sứ vụ Tông Đồ, làm cho ngài thành một Tông Đồ thật, một nhân chứng cho việc sống lại, với một nhiệm vụ đặc biệt là công bố Tin Mừng cho Dân Ngoại, cho thế giới Hi-La. Và, đồng thời, Thánh Phaolô đã học rằng, mặc dù ngài có liên hệ ngay với Đấng Phục Sinh, ngài vẫn phải hiệp thông với Hội Thánh, được rửa tội, và sống hòa hợp với các Tông Đồ khác. Chỉ trong sự hiệp thông với mọi người này mà ngài sẽ có thể trở thành một Tông Đồ thật sự, như ngài đã viết rõ trong Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô: “Dù tôi hay các vị ấy, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như thế” (15:11). Chỉ có một tuyên ngôn về Đấng Phục Sinh, bởi vì chỉ có một Đức Kitô duy nhất.

Như chúng ta thấy trong những câu này, Thánh Phaolô không bao giờ cắt nghĩa giây phút ấy như một biến cố trở lại. Tại sao? Có nhiều giả thuyết, nhưng lý do thì thật hiển nhiên. Sự thay đổi này của cuộc đời ngài, sự biến đổi toàn thể con người của ngài không phải là kết quả của một tiến trình tâm lý, của một sự trưởng thành hoặc sự tiến hóa về trí tuệ và luân lý, nhưng đến từ bên ngoài: nó không phải là kết quả của suy nghĩ mà là của việc gặp gỡ Đức Chúa Giêsu Kitô. Theo nghĩa này thì nó không đơn thuần là một cuộc hoán cải, một sự trưởng thành của cái “tôi” của ngài, mà là chết và sống lại đối với chính ngài: một đời sống của ngài đã chết đi và một đời sống mới đã sinh ra với Đức Kitô Phục Sinh.

Không có một cách nào khác có thể cắt nghĩa việc đổi mới này của Thánh Phaolô. Tất cả những phân tích về tâm lý không thể làm sáng tỏ hay giải quyết được vấn đề. Chỉ có một biến cố, cuộc gặp gỡ đầy nhiệt tình với Đức Kitô là chìa khóa để hiểu điều gì đã xảy ra: chết và sống lại, sự đổi mới do Đấng là người đã tỏ mình ra và nói với ngài. Chỉ trong nghĩa sâu xa hơn này mà chúng ta có thể và phải nói về hoán cải. Cuộc gặp gỡ này là một canh tân thật sự có thể thay đổi ngài mọi mặt. Giờ đây một người có thể nói rằng những gì trước đây là thiết yếu và căn bản đối với mình, bây giờ trở thành “rác rưởi” cho mình; không còn là “được” nữa mà là thua thiệt, bởi vỉ bây giờ chỉ có đời sống trong Đức Kitô mới là điều đáng kể.

Tuy nhiên, chúng ta không được nghĩ rằng Thánh Phaolô mù quáng giam mình vào một biến cố. Trên thực tế, điều trái ngược đã xảy ra, bởi vì Đức Kitô Phục Sinh là ánh sáng của chân lý, là ánh sáng của Chính Thiên Chúa. Điều này làm cho tâm hồn ngài trở nên đại lượng và mở ra cho tất cả mọi người. Vào giây phút ấy, ngài đã không mất những gì là chân thật và tốt lành trong cuộc đời ngài, trong di sản của ngài, nhưng ngài đã hiểu sự khôn ngoan, chân lý, và chiều sâu của Lề Luật và các ngôn sứ một cách mới mẻ; ngài đã chiếm hữu nó một cách mới.  Đồng thời, lý trí của ngài mở ra đối với sự khôn ngoan của Dân Ngoại. Nhờ đã hết lòng mở chính mình ra cho Đức Kitô, ngài trở nên có khả năng tham gia vào các cuộc đối thoại rộng rãi hơn với mọi người, ngài làm cho mình trở nên mọi sự cho mọi người. Như thế ngài có thể trở thành Tông Đồ Dân Ngoại.

Bây giờ chúng ta hãy nhìn đến tình trạng của chúng ta. Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Nó có nghĩa rằng đối với chúng ta, Kitô giáo cũng không phải là một triết lý mới hay là một luân lý mới. Chúng ta chỉ là Kitô hữu nếu chúng ta gặp gỡ Đức Kitô. Đương nhiên là Người không tỏ Mình ra cho chúng ta một cách không thể cưỡng lại được và sáng lạng như Người đã tỏ ra cho Thánh Phaolô để làm cho ngài thành Tông Đồ Dân Ngoại.

Tuy thế, chúng ta cũng có thể gặp gỡ Đức Kitô trong việc đọc Thánh Kinh, trong cầu nguyện, trong đời sống phụng vụ của Hội Thánh. Chúng ta có thể chạm đến Trái Tim Đức Kitô và cảm thấy Người chạm đến trái tim chúng ta. Chỉ trong liên hệ cá nhân này với Đức Kitô, chỉ trong cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh, mà chúng ta mới thật sự trở thành những Kitô hữu. Và bằng cách này, lý trí chúng ta mở ra, toàn thể sự khôn ngoan của Đức Kitô mở ra cùng với tất cả sự sung mãn và chân lý. Cho nên, chúng ta hãy cầu xin Chúa soi sáng cho chúng ta, để trong thế giới của chúng ta, Người sẽ ban cho chúng ta được gặp gỡ sự hiện diện của Người, và như thế ban cho chúng ta một đức tin sống động, một tâm hồn rộng mở, và một đức ái vĩ đại đối với mọi người, [một đức ái] có khả năng canh tân thế giới.

+ĐTC Bênêđictô XVI

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Philippians 3:7-8
View in: NAB
7But the things that were gain to me, the same I have counted loss for Christ.
8Furthermore I count all things to be but loss for the excellent knowledge of Jesus Christ my Lord; for whom I have suffered the loss of all things, and count them but as dung, that I may gain Christ:
1 Corinthians 15:8
View in: NAB
8And last of all, he was seen also by me, as by one born out of due time.
Romans 1:5
View in: NAB
5By whom we have received grace and apostleship for obedience to the faith, in all nations, for his name;
1 Corinthians 9:1
View in: NAB
1Am not I free? Am not I an apostle? Have not I seen Christ Jesus our Lord? Are not you my work in the Lord?