ĐỨC TIN PHẢI ĐƯỢC THỂ HIỆN TRONG ĐỨC ÁI
Dưới đây là bản dịch bài huấn từ của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI về Thánh Phaolô trong buổi triều yết chung vào ngày Thứ Tư 26/11/2008 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ĐTC tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về chân dung và tư tưởng của Thánh Phaolô. Có sự hiện diện của Đức Giáo Chủ Aram I của Cilicia thuộc Giáo Hội Armênia.
* * *
Anh chị em thân mến,
Trong bài Giáo Lý Thứ Tư tuần trước, Cha đã bàn đến việc làm thế nào để một người được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa. Theo Thánh Phaolô, chúng ta thấy rằng một người không thể trở nên “công chính” nhờ những việc làm riêng của mình, nhưng có thể thật sự trở nên “công chính” chỉ bởi vì Thiên Chúa ban cho người ấy “ơn công chính” qua việc kết hợp với Con Ngài là Đức Kitô. Và con người có được sự kết hợp với Đức Kitô này nhờ Đức Tin. Đó là lý do tại sao Thánh Phaolô bảo chúng ta rằng, không phải việc làm của chúng ta, nhưng Đức Tin làm cho chúng ta nên “công chính”. Tuy nhiên Đức Tin này không phải là một tư tưởng, ý kiến, hay quan niệm. Đức Tin này là sự hiệp thông với Đức Kitô, mà Chúa ban cho chúng ta, và vì thế nó trở nên sự sống, sự phù hợp với Người. Hay nói cách khác, nếu Đức Tin có thật, nếu Đức Tin chân chính, nó trở thành tình yêu, nó trở thành Đức Ái, nó phải được diễn tả bằng Đức Ái. Một Đức Tin không có tình yêu, không có hoa trái, không thể là Đức Tin thật. Nó phải là một Đức Tin chết.
Như vậy chúng ta đã khám phá ra hai mức độ trong bài Giáo Lý trước: một là của thiếu xót của các hành động của chúng ta, của các việc làm của chúng ta, để đạt được ơn cứu độ, và hai là của “ơn công chính hoá” nhờ Đức Tin, một Đức Tin sinh hoa quả của Chúa Thánh Thần. Sự lẫn lộn giữa hai mức độ này đã gây ra nhiều hiểu lầm trong Kitô giáo trong nhiều thế kỷ qua.
Trong phạm vi này, điều quan trọng là Thánh Phaolô trong Thư gửi tín hữu Galatê, một đàng thì nhấn mạnh một cách quá đáng đến ơn công chính hóa mà chúng ta nhận được cách nhưng không chứ không nhờ việc làm, đồng thời ngài cũng nhấn mạnh đến liên hệ giữa Đức Tin và Đức Ái, giữa Đức Tin và việc làm: “trong Ðức Giêsu Kitô, cắt bì hay không cắt bì đều không có giá trị gì cả, mà là đức tin hoạt động qua Đức Ái” (Galatians 5:6). Cũng thế, một đàng có “những việc làm của xác thịt”, đó là “dâm đãng, ô uế, phóng túng, thờ tà thần,…” (Galatians 5:19-21): đó là những việc làm trái ngược với Đức Tin; đằng khác, có những việc làm của Chúa Thánh Thần, là những việc làm nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu bằng cách tạo ra “bác ái, vui mừng, bình an, kiên nhẫn, nhân hậu, hào hiệp, trung tín, khiêm nhường, và tự chủ” (Galatians 5:22): đó là những hoa quả của Chúa Thánh Thần, được sinh ra nhờ Đức Tin.
Đứng đầu của danh sách các nhân đức này là ágape, Đức Ái, và đứng cuối là tự chủ. Trên thực tế, Chúa Thánh Thần, chính là Tình Yêu giữa Chúa Cha và Chúa Con, truyền hồng ân thứ nhất, ágape, vào lòng chúng ta (x. Romans 5:5); và ágape, Đức Ái, để được diễn tả cách đầy đủ cần phải có sự tự chủ. Trong Thông Điệp đầu tiên của Cha, “Deus Caritas Est”, Cha đã nói về Tình Yêu của Chúa Cha và Chúa Con, là điều đến với chúng ta và biến đổi cuộc đời chúng ta một cách sâu xa. Các tín hữu biết rằng trong sự yêu thương lẫn nhau tình yêu của Chúa Cha và Đức Kitô được biểu hiện bằng Chúa Thánh Thần.
Chúng ta hãy trở lại Thư gửi tín hữu Galatê. Ở đây, Thánh Phaolô đã nói rằng, các tín hữu làm trọn giới luật yêu thương bằng cách vác đỡ gánh nặng của nhau (x. Galatians 6:2). Được nên công chính nhờ hồng ân Đức Tin vào Đức Kitô, chúng ta được mời gọi sống cho tha nhân trong tình yêu của Đức Kitô, bởi vò đó là điều kiện mà dựa vào đấy Chúa sẽ xét xử chúng ta ở cuối cuộc đời. Trên thực tế, Thánh Phaolô không làm gì khác hơn là nhắc lại những gì chính Chúa Giêsu đã nói, mà chúng ta đã nhắc lại trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, trong dụ ngôn về Ngày Chung Phán.
Chúng ta hãy trở lại Thư Thứ Nhất gửi tín hữu Côrinthô, Thánh Phaolô cống hiến cho chúng ta một bài ca tụng tình yêu thời danh; còn được gọi là Bài Ca Đức Ái: “Nếu tôi nói được các ngôn ngữ của loài người và của các thiên sứ, mà không có Đức Ái, thì tôi cũng sẽ không khác gì một cái chiêng inh ỏi, hay một cái cồng rền vang…. Đức ái thì kiên nhẫn, ân cần, không ghen tương, không khoe khoang, không tự đắc, không thô lỗ, không tìm tư lợi, …” (1 Corinthians 13:1,4-5).
Tình yêu Kitô đòi hỏi rất nhiều bởi vì nó phát sinh từ tình yêu hoàn toàn mà Đức Kitô dành cho chúng ta: tình yêu này đòi buộc chúng ta, đón chào chúng ta, ấp ủ chúng ta, nuôi dưỡng chúng ta, và ngay cả hành hạ chúng ta, bởi vì nó đòi chúng ta phải không còn sống cho chính mình, không còn khép kín trong tính ích kỷ nữa, nhưng sống cho “Đấng đã chết và sống lại cho chúng ta” (x. 2 Corinthians 5:15). Tình yêu của Đức Kitô làm cho chúng ta trở thành tạo vật mới này trong Người (x. 2 Corinthians 5:17), được vào để hợp thành nhiệm phần tử của Nhiệm Thể của Người là Hội Thánh.
Từ quan điểm này, vị trí trung tâm của sự công chính hóa không cần việc làm, là mục tiêu chính của việc rao giảng của Thánh Phaolô, không trái ngược với Đức Tin hoạt động trong Đức Ái. Trái lại, chính Đức Tin của chúng ta cần phải được diễn tả trong đời sống theo Chúa Thánh Thần. Thường người ta thấy những quan điểm trái ngược vô căn cứ giữa thần học của Thánh Phaolô và Thánh Giacôbê, là đấng đã nói trong thư của ngài: “Vì như một thân xác không có thần khí là một xác chết, thì đức tin không có việc làm cũng là đức tin chết” (2:26).
Trên thực tế, trong khi Thánh Phaolô quan tâm nhiều nhất đến việc chứng tỏ rằng Đức Tin vào Đức Kitô là điều cần và đủ, Thánh Giacôbê nhấn mạnh đến kết quả của sự liên hệ giữa Đức tin và việc làm (x. Gia 2:2-4). Cho nên, đối với Thánh Phaolô và Thánh Giacôbê, Đức Tin hoạt động trong Đức Ái làm chứng cho hống ân nhưng không của ơn công chính hóa trong Đức Kitô. Ơn Cứu Độ mà chúng ta nhận được trong Đức Kitô, cần được bảo vệ và làm chứng “với sự kính sợ và run rẩy. Vì chính Thiên Chúa tác động trong anh em, cả trong ý chí cũng như việc làm theo lòng nhân lành của Người. Vậy anh em hãy làm mọi việc mà không phàn nàn hay thắc mắc… trong khi anh em tuân giữ Lời ban sự sống” như Thánh Phaolô phải nói ngay cả với các Kitô hữu ở Philipphê (x. Philippians 2:12-14,16).
Chúng ta thường có khuynh hướng rơi vào cùng một sự hiểu lầm đã biểu thị cho cộng đồng Côrinthô: Các Kitô hữu ấy đã nghĩ rằng sau khi được công chính hóa cách nhưng không trong Đức Kitô nhờ Đức Tin, thì họ “được phép làm mọi sự”. Và họ đã nghĩ, và xem ra các Kitô hữu ngày nay cũng thường nghĩ, rằng được phép gây chia rẽ trong Hội Thánh, Thân Mình Đức Kitô, để cử hành Thánh Thể mà không đếm xỉa gì đến những anh em nghèo khổ nhất, để ao ước được những đặc sủng tốt nhất, mà không biết rằng họ là chi thể của nhau, vv…
Hậu quả của Đức Tin không được hiện thân trong Đức Ái tai hại khôn lường, bởi vì nó biến thành một lạm dụng nguy hiểm nhất và thành chủ nghĩa chủ quan đối với chúng ta và anh em chúng ta. Ngược lại, theo Thánh Phaolô, chúng ta phải đổi mới ý thức của mình về sự thật là, chính vì chúng ta đã được công chính hóa trong Đức Kitô, mà chúng ta không còn thuộc về mình nữa, nhưng đã được trở thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần, và như thế được mời gọi để làm vinh danh Thiên Chúa trong thân xác mình cùng với toàn thể cuộc đời mình (x. 1 Corinthians 6:19). Nếu sau khi đã được mua bằng giá rất đắt là Máu của Đức Kitô, mà chúng ta không làm vinh danh Thiên Chúa trong thân xác mình, thì đó là khinh miệt giá trị vô song của ơn công chính hóa.
Trên thực tế, đó chính là sự phụng thờ “hợp lý” và đồng thời “trong tinh thần” mà vì thế Thánh Phaolô khuyên nhủ chúng ta “hãy hiến dâng thân xác anh em như một của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Romans 12:1). Một phụng vụ sẽ trở thành cái gì nếu chỉ hướng về Chúa, mà đồng thời không trở thành việc phục vụ anh em, có phải thành một Đức Tin không được diễn tả qua Đức Ái không? Và Thánh Tôngh Đồ thường đặt các cộng đoàn của ngài trước Cuộc Phán Xét Chung, trong đó “tất cả chúng ta đều phải ra trước toà án của Ðức Kitô, để mỗi người lãnh nhận những gì tương xứng với các việc đã làm khi còn ở trong thân xác, dù là việc tốt hay xấu” (2 Corinthians 5:10; x. Romans 2:16).
Nếu đạo lý mà Thánh Phaolô đề ra cho các tín hữu không biến thành những hình thức vụ đạo lý, và nếu nó còn được làm sáng tỏ cho chúng ta ngày nay, chính bởi vì nó luôn bắt đầu lại từ liên hệ giữa cá nhân và cộng đoàn với Đức Kitô, để được thể hiện trong đời sống theo Chúa Thánh Thần. Đây là điều cần thiết: Đạo lý Kitô giáo không phát sinh từ một hệ thống các giới răn, nhưng trái lại là kết quả thật sự của tình bằng hữu của chúng ta với Đức Kitô. Tình bằng hữu này ảnh hưởng đến đời sống: Nếu điều này đúng, thì tình bằng hữu này hiện thân và hoàn thành trong việc yêu thương những người lân cận. Như thế, bất cứ một sự thoái hóa nào về đạo đức không chỉ giới hạn trong phạm vi cá nhân, nhưng đồng thời cũng làm giảm sút Đức Tin cá nhân và cộng đoàn: là nơi mà chúng ta nhận được Đức Tin, và chịu ảnh hưởng rõ ràng bởi chúng ta.
Cho nên, chúng ta hãy để cho sự hòa giải mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong Đức Kitô, để cho tình yêu “điên dại” của Thien Chúa dành cho chúng ta, chạm đến chúng ta: Không ai và không gì có thể tách rời chúng ta ra khỏi tình yêu của Ngài (x. Romans 8:39). Chúng ta sống với niềm xác tín này. Và niềm xác tín này cho chúng ta sức mạnh để sống Đức Tin hoạt động trong Đức Ái một cách cụ thể.
+ĐTC Bênêđictô XVI
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ